Bạn hiền,
Lần cuối BTL tôi gửi thư thăm bạn hiền là khoảng thời gian cách đây 3 tháng, sau lần tham dự giải Cocoa Beach Half Marathon và hoàn tất với kết quả không như mong đợi do bị chuột rút ở mile thứ 8. Lần đó tôi hoàn tất cuộc đua sau 2 giờ 11 phút 18 giây. Thất bại đó đã khiến tôi ghi tên ngay vào một giải chạy lớn khác được tổ chức ở địa phương, đó là giải Florida Marathon và bán Marathon ở thành phố Melbourne gần nhà.
Thời gian ròng rã 3 tháng trôi qua, tôi kiên trì luyện tập và thỉnh thoảng tham dự các giải chạy 5 cây số và nhiều lần đạt được giải nhất trong nhóm tuổi của mình, thành tích cá nhân ngày được cải tiến. Tôi có thể chạy 5 km trong thời gian 24 phút, tốc độ 7 phút 45 giây trên một dặm. Ngày thường thì luyện tập tăng tốc bằng các bài tập intervals và tempos, cuối tuần thì chạy nhẹ các lộ trình dài trên 10 miles. Khác với lần bước vào cuộc đua Cocoa Beach Half Marathon, lần này BTL tôi không còn hồi hộp, và thậm chí có phần tự tin hơn. Tuy nhiên đến gần ngày diễn ra cuộc đua thì dự báo thời tiết rất xấu, vào giờ khởi hành 7 giờ sáng Chủ Nhật ngày 7 tháng 2 nhiệt độ giảm xuống 40 độ F, gió giật lên đến 30 dặm một giờ, thêm một thử thách khác nữa là đường chạy ngang qua 2 cây cầu dài trên một mile với độ dốc khá cao. Bất kể các thử thách và trở ngại thời tiết, mục tiêu cá nhân vẫn là hoàn tất 13.1 miles dưới 2 giờ đồng hồ.
Cán đích
Hôm đi lấy bib (số để đeo trên ngực) ở khu vực Expo, tôi đi rảo một vòng các gian hàng quảng cáo, sẵn tiện tạt ngang khu vực “Pacing”. Thường thì ở các giải chạy lớn có các “pacer” miễn phí, nhiệm vụ của những pacer là chạy đúng thời gian được đề ra, do đó nếu ai muốn chạy đúng thời gian ấn định thì chỉ việc chọn pacer chạy theo thời gian đó. Những pacer này dư sức chạy nhanh hơn thời gian họ được giao phó, cho nên họ chắc chắn dìu dắt các runner đến nơi đúng giờ. Tôi nhận ra ngay hai khuôn mặt quen thuộc, những tên tuổi vẫn xuất hiện hàng đầu trong các giải chạy ở địa phương. Cô bé có cái dáng cao tên là Sara Trane, các giải 5K mà cô tham gia nếu cô không về nhất thì cũng về nhì, cô có thể chạy 5 km dưới 20 phút. Còn người đàn ông trung niên đứng bên cạnh tên là Tony Bils, nhìn cái bụng hơi quá khổ của Tony ít ai biết được ông là một vận động viên điền kinh kỳ cựu. Tôi biết rất rõ Tony vì chúng tôi cùng chạy chung trong running camp của huấn luyện viên Doug Butler. Mang tiếng chung trong camp nhưng thật ra Tony thuộc trong nhóm chạy có hạng, chạy chung với ông ta tôi chỉ có theo sau hít khói. Tony có thể chạy 5 km dưới 19 phút và năm ngoái ông tham gia giải New York Marathon và hoàn tất 3 tiếng 25 phút.
Nhìn một mớ cành trúc có gắn các con số biểu thị cho thời gian pacing, tôi nói với hai người là ngày mai tôi sẽ bám theo pacer. Họ hỏi mục tiêu thời gian của tôi là gì, tôi nói là tôi có thể chạy khoảng 1 tiếng 58 phút cho nên tôi sẽ bám theo pacer 2:00. Sara nói sáng Chủ Nhật gió mạnh cho nên cách tốt nhất chạy núp gió sau pacer. Tôi nói với Sara chiến thuật của mình là bám theo pacer 2:00 cho đến mile cuối cùng tăng tốc và bỏ lại pacer sau lưng. Sara nói: “there you go!”. Tony cho tôi biết người dắt pace 2:00 là một vận động viên tên là Chris. Hai người còn cho tôi hay là sáng hôm đó họ cũng sẽ làm pacer, Sara dắt pace 1:35 và Tony 1:40. Tôi nói với họ là cả hai tốc độ này đều quá nhanh với sức của tôi.
Có người bảo là hôm trước giải Half hay Full Marathon thì nên nghỉ ngơi hoàn toàn nhưng cũng có người bảo là nên chạy nhẹ khoảng 3 miles để cho gân cốt quen thuộc vì suốt tuần lễ trước khi chạy mình đã giảm thiểu cường độ tập luyện (taper off) rồi. Tôi tuân theo thời khóa biểu tập luyện cho nên chiều hôm đó vẫn xỏ giầy để chạy nhẹ 3 miles. Hôm đó trời mưa và gió mạnh nên bắt buộc tôi phải chạy quanh track ở trong gym. Bữa cơm chiều chủ yếu tập trung tinh bột để nạp thêm carb cho sáng mai, các món chính là mì ý (spaghetti), bánh mì và các loại rau có chứa nhiều carbohydrates. Rút kinh nghiệm bị mất ngủ ở lần chạy Half Marathon 3 tháng trước lần này tôi nốc vô một viên melatonin trước khi leo lên giường lúc 11 giờ tối, nhưng đến 4 giờ đã tỉnh dậy, trằn trọc hoài ngủ lại không được nên tôi nhất định dậy; như vậy là mình ngủ được 5 tiếng, so với kỳ chạy Half Marathon lần trước chỉ chợp mắt được có 2 tiếng thì quá tốt rồi. Điểm tâm một trái chuối và một chén cereal với sữa xong tôi xem lại thời tiết, khoảng 45 độ F và gió 25 dặm một giờ. Tôi đã có kinh nghiệm chạy trời lạnh vài lần cho nên không sợ lạnh, còn gió thì mình đã có chiến thuật núp bóng pacer ở chiều đi khi ngược gió và vòng về đích có gió thổi sau lưng nên tha hồ tăng tốc.
Sáng hôm nay bà xã và hai cô con gái nhất định đi theo ủng hộ tôi, tội nghiệp mới 5 giờ rưỡi sáng là tất cả đã rời khỏi nhà trong màn đêm và không gian rét buốt, cả con chó Mimi cũng được đi theo chúng tôi. Đến nơi lúc 6 giờ, có nghĩa là còn cả tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ xuất phát. Tôi bảo vợ con ở lại trong xe cho ấm để tôi đi ra địa điểm khởi hành một mình. Ở công viên Front Street nơi xuất phát đã có rất nhiều người tụ tập, có nhiều runner quên mang theo áo lạnh nên lấy đại mấy bao tải đen plastic dùng để đựng rác làm mền trùm kín để chống lại cái rét 10 độ C. Sáng hôm nay tôi trang bị kỹ, đội mũ len, mặc áo tay dài do ban tổ chức phát, bên ngoài thêm cái áo jacket dự định đến giờ chạy sẽ bỏ ra, mặc quần short nhưng xỏ thêm hai cái compress socks. Bảy giờ kém 10 phút, mọi người đã đi ra hết chỗ khởi hành, đợi vợ con nhắc nhở tôi mới cởi cái áo jacket và tiến ra nơi có đám đông.
Từ xa tôi đã nhìn thấy gã đàn ông to cao, cầm cây tre với tấm biển nhỏ ghi con số 2:00, chung quanh ông ta là một đám đông gần 20 người. Tôi đã đọc trên mạng theo thống kê ở các giải đua bán Marathon trung bình chỉ có 37% nam và 15% nữ có thể chạy dưới 2 giờ, có lẽ vì vậy ai cũng muốn chạy dưới ngưỡng 2:00. Tôi không thể đến gần được nên ráng nhìn cho rõ rồi ghi vào bộ nhớ kẻ dắt pace 2:00, Chris cũng đội chiếc mũ len giống tôi và giắt thêm cặp kính râm polarized trên trán. Sau khi bài hát quốc ca chấm dứt, phát súng khởi hành khai hỏa và chúng tôi bắt đầu hành trình 21 cây số. Tôi luồn lách đám đông và len gần đến Chris. Chạy hết mile đầu tiên, liếc nhìn đồng hồ Garmin đeo tay, thấy mất chỉ có 8 phút 36 giây, hơi nhanh so với 9 phút 9 giây cần thiết để chạy dưới 2 giờ. Tôi có hơi một chút lo lắng, nhiều người phản đối việc chạy theo pacer là vì họ phân tích rằng mình nên khởi đầu chậm hơn 9:09 trong khi pacer họ luôn luôn chạy đều một tốc độ (even split), đằng này Chris chạy nhanh hơn even split gần nửa phút. Tuy nhiên tôi nghĩ có lẽ là Chris cần phải chạy nhanh để bung khỏi đám đông, tôi nhất định trung thành với chiến thuật của mình và tiếp tục bám theo Chris. Quả đúng như vậy, các mile sau đó Chris giảm tốc độ cho gần bằng 9:09. Đến mile thứ 3 đám đông chạy theo Chris giờ chỉ còn khoảng 5 người. Tôi chạy tiến lên song song với Chris, nói với anh ta:
“Tôi muốn nói cho anh biết tôi sẽ chạy bám theo anh đến đích!”
Cán đích
Chris gật đầu, cười nhẹ. Có lẽ anh ta đã quen nghe câu này từ nhiều người và những người đó cuối cùng cũng bị rớt phía sau. Đằng sau tôi có tiếng phụ nữ:
“Một thái độ tích cực, rất đáng khen!”
Một lúc sau tôi lại chạy song song với Chris, cho anh ta biết là tôi ở trong camp của Doug Butler. Chris quay qua nhìn tôi cho thật rõ, và anh ta nói coach Butler là bạn thân của anh. Dĩ nhiên là tôi biết nói cái tên Butler ra là sẽ thu hút được sự chú ý của Chris, tôi không biết hai người là bạn nhưng nếu Chris mà không biết Doug Butler thì anh không phải là dân chạy bộ ở địa phương này. Tôi cố ý nhắc tên coach của mình để cho Chris biết là mình không phải là dân amateur.
Trời lạnh thật nhưng đối với dân chạy bộ đó là điều lý tưởng, cũng may là hồi nãy tôi đã cởi áo khoác đưa cho vợ giữ, nếu không thì tôi cũng phải cởi ra và quăng dọc đường như các runner khác đang làm và sau đó phải lái xe đến đó nhặt lại sau. Đến mile thứ 5 thì chỉ còn lại 3 người bám theo Chris, sau này xem kết quả tôi mới biết tên tuổi của hai người này, đó là Jay và Renee cỡ tuổi 50. Cả ba chúng tôi đều chạy bám sát theo Chris, riêng Renee thì cô nàng liên tục nói chuyện với Chris. Đến mile thứ 6.55, tức là nửa đoạn đường tôi liếc nhìn đồng hồ đeo tay, chính xác 1 giờ. Tôi nói thầm trong bụng dắt pace hay đến thế là cùng!
Sang đến mile thứ 7, hình như Renee bị đuối sức, cô ta tiếp tục bị rơi lại đằng sau rồi tăng tốc lên đằng trước, thỉnh thoảng la lớn lên như muốn tự an ủi mình: “Renee, mày có thể làm được mà!” Tôi tiên đoán là cô ta sắp bị rớt lại đằng sau luôn, và đúng như vậy tôi chỉ cần nhìn vào thái độ của Chris là biết. Hai người này đã trở thành bạn chỉ sau một tiếng chạy bộ. Chris tiếp tục ngoái đầu lại phía sau, miệng lẩm bẩm: “Oh, đừng… cố gắng lên đi!” Khỏi cần quay đầu lại, tôi cũng biết là bóng của Renee đang nhỏ dần phía sau. Giá mà không có tôi và Jay thì tôi bảo đảm Chris sẽ đứng lại động viên Renee, vận động viên chuyên nghiệp như anh ta có thể ngừng lại hàng chục phút mà vẫn có thể chạy rút để bù thời gian. Tuy nhiên anh còn có nhiệm vụ phải làm, và chúng tôi lại tiếp tục lao về phía trước.
Đến mile thứ 8, tôi hơi hồi hộp một chút vì chính ở giai đoạn này kỳ Cocoa Beach Half Marathon tôi đã bị chuột rút, nhưng rồi tôi vẫn thấy thoải mái, không một chút mệt mỏi, và điều quan trọng nhất là vẫn có thể thở đều và nói chuyện bình thường. Sang đến mile thứ 9, tôi nói với Chris:
“Có lẽ đến mile thứ 10 tôi sẽ vượt qua bạn và chạy về đích một mình!”
Chris nhìn tôi và nói:
“Nhìn cách bạn chạy như vậy tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì. Tôi tin chắc bạn thực hiện được.”
Đến mile thứ 10, tôi cám ơn Chris và hẹn gặp anh ta ở FINISH line. Tôi bắt đầu tăng tốc, sang đến mile thứ 11 thấy pace mới của mình là 8:24, thấy hơi nhanh nên tôi giảm lại còn 8:57. Đến khoảng mile thứ 11.5, qua một đoạn cua ở khu dân cư tự nhiên tôi thấy bên chân phải có cái gì cồm cộm nổi lên. “Thôi, chết rồi! dấu hiệu của chuột rút.” Tôi tiếp tục chạy đều nhưng hơi nghiêng lực sang chân trái. Cục u tiếp tục hiện lên rồi biến mất.
Đến mile thứ 12, đối diện với cây cầu Strawbridge dài 1 mile bỗng dưng gió ngược chiều nổi lên. Thôi rồi gió đổi chiều, lúc đi bị nó tạt vô mặt thì đáng lý lúc về nó phải thổi sau lưng mới đúng, đằng này mình bị lãnh đủ gió tạt vào mặt cả hai chiều. Đối diện với biết bao trở ngại, chuột rút, gió lạnh thổi ngược 30 dặm một giờ, và con dốc cao diệu vợi, nhưng tôi không nhụt chí, vẫn quyết tâm cán đích dưới 2 giờ đồng hồ. Tôi nghĩ đến câu châm ngôn “Cơn đau chỉ là tạm thời, danh dự thì bất diệt!”, tôi nén đau và rảo những bước ngắn và nhanh nhằm dốc thẳng đứng mà tiến tới. Dọc đường tôi thấy có nhiều runner dừng lại đi bộ vì gió tạt mạnh quá. Có một lúc bị chuột rút đau quá nên tôi dừng lại co chân lên kiểm tra, lập tức nó bị cứng đơ, tôi hoảng quá lao đầu và tiếp tục cà nhắc chạy. Hết đoạn leo dốc thì xuống dốc đúng ra là phần thưởng, đó là lúc đôi chân được nghỉ ngơi và mình chỉ việc để trọng lực kéo đi, nhưng vì bị chuột rút thì phần thưởng trở thành cực hình, tôi không dám lao nhanh xuống dốc vì những chấn động lên bắp vế sẽ làm đau hơn. Bình thường thì ở 3 mile cuối trong các buổi tập cuối tuần tôi chạy “negative splits”, có nghĩa là càng lúc càng nhanh hơn, nhưng hôm nay tôi không làm được điều đó, tôi đã bị chậm đi ít nhất hai phút vì phải chạy với pace 10:05 khi qua cầu Strawbridge.
Thấy tấm bảng mile thứ 13 có nghĩa là chỉ còn 160 mét nữa là đến đích, xa xa đã thấy cổng FINISH màu đỏ và trắng nổi lên rực rỡ và đám đông lắc chuông reo hò inh ỏi để cổ vũ, lúc đó tôi bị một cô gái người Mỹ gốc La-tinh cỡ tuổi trung niên vượt qua mặt cái vèo. Tự ái trong mình nổi lên, tôi thu hết sức lực và gồng mình chạy nước rút, tôi bắt kịp và qua mặt cô gái này trước khi cán đích. Tôi liếc nhìn đồng hồ, 2:00:07, đây là “gun time”, thời giờ đếm được từ lúc phát súng khởi hành bắt đầu. Trong cả nghìn người chạy bán Marathon hôm nay, tôi biết chắc chắn cái pacing group 2:00 xếp hàng sau vạch xuất phát gần cả phút, có nghĩa là cái “chip time” của tôi phải dưới 2 tiếng. Qua cổng, bước lên thảm đỏ tôi vung 2 tay lên trời đầy thỏa mãn. Cơn đau tạm thời biến mất. Tôi quay lại thấy Jay, ông bạn độc nhất còn lại bám theo pacer 2:00, chạy như bay cán đích. Tôi giơ tay “high five” với Jay để chúc mừng, sau đó tôi thấy Chris cầm cái gậy tre với tấm biển 2:00 tiến lên, tôi dám chắc Chris đã canh đúng giờ để cán đích, nếu có trật thì chỉ chừng vài giây. Tôi nói với Chris:
“Tôi bị vọp bẻ trước khi lên cầu.”
“Tôi biết! Tôi thấy từ đàng sau, nhưng tôi khâm phục bạn đã có một kết thúc mạnh mẽ.”
“Cám ơn Chris, nhờ anh mà tôi có tự tin ở 10 dặm đầu. Tôi đã đánh một ván bài liều, xém chút nữa là thua!”
Vợ con tôi ùa đến, tôi giới thiệu với Chris, sau đó mọi người đòi chụp vài tấm hình kỷ niệm. Chris đưa cây gậy 2:00 cho tôi:
“Đây là quà của bạn, bạn đã giành được nó, nhớ ghi chữ SUB bên dưới.”
SUB có nghĩa là ít hơn, ý của anh ta là tôi chạy dưới 2 tiếng. Xong Chris quay qua nói với gia đình tôi:
“He ran strong. You should be proud of him.”
Bảo kiếm tặng anh hùng, chụp chung với pacer Chris Reesh
Trên đường về, Việt Trinh con gái giữa của tôi mở điện thoại và cho biết đã có kết quả giải Florida Marathon và thành tích của tôi là 1:59:24. Tôi biết rõ là nếu không bị vọp bẻ trước khi lên cầu ở đoạn cuối thì có lẽ thời gian của mình còn tốt hơn nhiều, nhưng tôi rất hài lòng với kết quả vì tôi đã đạt được mục tiêu đặt ra trước khi bước vào cuộc thi, đó là chạy dưới 2 giờ đồng hồ. Một tay cầm vô-lăng, tay kia tôi đấm mạnh một phát vào không khí và la lên: “Yeah!” trông giống như trẻ con, làm vợ con trong xe cười vang.
Cuộc chơi không kết thúc ở đây, tôi còn nhiều mục tiêu ở phía trước, tôi còn nhiều giải 5K, 10K, Half Marathon, và Full Marathon trong tương lai, nhưng quan trọng là giải New York City Marathon sắp được tổ chức vào tháng 10 năm nay, đây một trong hai giải Marathon lớn nhất được tổ chức hàng năm ở Mỹ. Nếu muốn được tuyển chọn vào NYC Marathon thì tôi phải chạy 26.2 miles dưới 3 tiếng 14 phút, một tiêu chuẩn khắt khe và quá xa tầm với của tôi. Tôi chỉ có thể tham gia giải này theo cách khác, đó là bốc thăm. Tôi đã đăng ký và chờ đợi kết quả bốc thăm vào tháng tới.
Có nhiều quan niệm rằng chạy bộ chủ yếu để giữ gìn sức khỏe và cho thân hình cân đối, đâu cần phải ghi danh thi chạy. Riêng tôi lại nghĩ khác, chính những cuộc đua là niềm phấn khích và động lực đã làm cho tôi tập luyện chăm chỉ với một thời khóa biểu khắt khe. Nếu chạy để khỏe thì mình chỉ cần chạy tàng tàng ngày này qua tháng nọ, riết đâm ra nhàm chán. Chạy để đua thì mình bắt buộc phải nâng cao thành tích cá nhân, phải có những bài tập và chế độ dinh dưỡng thích hợp, vô hình trung mình đã tạo cho mình một hệ biến dưỡng (metabolism) tuyệt vời và một sức khỏe tráng kiện mà không phải lo nghĩ sâu xa.
Hẹn gặp lại bạn hiền ở những tuyến đường chạy bộ!
BTL – Rockledge, FL – 15 tháng 2, 2016