Bài này không nói đến cái tốt, chỉ nói đến một điều xấu: Đạo chích điện toán.
Đạo chích điện toán Andrew “Weev” Auernheimer thuộc nhóm phân biệt chủng tộc Da Trắng Tối Cao lợi dụng kỹ thuật IoT (Internet of Things) gửi mệnh lệnh đến hàng ngàn máy in công cộng tại các đại học Hoa Kỳ, in ra những lời chống dân tị nạn, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị Do Thái.
Weev khoe chỉ cần viết 5 hàng code là đã thành công trong việc phát ra mệnh lệnh cho các máy in kết nối qua kỹ thuật IoT in điều mình muốn.
Năm 2010, Weev từng ngồi tù 12 tháng, bị kết tội qua bộ luật Computer Fraud and Abuse của Hoa Kỳ vì đã xâm nhập hệ thống điện toán của AT&T lấy cắp 114,000 địa chỉ điện thư (sau một tòa án Hoa Kỳ bãi bỏ tội này).
Andrew “Weev” Auernheimer – NGUỒN FASTCOMPANY.COM
Công Tố Viện Nữu Ước điều tra T-Mobile về tội “treo đầu dê bán thịt chó”
Báo USA Today cho biết Công Tố Viện Nữu Ước đang điều tra T-Mobile về việc quảng cáo láo, đồng thời còn có một hội đoàn gởi thư đến Cơ Quan CFPB (Consumer Financial Protection Bureau) kết tội T-Mobile “nhập nhằng đánh lận con đen trong quảng cáo và đòi nợ nặng tay”.
T-Mobile hứa hẹn khách hàng không cần ký hợp đồng nhưng lại “quên” nhắc đến việc khách phải ở với T-Mobile 2 năm khi tham gia chương trình mướn phôn; khách rời đi trước thời hạn 2 năm phải tiếp tục trả nợ tiền phôn còn thiếu mỗi tháng hoặc phải trả hết số tiền còn thiếu một lần một. Tổng kết lại, khách rời đi sẽ mắc nợ nhiều hơn so với ở lại cùng T-Mobile 2 năm.
Giám Đốc Điều Hành John Legere lên tiếng “Chúng tôi làm đúng điều chúng tôi đã hứa trong quảng cáo. Ngược lại với tít đăng “treo đầu dê bán thịt chó” của USA Today, T-Mobile chưa hề bị buộc tội bởi bất cứ cơ quan chính phủ nào”.
Hội đoàn đại diện đứng ra gửi bức thư dài 12 trang đến CFPB là công đoàn cấp liên bang Change to Win; thư có đoạn phàn nàn T-Mobile dùng thủ đoạn nặng… miệng để đòi nợ khách hàng, kể cả việc cung cấp tin tức sai lạc về khách hàng cho các công ty thầu việc đòi nợ và không hề gửi thư nhắc nhở khách hàng về món nợ trước tiên.
Thư viết “Bảy mươi phần trăm khách hàng trong tình trạng bị đòi nợ cho biết T-Mobile cung cấp tin tức sai lạc về họ cho các công ty thầu việc đòi nợ. Bốn mươi chín phần trăm khách hàng trong tình trạng bị đòi nợ phàn nàn hầu như không nhận được giấy nhắc nhở từ T-Mobile trước khi bị chuyển hồ sơ đến công ty thầu việc đòi nợ”.
Thư nêu rõ trong hợp đồng của T-Mobile có đoạn ngăn cấm khách hàng đòi T-Mobile bồi thường vì đã cung cấp tin tức sai lạc; vì khách hàng ít khi đọc từng chữ trong hợp đồng nên không biết mình có quyền từ chối chấp nhận điều kiện (không được đòi bồi thường) này. Hợp đồng cũng cấm khách hàng kiện tập thể (class action).