Sơn gọi:
– Hi anh! mai câu mực!
– Mấy giờ?
– Sáu giờ chiều, tới nơi chừng 8 giờ tối, bắt đầu câu là vừa, bữa nay Thứ Sáu, trời ấm, đông người lắm, khó parking. Câu xong gần sáng về, không thì kéo qua Thứ Bảy… trưa chạy! ok anh?
Newport, một thành phố nhỏ, xinh xắn kiểu Anh, nằm sát ven biển với những cồn đá dài bọc vòng cung cái vịnh nhỏ sóng vỗ trắng quanh năm, ở đây giàu hải sản và là khu du lịch có tiếng của tiểu bang Massachusetts.
Newport nằm phía Đông Nam của Boston.
Mỗi năm những đàn mực tụ về vào cuối Tháng Tư, tạm trú ở vùng nước ấm dọc khu cầu tàu độ 2 tuần, dân câu khắp nơi kéo tới cả trăm người: Mỹ, Tàu, Việt, Nhật, Đại Hàn, Campuchia, v.v… biến khu này thành trung tâm câu mực có tiếng của tiểu bang. Thành phố Newport đông vui thêm, địa phương cho đặt mấy nhà vệ sinh, thùng rác, khu bán đá, thùng nhựa, dụng cụ câu, tạo phố biển, hấp dẫn dân du lịch và tiện lợi cho dân câu.
Dọc phố chính, nhiều biệt thự cổ bằng đá, những ngôi nhà gạch thời thuộc địa, cửa sổ trắng, vây quanh bờ vịnh với rào gỗ thấp, hoa hồng gai, bãi cỏ xanh đầy hoa hải đường, huệ tím. Sâu vô trong, phố nhỏ, đường lát đá vuông, quán bar, tiệm bán đồ kỷ niệm, Irish Pub nhấp nhô những ống lò sưởi gạch đỏ, đá xanh, những cánh gỗ sồi lạnh lùng thoảng như khu Soho, Luân Đôn.
Thắm Nguyễn
Tôi ngừng lại tiệm rượu, lấy hai chai chát đỏ, trời cuối xuân, đêm biển thường trở lạnh, làm vài ly cho ấm.
Đây là lần câu mực đầu tiên trong đời tôi.
Vốn không thích biển từ khi hụt chết qua lần vượt biên cuối cùng, lúc định cư Canada, tôi mê núi rừng, thường rủ bạn bè đi bắn vịt trời hoặc nai, nhưng ít ai tham gia vì mất nhiều thì giờ, tốn tiền sắm sửa đồ nghề, cũng có người nghĩ rằng mình vượt biển tới đây được là nhờ ơn Phật trời, nên không muốn sát sinh.
Chuyển qua Boston, quen với gia đình Sơn, anh ta gốc dân biển Tuy Hòa, mùa nào cũng rủ đi câu cho vui, dù biết tôi câu không rành.
Xe vòng khu phố biển, chạy dọc theo những chiếc phà lớn, đầy khách du lịch, tới công viên, Sơn quẹo trái sau hãng sửa chữa tàu, tìm chỗ đậu.
– Hên! parking ngon lành!
Chúng tôi xuống xe, chuẩn bị mọi thứ: cần, hộp mồi giả, thùng, ghế, áo lạnh, găng tay, đèn gaz, và hai chai rượu chát đỏ.
Sơn cười.
– Bữa nay vợ em dễ thương, làm một cặp steak bò sandwich, câu không được, nó cằn nhằn chết luôn!
Sơn dồn hết mọi thứ vô chiếc thùng kéo.
– Câu chỗ nào?
– Anh đi thẳng, qua khỏi lùm cây của căn nhà kia là thấy ngay.
Tôi bước nhanh.
Biển bất ngờ mở ra trước mặt, bến cảng dài, những du thuyền, tàu đánh cá, nằm yên với dọc cột buồm trắng, như mọc từ mặt biển lóng lánh màu vàng cam của nắng chiều, bên phải là khu cầu tàu cũ, trơ những kè gỗ,những cột sắt rỉ, chiếc cầu lớn ở giữa ôm qua bờ vịnh bên kia.
Trên cầu, vài chục người câu mực đứng chật thành bên phải, tôi tiếc thầm đã không mang theo máy hình.
Ánh nắng cuối ngày vàng óng, chiếu từ hướng đảo, trải dọc theo chiếc cầu tạo thành một vùng sáng ngược trên những người câu mực, dãy cần câu, long lanh trăm sợi cước như trăm sợi thủy tinh đong đưa tới mặt nước biển đặc lại như màu đồng thau.
Mọi người cười, la, kéo dây, thả câu tất bật, nổi lên những giọng Việt Nam.
– Cha nội kéo cao quá, mực xịt tùm lum vô mặt tui.
– … Lỡ tay, chật quá mà.
– Cha Mỹ già làm rối dây hoài! hey you! not good!
Tôi và Sơn lên cầu, tìm chỗ đứng. Mực đang ăn, mọi người bận bịu thả câu, kéo mực, gỡ mực, rối dây, cắt dây, những con mực xịt nước đen văng khắp nơi. Tôi đi ngang nhóm người Việt.
– Sáng giờ câu được chục con mà mất 4 cái mồi!
– Mầy bị con mẹ Đại Hàn bước ngang cần, xui lắm, xả xui đi!
– Làm sao xả?
– Đái vô cần.
– Đông nghẹt, sao đái được?
– Chui xuống gầm cầu là xong, khỏi la nữa, để tao câu, mực đang nổi!
Tôi và Sơn tìm được chỗ, giữa cầu.
– Câu đi anh, mực nổi, ăn dữ lắm!
Sơn treo đèn, quăng câu.
Như những người đầu tiên đi câu, tôi bắt đầu lúng túng với cần, mồi, dây.
– Sơn! mồi rối vô dây!
– Kéo lên gỡ ra, lẹ tay câu liền, mực đang ăn… phải đợi cả tiếng nữa mới ăn lại!
5 phút sau.
– Kẹt dây dưới cầu!
– Anh xả dây dài ra, cho trôi một đoạn, chĩa đầu cần xuống, quấn dây từ từ, được rồi…
– Xong!
– Hê! em dính!
Sơn la lên, kéo cần, gỡ hai con mực to bằng bắp tay bỏ vô thùng, thả câu, quay qua tôi.
– Câu mực không như câu cá, thả mồi xuống cho nằm dọc đáy… A! mực ăn nữa!
Sơn kéo cần, quăng dây liên tục.
– Bữa nay chắc trúng, mực ăn lẹ quá.
Nó câu chừng hai chục con.
– Lâu lâu anh kéo dây, thả ra cho mồi chạy rồi nhắp nhẹ.
Tôi làm theo lời Sơn, bỗng nằng nặng ở đầu dây.
– Ăn rồi!
Tôi quấn dây.
Từ mặt nước biển óng ánh vàng, con mực đầu tiên trong ngày đi câu mực của tôi đong đưa dưới sợi cước căng.
– Ô!…ô!
Chung quanh nhiều tiếng la.
Chiếc cần cong lại dưới sức nặng của một con mực to như bắp chân người lớn.
– Đã quá anh Hồ! Mới tập câu mà được ngay con mực xếp!
Tôi nhanh tay chụp con mực, lấy ra khỏi lưỡi, vừa gỡ được mấy cái râu nhớt nhợt, tay bỗng trơn tuột, con mực vuột ra, văng lên cao, rớt xuống biển một cách ngon lành trước cái miệng há lớn của tôi.
– Duhknoijme
– Chửi lớn thế! ấy chết!!!
Tôi lạnh người, miệng như muốn nuốt trộng tiếng chửi thề vừa rớt ra, quay đầu qua nơi xuất phát câu tiếng Việt nặng giọng Bắc. Bên phải tôi, một người mặc đồ lạnh nguyên bộ, nón len bịt mặt như cảnh sát chống khủng bố, hai lỗ mắt có hai tròng đen, đang nhìn tôi, cô ta (vì giọng nói đàn bà) đang thả câu, dưới chân hai thùng mực đầy.
– Dà! xin lỗi chị!… tôi mới câu lần đầu nên… tiếc con mực quá!
Từ trong hai lỗ đen, cặp mắt long lanh.
– Ối dào! Tiếc mí tức! Ngữ ấy thiếu gì. Ngày kia em câu cả trăm con to hơn vậy. Câu đi! Thế nào cũng có nữa mà.
Tôi im lặng quay lại câu.
…
– Nặng quá anh, đầy một thùng rồi. Sáu chục pounds à!
Sơn, với thùng mực trong tay, nó nhìn thùng của tôi, cười.
– Có ba con. Sao hẻo vậy? Chắc anh câu gái dễ hơn!
– Lần đầu mà em, súng có cầm, cần câu thì chưa bao giờ.
Cô gái nhìn tôi.
– Hi! hi! gớm nhẽ!
Sơn cười, thúc hông tôi.
– Hà! hà! mực này “bự” à anh!
Sơn bỏ đi.
Cô gái gỡ một lúc mấy con mực to, quay qua hỏi tôi.
– Thế!… Sè Gòn hở?
– Ừ! tôi ở Phú Nhuận!
– Ngày xưa bọn này mong vô trong đấy mãi mà không được. Ối dào! Lúc nào cũng mơ ước cái thành phố đẹp đẽ, đèn sáng trưng, nhiều xe, nhiều hàng quà!
– Chị người Bắc? Dạ chị ở đâu?
Cô ta cười khúc khích:
– Ối! em xin… thế này mà gọi chị! em ở bãi Cháy, sâu tận trong làng.
Tôi nhìn kỹ cô gái, cô có đôi mắt to, long lanh, giọng Bắc đặc sệt, không biết nhan sắc ra sao dưới cái nón len bịt kín mặt mũi.
Gần 9 giờ tối, mực bớt ăn, dân câu nghỉ tay, tụ thành những nhóm đứng ngồi dọc thành cầu, hút thuốc, nói chuyện, ăn vặt. Mấy người Đại Hàn, Nhật, xẻ mực ăn sống. Dưới gầm cầu vài gia đình Việt Nam luộc mực tươi ăn mì gói, thoang thoảng mùi nước mắm. Những người Mỹ chuyền nhau chai rượu với mực nướng trên cái bếp gas mang theo.
Cô gái gác cần bên thành cầu.
– Ăn gì chưa?
Cô hỏi.
– Chưa! Nhưng người bạn có mang theo bánh mì thịt bò.
Cô giật mình:
– Thịt bò! ối!
Cô bịt miệng, tôi ngạc nhiên, chọc:
– Thịt bò tươi, mới nướng… không ỐI!
– Đùa! Gia đình em không bao giờ đụng vào thịt.
Cô nhìn xuống biển.
– Mực nghỉ ăn rồi, anh trông hộ tí, em mang ra xe, vào ngay.
– Được! không sao.
Cô gái xách hai tay hai thùng, mỗi thùng chừng 50 pounds, đi ngon lành.
… Như vậy là còn trẻ, nếu lớn tuổi đâu xách nặng, đi dễ dàng như vậy, tôi đoán.
Mười phút sau, cô trở lại, tay kéo thùng có bánh xe.
– Nầy! anh Sè Gòn! muốn xơi mì mực tươi không?
… Chà! Đêm biển lạnh, bụng đói mà có người hỏi “Ăn mì mực tươi không?” thì làm sao mình có can đảm từ chối được!
– Ăn!… Cô làm?
Cô không trả lời, lấy bếp gas, nồi nhôm nhỏ từ chiếc thùng, đổ hai chai nước, châm lửa, bắt đầu nấu, tôi đứng nhìn, không biết làm gì, gợi chuyện:
– Qua Mỹ lâu chưa?
– Được 4 năm!
Cô lấy cuộn giấy nhôm, bọc quanh bếp, che gió.
– Ngày trước nhà em nghèo nhất xóm, bố mẹ em sống bằng nghề câu mực, bắt cua, cào sò ven biển gần bãi Cháy, khu Hạ Long. Anh biết Hạ Long?
Cô hỏi tôi, tay kéo thùng, lấy 6 con mực, rửa sạch, bỏ vô nồi nước đang sôi.
– Tôi chưa bao giờ tới nhưng có đọc sách về Hạ Long.
Cô thở dài.
-Những năm chiến tranh, Mỹ đánh bom suốt ngày đêm. Xóm em sơ tán vào hang núi, sống rất khó khăn, thiếu thốn mọi thứ. Nầy! Anh lấy hộ em bốn gói mì trong bao đấy.
Cô đưa tôi bao giấy, ngồi xuống vớt mấy con mực vừa luộc để qua một bên, bỏ mì gói vô nồi.
– Mọi người sống chật chội trong hang, ngoài hang là mảnh đất canh tác rau cải, và một trại nhỏ nuôi chừng chục con heo của hợp tác, mỗi lần máy bay Mỹ đánh, mọi người phải lùa hết đàn heo vô hang tránh bom… Anh lấy hộ hai cái bát, hai đôi đũa trong thùng đấy.
Tôi cúi xuống lấy bát, đũa.
Cô trụng mì, cầm đôi đũa, vớt nhẹ những sợi mì bốc khói bỏ vô tô, thêm tiêu, ngò, hành phi, vài lát ớt.
Tôi ngạc nhiên:
– Cô chuẩn bị mọi thứ đầy đủ quá!
Cô cười:
– Em lấy chồng Mỹ, qua đây 4 năm, nhà em kiêng, tuyệt đối không bao giờ ăn thịt, chỉ ăn đồ biển, mùa cá câu cá, mùa mực câu mực, năm nào cũng câu cả tuần mới về nhà, nên phải chuẩn bị mọi thứ…
Cô vớt 2 con mực bỏ vô hai tô mì, mở hai ghế xếp, để hai bên.
– Xong đấy! Anh Sè gòn xơi đi!
Tôi ngồi xuống, tô mì thơm lựng trong cái lạnh đầy sương biển.
Cô gái bưng tô, tự nhiên ăn, húp rồn rột, đưa tay chùi miệng.
Cô nhìn ra phía biển tối, nơi có tiếng sóng ầm ì bên kia cầu.
-Ngày ấy em 8 tuổi, đứa em trai 5 tuổi, chiến tranh phá nát miền Bắc, vùng biển Hải Phòng, Hạ Long là trọng điểm, Mỹ đánh suốt ngày đêm, dưới biển thủy lôi, núi đồi đầy bom, không ai kiếm được miếng ăn, dân trong vùng xơ xác như lá chuối gặp bão, tụi em cơ cực lắm.
– Anh xơi thêm mực?
Cô gắp con mực lớn bỏ cho tôi.
Tôi chưa bao giờ ăn mì mực, đêm nay lần đầu tiên, tôi đang ăn tô mì mực ngon nhất!
Những con mực tươi vừa ra khỏi biển, làm cho tô mì gói rẻ tiền trở nên món ngon lạ thường.
Cô gái ngồi bó gối, đôi mắt sáng, long lanh nước mắt, nhìn ra biển tối.
– Đêm kia, máy bay Mỹ đánh bất ngờ, mọi người chạy tán loạn, không ai lùa đàn heo vào hang kịp, hai trái bom lớn rơi ngay trại, đàn heo banh thây, hai trái rớt ngay cửa hầm, chết cả chục mạng.
Tôi ngừng nhai con mực, há miệng.
– Chết?!
– Vâng! Những năm ấy, chết vì bom là chuyện thường. Cả 3 gia đình nằm gần cửa hang chết tiêu, thịt xương văng tứ phương, tám hướng.
Chuyện chết chóc ghê rợn làm mấy sợi mì, miếng mực luống cuống trong cổ họng, tôi cụt hứng, hai tay nhẹ nhàng để tô xuống nắp thùng.
– Gia đình cô bị gì không?
– Ối dào! Cả một đại nạn.
Tôi tội nghiệp nhìn cô ta.
Cô lặng yên ngước mặt lên trời. Tôi nhìn đồng hồ, đã 12 giờ khuya.
Đêm thật lạnh, dưới kia biển mờ ảo trong màn sương mù bốc lên từ mặt nước, những ngọn đèn gaz của dân câu lấp lánh dưới chân cầu.
Giọng Việt Nam lao xao:
– Rồi! Mực ăn! Mực ăn! Câu lẹ bà con.
Cô gái chồm ra thành cầu la lớn bằng tiếng Anh:
– Frank! Start the light! It’s time! Go go!
Tôi nghe tiếng máy phát điện, tiếp theo là hai luồng sáng rọi dọc mặt biển dưới gầm cầu.
Sơn đến sau lưng.
– Mẹ! Thằng Mỹ già chơi công nghiệp hóa câu mực, nó chạy cái máy đèn sáng trưng, mực nổi tràn bờ. Anh đừng câu, quăng dây xuống đàn mực, kéo ngang là trúng vài con ngay, làm đi cha!
Tôi quăng dây, nhìn xuống cầu.
Hai luồng sáng soi trắng cả mặt nước, mọi người lao xao.
Ai đó la lớn:
– Mực ăn!
Mực nổi từng đàn lớn, bơi qua, bơi lại, trắng cả vùng biển quanh cầu.
Tôi sững sờ nhìn cảnh tượng lạ lùng đầu tiên trong đời. Ngay phía cầu tàu mực nổi sát tầm tay, tưởng chừng như muốn nhảy lên bờ đá, mọi người không câu, chỉ quăng câu xuống kéo rà theo đàn mực là dính vài con.
Tiếng cười la, mấy chục chiếc cần, quăng xuống, kéo những con mực to, phun nước xì xèo.
Cô gái bận rộn câu, quay lại:
– Này! Câu đi! Mực ăn rồi! Sao đứng như cột nhà thế?
Tôi thả câu.
Ai ai cũng kéo lên thả xuống, chỉ riêng tôi yên lặng nhìn chiếc cần trên tay và nghĩ tới đại họa chiến tranh của cô gái câu mực.
Vài phút sau, mực lặn xuống và bắt đầu ăn mạnh, cắn liên tục, chung quanh ai cũng câu đầy thùng, tôi vỏn vẹn được hai con, nhỏ một cách khiêm nhượng.
Lần câu mực đầu tiên của tôi không thành công.
Sơn chạy tới, khiêng hai thùng mực đầy.
– Kéo mỏi tay luôn, anh câu được không?
– Nhiều… hai em… một trai, một gái.
Sơn cười ha hả:
– Vậy là tuyệt, thức cả đêm, được hai con, một anh, một chị, ngày mai hai ông bà chia nhau ăn là đúng quá.
Sơn nhìn cô gái.
– Chị giỏi ghê! Một mình câu ba thùng lận!
Cô cười:
– Tụi em sống bằng mực, năm nay trúng mùa, mỗi ngày câu cả chục thùng, không câu được là cả nhà chết luôn đấy.
Cô ta xếp mấy thùng trắng, đầy mực. Sơn lục túi áo lạnh, lôi ra bao giấy lớn.
– Đói rồi!
Nó lấy miếng sandwich bò, mời cô.
– Mời chị ăn!
Cô gái giật mình, cúi xuống, lắc đầu.
– Ấy chết! Cám ơn, chúng em không ăn thịt! Không bao giờ ăn, thấy thịt là chết, em sợ!
Sơn ngạc nhiên. Cô im lặng nhìn cái sandwich kẹp miếng thịt bò đỏ tươi trên tay anh, quay mặt đi.
-Cái đêm bọn Mỹ đánh bom chết đàn heo và mấy gia đình trú gần cửa hang cũng là đêm đại nạn cho gia đình em.
Sơn ngại ngùng bỏ miếng sandwich bò vô bao giấy.
Biển đêm yên lặng.
Cô ta nhẹ giọng:
“Bom đánh xong, những người còn sống đốt đuốc, thu dọn cho mấy người đã chết, trong lúc gia đình bị bom thu nhặt những phần xác không hoàn chỉnh của nạn nhân, chắp nối lại trên những chiếc giường tre trải giấy báo cũ thì người quản lý trại heo gom thịt xương tan nát của đàn heo, gói lại từng bao, ngày mai bán ra hợp tác xã….
Tôi lầm bầm với Sơn:
– Bi thảm quá, toàn thịt với xương tan nát!
– Vâng! Bi thảm lắm, đã vậy khuya, trời nổi mưa giông, tối đen như mực, cả khu hang động bập bùng trong mưa, ánh đuốc và xác chết. Gia đình em đói lả, hai ngày rồi chỉ có mỗi bát cháo, biển động không tìm được gì ăn.
Cô gái ôm hai vai.
– Lạnh. Đêm ấy lạnh hơn nhiều.
Sơn đặt bao sandwich xuống nắp thùng mực, khui chai rượu chát đỏ.
– Giờ nầy uống chát đỏ có lý. Biển đêm lạnh lắm.
Sơn rót một ly cho cô gái.
– Uống cho ấm chị!
Cô cầm ly rượu nhấm nháp, Sơn rót ly thứ hai, tôi định lấy cái sandwich kẹp miếng thịt bò đỏ tươi làm mồi cho ly rượu bỗng cô gái lên tiếng.
– Đói quá, cả nhà nhai rong khô cho qua bữa, đến tối, đợi mọi người nghỉ ngơi, em lén ra khu trại heo mong tìm được miếng rơi rớt, số hên, mò mẫm được khúc thịt tươi văng gần mấy bụi cây rừng, em mừng quá, chạy về hang.
Bố em ngần ngại.
– Này người ta đông thế, sao nấu được?
– Con mang về nhà nấu, ghém lại trong khoai, mang ra cho bố mẹ, còn một phần cất đi, mai nấu cháo.
Tôi uống ngụm rượu, bụng hơi cồn cào, miếng mực nhỏ kẹt trong kẽ răng thơm thơm. Sơn cười:
– Vậy là cô hên, cả nhà đang đói mà lượm được khúc thịt tươi!
– Vâng! Nhờ khúc thịt, nhà em qua cơn đói, nhưng cũng là oan gia cả đời.
Hai tiếng “oan gia” kèm cái thở dài và đôi mắt buồn trong hai lỗ đen của nón len trùm mặt, làm tôi linh tính chuyện không hay.
– Sáng hôm sau, người ta tẩm liệm mấy xác chết trong hang, bỗng ai đó khóc tỉ tê:
– Ối giời! Ối đất! Sao con tôi khổ thế! Chết cũng không yên xác, yên hồn, mất cả khúc chân thế này, làm sao ra đi được, giời ơi! là giời!
Em tò mò, đến xem.
– Thì ra Mi, đứa con gái 13 tuổi của bà già đầu làng bị bom chết, bay mất một khúc bắp chân, gia đình tìm khắp khu hang đá vẫn không thấy, tới lúc liệm, chân cô ta cụt ngủn…Đấy, đại họa của nhà em đấy.
Cô gái cúi mặt, nhìn hai bàn tay.
– Em trở lại nơi góc hang của gia đình.
Bố ngồi khom trên ghế, mẹ trùm kín trong chăn, thằng em trai ôm bụng lăn quay dưới nền hang, ai cũng rên.
– Sao thế? Bố sao thế?
– Cả nhà bị đau bụng từ sáng.
Ngay lúc ấy em bỗng nổi cơn đau dữ dội, ngã xuống nền, ngất xỉu, người ta đưa cả nhà đi trạm xá súc ruột, đến chiều thì bớt, cô y tá cho hay: bọn em bị ngộ độc thức ăn.
Bố em nghi ngờ:
– Nầy! Con vớ khúc thịt ở đâu vậy?
– Gần chuồng lợn!
– Thế phần còn lại đâu rồi?
– Con cất ở nhà!
Bố im lặng kéo em về nhà, vào bếp, tìm khúc thịt còn lại.
– Giời ơi! Chết cả rồi! Đại họa rồi! Con ơi là con ơi!
Bố em xuống giọng:
– Đây không phải thịt lợn… thịt người… con à!
Tôi hiểu ra câu chuyện, người bỗng lạnh run. Sơn lầm bầm:
– Trời đất!
… Em điếng cả người, tưởng như chết đứng, bố em sụt sùi gói khúc thịt vô tấm khăn nâu, trở lại hang, đưa cho gia đình cô Mi, họ cám ơn rối rít, cả gia đình em đốt hương, đứng trước thi thể vừa còn thiếu ít thịt của cô Mi vừa lạy, vừa khóc, không ai biết chuyện gì….
Cô gái thở dài:
– Từ ngày đó đến giờ, gia đình em đi chùa cầu xin hương hồn cô Mi tha thứ mãi, và tuyệt đối không bao giờ ăn thịt, cả một đại họa.
Cô nhìn xuống biển:
– Cả nhà em chỉ ăn đồ biển, may mắn qua tới đây, biển nhiều mực, nhiều cá nên chúng em quay lại nghề câu mực, câu cá, năm nào cũng kiếm vài chục thùng, vừa ăn, vừa bán lại được ít tiền. Ông chồng Mỹ của em cũng phụ vô một tay
Sơn rót ly rượu cuối, tôi làm một hơi, liếc mắt nhìn miếng sandwich kẹp thịt bò nướng nằm trên nắp thùng mực.
– Anh ăn không?
Khúc thịt đại họa của cô gái làm tôi ớn.
– Không! Bỏ đi.
Sơn cười:
– Vợ em làm, bỏ đi nó buồn.
Sơn cắn miếng sandwich, cô gái nhìn nó nhai, lắc đầu:
– Ối! Em chịu, kinh thế!
Tôi nhìn đồng hồ, đã 4 giờ sáng.
– Sơn, chắc về, được hai thùng là vui rồi.
– Giờ này về nhà, ăn mấy con mực tươi rồi đi ngủ, ngon lắm anh.
Cô gái thu dọn đồ nghề vô chiếc thùng có bánh xe.
– Mai có câu không? Gặp mấy anh chuyện gẫu cũng vui.
Cô hỏi.
Tôi cười.
– Thức cả đêm, mai ngủ bù, cám ơn tô mì mực quá ngon.
– Em xuống xe nghỉ một tí, đợi câu mẻ 5 giờ sáng. Này anh Sè Gòn, mang thùng mực này về ăn, em biếu, bye nhá.
Cô ta đẩy thùng mực cho tôi, tay này xách một thùng, tay kia kéo đồ nghề đi thật nhanh xuống cầu, tôi không kịp cám ơn. Sơn chạy theo:
– Chị tên gì?
– Mực.
Sơn khựng lại, cô gái cười giòn tan.
Hai anh em ra xe, lúc xuống cầu tôi nhìn kỹ những người câu, hy vọng gặp cô “Mực” và gia đình cô để cám ơn.
Sơn chạy chậm.
– Kìa! Phải cô “Mực” không?
Ngay parking dưới chân cầu, chiếc xe van màu đỏ, hai ông bà Việt Nam tóc bạc phơ và một thanh niên trọc đầu đang bận rộn khiêng những thùng vô xe. Chắc là ba má và em cô Mực, người đàn ông Mỹ lớn tuổi đứng hút thuốc bên chiếc máy đèn. À…, chính ông ta là người rọi đèn sáng cả cầu tàu để mọi người câu được nhiều, sau ông có lẽ là cô “Mực”, tôi nhận ra nhờ bộ đồ lạnh.
Mắt cô đen, to, mặt đẹp nhưng mái tóc khô, tơi tả như râu bắp cháy nắng.
Tôi chợt nhớ tới lời kể của anh bạn vượt biên còn sống sót khi chứng kiến những thuyền nhân đi cùng ghe ăn thịt người: “Thịt người độc lắm, ăn vô hư gan. Đặc biệt là tóc trở nên khô, loe hoe như râu bắp, rụng từ từ…”
Tội nghiệp cho gia đình cô Mực.
Tôi nhắm mắt, không muốn nhớ tới cuộc chiến bi thảm ngày nào.
…
Sơn vòng ra phía đường lớn, nó đưa cái sandwich bò.
– Sáng rồi! Anh ăn chút đi.
Nhìn miếng sandwich kẹp miếng thịt nướng đỏ hồng, tôi nghĩ tới cô “Mực”, mường tượng về khúc thịt chân trận bom Mỹ đêm nào.
Mấy ly rượu chát trong bụng bỗng cồn cào, tôi ra dấu nhờ Sơn tấp vô lề.
Tôi nhảy ra khỏi xe, nôn vô lùm cây.
– Có mấy ly à! Say hả cha?
HDV – Boston 2010