Menu Close

Xuân này Xuân xưa

Chị nhìn ngắm rất lâu tấm ảnh đen trắng đã ố vàng, bốn góc quăn queo, tay lật qua lật lại, mặt trước rồi mặt sau. Mặt trước, hai đứa trẻ đứng cạnh nhau. Đứa bé gái cắt tóc bum bê trong bộ quần áo hơi dài, tay áo xắn một búi tròn ở cổ tay; quần cũng xắn gấu. Bên cạnh là đứa bé trai, thấp hơn, tóc húi cua. Hai đứa trẻ nắm tay nhau. Mặt sau có mấy dòng mờ nhạt… Nguyễn t Hồng (hay Hương? Hường?) – 5 tuổi, hàng dưới: Nguyễn v Hanh (Hạnh, Hành?), 3 tuổi
Đó là dấu vết duy nhất kết nối chị với mảnh đời cũ, mảnh đời xa xưa mà thảng hoặc mới bật lên một vài hình ảnh mờ nhạt, có hai người lớn chị gọi là “ba, má” và “em bé” là thằng nhỏ trong tấm hình. Nhiều lần chị cố hình dung vẻ mặt cha mẹ nhưng không tài nào nhớ nổi chi tiết. Người cha tóc ngắn mặt vuông da sậm vì nắng ăn. Người mẹ trắng trẻo hơn, tóc búi một nắm nhỏ sau ót… Đầu óc một đứa trẻ lên năm chỉ vỏn vẹn hình ảnh mái nhà tôn dột nước; khi trời mưa người mẹ và chị đem chậu ra hứng. Người lớn đi làm suốt ngày, chị thơ thẩn trong nhà với thằng em đứng ngồi loanh quanh. Lúc đói hai đứa trẻ bới cơm nguội ăn hoặc gặm khoai lang, khoai mì luộc để sẵn trên bàn cho đến khi cha mẹ về lúc sậm tối…

diqua

ĐINH TRƯỜNG CHINH

Mùa xuân đó, ăn Tết xong ít lâu, chị và đứa em trai được người mẹ mang đến một nơi xa lạ, một tòa nhà lớn lắm. Hai đứa nhỏ mỗi đứa một bộ quần áo gói trong giấy báo, và tấm ảnh nọ được cài trên ngực áo chị bằng kim tây. Con nhỏ trong hình khóc sướt mướt vì sợ, nó bủn rủn chân tay khi người mẹ biểu … coi em, má chạy đi mua bánh mì rồi má dìa… Chị chờ mãi chờ mãi, tiếng khóc lúc to lúc nhỏ cho đến khi cạn dòng nước mắt vẫn không thấy mẹ. Ít ngày sau, giữa những tiếng động rầm rầm, chiếc tàu khổng lồ nọ nuốt gọn lấy chị và đám con nít chung quanh, chị thiếp đi trong giấc ngủ mệt mỏi sau các cơn khóc cơn nấc. Mấy người xa lạ mang đám trẻ con đi biền biệt. Chị đi xa lắm, xa lắm, rồi… rớt mất thằng em lúc nào không hay. Quãng đời cũ chỉ còn bấy nhiêu chi tiết.

Chị có ba má mới, hai con người to lớn khác hẳn ba má cũ từ vóc mình đến mặt mũi, tiếng nói. Chị có tên mới, tên chị là Hariette. Chị khôn lớn theo ngày tháng, chị đi học, lớp một rồi lớp mười hai, rồi vào đại học, học nghề điều dưỡng. Chị chơi thể thao, đánh bóng chày, chạy việt dã như những đứa trẻ khác sinh sống trong vùng đất chung quanh. Chị học đàn, học nấu ăn và học được cả tình thương đằm thắm bao dung của đôi vợ chồng mà chị gọi là “mom and dad”. Họ nuôi dưỡng bảo bọc ấp ủ chị dưới mái gia đình êm đềm kia.
Mấy lần, bà mẹ nuôi chỉ vào tấm hình và nói rằng chị đến từ Việt Nam, tên Việt là “Huang”; bà mẹ nuôi đọc mấy chữ tiếng Việt một cách ngọng nghịu, khó khăn. Bà kể rằng khi đón chị, tấm ảnh còn gài trên ngực áo rồi hỏi chị về gia đình cũ, hỏi về đứa bé trai trong tấm hình. Chị chỉ biết lắc đầu, không nhớ chi nhiều… Rồi chị vội vàng quên câu chuyện khiến chị băn khoăn khó chịu.

***

Chị làm công việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà thương trong thành phố, ngày ngày đi về một lối thân quen. Cuộc đời êm đềm xuôi chảy.  Rồi chị lập gia đình với người bạn trai yêu thương quen biết từ những năm còn đi học. Chị ra ở riêng nhưng vẫn được gần cha mẹ; tiểu gia đình kia ấm áp rộn rã hẳn lên khi chị mang thai và sinh con. 

Đứa con đầu lòng chòi đạp dữ dội trong thân thể lúc chào đời, chị vượt biển với người chồng nắm chặt bàn tay cùng chịu đựng với chị các cơn đau dồn dập và bà mẹ đứng bên cạnh vỗ về, nâng đỡ.  Chị làm mẹ sau khi trải qua kinh nghiệm đau xé kia. Nhìn ngắm đứa con đỏ hỏn ngủ ngoan trong chiếc nôi sát bên cạnh, lòng chị dạt dào thương yêu. Một phần thân thể máu thịt của chị đang nằm kia. Con của mẹ. Chị yêu con biết chừng nào và ý nghĩ thoáng qua về lúc phải xa lìa con khiến chị hốt hoảng, sợ hãi đến nghẹt thở. Rồi chị nghĩ đến người mẹ “cũ”, người mẹ đã xẻ thịt sanh ra chị năm xưa, hẳn cũng đau đớn quằn quại như chị vừa trải qua. Làm sao bà có thể rời xa chị như thế được nhỉ? Phải có lý do thúc bách nào đó? Và chị nao nức muốn tìm hiểu về thân thế mình. Bà mẹ nuôi cũng nao nức như chị, họ cùng nhau đi tìm quá khứ của một đứa trẻ lưu lạc, đi tìm dấu vết của mảnh đời 5 năm trước khi chị đến Hoa Kỳ.

Chị và bà mẹ tìm đến Hội Hồng Thập Tự, theo dấu những cái tên trên danh sách người tình nguyện đi đón trẻ con “mồ côi” trong chương trình Operation AirLift, di chuyển những đứa trẻ không thân nhân trước khi cộng sản vào thành phố. Hai đứa trẻ, một lên năm, một lên ba, bị cắt rời khi di chuyển. Chị theo ông bà George Cole về Indiana, còn đứa em, thằng nhỏ Nguyễn V. Hanh, không biết trôi nổi tới nơi nào? Mấy chục lá thư gửi đi, cả trăm cú điện thoại gần xa… Người nhận thỉnh thoảng lắc đầu không biết nhưng lại giới thiệu các tên tuổi, địa chỉ khác. Bà mẹ vẫn nhẫn nại tiếp tục hành trình tìm kiếm, vài mươi người lẫn trong trăm triệu người khắp chốn. Tập hồ sơ “tìm người” của họ mỗi ngày một dày. Có những người tình nguyện đã qua đời, con cái trả lời thư không mấy ai biết rõ về phần đời cũ của thân nhân nhưng có một lá thư đặc biệt lắm, mang con dấu của bưu điện Đức Quốc. Lá thư kể chuyện ông bà Stephan Schmidt năm ấy sinh sống tại Hoa Kỳ và nhận nuôi một đứa bé trai 3 tuổi. Sau 5 năm làm việc, họ trở về nguyên quán tại Dsseldorf. Họ di chuyển thay đổi địa chỉ vài lần nữa. Một người con còn ở lại địa phương nọ cho đến bây giờ và nhận được lá thư từ nhà bưu điện kiên trì cặm cụi tìm kiếm. Ông ta trả lời vắn tắt và chuyển lá thư của chị sang bên kia đại dương. Chị lần theo dấu gia đình nọ, gia đình có đứa con nuôi tên Việt Nam cũng là Nguyễn V. Hanh, cùng tuổi với đứa em thất lạc của chị. Đứa nhỏ Việt Nam có tên mới là Peter Schmidt, Peter khôn lớn tại Đức với gia đình cha mẹ nuôi như chị. Người đàn ông ấy đã lập gia đình, có vợ con.

Chị thao thức mấy hôm liền mới viết xong lá thư đầu tiên, ngần ngại mãi chị mới quyết định gửi người đàn ông có tên Việt Nam kia một phó bản của tấm ảnh cũ, và tự giới thiệu mình. Khó khăn lắm chị mới viết xong câu hỏi… Ông có phải là người tôi đi tìm không?… Mấy tuần sau chị nhận được một cú điện thoại viễn liên vào một ngày cuối tuần. Bên ngoài cửa sổ trời không nắng âm u. Người đàn ông có giọng nói rất trầm, nói tiếng Anh theo thổ âm Đức… Tôi là Stephan Schmidt…Vợ tôi đã qua đời… Mùa xuân năm 1975, vợ chồng tôi nhận nuôi một đứa bé trai… Lúc đó, nó giống hệt đứa nhỏ trong hìnhTôi không biết rằng Hanh ra khỏi Việt Nam với một người chị… Nước mắt chị bỗng tuôn ào ạt như con lạch vừa được khai mở. Cơn xúc động khiến chị run rẩy, lắp bắp mãi mới thành lời … Đứa nhỏ trong hình là em tôi… Im lặng. Từ hai đầu dây điện thoại, họ nghe cả tiếng nấc của nhau. Người đàn ông nhẹ nhàng nối câu chuyện… Tôi hiểu… Tôi mừng lắm…  Tôi sẽ nói cho Peter biết… Ông ta gọi đứa con nuôi bằng tên Việt Nam và cả tên Đức. Chị khóc nghẹn ngào. Chao ôi, 40 năm, gần nửa cuộc đời! Cú điện thoại như nhát búa nện vào đầu chị. Thoát chốc, vùng tâm tưởng u ám mờ nhạt năm xưa bỗng bừng dậy từng nét. Cuộn phim chiếu chậm hiện rõ từng khung hình. Trong một căn phòng rộng, con bé 5 tuổi vừa ăn cơm vừa đút cho em từng muỗng nhỏ. Thình lình, nó vươn vai đứng dậy trở thành người lớn có nhiệm vụ chăm sóc đứa em trong một thế giới toàn người xa lạ. Chúng nắm tay nhau khi lên giường ngủ. Rồi một buổi sáng, đứa bé trai tuột khỏi tay chị lúc nào không biết. Chị thức giấc nhìn quanh tìm kiếm. Chị khóc mệt nhoài cho đến khi thiếp đi… Rồi người ta đưa chị lên máy bay, trời đất mây khói mịt mùng… Cơn ác mộng chìm vào cõi vô thức cho đến hôm nay. 

Chị bật khóc nức nở trong vòng tay người chồng. Anh một tay quàng vai vợ, một tay giữ chiếc điện thoại báo tin vui với bà mẹ… We found Hanh, we found Hanh… Anh vui với niềm vui của vợ.

Cú điện thoại kế tiếp là câu chuyện của chị và đứa em trôi nổi. Họ nhìn nhau qua màn hình. Chị líu tíu, giọng nói đứt rời. Người em im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng nói nhỏ một câu nghe không rõ. Rồi mấy gia đình kia nhìn nhau qua màn hình. Chị đưa tay sờ mặt đứa em trên màn kính, chị thèm lắm một cái nắm tay. Hai bàn tay họ chạm vào nhau trên mặt kính… Họ hẹn nhau một ngày gặp gỡ.  Quá nhiều chuyện để kể, để lấp đầy khoảng không gian mênh mông và quãng thời gian 40 năm kia.

Hanh – Peter đưa vợ con sang Hoa Kỳ thăm viếng, chị đón người em ở phi trường. Họ nhìn nhau nghẹn ngào. Sợi dây máu mủ thiêng liêng kia dường như cuộn chặt hai chị em với nhau. Mấy chục năm không gặp nhưng họ xem ra gần gũi lắm. Hanh mang theo một tấm giấy cũ nhàu, giấy khai sinh tiếng Việt có tên cha mẹ và sinh quán. Tờ giấy được gài bằng kim tây vào bên trong chiếc áo của đứa trẻ, và ông bà Schmidt đã cẩn thận gìn giữ nó cho đến khi Peter trưởng thành. Họ hy vọng anh có thể tìm ra cha mẹ ruột.

***

Hành trình tìm kiếm của hai con người lưu lạc đi đến trạm chót. Qua không gian mịt mùng, đất trời nghìn trùng mây khói, họ tìm ra người mẹ còn sống. Bà ấy sẽ đến phi cảng Tân Sơn Nhất  đón con vào ngày cận Tết. Khi bánh phi cơ vừa chạm phi đạo, nước mắt chị bỗng rơi thánh thót. Từ lúc lên đường, hai chị em nôn nao chờ đợi, đứng ngồi không yên. Họ không nói được tiếng Việt nên đành nhờ một người quen đi kèm. Mấy chục giờ bay đằng đẵng, ba chuyến tàu, rồi họ cũng đến nơi.

Trước mặt hai người trung niên là một phụ nữ còm cõi, tóc bạc trắng, bà cười rộng miệng với hàm răng trống trải. Cả ba con người cùng òa khóc. Tiếng khóc và tiếng cười lẫn vào nhau, người thông dịch im lặng, ông ấy chẳng cần diễn giải.

Sau cùng, bà cụ già lên tiếng… má mừng hai con dìa ăn Tết

TLL