1.
Năm đó, tôi chừng mười hai, mười ba tuổi. Không biết tôi hay em tôi đọc truyện cổ tích Cây Nêu. Ba tôi nghe được, tuyên bố: Năm nay ba sẽ trồng cây Nêu đón Tết. Mấy chị em tôi nghe náo nức trong lòng, dù khi đó đâu chừng mới Tháng Mười Một tây. Ai cũng mong ngày tháng qua mau để xem ba trồng cây Nêu và để biết cây Nêu ba trồng có giống như cây Nêu trong cổ tích hay không.
Quê nhà tôi hồi đó, tiếng là tỉnh lỵ nhưng chỉ là một thị trấn nhỏ. Những căn nhà buồn hiu nằm dọc theo vỏn vẹn vài con đường nhỏ hẹp. Tất cả giống như một phố huyện, gần gũi thân quen, đang dần dần thay đổi bộ mặt, khoác lên những chiếc áo mới mẻ. Vì thế, từ lâu chẳng nghe ai nói đến chuyện trồng Nêu đón năm mới. Vả lại, chuyện cây Nêu là chuyện của ngày xa xửa xa xưa, trong cổ tích. Ngay cả việc tìm một cây tre vừa cao vừa thẳng tại tỉnh lỵ này, với nhà tôi, cũng là chuyện chẳng dễ chút nào.
Vậy mà ba tôi đã làm được điều đó. Tôi không nhớ bằng cách gì mà ông có được cây tre cao gấp đôi nóc nhà tôi. Khi từ trường về nhà, tôi đã thấy cây tre được gác ở một bên vách nhà. Tôi chạy ù vào thì thấy ba tôi đang loay hoay sửa soạn một cái giỏ nhỏ bằng tre, trong đó đựng đủ thứ. Tôi chẳng biết và chẳng nhớ gồm những thứ gì, chỉ nhớ có một ít bánh mứt. Quê tôi mùa này hay mưa nên ba tôi cẩn thận lấy nilon bọc tất cả lại. Đặc biệt, ông còn dán mấy tấm giấy màu đỏ, mà sau đó tôi mới biết là những tờ phướn. Ba tôi nói: “Chuẩn bị đâu vào đó, chờ ngày mai, mẹ cúng đưa ông Táo về trời là ba con ta trồng Nêu”.
Nhưng, ngày hôm sau, tôi còn phải đến trường. Mãi đến 25 Tháng Chạp, trường mới cho học sinh nghỉ Tết. Tôi bỏ lỡ cơ hội cùng ba trồng cây Nêu (tôi nào biết, đó là cơ hội duy nhất của mình). Buổi chiều hôm sau, trên đường về nhà, từ xa, tôi đã thấy mấy mảnh giấy điều bay phất phới trong gió. Lòng tôi bấy giờ nôn nao và dấy lên những cảm xúc khó tả. Chú bé hơn mười tuổi đầu tận mắt thấy được cây Nêu sừng sững bên góc sân nhỏ nhà tôi. Cây Nêu từ cổ tích đã hiện ra trước mắt để tôi tin rằng, mọi thứ trong sách đều có thể hiển hiện ra, một cách nhiệm mầu.
Tâm hồn non nớt, tôi đâu hiểu được điều gì sâu xa, lớn lao. Trong thế giới nhỏ bé của mình, tôi chỉ biết và tin rằng, từ nay về sau, ma quỷ sẽ không bao giờ dám bén mảng đến nhà tôi vì đã có cây Nêu trấn giữ, gia đình tôi sẽ sống trong êm ấm.
Và kỳ lạ thay, bụi cúc ở góc vườn sau nhà tôi, đã tàn lụi từ mùa thu, hôm nay bỗng hé nụ vàng. Vài ba nụ cúc hé nở ngay trong ngày đưa ông Táo về trời và đúng vào lúc cây Nêu có thể là duy nhất ở tỉnh lỵ (chí ít cũng ở khu vực nhà tôi) lúc bấy giờ do ba tôi dựng lên đã tạo cho tôi một cảm giác bâng khuâng lạ kỳ. Màu vàng ấy chưa thể làm rực sáng. Nó nhỏ bé và hiền hậu. Nó nhã nhặn và khiêm cung. Tôi yêu màu vàng ấy một cách tự nhiên, như định sẵn mà chẳng nào giải thích nổi. Màu vàng ấy, tôi biết, sẽ theo tôi suốt đời.
2.
Tất niên và rước ông bà, VĐT mời tôi và một vài người bạn đến nhà chơi. Nhà T. nằm trong con hẻm khá yên tĩnh, gần chùa TĐ. Không giống với các nhà mặt tiền đường, nhà T. có một khoảng sân trồng đầy hoa và một hòn non bộ nhỏ. Mùa xuân nên rất nhiều hoa nở, đủ màu sắc và thoang thoảng hương. Trong rực rỡ hoa lá ấy, tôi nhận ra một chậu hoa nhỏ, nằm khép nép bên góc hòn non bộ. Cành lá trông tựa như hoa cúc nhưng mảnh mai và nhỏ bé hơn. Vài nụ mới hé, màu vàng phớt mộc mạc và có vẻ gì đó e ấp, rụt rè. Trong lòng tôi, tự nhiên nghe trắc ẩn trước sự giản dị và sự lẻ loi của màu hoa dịu dàng, kín đáo đến mức cô độc giữa muôn hồng sắc tía. VĐT thấy tôi trầm ngâm, lên tiếng: “Coi bộ thích hoa này rồi chắc? Hoa cúc nhật đó!”. Cúc nhật, cái tên thật đẹp và cũng lạ, tôi chưa từng nghe. VĐT nói tiếp: “Có lẽ khoảng vài ngày nữa, hoa mới nở hết. Màu hoa phơn phớt vàng, dễ thương lắm”.
Màu vàng của hoa cúc nhật ám ảnh mãi tôi. Mồng 3 Tết năm đó, tôi lại đến nhà VĐT, một mình, chiêm ngưỡng cúc nhật mãn khai. Quả thật, hoa cúc nhật đẹp một cách bình dị. Vẻ đẹp đơn sơ như ca dao, như câu hát ru của mẹ, của bà khiến tôi tràn đầy xúc cảm. Màu vàng ấy, tôi tin rằng, ai một lần bắt gặp sẽ ngỡ ngàng. Không rực rỡ, kiêu sa. Nó lặng lẽ đi vào lòng người một cách thầm lặng, như một điều hiển nhiên vậy. Chính hoa cúc nhật đã giúp tôi viết thành thơ, tặng một người con gái:
Em nhớ nhé, giờ xuất hành hướng bắc
Mặc áo vàng, màu áo của keo sơn
Nên đi qua ngõ nhà tôi, hoa cúc
Để tôi nhìn, lòng chớm nụ tình non.
Hình ảnh cô bạn gái trong chiếc áo dài màu vàng nhạt, giống như màu hoa cúc, cùng với mùa xuân năm ấy đã trở thành một kỷ niệm đẹp. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhớ về và không khỏi bồi hồi…
3.
Bây giờ, hoa cúc có nhiều loại, nhiều màu khác nhau. Người ta mang những thành tựu khoa học áp dụng vào trồng trọt. Hoa cúc cũng có phần trong việc lai tạo, chiết ghép đó. Hằng năm, dạo quanh các chợ hoa, tôi thấy người ta bày bán cơ man các chậu cúc kim. Đó là những bụi cúc kim bông vàng nhỏ li ti trùm cả chậu cây khiến liên tưởng đến một quả bóng màu vàng. Một thời (và có lẽ bây giờ vẫn còn) vào dịp Tết, người ta hay chưng trong phòng khách hai chậu cúc kim để mong năm mới được sung túc, giàu có. Sự tiến bộ của khoa học cũng giúp bông cúc vạn thọ to hơn, màu vàng rực rỡ. Rực rỡ một cách hãnh tiến và vô hồn, vô hương.
Tôi cũng thấy hoa cúc màu trắng, màu đỏ, màu tím…; thậm chí có cả hoa cúc màu xanh và hoa cúc lập thể (!?) nữa. Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên khi thấy cúc xanh. Xanh mơn mởn, gần với màu của lá. Nhưng cũng ngay sau đó, tôi nhận ra màu xanh ấy không quyến rũ được tôi. Nó thiếu sự đằm thắm, gần gũi. Ngược lại, nó lại chứa sẵn sự xa lạ, ngăn cách. Còn cúc lập thể càng… bi đát hơn. Tôi gọi cúc lập thể vì trên mỗi hoa có nhiều màu sắc khác nhau, như bức tranh trừu tượng, khó hiểu lại vụng về được một thợ vẽ nào đó tạo ra. Nhìn nó, cảm giác sợ hãi như các cô gái sợ côn trùng, không sao giải thích được. Cảm giác ghê ghê tay khi chạm phải da một con rắn như thế nào thì cũng tương tự vậy, khi tôi nhìn bó hoa cúc nhiều màu được bày bán trong các siêu thị.
Có lẽ, tôi là người bảo thủ, hoặc khó tính. Nhưng, hoa cúc chỉ nên có màu vàng. Nếu nhất thiết phải có thêm một màu nữa thì đó là màu trắng. Thế thôi! Với tôi, hoa cúc chỉ có màu vàng. Một màu vàng nhũn nhặn, dịu dàng. Một màu vàng ít lời mà nhiều ý. Giữa con nắng mùa xuân, giữa làn gió đông mát dịu và giữa không khí vui tươi, náo nhiệt của Tết thì màu vàng hoa cúc như một điểm xuyết để hương vị năm mới thêm ý nhị. Vẻ đẹp thầm lặng, nền nã của vàng hoa cúc như đưa hương vị mùa thu cũ về tỏa khắp xuân mới. Lòng đã nao nao đón năm mới lại càng thêm dạt dào ân tình. Còn gì vui hơn?
4.
Tết lại đến. Dù là Tết khi còn nhỏ ngày ngóng đêm mong ngắm nhìn cây Nêu ba tôi trồng hay Tết của tuổi đã ở bên kia dốc đời, tôi vẫn giữ nguyên tình yêu hoa cúc vàng. Nhìn hoa cúc vàng, lòng tôi trẻ lại. Như ngày nào, đứng chờ em mặc áo vàng đi ngang qua ngõ. Và, năm nay nữa, như bao nhiêu Tết qua, xin em hãy khoác áo vàng, màu áo dịu dàng, đằm thắm. Đó là món quà vô giá em dành tặng tôi.
Xuân đến, trăm hoa khoe sắc. Hoa nào cũng đẹp. Em mặc áo nào cũng xinh nhưng với tôi hãy là một đóa cúc vàng để tôi tin rằng, bao nhiêu lo toan, mệt nhọc trong đời này đều có thể tan biến đi trước vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc và thủy chung của cúc vàng.
THẮM NGUYỄN
LVB