Phỏng vấn Ông Kỳ Hữu Phước – nghệ nhân tranh dân gian làng Sình (làng Lại Ân) xã Phú Mậu huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Một nghệ nhân tranh làng Sình. Một ông Phước điên suốt mười năm mặc áo ấm đạp xe giữa nắng trưa. Một dị nhân làm những việc điên rồ. Và một ông Phước đen hiền từ, chịu thương chịu khó, chịu đựng mọi cay đắng của cuộc đời, chấp nhận mọi rủi ro, nguy hiểm tính mạng, để giữ những bản mộc trong thời bao cấp, thời đập phá đền đài miếu mạo, để giữ cái gốc của nghề. Nói ông là người gì cũng đúng. Và dường như… một chút ánh nắng chiều tà xuyên qua mấy tàu lá chuối trước hiên nhà ông đã nói thay ông nhiều lắm!
Nói về nghề vẽ tranh làng Sình, nếu không nói về ông Kỳ Hữu Phước, người đã mang từng bản mộc đến gõ cửa từng nhà để kêu gọi mọi người cùng phục hồi nghề vẽ làng Sình, và cũng chính ông hứa sẽ mang tranh đi bán cho bà con, thì e rằng còn quá thiếu. Câu chuyện thật là dài về người con xứ Huế, ở tít miệt cửa biển, nơi giao thoa của sông Hương với biển Thuận An. Cuộc trò chuyện sau đây với ông Kỳ Hữu Phước sẽ nói nhiều hơn về cuộc đời ông cũng như tranh dân gian làng Sình và hội vật làng Sình.

Hỷ Long (HL): Thưa ông, xin ông vui lòng nói đôi điều về cuộc đời vốn gắn liền với tranh làng Sình của ông?
Ông Kỳ Hữu Phước (KHP): Tôi năm nay 68 tuổi. Thú thực là cuộc đời một người như tôi thì có quá nhiều điều để nói mà cũng không có gì để nói. Bởi nó đi qua mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, bao giờ cái đồng hồ nó dừng hoặc dây thiều không còn đủ để vặn thì nó đứng. Biết nói chi đây? Có lẽ là nói về tranh làng Sình đi. Tranh làng Sình có gốc gác từ tranh Đông Hồ ngoài Bắc. Cụ tổ tôi theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa và mang theo nghề vẽ tranh Đông Hồ. Vào đây cụ nhớ nghề, tìm những chất liệu giống như ở cố hương để làm giấy dó, giấy điệp và vẽ. Ban đầu thì tranh làng Sình giống hệt tranh Đông Hồ. Nhưng dần dần được biến thể theo phong cách miền Nam, trong đó có giao thoa giữa tranh Chăm và tranh Đông Hồ.
HL: Giữa tranh Đông Hồ và tranh làng Sình khác nhau như thế nào và điều gì cho thấy tranh làng Sình ảnh hưởng mỹ thuật Chăm Pa thưa ông?
KHP: Điều này rất dễ thấy, tranh làng Sình hiện tại không còn vẽ trên giấy điệp như tranh Đông Hồ, bởi sau biến cố 1980, tôi đã hoàn toàn bị mất công thức làm giấy điệp, hiện tại tôi đang mày mò nghiên cứu nhưng vẫn chưa khả thi. Tranh làng Sình thiên về nét âm dương, nghĩa là trong từng nhát cọ đã có tính âm dương, nét liền xem là âm và nét đứt, nét vỡ xem là dương, hơn nữa, tranh làng Sình vẽ theo mô thức Chăm. Nghĩa là các sự vật, con người và thần thánh đều mang tính Mẹ, đây là triết lý căn bản trong tranh Chăm. Tranh người Chăm luôn phảng phất tính Mẹ, nếu thiếu tính Mẹ thì không còn là tranh của Chăm. Tranh làng Sình cũng vậy, tính Mẹ được đề cao. Điều này làm cho tính phồn thực trở nên thiêng liêng, trở thành đạo chứ không còn dừng ở cái gọi là nhục thể dân gian.
HL: Ông mới nói về biến cố 1980. Tôi nhớ không lầm khi nói về Huế, người ta nói đến biến cố Mậu Thân 1968 chứ ít ai nói đến biến cố 1980?
KHP: À đúng rồi, biến cố Mậu Thân thì nói chi nữa, đó là biến cố quá đau lòng, biến cố lịch sử và máu. Nhưng vẫn có một biến cố khác đó là biến cố 1980. Nếu như biến cố Mậu Thân đẩy hàng ngàn con dân của Huế vào chỗ chết, phải chết chùm, chết trong các hố chôn tập thể thì biến cố 1980 đẩy hàng ngàn di tích văn hóa vào cửa tử, trở thành đổ nát tiêu điều và có phục chế cả ngàn năm sau cũng không thể bù đắp. Biến cố 1980 là biến cố tận diệt đền đài miếu mạo. Năm 1968 là tận diệt sinh mệnh thì năm 1980 là tận diệt tâm linh. Những gì liên quan đến tâm linh đều bị gỡ bỏ. Từ lăng tẩm, hoàng cung đến đền chùa, miếu, đình… đều bị đập phá tan nát. Trong đó, tranh làng Sình cũng bị cấm và tịch thu hết để đốt.

HL: Ông có thể kể thêm rõ hơn?
KHP: Tranh làng Sình là một loại tranh vẽ rất đẹp, rất kỹ, dùng để thờ cúng. Tranh vẽ hình mười hai con giáp để cúng Ông Chuồng Bà Chuồng cho nhà ai có chăn nuôi và đương nhiên ai chăn nuôi thì mua về thờ. Tranh vẽ những Bà Tổ Cô thì dùng để thờ những bà trong dòng tộc không có con cái, phải chết dựa vào cháu chắt, linh hồn không biết nương tựa vào ai cho vững. Tranh vẽ đô vật thì mô phỏng vật làng Sình để người ta treo chơi trong nhà… Nói chung là các thể loại tranh làng Sình khá phong phú. Chất liệu để vẽ hoàn toàn làm bằng lá cây, các loại hoa và trái cây, màu đen thì lấy từ tro rơm và giấy điệp thì tự làm giấy bằng xác cây, sau đó giã nhuyễn vỏ sò điệp để bồi một lớp mỏng trước khi vẽ. Tranh vẽ rất công phu. Đầu tiên in bằng khuôn gỗ lên giấy, sau đó mới bắt đầu bồi nét, bồi điệp, phơi khô giấy mẫu và tô màu. Tuy in bằng khuôn nhưng không có bức tranh nào giống bức tranh nào bởi khâu làm nguội đã làm thay đổi tất cả thần thái của bức tranh. Khuôn chỉ đóng vai trò thảo những nét cơ bản. Ví dụ như tranh một con lợn, điểm nhấn của nó là con cá lưỡng nghi nằm rời theo bố cục thuyền sóng. Nghĩa là không có xoáy âm dương như tranh Đông Hồ mà có từng nửa mặt trăng nằm cách nhau đều đặn trên lưng, bụng con lợn. Nguyên liệu của tranh lấy từ bông cẩn (dâm bụt), lá cây, nhựa cây, vỏ sò… Nói chung là tự chế tác. Và hiện nay tôi cũng đang chuẩn bị làm giấy điệp. Không uổng công mười năm rúc hầm của tôi.
HL: Mười năm rúc hầm? Ý ông muốn nói về thời chiến tranh?
KHP: Ồ không, thời chiến tranh Nam Bắc, cụ thể là trước 1975, làng ở đây chỉ sợ biến cố 1968 thôi, còn lại sống bình yên lắm, ở đây là một xứ sở thanh bình, sao tôi phải rúc hầm? Thời gian tôi rúc hầm là từ năm 1990 đến năm 2000, mười năm.

HL: Tôi vẫn chưa hiểu chuyện này?
KHP: Đó là quãng thời gian tiếp nối những năm 1980 – 1990. Năm 1980, 1981, nhà nước đập mọi thứ, lăng tẩm, đền đài, miếu mạo gì cũng bị phá tan hoang. Người ta đến làng Sình đóng cửa Sới đấu vật và cấm vẽ tranh. Sau đó tịch thu các bản khắc gỗ tranh làng Sình mang ra chất lên Sới đấu vật để đốt. Lửa cháy suốt mấy ngày đêm chứ đâu phải chơi. Vì cả chục ngàn bản khắc gỗ. Mà chất liệu gỗ hồi đó chúng tôi chọn chủ yếu là sưa đỏ, hương, kiềng kiềng, dỏm lắm thì cũng là mít nài nên đốt khó cháy lắm. Trước đó thấy người ta đập phá nhiều quá, tôi nghĩ trước sau gì cũng tới chỗ mình. Vậy là tôi gói mười một cái bản chuẩn nhất vào trong cái áo mưa, sau đó bỏ vào một chiếc hộp gỗ rồi gói bên ngoài hộp gỗ một số áo mưa. Xong tôi mang ra sau vườn đào hố chôn thật sâu. Sau đó tôi phải cuốc nguyên vạt đất sau vườn để khỏi bị phát hiện chỗ chôn. Suốt mười năm tôi không dám hó hé, làm gì cũng sợ. Nhất là có người ra sau vườn xin cái khóm mít hay tàu lá chuối là tôi thấy run rồi. Vì thời đó, nếu mà bị phát hiện cố giấu giếm thì bị bắt. Đã bị bắt thì coi như là đi luôn đó, không có ngày về đâu. Suốt mười năm như thế, cho đến năm 1990, thấy tạm yên, tôi đào các khuôn lên mang vào buồng cất nhưng cũng không yên. Vậy đó.
HL: Vậy còn thời gian rúc hầm là thời gian nào?
KHP: À, đó là những năm từ 1990 đến 2000. Lúc đó tôi đào một cái hầm để chui xuống đó mà vẽ tranh, chỉnh lại khuôn và in tranh, làm màu, sửa nguội. Hầu như cả ngày tôi ở dưới đó. Thời đó đi đâu xa là phải khai báo với công an xã, xin giấy tạm vắng, tạm trú. Tôi lên công an xã xin giấy tạm vắng và báo là đi Sài Gòn một tháng. Sau đó cũng ôm giỏ ra bến xe, đón xe vào Nam. Đi chừng một đoạn tôi la đau bụng, xin xuống xe và xin lỗi nhà tài, trả một chút tiền xăng cho họ. Tôi đi lòng vòng ở đó cho đến tối lại lọ mọ lội bộ về nhà, chui xuống hầm ngồi vẽ. Hằng ngày vợ con lén lút đưa cơm xuống hầm cho tôi. Vẽ xong tôi phải sấy khô bằng cái lò than không khói tự chế.
Khi thành phẩm thì tôi xếp lại thành từng bó để đó chờ ngày xuất quân. Hồi đó nghĩ đi bán tranh cũng là xuất kích, đi thì một xanh cỏ hai đỏ ngực. Nghĩa là nếu bị bắt thì coi như chết, thoát thì sống.

HL: Thời người ta gọi ông là ‘ông Phước điên’ là đây?
KHP: Ừ, thời đó tôi bán tranh. Tôi mặc một cái áo ấm đạp xe giữa nắng hè. Mà xứ Huế này thì hè nắng đổ lửa, tôi bọc tranh quanh người rồi khoác cái áo ấm ra ngoài. Mà muốn làm vậy, tôi phải giả điên trước đó tới mấy tháng. Nghĩa là mặc áo ấm không có bọc tranh rồi đạp xe đi lung tung, cứ đi lơ ngơ vậy. Ban đầu công an họ cũng bắt tôi lại rồi lục lọi, vài lần như thế thấy không có chi thì bỏ qua. Đến vài tháng sau tôi mới bỏ tranh vào bên trong và đi bán. Cứ thấy nhà nào thắp mấy chân nhang ngoài đầu ngõ là tôi ghé vào. Họ sợ lắm, họ cứ la làng lên là ông điên tới nhà. Lúc đó tôi mới xua tay nói với họ là dạ thưa tôi không phải là người điên. Tôi thấy nhà anh chị có thắp nhang, tôi muốn bán tranh làng Sình. Họ không tin, khi tôi mở áo ấm ra thì họ mua tất tần tật. Mua là để thờ mà cũng để giúp tôi vì họ sợ tôi bị bắt. Người Huế là vậy, người nào mà vô thần thì vô thần khốc liệt còn người nào thờ phụng thì sẵn sàng đứng ra che chở cho người khác. Anh biết thời đó mà bị bắt thì cũng không yên đâu nghe, chết đó!
HL: Khoảng thời gian ông làm người điên kéo dài mười năm. Mốc nào giúp ông chấm dứt cái áo người điên?
KHP: Đó là năm 2000, khi mà ngành du lịch bắt đầu phát triển, người ta lần mò tìm về các làng nghề của Huế, các trào lưu văn hóa trỗi dậy, trong đó có phục chế bộ môn vật làng Sình, lễ hội đô vật làng Sình được tổ chức. Lúc đó, tôi công khai mang mấy tấm bảng khắc gỗ giấu bấy lâu nay ra tạo mẫu và khắc tiếp nhiều bộ khác và mang đến biếu những đồng nghiệp cũ. Họ tỏ ra lo lắng không phải vì tranh vẽ ra không có thị trường mà vì vẽ ra rồi bán cho ai vì có ai dám mua đâu. Tôi hứa sẽ tiêu thụ giùm tranh cho họ. Sau đó có một số nhà báo tìm về đây thăm hội vật làng Sình, họ tìm hiểu thêm về tranh làng Sình và viết bài giới thiệu. Nghề này sống lại từ đó và tôi cũng cởi bỏ chiếc áo ấm người điên từ đó.

HL: Thưa, hiện nay ông sống với nghề nhưng thú thật là tôi vẫn chưa thể đoán ra nguồn thu nhập từ tranh ít ỏi như vậy có đủ để trang trải mỗi ngày?
KHP: Thực ra thì nghề này cũng đủ mua gạo. Trước đây khó khăn chứ bây giờ mùa Tết bán tranh cũng khá, để dành quanh năm chi tiêu thêm vào. Dư thì chắc là không dư rồi. Nuôi con heo, con gà, nhà nào khá thì nuôi con bò, con trâu để làm vốn. Mình sống với nghề, thậm chí chết với nghề nhưng chưa ăn với nghề được bởi mọi thứ chỉ mang tính chất làm mẫu để du lịch chứ chưa có thu nhập ổn định. Hai đứa con lớn vào Nam học rồi ở luôn trong đó lập nghiệp. Cả hai đứa đều hứa khi có sự nghiệp, con cái ổn định sẽ quay về quê tiếp nghề của cha ông. Gia đình tôi có nghề này từ trong máu nên ai cũng máu lửa với nghề mặc dù càng máu lửa thì càng khổ. Nhưng dù sao cũng phải biết ơn tổ tiên đã để lại cái nghề. Vậy thôi!


HL: Ông có lời nhắn nhủ nào với độc giả hoặc với nhà nước hay với con cháu chẳng hạn?
KHP: Nhắn hả? Nếu có nhắn thì tui chỉ nhắn mấy câu thôi. Ở đời cần phải sống tử tế, ít nhất là tử tế với người đã mang lại cho mình chén cơm. Đừng có chơi trò ăn xong rồi đập bát, chơi vậy nó không có hay! Và nhắn thêm là cái nghề này tuy khổ vậy chứ nghèo lắm đó, chủ yếu là chơi giữ lửa thôi. Nên lỡ chơi rồi thì ráng chịu chứ đừng có trách ai xúi mình chơi. Tui khổ đủ rồi, không xúi ai hết. Nhưng mà vui lắm, chơi đi rồi biết!
HL: Xin cám ơn ông! Kính chúc ông và gia đình mạnh khỏe, an vui!

HL