Menu Close

Tô phở tự do

Ông Xuân là anh họ của cha tôi. Ông là lính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông rời Đà Nẵng trong ngày cuối cùng trước khi miền Nam mất vào tay Cộng sản. Sang Mỹ, ông được một gia đình người Mỹ bảo trợ về một miền quê hẻo lánh, không có người Việt nào sống ở đó. Gia đình này làm nông trại, trồng bắp và nuôi bò. Suốt hơn một năm, bò là sinh vật ông giao tiếp thường xuyên nhất, vì không mấy khi ông được gặp người, và lúc đó ông chưa thể sử dụng được tiếng Anh. Công việc của ông bắt đầu từ mờ sáng cho tới tận đêm, hết vắt sữa bò thì đến việc ngoài đồng. Chân lúc nào cũng xỏ trong đôi ủng để lội trong phân bò ngập ngụa. Người chủ Mỹ này không hề nhắc nhở gì đến lương tiền của ông, thậm chí còn không cho ông cơ hội để tiếp xúc với ai khác ngoài những người trong gia đình họ. Một hôm ông trốn đi, tìm đường về Cali, về với đồng hương. Cày cuốc ở Cali vài năm, ông lấy vợ, hai vợ chồng trôi dạt qua Virginia. Ban đầu làm công, rồi vay ngân hàng mở một tiệm giặt. Ông nói với cha tôi:
“Có nhiều tháng anh không hề nhìn thấy mặt trời là gì. Mờ sáng, ra khỏi nhà khi trời còn tối; đến khi xong việc, đóng cửa tiệm thì đã tối mịt, về đến nhà là nằm quay ra ngủ để lấy sức cho ngày mai cày tiếp. Một năm chỉ nghỉ ngày Noel và những ngày có bão tuyết không thể ra đường được thôi, còn lại 364 ngày kia là một chuỗi ngày lặp lại y như nhau.”
Người Việt ở Mỹ không nói “đi làm” mà nói “đi cày” cho dù công việc không liên quan gì đến việc nhà nông, và cho dù có khi công việc cũng không nặng nề gì lắm.
Vợ chồng ông Xuân chí thú làm ăn, mua nhà, sắm sửa đủ mọi tiện nghi. Ông nói tiếp:
“Chịu cày là sẽ có hết. Muốn mua gì thì sẽ được mua thiếu. Vấn đề là có thời gian để hưởng thụ những tiện nghi đó hay không.” Với ông thì tất nhiên là không.

to pho

Thắm Nguyễn

Tiệm giặt của ông ở một khu khá sầm uất. Ông vừa để máy giặt, máy sấy cho khách sử dụng, vừa nhận đồ dry-clean. Khách tự giặt sấy lấy đồ của mình, trả tiền bằng đồng xu nhét vào khe cho máy tự động chạy. Tiệm lúc nào cũng đông khách. Công việc của ông là sửa chữa máy hư, đổi tiền giấy thành tiền xu cho khách, dọn dẹp vệ sinh, nhận đồ giặt thuê cho những ai yêu cầu, nhận và trả đồ sau khi đã giặt xong cho khách. Tất bật. Công việc làm mãi tạo cho ông một kỹ năng rất tuyệt, như một nghệ sĩ siêu hạng, trong việc lượng định số tiền xu bằng trọng lượng của chúng. Ông có thể lấy số tiền xu thật chính xác để đổi cho khách mà không cần đếm. Đưa cho ông 2 tờ bạc, một tờ $10 và một tờ $5, ông chỉ cần thò tay vào cái chậu đựng tiền xu, bốc một nạm, lắc lắc tay để cân nhắc trọng lượng, rồi thả số đồng xu trong tay ra cái đĩa. Có khi ông phải bốc hai lần vì số xu nhiều quá, bốc một lần không giữ được hết trong tay. Nhưng thế nào đi nữa, một lần hay hai lần, thì khi khách đếm lại cũng đúng ngay chóc 60 đồng 25 xu. Ông chỉ cười cười, ánh mắt có chút tự hào lẫn giễu cợt trước sự thán phục của những người khách.
Cha tôi kể, trong ngày đầu tiên ông và mẹ tôi đặt chân đến Mỹ sau gần 2 năm sống trong hoàn cảnh thiếu thốn ở trại tị nạn Mã Lai, hai ông bà được ông Xuân bảo trợ về sống chung. Ông Xuân nhờ vợ trông tiệm giùm, rồi chở cha mẹ tôi đi chơi, chuyến đi đầu tiên tiếp xúc với đời sống ở Mỹ.
Ông Xuân chở họ đến khu thương xá Eden ở Virginia. Ông mời hai người ăn trưa. Ngỡ rằng ông sẽ cho ăn một bữa thức ăn Mỹ, nhưng không, ông lại đưa họ vào tiệm phở Hòa. Thời đó, thương hiệu phở Hòa có chi nhánh ở nhiều tiểu bang trên nước Mỹ, đây là tiệm phở lớn nhất trong vùng.
Sau khi kéo ghế, ông Xuân lấy thực đơn, hỏi hai người thích ăn món gì. Cha mẹ tôi ngại ngùng, chưa kịp trả lời thì ông bảo ăn phở nhé, phở ở đây được lắm. Ông gọi người bồi bàn lại, bảo làm 3 tô: 2 tô đặc biệt và 1 tô nhỏ, cha mẹ tôi ái ngại nhìn nhau, ngầm nghĩ rằng 2 tô đặc biệt là dành cho 2 người đàn ông, còn phần mẹ tôi là tô nhỏ. Khi bồi khệ nệ mang cái mâm ra, ông bảo anh bồi 2 tô đặc biệt là của cha mẹ tôi, còn ông thì tô nhỏ. Trước mặt cha mẹ tôi là 2 cái tô to khổng lồ, to bằng chậu nuôi cá, ông bà chưa từng thấy cái tô phở nào kinh khủng như thế, ngồn ngộn những thịt là thịt, đủ thứ thịt: gầu, gân, tái, nạm, bò viên, chừng như nguyên cả con bò trong tô, chỉ nhìn thôi cũng đủ sảng hồn, họ nghĩ rằng có lẽ ông Xuân gọi nhầm. Kế bên là đĩa rau thơm, giá. Trên đĩa có đúng 3 nhánh rau quế, mỗi nhánh chừng 7 lá rau, đúng 3 lá ngò gai, những lát chanh vàng tươi, và ớt xanh xắt lát. Có vẻ như mọi thứ rau đều được tính toán kỹ lưỡng để chia đều đủ cho 3 tô phở. Mọi thứ rau đều có kích thước to quá khổ nếu so với những thứ đồng chủng ở Việt Nam trong ký ức của cha mẹ tôi. Lá rau quế to bằng 3 ngón tay, gấp 3 lần thứ rau cùng chủng loại ở Việt Nam. Cọng rau ngò gai cũng vậy, bản to dầy và cứng như một lưỡi kiếm thép.
Ông Xuân ép họ ăn, không cho thoái thác. Ông bảo, cứ ăn đi, ông sẽ cho họ biết lý do vì sao họ phải ăn tô phở to như vậy. Tất nhiên, làm sao cha mẹ tôi ăn hết tô. Với cái bao tử đã quen với những khẩu phần rất giới hạn của những ngày sống ở Việt Nam và trong trại tị nạn thì tô phở này chẳng những là một sự thừa mứa vô hạn ở phần dung lượng, mà còn như một sự trêu ngươi ở mặt tâm lý.
Ông Xuân bảo:
“Tôi muốn cho hai vị thấy sự hùng mạnh và dư thừa của nước Mỹ là như thế nào. Hai vị ăn được chừng nào thì ăn, không hết thì bỏ, không ai phàn nàn chút gì đâu. Đây là ‘tô phở tự do’. Sau này hai vị sẽ quen đi, không còn thấy lạ nữa, nhưng sẽ nhớ mãi bữa ăn đầu tiên trên quê hương mới này. Chúng ta đang sống trong cường quốc số 1 trên thế giới, và quý vị sớm muộn gì cũng sẽ là thành phần của đất nước này. Nó đặc biệt và đáng tự hào lắm đấy!”
Lời tiên đoán của ông Xuân chỉ đúng có hơn một nửa, chỉ có mẹ tôi trở thành một thành phần toàn vẹn của nước Mỹ, còn cha tôi thì, theo nhận định được cho là đã cân đo chính xác của ông, chỉ trở thành ¼ người Mỹ.
Đây là bài học đầu tiên cho cha mẹ tôi, mở ra cho ông bà khái niệm hùng cường của quê hương mới mà họ đã đánh đổi bằng cuộc cá cược sinh mệnh của mình trong những lần tù tội, những chuyến vượt biên trên biển. Bài học “tô phở tự do” này, với mẹ tôi thì bà đã quên đi rồi, bà có khả năng quên thật nhanh những điều gì bà thấy không cần lưu giữ, nhưng với cha tôi thì được ông tâm đắc lắm. Tôi biết, thỉnh thoảng sau này cha tôi thường mời những người thân quen của ông đi ăn phở khi họ vừa đặt chân lên nước Mỹ. Tôi không biết ông có áp dụng bài học này với họ hay không, nhưng không ít lần tôi được nghe ông kể lại chuyện “tô phở tự do” trong nhiều dịp khác nhau.
“Hồi đó, cái hồi mà tôi mới tới Mỹ, thì tô phở không phải chỉ là tô phở, mà nó là cái chậu nuôi cá, ngoài ra nó còn biểu trưng cho sự hùng cường và tự do. Ừ, hùng cường nằm ở chỗ thừa mứa. Còn tự do ở chỗ ăn không hết là bỏ, hổng có tiếc à nghen…”
Câu chuyện luôn luôn được cha tôi bắt đầu một cách đơn giản nhưng chân thành như vậy.

TN