Sài Gòn bắt đầu nới lòng đón bà con từ mọi nơi đổ về sau đợt nghỉ Tết, các hàng quán lần lượt đông khách, đường sá lần lượt kẹt xe, bên cạnh những ồn ào náo nhiệt thì thành phố hơn 9 triệu dân dường như có sinh khí hơn, vì đầu năm mọi người cũng đỡ căng thẳng, tất cả khởi động guồng quay một cách chậm rãi. Sài Gòn mà, còn đến 11 tháng lo gì!
Có lẽ nhộn nhịp sôi nổi nhất vẫn là các quán cóc dành cho giới học sinh sinh viên, các quán này cũng là những quán ăn Tết “lớn” nhất vì thời gian mở cửa đa số cũng trễ nhất do tất cả đều tùy thuộc vào lịch của đối tượng mà họ phục vụ. Loại kinh doanh này cũng đa dạng và rất lưu động từ số vốn đến mặt bằng và cả thực đơn. Tất cả thay đổi như chong chóng theo thị hiếu và “thực hiếu” khách hàng.
Khách của quán trong hẻm thường là sinh viên học sinh
Tôi tuy đã qua cái thời mài mông ở giảng đường nhưng luôn luôn là “con sâu” ăn vặt, nên danh sách các quán ngon trong đầu luôn luôn ở vị trí hàng đầu, luôn là những nơi ăn vặt ngon bổ rẻ, đặc biệt “cổ xưa”, chỉ ma xó hay người rành Sài Gòn mới biết được. Quán ya ua hẻm của hẻm là một trong số đó.
Cái tên “hẻm của hẻm” cũng do các tín đồ đam mê thức ăn ở đây đặt, nó ứng 100% đường dẫn vào quán. Vì quán này nằm trong một con hẻm cụt của một con hẻm cụt thuộc một con hẻm rất nhỏ trong hẻm số 308 đường Nguyễn Tri Phương quận 10. Nếu lần thứ hai đến mà không có dẫn đường, có lẽ bất kỳ ai cũng sẽ bị lạc y như lần đầu. Điều đau khổ hơn nữa, đây là một con hẻm ăn vặt nên cách một hai nhà là một quán trà sữa, xe bánh tráng trộn, hàng ốc luộc… sẽ không ai muốn đi lộn chỗ nếu túi tiền rất “học sinh sinh viên” như tôi.
Bố cục của quán rất “cóc”, nhìn vô sẽ không ai nghĩ đây là một quán trà sữa mọc đã hơn 5 năm và bán hơn 900 ly trà sữa, ya ua, tiếp ít nhất 500 lượt khách mỗi ngày, phần lớn là mang về vì quán không đủ sức chứa.
Menu nhỏ gọn như những lá bài
Thế mới nói không đâu dễ sống bằng Sài Gòn, chỉ cần một xe nước mía, hai cái ghế đẩu là ra một hàng nước mía, một vài chai nước, bộ lọc cà phê và vài tấm giấy báo thì thành cà phê “bệt”, một cái quang gánh với nồi bún riêu ngon vẫn nổi tiếng khắp nơi… nhưng tất cả đều cần một cái tâm, một cái nghề, cái tâm phải yêu cái nghề mới sống được. Nếu người đến ăn, uống thấy ngon hoặc thoải mái thỏa mãn họ sẽ không ngại PR, truyền miệng giúp người bán. Cứ thế những nơi không người biết sẽ sớm tấp nập, và ngược lại, có những nơi đang rất đông khách nhưng bị phát hiện điều chi gian trá cũng sẽ vắng dần đến phá sản. Ai đó bảo Sài Gòn hoa lệ: hoa cho người giàu- lệ cho người nghèo. Không, tôi lại nghĩ khác, Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người có tâm, lệ cho người vô tâm. Vậy thôi. Ở Sài Gòn chỉ cần có tâm, sẽ cảm nhận được rất nhiều cái tâm khác. Sẽ sớm bắt nhịp và đến với nhau giúp đỡ nhau.
Nếu có thời gian ngồi ở đây từ 9am đến 8pm, tức là 1 ngày làm việc của quán ta có thể dễ dàng gặp đủ mọi “thành phần người” ở Sài Gòn này. Từ cô cậu bé nhỏ đến các cô chú công nhân viên chức, thậm chí diễn viên, ca sĩ để xe hơi tận ngoài hẻm đi bộ bằng guốc cao vào chỉ để mua một hộp ya ua Thái Lan mang về. Đây là món đặc sản của quán bên cạnh những món quen thuộc như trà sữa, bánh flan, cá viên chiên, mì nhật, và đặc biệt hiện nay tại Sài Gòn chưa nơi nào có thể làm tỉ mỉ và đầy đủ món ya ua Thái này, chưa kể đến ngon bằng nơi đây. Món này làm khá là công phu. Tôi học lỏm được sau gần 3 năm “đóng hụi chết” ở đây; theo tôi thì đầu tiên phải lên men ya ua sao cho thật ngon, ngâm hột é vào si rô dâu, các loại thạch làm từ bột gelatine, mỗi loại đều có màu sắc khác nhau nhưng hoàn toàn tự nhiên như lá dứa, củ dền, lá cẩm và nhân ở giữa các viên thạch lần lượt gồm củ năng, phô mai, đậu phộng, kèm theo đó là các loại trái cây cắt nhỏ… mọi quy trình được làm khép kín và vệ sinh, vì theo nguyên văn lời chị chủ:
– Cho cháu mình ăn nữa, tụi nó nhỏ đâu có biết gì.
Khi được hỏi có ai làm phụ chị không, chị liền trả lời:
– Có chứ, huy động hết con cháu rồi cả xóm chứ làm đâu nổi. Con cháu thì cho tiền tụi nó ăn bánh, có đứa đòi trả công bằng ya ua, mà không dám cho ăn nhiều, sợ chúng… ghiền. Còn người dưng thì tính công, làm nhiều cho nhiều làm ít cho ít vì không ai làm hàng ngày, cũng không dám mướn nhân viên sợ “lộ” bí quyết gia truyền.
Trà sữa hay yogurt là những món bán đắt nhất
Ngồi ở đây ngoài được ngắm gái đẹp trai xinh, đủ loại thời trang, kiểu tóc để “cập nhật xu hướng” thì còn được nghe nhiều câu chuyện thú vị lẫn mối quan tâm của các bạn trẻ. Nào là có một bộ phim về đồng tính nam của Trung Quốc rất hót, có một cô ca sĩ bị cô vợ đại gia tố giật chồng, các bà mẹ bỉm sữa lợi hại hơn cả ông Đinh La Thăng, phim chiếu rạp Việt Nam ngày càng hay và bớt nhảm, một bộ phim siêu nhân nào đó của Mỹ siêu bựa siêu hài nhưng các em coi xong không hiểu gì hết, trong trường thầy cô khó tánh ra sao, họ yêu nhau hay ngoại tình thế nào, trong lớp ai chơi với ai, ai nói xấu ai, đứa nào nhà giàu đứa nào bày đặt đua đòi… vân vân và vân vân, rất rất nhiều. Nhưng tôi lạ một điều là ngoài các chuyện ăn chơi phim ảnh đua đòi gato hình như các em tuyệt nhiên không ai nhắc đến chuyện học hành hay cuộc sống gia đình, chia sẻ tương lai bản thân, hay vấn đề xã hội…. Khi hỏi về công ty đa cấp vừa bị bắt các em rất ngơ ngác, hoặc hỏi hôm rồi 17-2 là ngày gì các em biết không thì vẫn nhận được các cặp mắt ngơ ngơ ngầm hỏi: chị đến trái đất với mục đích gì?
Chắc tôi quá nhiều chuyện, tham lam vượt mức chăng? Hay các em chưa đến tuổi để biết nhiều hơn? Thú thật, khi xem các clip ở các nước phát triển, trẻ em có thể dạy nấu ăn, phát biểu trước toàn trường, gặp tổng thống… tôi cũng rất khát khao. Hình như Việt Nam mình cũng có một thần đồng tên Đỗ Nhật Nam thì phải. Nhưng khi tiếp xúc với em tôi lại thấy em quá già, không phải cái già chín chắn mà là cái già bị nhồi nhét, dú ép quá đà. Em đã mất tuổi thơ, và cũng không có nghĩa là em sẽ có một tương lai vĩ đại như em mong muốn. Chẳng lẽ do tôi sính ngoại nên luôn cảm thấy thần đồng “con nhà người ta” mới hay ho như vậy sao?!
Quán đang đông khách, bà chủ và nhân viên chạy ngược xuôi thì hình như có một vị khách không mời tiến vào.
– Chị đầu năm mua may bán đắt he?
– Dạ. Chú nay đóng tiền gì nữa hả chú?
Thì ra ông tổ trưởng dân phố.
– Mai các cháu nhập ngũ, chị quyên các cháu ít tiền để các cháu lên đường bình an hỉ?
– Chúng nó nhập ngũ liên quan gì tui ông nội?
– …
– Thế chúng nhập ngũ chiến đấu trên bộ hay ngoài biển hay trên không vậy?
– Tôi không biết, cái đó còn tùy Đảng và Nhà Nước phân phó.
– Ông Đinh La Thăng chắc biết đó, ông gọi hỏi thử xem.
– Chị lại đùa. Hề hề. Đóng nhanh để tôi còn đi thu nhà khác, kẻo lại trễ.
– Nhiêu?
– Nhiêu cũng được chị ạ, tùy hỉ mà
– Mười ngàn nha ông, tùy hỉ mà!
– Chị lại đùa. Hề hề…!
– Thôi năm chục, đủ không?
– Vâng, cảm ơn chị, đầu năm mua may bán đắt nhé.
– Dạ anh đi thong thả.
Ông tổ trưởng dân phố đủng đỉnh đi ra ngoài. Chị chủ quán lầm bầm với tôi:
– Hôm nay mới mở, may có em mở hàng chứ không gặp thằng cha đó là thúi hẻo rồi.
Tôi tủm tỉm cười hỏi:
– Quán đông mà chị. Mà chị gọi ông Đinh La Thăng chưa?
– Gọi chi em ơi, chị thấy trên mạng người ta gọi nhắn rần rần mà có ai được trả lời đâu.
– Em thấy trên báo có mà!
– Vụ bán sữa hả em? Mà chị hỏi này, họ muốn bán sữa thì không cần biết số điện thoại giám đốc công ty sữa, mà chỉ cần gọi ông Đinh La Thăng. Chừ giờ họ muốn bán nước họ gọi số nào hè?
– Thì gọi đại lý nước chứ sao chị, chả lẽ gọi ông bí thơ hỏi số công ty nước à?
Hai chị em cười phá lên. Mấy người ở xung quanh cũng cười theo.
Thú thật, trong lúc ăn ya ua tôi cũng bày đặt nhắn một tin thật dài cho ngài bí thơ thành ủy với lời lẽ vô cùng chân thành:
“Thưa ngài, tôi xin tự giới thiệu tôi là một người dân lương thiện, mẫu mực, đóng thuế đầy đủ lẫn các loại tiền phí công ích theo đúng chu kỳ. Hôm nay được biết ngài là một vị quan chức đầu tiên đến với Sài Gòn với cái tâm mẫu mực, luôn đi sâu đi sát vào quần chúng mọi lúc mọi nơi, nên tôi viết tin này, mong ngài xem xét cho. Chuyện là ngài có thể giúp Sài Gòn có lại cái tên Sài Gòn như mọi con dân Sài Gòn mong đợi không? Vì tên hiện tại của Sài Gòn quá dài, rất khó đi vào lòng người, người ta bảo Hòn Ngọc Viễn Đông Sài Gòn chứ nào ai dám bảo Hòn Ngọc Viễn Đông Hồ Chí Minh đâu. Bác bẻ cổ chết. Xin ngài xem xét, cảm ơn ngài, đời đời nhớ ơn ngài!”
Quẹo vào đây đi, kiếm chỗ ngồi giải khát!
Không biết có phải tin nhắn tôi dài quá hay không mà tận hai hôm sau ngài bí thơ thành ủy mới đổi số hotline của mình thành một số điện thoại bàn: 08. 88. 247. 247. Và vài cư dân mạng đã giúp ngài mần luôn danh thiếp để tiện cho việc quảng bá: “Đâu cần anh Thăng có, đâu khó có anh Thăng!”
Đang định nhấn enter gửi bài này thì cô bạn Lan Phương lại hỏi:
– Làm gì để có tiền?
Tôi vừa kịp gửi nàng tấm danh thiếp trên. Nàng hỏi:
– Đưa tao cái này làm quái gì?
Còn làm gì nữa?!!
DU