Ðể giới thiệu về khuynh hướng sáng tác thi ca của bản thân, Nguyễn Đăng Thường viết:
“Tôi có hai kỷ niệm, một vui, một buồn, với ông Nguyễn Du. Buồn, thời tiểu học, khi bị quỳ và ăn trứng vịt, vì không thuộc bài “Kiều đi thanh minh.” Vui, thời trung học, vì đứng đầu khi thi ám đọc với đoạn “lầu xanh mới rủ trướng đào” do mình lựa chọn, trong lúc cả lớp chỉ ê a “trăm năm trong cõi người ta” trả nợ cho thầy. Khi tới nước ta để cai trị, ngoài các công sở, dinh thự (như dinh toàn quyền, thành lính, tòa án, tòa bố, kho bạc, bưu điện, nhà tù, nhà thờ, nhà thương, rạp hát, trường học, v.v…) người Pháp cũng có xây thêm một cái nhà chứa. Trước, là để phục vụ các viên chức độc thân và lính săng đá. Sau, họ cho dân ta chơi ké. Nhưng họ không đặt tên. Ngưng Bích là một cái tên khá xinh cho một cái nhà thổ. Không biết đã do ai đặt cho. Tú Bà? Thanh Tâm Tài Nhân? Nguyễn Du? Nếu do Tú Bà thì điều đó chứng tỏ mụ ta không thể là một người hoàn toàn độc ác. Bởi mụ cũng có tâm hồn thi sĩ như ai. Hay ngược lại. Điều này chứng tỏ rằng các nhà thơ, nghĩa là những người mang tâm hồn thi sĩ, cũng có thể là những kẻ thâm độc trăm phần. Xin để bạn đọc tự tìm lấy một ví dụ.” [*]
Và sau đó đã kết luận: “Thi sĩ như một thiên tài độc đáo tạo một “cõi thơ” riêng, là một quan niệm đã lỗi thời. Truyện Kiều là cả một bộ sưu tập những hình ảnh “thi vị” sẵn có của thơ chữ Hán. Cendrars khi sáng chế thơ chụp bắt (lấy một đoạn văn của người khác và biến chúng thành thơ của mình) là để chứng minh rằng, một,văn xuôi phi thi (của Gustave Le Rouge) cũng có thể là thơ, hai, là để tránh ẩn dụ, trữ tình, tách thơ ra khỏi những trường phái, chủ nghĩa, ra ngoài những mục tiêu long trọng về cái đẹp tuyệt mỹ, vĩnh hằng. Dĩ nhiên, tân hình thức Việt không là một trường phái, chủ nghĩa hiểu theo nghĩa cũ, chỉ là sự cách tân để giải phóng thơ (và người thơ). “Công việc của chúng ta, chẳng phải cách mạng hay phủ nhận ai, mà để cứu chính chúng ta và thơ khỏi bị chìm xuống giống như tiểu thuyết hay hội họa VN bây giờ.” (Khế Iêm)” [*]
“Một Mùa Thiên Đường” là tuyển tập những bài thơ được cho là viết theo thể tự do tân hình thức – một thể thơ thoạt nhìn như những câu văn xuôi ngắn gọn, cô đọng, thường mang triết lý hiện sinh, hay là những hình ảnh ẩn dụ – metaphor tạo ra sự liên tưởng trong tâm trí để diễn đạt ý tưởng một cách sống động hơn. Chẳng hạn như những câu trong “Một Bài Ca”: “Đường sáng lá thức. Đường trưa lá ngủ. Đường chiều lá rụng. Đường ta ta cứ đi. Nhà ta ta cứ xây. Ruộng ta ta cứ cày. Đó tất nhiên là chuyện ngày xửa ngày xưa. Đó đương nhiên hổng phải chuyện ngày nay. Đó có thể hy vọng là chuyện một ngày mai. Tôi ăn chai nhưng không nuốt miểng Tôi ăn khiêng nhưng không bằng miệng. Tôi ăn kiêng nhưng không cữ hai. Không phải ai cũng thích chơi dại.” [Trang 30] Một bài ca tưởng như những nốt xướng âm Sol-Fe khi viết chính tả âm nhạc, nhưng một khi đã hiểu những điều ẩn dụ, thì chữ nghĩa như nước vỡ bờ thinh lặng dàn trải trong lòng độc giả.
Nguyễn Ðăng Thường sinh tại Battambang, Cambodia, vì thân phụ chống Pháp tranh cãi với Phạm Quỳnh ở Hà Nội nên bị thuyên chuyển. Ông tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn khóa thứ nhất năm 1961ban Pháp Văn. Chọn nghề giáo vì khóa học ngắn chỉ có ba năm, và chỉ phải dạy 16 giờ mỗi tuần. Ra trường được bổ về Chu Văn An, và chỉ dạy ở trường này cho tới khi ra hải ngoại. Ông không dạy trường tư thục. Như vậy có thể nói Nguyễn Đăng Thường làm nghề “gõ đầu trẻ” nhiều hơn là “bán cháo phổi.”
Theo Trang Tiền Vệ, ngoài “Một Mùa Thiên Đường,” tác giả còn có tuyển tập “Thơ – Thơ Và Thơ Dịch,” do Trình Bày xuất bản năm 1971. Ngoài ra còn có “Dịch Phẩm Pablo Neruda” – gồm hai mươi bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng, Trình Bày xuất bản1989; “Blaise Cendrars – Văn Xuôi Của Chuyến Xe Lửa Tây-bá-lợi-á, và của Cô Bé Jehanne de France (sau đổi thành Văn Xuôi Đường Tàu Xuyên Tây-bá-lợi-á, và Của Cô Bé Jehanne de France, ) Trình Bày xuất bản năm 1989; “Jacques Prévert, Thơ” (dịch tập thơ Paroles chung với Diễm Châu, Trình Bày xuất bản 1993); “Samuel Beckett, Tưởng Tượng Đã Chết Hãy Tưởng Tượng,” “Linda Lê – Tiếng Nói…” Và nhiều bản dịch khác từ các tác phẩm của Samuel Beckett, Marguerite Duras, Marcelin Pleynet, Francois Auriégas, Jean Genet… Và Thơ-Truyện của Nguyễn Ðăng Thường, do nhà xuất bản Giọt Sương Hoa in vi tính theo dạng thủ công nghệ.
HNP – 5:15am Thứ Bảy ngày 20 tháng 02 năm 2016
[*]. Trích từ “Trôi Đi Như Ngày Tháng” của Nguyễn Đăng Thường, đăng trên Trang Talawas