Hai chị em thác lác còm chúng tôi dựa vách mà nghe hai người lớn tuổi nói chuyện, nhiều khi không hiểu hết điều gì còn ẩn tàng trong câu nói của hai người. Nhưng có điều chắc chắn rằng lươn không phải là
cá và cá không phải là lươn, nên cuộc sống chung giữa lươn và cá không biết có trục trặc gì hông, chỉ có mấy chị cá thác còm ở nhà người bạn trẻ mới biết được; ngoài ra, mọi bàn bạc về điều này đều vô nghĩa, chỉ là bàn trớt mà thôi vì mình cũng chưa lâm trận như vậy.

Thật ra, hồi còn dưới Rhode Island, chúng tôi trước khi về đây có ở chung hồ với một con rắn lạ mà có lần đã kể lại cho bạn nghe rồi, dù không hề hấn gì nhưng những ngày tháng chung chạ như vậy chúng tôi ớn lắm, suốt ngày cứ ru rú núp sau một cục đá giả như sợ ma quỉ không bằng, có đâu như bây giờ lội lòng vòng thong dong một cõi… Thành ra, nghĩ cho cùng, cuộc hôn phối nào cũng vậy, phải hợp lẽ trước đã, rồi tính tới cái trò chơi khác mới hứng thú được.
Vả lại, ở đời này, người ta bị ràng buộc nhiều vào những khuôn mẫu có sẵn, những định kiến có từ đời trước rồi lại lưu truyền lại nhiều đời nữa, do vậy mà thành ra có cố chấp, có bảo thủ, bảo tồn… Ở trần gian này khi có người nói về lươn, về cá thì không thiếu gì điều khen chê, mai mỉa nhiều lúc không biết đâu hư thực . Thông thường nói về cá thì có cá hóa long, nói về lươn thì lươn sống lâu thành chồn, rồi có lời khuyên:
“Gái ngoan nên lấy chồng khôn
Cũng như cá vượt võ môn thành rồng.”
Cá chép hoá rồng
Đôi lúc có loại cá lại hóa thành con thuồng luồng mà dân chúng vùng sông Tam Đường tôn là thần Tu Ngước, con cháu của nó, họ gọi là Tu Ngu Nàm, trong Bảy Đêm Huyền Thoại của Vũ Bằng (5) hay cá ma cá thần trong truyện đời xưa vùng Cần Thơ, Rạch Giá do ông bà xưa thường kể lại. Và vì xưa quá là xưa rồi, nên bây giờ những chuyện cũ như vậy nay đã là chuyện cổ tích trong dân gian dọc hai bên bờ Cửu Long Giang… Nhưng phải thành thật nhận ra rằng mỗi dòng giống, dù sang dù hèn, dù hiền dù dữ, dù khôn dù dại, tất thảy đều có sự lưu truyền, có cái nét chính thống mỗi loại hạng, không có nét chính thống nào giống nét chính thống nào, vì thế mà không nên cố chấp cho rằng loài này chính thống hơn loài khác, vật này quí hơn vật khác…
Từ bên trên góc hồ, tiếng nước chảy từ cái máy bơm làm cho dòng nước luôn luôn luân chuyển nghe róc rách tối ngày. Hôm nay chị em chúng tôi lại làm quen thêm một con cá thác lác còm mới nữa do người em Út của ông Hai từ Rhode Island mang lên cho. Con cá còn nhỏ nhưng đẹp lắm. Những chấm đen trên mình vẩy bạc in hình rõ thật là rõ như những nét hoa văn trên một bức tranh đẹp.
Người em Út của ông Hai thương ông Hai lắm. Biết anh mình nhớ cánh đồng ngày xưa, nhớ những mùa dầm mưa dãi nắng giăng từ luồng lưới kiếm con cá đắp đổi qua ngày, nhớ những bước chưn hụt giò ngày ngày lặn hụp ngoài dòng sông Cái Lớn giở từng gốc chà bắt cá chờ thời mà em ông thương ông Hai vô cùng. Có lần em Út ông Hai cùng với một người anh, lớn hơn ông Hai sáu tuổi, vô vùng rừng tràm thăm ông Hai lúc còn trong trại tập trung. Đường sá quá xa xôi, xe cộ lại khan hiếm nên khi đến một chợ quận nhỏ thì bị trễ nãi, lỡ đường. Đêm giữa vùng quê hiu quạnh “muỗi kêu như sáo thổi”, hai anh em mới bèn trải tấm ni lon ngay bến đò vắng khách ngủ qua đêm, chờ sáng tinh sương lên đường vô rừng sâu thăm ông anh mình đang khắc khoải chờ đợi tin nhà. Vậy mà rồi hai người bị lính bắt bỏ bót hết một đêm vì lý do ngủ ở bến đò. Chuyện đời nghĩ cũng ngồ ngộ, lỡ đường mà không được ngủ ngoài đường, thế mới chết tươi! Sáng hôm sau được thả ra, hai anh em mới lò dò trở lại bến sông không xưa nhưng có chút kỷ niệm hơi ly kỳ để xuống đò tìm thăm ông Hai tận trong rừng tràm. Sau lần gặp gỡ mừng mừng tủi tủi ấy, ba anh em chia tay nhau và rồi xa cách nhau có gần mười bốn năm trời mới hội ngộ lại được, mà nhiều lúc ông Hai ngồi hồi tưởng lại đó cũng là “một chuyện không phải dễ gì ! “(*)
Còn ông anh, lớn hơn ông Hai sáu tuổi, thì còn quanh năm ruộng lúa ở quê nhà. Giờ thì cũng đã già thêm, tóc đã bạc nhiều, sức coi mòi cũng yếu hơn nhưng có điều đời sống ngày cơm rau dưa muối hai bữa mà lòng vẫn ngay thẳng lắm. Mấy mươi năm trước, có lần ông anh già nua này cũng đã khẳng khái từ quan, trở về đời dân dã quê mùa vì không chịu được cảnh đời luồn lọt. Cái nét chính thống của người nhà quê là thế đó. Nó không cố làm ra vẻ chính thống mà lại là chính thống từ trong nòi rồi, khó lợt phai pha lộn được. Nhưng có một điều cũng hơi lạ là người có học thường hay bàn về chính thống. Sĩ phu ngày xưa mỗi bận muốn ra làm quan giúp nước hay cáo lui về ở ẩn là nghĩ ngay vị vua mình sắp thờ có phải là dòng chính thống hay không chính thống. Còn người có học thức ngày nay cũng lác đác có người lại đặt vấn đề “tư cách chính thống” của giới có học. Vậy chẳng lẽ người làm ruộng vì học hành không tới đâu mà không thể tự nhận ra cái nét chính thống của giới nhà quê chưn trần của mình được sao? Ông Hai tự đặt câu hỏi cho mình và cho người bạn trẻ của ông như vậy nhiều lần…
Mỗi bận ông Hai đặt ra những câu hỏi về những băn khoăn này, người bạn trẻ ấy trầm ngâm suy nghĩ nhiều lắm. Chúng tôi chợt nhận ra ông Hai đang nhìn vào hồ cá nước trong vắt. Nãy giờ chị em tôi nằm êm ru bên chú em nhỏ “lưỡi mèo” từ Rhode Island mới nhập bầy vài hôm nay. Dù xa lạ lúc đầu, nhưng qua vài ngày sống chung hồ, hai chị em chúng tôi lại thân thiện với con cá thác lác nhỏ này như quen nhau từ lâu lắm. Âu đó cũng là chỗ cùng giống cùng loài. Nơi xứ xa mà nhất là nơi cái hồ riêng biệt này, giống cá thác lác chúng tôi không hẹn lại gặp nhau trong cảnh cá chậu chim lồng mà không thân thiện nhau thì còn gì để nói nữa đâu, phải hông bạn?
Chiều nay thời tiết bỗng dưng thay đổi. Nhiệt độ xuống thấp. Mây bay vần vũ một màu xám xịt. Từ đầu dây điện thoại bên kia, ông Hai đang gọi nói chuyện với ông Bảy Cù Lao về việc nuôi cá. Dịp này, người bạn già của ông Hai cũng có cho hay về việc con lươn vàng từ một vùng đầm lầy nào bên Việt Nam mới lang bạt qua đây được mấy ngày, rồi dưng không lại lọt vào hồ cá thác còm của người bạn trẻ tuổi, quậy phá tanh banh ráo trọi. Nào là dây nhợ bơm khí ốc xy, rong cỏ trong hồ, thứ nào cũng lăn lóc nghiêng ngã. Và bạo nhất là con lươn vàng lại rượt cá thác lác rầm trời, chịu đời không thấu. Người bạn trẻ cùng ông Bảy Cù Lao bèn tương kế tựu kế rồi đi đến quyết định sau cùng là đem con lươn vô bếp xào lăn là phải cách nhất. Qua điện thoại, ông Hai được người bạn trẻ cho biết:- Hồi bữa trước ông Hai có nói sơ sơ về loại lươn vàng là nó quậy dữ lắm. Nhưng tui hổng tin. Đến chừng nghe ông Bảy Cù Lao nói lươn là giống ăn tạp, có ngày nó ăn luôn cá thác còm của mầy, tui mới tin. Và mấy thầy trò đang nhậu món lươn xào lăn, ngon lắm.
Nghe người bạn vong niên nói vậy, ông Hai ngồi trầm ngâm ra vẻ buồn lắm. Ông Hai buồn không phải vì không được mời nhậu món lươn vàng xào lăn béo ngậy, mà chính vì người bạn trẻ không tin những điều ông nói về bản chất của loài lươn là có thật. Chuyện vô cùng nhỏ mà có thật, nói ra với một người tưởng là tri kỷ, mà người ấy lại còn nghi ngờ, không đáng tin, thì chuyện gì lớn lao hơn làm sao nói ai nghe mình nữa! Từ đó, ông Hai mới bắt chước Hầu Doanh, mà nghiệm ra một điều là tìm người hiểu mình “không phải là một chuyện dễ gì “(*). Nhưng, ông Hai tự an ủi mình, chuyện đời có gì là đáng để băn khoăn nghĩ quẩn, thêm mệt tuổi già. Ông Hai bèn quên ngay câu chuyện tin hay không tin của người đời và nói lời chúc mừng các bạn nuôi cá của ông có một bữa nhậu thịt lươn thiệt là vui cửa vui nhà. Và lần này, ông Hai cảm thông ngay với người bạn trẻ về một lần không thực hiện nổi “rắn thần Naga” trong một hồ nước trong leo lẻo. Nhưng ông Hai rất mừng là cái lòng của người bạn trẻ tuổi đang lắng xuống, lắng xuống thật sâu để nghe tiếng ca lặng lẽ ở một bờ bến nào vô định bên dòng nước Cửu Long Giang với ánh sáng huyền diệu của Đức Phật và sự linh hiển của dòng nước thiêng cứu độ muôn loài…
Nghe sự việc như vậy, mấy chị em cá thác còm chúng tôi cũng mừng húm cho các bạn bên nhà hàng xóm thoát được một tai họa bất chợt giữa hồ nước trong leo lẻo yên bình… Buông điện thoại xuống, chúng tôi nghe ông Hai thở ra một hơi dài vừa như mệt mỏi, vừa như chán nản mà cũng pha thêm chút gì yên bụng. Với đôi mắt sâu muôn thuở, ông Hai đến bên hồ cá nhìn ngắm ba chị em chúng tôi đang nằm im bên gốc cây phủ lớp rêu mỏng. Thấy cái bóng người chiếu qua làn nước, hiện lên vách kiếng lung linh, chúng tôi hơi giật mình lay động nhẹ. Ông Hai lấy bàn tay xoa xoa lên mặt kiếng chỗ chúng tôi đang nằm mà không nói gì. Ông lại đi vào nhà bếp và trở ra với vài miếng mồi tép trên bàn tay gầy. Chúng tôi được ông Hai cho ăn thêm một bữa ăn chiều như mọi ngày. Bụng đang đói mà có tép được lột vỏ sẵn, nên đứa nào cũng ăn như ăn gỏi. Phải nhận ra rằng, đời sống chẳng qua là một thói quen, lúc đầu khó nhưng rồi tập riết là được. Chỉ sợ lòng không bền, chí mau nản là coi như tiêu đời và kéo thêm nhiều chú cá nhỏ chết oan, chết ức cho cái lưng phè phè của mấy con cá bổi…
LTT
(*) Chữ dùng của Nguyễn Hiến Lê trong Sử Ký Của Tư Mã Thiên.
(5)Bảy Đêm Huyền Thoại của Vũ Bằng do Văn Học xuất bản, in lần thứ nhứt, 1972, Sài Gòn.