Lời giới thiệu: Đưa người đọc về không gian mộc mạc, gần gũi của những ngày mùa, những con nước lớn nước ròng, vườn xoài, cây chanh…, nhà văn Lương Thư Trung là một trong những cây bút hiếm hoi tại
hải ngoại đang giữ lại những nét đẹp bình yên của đồng quê Việt Nam một thời. Những câu chuyện dung dị nhưng chất chứa nhiều thâm cứu công phu, tác giả không chỉ dẫn dắt người đọc về với quê xưa mà còn cho ta biết bao điều mới lạ, chẳng hề biết đến dù đã sống với chúng bao năm. Trẻ xin trân trọng giới thiệu và mời quý độc giả lần lượt đón xem những bài viết giá trị này.
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 14 tháng 7 năm 2011
Chú Tư Tiến thân mến,
Tui rất mừng là hôm 02 tháng 7 năm 2011 có nhận được thư chú gởi nhắc cuốn Mùa Màng Ngày Cũ; mừng là vì có một người am kim bác cổ như chú mà ưa ba cái chuyện làng quê tụi tui thì còn gì bằng. Mở đầu lá thư chú viết:
“Kính gửi anh Hai Trầu
Thưa anh em là Tư Tiến, người được anh tặng sách từ bữa 25 tháng 4 mà tới bữa nay mới viết thư cảm ơn. Lý do là em cứ nghĩ mình sẽ viết một bài báo “rất bảnh” về Mùa Màng Ngày Cũ để tặng ông Lương Thư Trung cho nó ngon lành, thay vì một lời cảm ơn suông.Nghĩ thì dễ vậy mà hơn hai tháng nay chưa viết xong nên thôi thì đành cảm ơn suông lấy vốn cái đã, cho dù là muộn. Em chắc là mình mạng Thuỷ nên sông, suối, ao, đìa, rạch, thác… gì em đều thích hết. Con gì ở dưới nước em cũng thích luôn. Mọi sinh hoạt liên quan đến cá tôm (câu, cắm, rớ, lưới, tát, xúc… ) em đều say mê ráo trọi.
Hố Xuân Hương Đà Lạt (Ảnh Tolaiquoc2002)
Trời hại cái là em sinh trưởng ở miền núi nên những cơ hội tiếp xúc với cá nước không nhiều. Đà Lạt có hồ Xuân Hương, em biết rõ cái hồ này như biết căn nhà thời thơ ấu của mình. Chỗ nào nước sâu, chỗ nào nước cạn. Chỗ nào cắm có cá trê, chỗ nào để câu cá giếc, chỗ nào để câu cá chép, lúc nào câu được cá rô, góc nào có bầy ròng ròng mới đẻ…Chỉ có một lần em ghé Tân An, Châu Đốc, lúc 15 tuổi, và được chứng kiến cảnh Kéo Bò. Mãi tới bây giờ, bốn mươi năm sau, em vẫn còn nhớ hình ảnh mớ tôm cá (dám tới bốn năm ký) nhảy lao xao khi người ta mở cửa bò hứng cá vô chậu. Thiệt là thấy ham quá xá. Ở Đà Lạt, đi câu nguyên năm chưa chắc đã được số cá người ta kéo bò chỉ một lần như vậy.”
Chú Tư,
Qua đoạn thơ trên, được biết chú mạng Thuỷ; Thuỷ là mang cái mát đến cho mọi người, mang cái vui cho người làm ruộng. Lạy trời mưa xuống lấy nước tui uống, lấy ruộng tui cày mà. Nghe chú kể chú vốn dân Đà lạt và mê cá trên vùng hồ Xuân Hương tui lại càng mừng, vì hồi xưa tui có lang bạt tới vùng thông reo bốn mùa của chú; có biết hồ Xuân Hương; có nghe tiếng thác Cam Ly chảy róc rách; có đi ngang cà phê Tùng; có liếc vô nhà hàng Cẩm Đô; có ghé lại con đường Bà Triệu bên cái dốc cầu đúc có dòng suối nhỏ chảy rì rào; có qua Lạc Dương coi người ta trồng cải; có xuống Đập Đất nhìn ngắm những giàn trái su; có dìa Đơn Dương xem cá chép nơi đập thuỷ điện Đa Nhim và có băng qua con lộ 20bis với những rừng chồi lưa thưa để thăm Tùng Nghĩa, Đức Trọng và nghe tiếng thác Liên Khương lách mình êm êm qua những ghềnh đá thấp hoặc tiếng nước dập dồn như giận dỗi nơi thác Gougah; rồi tui cũng quay ngược dìa con đường 20 để trở lại Đà Lạt của chú qua những rừng thông trùng trùng bên tiếng thác Prenn nơi cách cây số 13 không xa lắm. Đà Lạt của chú tui nhớ chừng đó của những năm cách nay có hơn bốn chục năm rồi, chứ có mau mắn gì đâu. Nên nay nghe nói Đà Lạt đã thay đổi nhiều giống như tui với chú hồi nào lúc chú mới mười lăm tuổi, chú xuống làng Tân An, quận Tân Châu (Châu Đốc) để được coi người ta kéo bò bắt cá dễ như chơi mà nay có lẽ tuổi đã nhiều, tóc lại hoa râm hơi bộn, và nhứt là tui thì ôi thôi tóc đã bạc mái đầu lâu rồi chú Tư à!
Giờ xin trở lại mùa màng một chút nhe chú Tư. Thi sĩ Quách Tấn trong một lá thư hồi âm nhà văn Nguyễn Hiến Lê, ông có viết: “Làm một bài thơ viết một tập văn mà được người biết rõ chỗ sở đoản sở trường của mình, là toại nguyện. Có được thêm nhiều tri âm, càng quí; bằng chỉ một Chu lang, cũng đủ rồi.”(1) Thành ra, chú có ý viết một bài về cuốn sách cho thiệt “bảnh”như chú dự định, đã là quí rồi; thế rồi vì bận rộn nên chú không viết được và nay thay vào đó, chú viết lá thơ ngắn gọn này tui thấy lại càng quí hóa nhe chú Tư, vì văn hay chẳng nệ vắn dài chú Tư à, dù ngắn nhưng miễn sao nó gói trọn một chút lòng của chú trong đó “cũng đủ rồi” vậy.
Rồi chú kể tiếp việc mê chim:
“Mà nói em mạng Thủy chắc cũng không đúng hẳn. Em cũng mê chim lắm anh à. Chim gì em cũng kết hết. Lúc nhỏ, mỗi năm em được về Sài Gòn một tháng. Em có mặt ở chợ Đũi, có người còn kêu bằng chợ Chó, đúng 30 buổi sáng để coi chim. Coi thôi, chớ không có tiền mua và em có thể đứng coi vài tiếng đồng hồ mỗi ngày như vậy cho tới khi đói chịu hết nổi mới về. “Kiến thức về chim” của em giới hạn chỉ có ở chợ như vậy nên đọc sách của anh xong em mới biết Pelican là Bồ Nông. Bữa trước, cho con gái đi câu, thấy nguyên một bầy Bồ Nông từ trên trời đáp xuống hồ, em nói với nó đó là chim… Chàng Bè! Thiệt là hết thuốc chữa.”
Chú Tư,
Nghe chú kể sơ sơ cái cảnh mê chim cá của chú lúc chú xuống Sài Gòn ghé lại chợ Đũi coi chim, tui cũng nhớ có lúc tui cũng mê chim cá như vậy. Tui cũng có lúc ra chợ Cũ (Sài Gòn), chỗ đường Hàm Nghi, nhìn người ta bán gà tre, chích chòe lửa, manh manh, áo dà, cưỡng, nhồng quên đói bụng luôn. Còn chim “thằng bè” hoặc có chỗ kêu là chim “chàng bè” như chú nhắc, là chim chân vịt, lớn con hay thả trên mặt nước (2); loại chim này làm ổ trên cây, thân lớn nặng tới 10 kílô, hai cánh dang rộng tới 2 mét, lông xám mốc, chân ngắn, có màng da liền như chân vịt, đầu nhỏ, mỏ lớn, phần dưới mỏ có túi đựng cá. Riêng loài bồ nông tương tự như thằng bè, màu lông của nó cũng xám nhưng hơi đậm hơn, đôi chân cao hơn, và đặc biệt hai chân bồ nông không có lớp màng chân vịt như thằng bè.”(3)
Sau cùng chú lại hứa sẽ chỉ cho tui cách thả câu ống:
“Thôi em stop anh nha. Bữa nào dìa kinh xáng em chắc phải ghé lại anh nhậu lai rai một bữa, bàn thêm về chuyện chim chuột, cho nó đã. Em cũng sẽ “chỉ” cho anh cách câu ống, để câu cá lóc của dân Đà Lạt.”
Nghe chú hứa mà tui có lòng trông. Hồi xưa lúc vô rừng tràm, có lúc tui cũng mê thả câu ống dữ lắm. Hổng biết cách thả câu ống dưới rừng tràm này có giống cách câu ống của chú trên Đà Lạt hông; tui xin kể sơ sơ: Người ta lấy mấy cây sậy lớn bằng ngón chưn cái, rồi cắt ra làm nhiều đoạn, mỗi đoạn dài chừng bốn hoặc năm tấc và dùng mác bén vót hai đầu ống sậy thành hình chữ “U” để khi mình cuốn nhợ câu vô hai đầu ống sậy nhợ câu không bị vuột ra ngoài làm câu bị rối. Xong xuôi đâu đấy, lúc bấy giờ người ta mới lấy nhợ câu có tóm sẵn lưỡi câu buộc vào giữa ống sậy; nhợ câu này dài khoảng bốn hoặc năm tấc tùy theo muốn thả bắt cá nơi sâu hay nơi cạn. Sau đó, mới móc mồi trùn vào lưỡi câu và cuốn nhợ câu như tôi vừa trình bày ở trên. Tất cả các ống câu này bỏ vô trong một cái túi làm bằng bao cát và mang lên vai, rồi mình cứ đi dọc theo lung vũng nào mình muốn thả câu thì chọn nền rồi vạch lỗ trống, tháo lưỡi câu ra và để nhẹ ống câu xuống chỗ mình mới dọn nền; rồi cứ đi chọn chỗ và bỏ ống câu kế tiếp như vậy cho đến khi nào hết câu thì lên bờ rửa chưn chuẩn bị ra dìa. Đợi sáng hôm sau trở lại thăm và cuốn câu mang dìa. Nếu nơi nào nhiều cá, cá dính nhiều lắm, quảy cá biết nặng. Nhưng cũng xin nhắc một điều là để tránh trường hợp các ống câu dễ bị thất lạc, mình nên thả câu theo từng vạt đất, để khi thăm hết vạt đất này rồi, mình qua thăm vạt đất kế; bằng không, cứ gặp đâu mình vẹt lỗ bỏ ống câu tùy hứng, không theo thứ tự các vạt đất thì chắc chắn câu sẽ bị lạc mất dữ lắm.
Thường thường thả câu ống chỉ thả các nơi nước hơi cạn, nên người ta hay đi bộ, ít đi xuồng. Thả chỗ nước cạn có cái ý là cá thường hay lên chỗ cạn kiếm mồi và gặp mấy ống câu này có mồi ngon chúng ăn liền hổng sợ ai bắt mình, cá dạn ăn lắm. Và rồi, cứ thế ngậm mồi vô miệng, thấy êm êm cũng chưa sao, mấy anh chị cá này mới nuốt mồi một cái ực rồi cứ lôi ống câu đi lòng vòng trong cái lỗ trống ấy, không thoát đi đâu được vì nước cạn không lôi ống câu đi xa; vả lại chung quanh là cỏ lác mịt mùng nên cứ thế mà nằm chờ người ta tới vớt ống câu lên lượm cá mang dìa. Cá bắt bằng cách này mau ăn và chắc ăn nhưng cũng dễ bị cá sẩy và cá chết.
Cá sẩy vì khi chúng dính câu và bị lưỡi câu làm đau cái miệng, chúng vùng vẫy dữ lắm, và cố hết sức bình sinh lôi ống câu đi; càng lôi lại càng vướng vô cỏ, càng vướng vô cỏ cá lại càng lôi cho đến khi nào lưỡi câu bị sứt mới thôi. Thế là cá thoát khỏi lưỡi câu và cá sẩy bao giờ cũng là cá lớn là do vậy. Còn cá nhỏ yếu sức, nên vùng vẫy chừng vài bận là đành chịu trận chờ người ta bắt mang mình bỏ vô rộng mang dìa nhà muốn làm gì thì làm, đem ra chợ bán cũng được, bỏ vô nồi kho khô cũng được, mà bắt chảo chiên xù cũng được ráo trọi. Cá nằm trên thớt rồi thì muốn khứa mấy khứa thì cứ việc khứa chứ biết chạy đằng nào bây giờ. Phải thế hông chú Tư ? Còn cá chết là do khi cá quậy để thoát, nếu không thoát được có khi quấn vô cỏ một nùi và nhợ câu bị thắt gút lại và cá khó trườn lên mặt nước để thở nên cá hay bị ngột vì vậy. Hổng biết cách thả câu bằng ống sậy này nơi vùng sình lầy miền Tây tui có giống cách câu ống trên hồ Xuân Hương của chú hông chú Tư?
Xin có mấy hàng hồi âm cùng chú Tư như một lời cảm ơn chú còn nhớ người già cùng mùa màng nơi thôn quê mấy chục năm qua mà nay ít ai còn nhớ vậy. Kính chúc chú thím cùng quý quyến vạn sự như ý…
Kính thư,
Hai Trầu
Cước chú:
1/ Thư đề ngày 24-10-1974, Nguyễn Hiến Lê gởi cho Quách Tấn có ghi các nhận xét về bản thảo cuốn Hương Vườn Cũ của Quách Tấn; và thư hồi âm của Quách Tấn ngày 29-11-1974 có ghi như câu vừa dẫn, trong cuốn “Những bức thư đầm ấm”, nhà xuất bản Tổng Hợp (SaiGon Média), năm 2003, trang 102. Ngoài ra, “Chu lang”, trong sách có chú thích: “ Chu lang: ý nói Chu Công Cẩn, tướng nhà Ngô đời Tam quốc”
2/ Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, của Huỳnh Tịnh Của, nhà xuất bản Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Sài gòn, năm 1895, nhà Văn Hữu tái bản năm 1974, trang 369.
3/ Theo Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, năm 2007, trang 290.