Menu Close

Uyên Ương

Vừa rồi trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới, vợ chồng tôi được thân nhân bạn bè gởi lời chúc tụng qua thư điện tử, có cả thơ và thiệp với hai chữ “uyên ương”. Thành thật mà nói, hồi nào tới giờ tôi hiểu hai chữ “uyên ương” một cách rất qua loa. Tôi hiểu theo nghĩa bóng, “uyên ương” là vợ chồng; đôi uyên ương là đôi vợ chồng khắng khít. Trước đây tôi cứ tưởng uyên ương theo nghĩa đen là một loài chim đẹp nào đó, như loan phụng, yến oanh chẳng hạn. Bây giờ tôi mới vỡ lẽ ra uyên ương chẳng phải loài chim sang cả nào hết mà là một giống thuộc họ hàng nhà vịt.

uyen uong3

Đúng vậy, uyên ương là tên một loại vịt, tên tiếng Anh của nó là mandarin duck. Tôi có thất vọng không? Thưa có. Tôi thất vọng chỉ vì gần cả đời tôi thiếu hiểu biết, hay nói đại ra là tôi dốt. “Mandarin”, theo tôi hiểu, có nghĩa là tiếng quan thoại, là quan lại Trung Hoa, là màu cam, là trái quít tàu. Vậy mà mandarin duck nghĩa là (vịt) uyên ương; điều đó làm tôi ngớ! Nghe đâu là người Việt mình thường gọi uyên ương là vịt Nhựt Bổn. Điều này cũng có lý, vì theo tài liệu, nước Nhật có nhiều uyên ương hơn các nước khác. Thời gian gần đây, người Việt trong nước cũng bắt đầu nuôi uyên ương làm kiểng, tuy giá mỗi cặp có khi lên tới mười triệu VN$.

uyen uong2

Bác Gú Gồ (Google) và bác Quí Kỳ (Wikipedia), hai nhà thông thái sống thường trực trong máy điện toán, cho tôi biết thêm đôi điều về “vịt uyên ương” như sau:
Uyên ương (danh pháp hai phần: Aix galericulata) là một loài vịt đậu cây kích thước trung bình, có quan hệ họ hàng gần gũi với vịt Carolina (wood duck) ở Bắc Mỹ. Kích thước chiều dài của nó là 41–49 cm và sải cánh dài 65–75 cm. Con trống (còn gọi là uyên) có bộ lông sặc sỡ khó nhầm lẫn. Nó có mỏ đỏ, vệt lông hình lưỡi liềm lớn màu trắng phía trên mắt và mặt đỏ cùng “ria”. Ngực màu tía với hai sọc trắng theo chiều dọc, hai hông hung hung đỏ, với hai cụm lông giống như hai lá buồm màu da cam ở lưng. Con mái (còn gọi là ương) trông tương tự như con mái của vịt Carolina, với vành khuyên màu trắng quanh mắt và sọc chạy ngược về phía sau từ mắt, nhưng nhạt dần, nó có sọc nhỏ màu trắng bên hông và đầu mỏ nhạt màu.
Trong tự nhiên, uyên ương sinh sản trong các khu vực nhiều cây cối gần các ao, hồ nước nông, đầm lầy. Chúng làm tổ thành các hốc trên cây, gần với mặt nước. Con trống không chăm lo gì đến việc ấp và bảo vệ trứng, nó để mặc cho con mái tự làm lấy việc này. Tuy nhiên, trái với các loài vịt khác, uyên ương trống không bỏ rơi gia đình, nó chỉ tạm thời rời bỏ con mái trong thời gian ấp trứng và sẽ quay trở lại khi trứng đã nở. Ngay sau khi uyên ương con nở ra, mẹ chúng bay xuống đất và kêu để giục các con rời tổ. Sau đó các uyên ương con sẽ theo mẹ đến một vùng nước gần đó, nơi chúng sẽ thường xuyên gặp mặt cha mình – lúc này uyên ương cha đã quay trở về và bảo vệ con cái cùng mẹ chúng. Nếu như uyên ương cha không có mặt thì nhiều khả năng nó đã chết trong quá trình rời nhà trước đó. Quần thể châu Á là chim di trú, chúng trú đông tại các vùng đất thấp ở miền đông Trung Quốc và miền nam Nhật Bản.

uyen uong1

Uyên ương kiếm ăn bằng cách bơi lội hay đi lại trên mặt đất. Chúng chủ yếu ăn các loại rau cỏ và hạt, đặc biệt là quả sồi. Chúng đi kiếm ăn lúc chạng vạng hay rạng đông, còn ban ngày thì đậu trên cây hay ở dưới mặt đất để nghỉ ngơi. Chúng có thể tạo thành các bầy nhỏ trong mùa đông, nhưng ít khi thấy chúng tụ tập cùng các loài vịt khác.
Theo quan niệm Á Đông, vịt uyên ương là biểu tượng tuyệt đối của tình yêu và hôn nhân, đặc biệt là người Trung Hoa, Nhật Bản và Triều Tiên. Quan niệm cho rằng uyên ương tượng trưng cho tình yêu và hôn nhân bắt đầu từ ngàn xưa. Uyên ương thường được thấy bơi từng cặp với nhau (xin bạn hiểu cho là một cặp hiểu theo nghĩa thông thường gồm một con trống và một con mái). Người ta nhận thấy uyên ương chung thủy với người bạn tình trong suốt trọn đời của chúng.
Hình ảnh uyên ương rất phổ biến trên thiệp cưới, thiệp chúc mừng của tất cả các loại để thể hiện tình yêu, lòng trung thành và lời chúc tốt đẹp. Tượng nhỏ (figurines) bằng đá quý hoặc tranh thêu, tranh vẽ uyên ương luôn luôn là món quà cưới được ưa chuộng nhất trong mọi thời đại. Đôi lứa thành hôn nào cũng thích được tặng món quà có hình dáng đôi uyên ương tượng trưng cho lòng chung thủy và hạnh phúc hôn nhân trường cửu.

uyen uong4

Vịt gỗ trống và mái (wood duck) – nguồn riphath.deviantart.com

Nhiều người tin rằng trưng bày hình tượng tranh ảnh uyên ương trong nhà sẽ giúp bảo đảm mối quan hệ tuyệt vời với người bạn đời.
Nhìn ngắm tranh tượng uyên ương thường xuyên mỗi ngày sẽ nhắc nhớ hai người nên cư xử với nhau bằng tình thương yêu đùm bọc.
Người ta cũng tin rằng đối với những người chưa tìm được ý trung nhân, nhận được món quà tranh tượng uyên ương có thể giúp cho nguyện vọng đó sớm thành tựu.
Uyên ương được biết đến và được tôn sùng tại Trung Hoa. Nhật Bản, Triều Tiên từ trước công nguyên. Từ đầu thế kỷ 18, những nhà thám hiểm người Âu khi đặt chân đến vùng Đông Á cũng bị vẻ đẹp của uyên ương thu hút. Họ đã mang những đôi vịt uyên ương về nước. Uyên ương khá dễ nuôi cũng như dễ sinh đẻ cho nên ngày nay được chăn nuôi nhiều trong các khu bảo tồn điểu cầm hay trong các vườn bách thú.
Tranh “uyên ương hí thủy”. Người Trung Hoa hay dùng câu Uyên ương hí thủy, nghĩa đen là đôi uyên ương vui đùa dưới nước, nghĩa bóng là “đôi lứa yêu nhau”.

uyen uong

Tranh Uyên Ương

Người Trung Hoa còn cho rằng vịt uyên ương rất hiền, luôn sống hòa thuận, không gây gổ xung khắc nhau. Tình yêu chúng dành cho nhau sâu sắc đến độ nếu một con trong đôi chết hoặc biến mất, con còn lại sẽ bị “rất lấy làm đau khổ tan nát cả cõi lòng”. Không còn người bạn đời bên cạnh, con còn lại sẽ không còn đủ sức mạnh và ý chí để sống nữa và cái chết sớm muộn gì cũng không thể tránh khỏi. Đó là những gì người Á Đông tin tưởng.
Ấy vậy mà những anh uyên (vịt uyên ương trống) di dân gốc Á đông sống ở Bắc Mỹ, chẳng biết vô tình hay cố ý lại giao phối với các chị vịt gỗ, vốn là dân bản địa Hoa Kỳ. Thôi thì tôi cứ cho các anh uyên đó được hưởng “lợi ích của sự nghi ngờ” đi vậy, vì thật ra, các chị ương và các chị vịt gỗ hầu như rất khó phân biệt ngoại trừ chị ương có “vệt nước mắt dài tận cổ”. (Xem hình).
Một điều lạ là trứng từ những cuộc giao phối dị chủng này chưa bao giờ nở thành vịt con thành công. Các nhà thực vật học cho rằng  gen di truyền của vịt uyên ương chứa nhiều nhiễm sắc thể hơn và khác với của vịt gỗ. Nước Nhật đã chế tạo nhiều xe hơi “hybrid” nhưng vịt Nhựt Bổn “hybrid” thì chưa thấy.

uyen uong5

Uyên ương mái và vịt gỗ mái

Vịt uyên ương được giới thiệu nhiều lần đến châu Âu. Hiện có khoảng nhiều ngàn vịt uyên ương ở Anh trong các vùng Devon, Norfolk, Berwickshire, Perthshire, Moray, Sutherland và Wales. Một số ít hơn sống rải rác khắp các nước châu Âu như Pháp, Đức, Áo, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha…
Tại Hoa Kỳ, một số lượng vịt uyên ương hạn chế sinh sống ở tiểu bang North Carolina; một số khác được tìm thấy ở Sonoma County, California. Tại Quận Cam thuộc tiểu bang California, uyên ương xuất hiện bất chợt tại một số các sông, suối, ao, hồ và không thường xuyên và không nhất định. Người ta không thể dự đoán nơi chúng có thể xuất hiện, nhưng chúng được biết thường quanh quẩn ở những nơi như Huntington Central Park, Công viên Vùng Irvine, Mile Square Park, Công viên Vùng Craig, sông Santa Ana và  San Joaquin Wildlife Sanctuary.
Andy Nguyễn, con trai của vợ chồng tôi đã rất đỗi vui mừng khi tình cờ bắt gặp một con uyên đơn lẻ tại một công viên ở vùng Dallas TX vì loài vịt này vô cùng hiếm hoi ở Bắc Mỹ. Andy đã chụp một số ảnh con uyên lẻ bạn. Liên tiếp trong mấy ngày liền, Andy đã trở lại công viên đó với hy vọng bắt gặp cả đôi trống mái đủ cặp để chụp ảnh một đôi uyên ương đúng nghĩa, nhưng vẫn chẳng thấy con chim mái đâu cả. Sau đó con vịt trống cũng biến mất, Andy thôi đành tạm gởi ảnh uyên mà thiếu ương để mừng kỷ niệm 50 năm ngày cưới cha mẹ.

PH
Nguồn tham khảo:
https://en.wikipedia.org/wiki/Mandarin_duck
http://www.birdinginformation.com/birds/ducks/mandarin-duck/