Nhắc đến Trung Đông là nhắc đến những chiến tranh, khủng bố trong một thế giới Hồi Giáo Ả Rập giàu nghèo lẫn lộn với những mỏ dầu lửa. Nhưng khoảng một thập niên qua, vượt lên những tin tức về những xung đột của các quốc gia Hồi Giáo này, người ta được nghe nhắc đến Dubai thường xuyên hơn qua một chiến dịch quảng bá tên tuổi đầy thực lực và hữu hiệu với nhiều công trình và thành tựu vượt bực về kiến trúc, xây dựng, du lịch, hàng không, tài chính, kỹ thuật … được tung ra. “Hạt vừng, hạt vừng, hãy mở cửa!”. Như câu bùa chú của chàng Ali Baba trong cổ tích Ngàn Lẻ Một Đêm của thế giới Ả Rập huyền bí , mời bạn hãy cùng chúng tôi bước vào tiểu quốc Dubai qua loạt ký sự này.
Khách sạn cánh buồm 7 sao Burj Al Arab, một biểu tượng của Dubai
Kỳ 1
Dubai, thế giới của hai mặt
Từ năm 2014, đón khoảng 78 triệu lượt khách đến hay trung chuyển, phi trường Dubai đã qua mặt phi trường đông khách nhất Châu Âu London Heathrow của Anh để lọt vào nhóm ba phi trường quốc tế đông khách nhất thế giới. Với tốc độ phát triển kinh tế chung và sự mở rộng hoạt động của ngành hàng không nói riêng, có lẽ việc bắt kịp hay qua mặt hai phi trường Atlanta và Bắc Kinh đang dẫn đầu, không phải là một tham vọng ngoài tầm tay của Dubai. Như hãng hàng không Emirates của Dubai, từ một hãng vô danh và non trẻ trong làng bay của thế giới, nhưng nay đã qua mặt nhiều đàn anh tên tuổi, mở cả chuyến bay đến Việt Nam mỗi ngày trong kế hoạch mở rộng hoạt động của mình tại Đông Nam Á.
Xa lộ Dubai
Nghe tiếng thơm về cung cách phục vụ cùng những phi cơ Airbus 380 đời mới khổng lồ của hãng Emirates, tôi cũng muốn bay thử với nó một lần ra sao. Nhưng chuẩn bị từ lâu, nên khi gặp đợt United Airlines giảm giá, vậy là mua luôn. Mua vé được một tuần, đọc tin tức thấy United hủy bỏ đường bay thẳng từ Washington DC sang Dubai, lòng phân vân không biết mình sẽ bị trung chuyển ở đâu trước khi đến Dubai? Delta đã bỏ đường bay thẳng từ Atlanta đến Dubai vài tháng trước, nay đến lượt United, xem như chẳng còn hãng hàng không Mỹ nào bay đến Dubai. Các hãng than rằng không cạnh tranh nổi với Emirates cùng các hãng hàng không vùng Vịnh khác được chính phủ họ tài trợ. Chưa kịp gọi cho United thì nhân viên của họ đã gọi lại để đổi vé máy bay. Té ra sẽ bay với Lufthansa, hãng liên minh hàng không của United và sẽ quá cảnh sang Đức. Thay vì bay thẳng từ Dallas sang Dubai với Emirates mất khoảng 15 giờ bay, đường bay ghé Đức cũng xấp xỉ thời gian như vậy không kể thời gian dừng chân, cũng làm đỡ ngán với chuyến bay dài giờ. Và nhờ vậy mà tôi lại vô tình có dịp trở lại nước Đức sau gần 15 năm. Uống một vại bia Đức và nhâm nhi xúc-xích Đức ngay tại phi trường nước Đức thì có gì để than phiền? Lufthansa bán quá số vé, cả chuyến đi và về thì hãng đều thông báo rằng hành khách nào đồng ý dời chuyến bay sang ngày hôm sau, họ sẽ lo ăn ở và trả 600 tiền mặt tiêu xài. Giá đi một mình, có lẽ tôi đã đổi vé để thăm lại nước Đức, xem có gì thay đổi sau ngần ấy năm.
Đại sảnh dát vàng bên trong khách sạn 7 sao
Về đến khách sạn đã khuya, tôi vẫn thích lên tầng thượng của nó ngắm toàn cảnh thành phố Dubai về đêm. Chẳng phải vì phấn khích mà chỉ muốn thấy Dubai khác với tưởng tượng của mình như thế nào. Mỗi dịp sang một xứ sở hay thành phố nào đó, tôi vẫn dành nhiều thời gian đọc hay xem phim để tìm hiểu về văn hoá, lịch sử, đời sống của nó. Dubai là một trong những quốc gia luôn đem đến cho tôi nhiều điều thú vị và suy nghĩ trong nhiều điều khác nhau mỗi khi đọc về sự phát triển thần kỳ của nó. Từ một làng chài nhỏ bé của mới vài chục năm trước, Dubai trở nên một trung tâm quyền lực có tên tuổi thế giới quả cũng đáng kể. Đúng hơn phải gọi Dubai là một tiểu quốc so với danh xưng một “quốc gia” có vẻ to tát. Bởi vì Dubai chỉ là một trong bảy tiểu vương quốc thuộc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates – UAE), mà gộp chung hết lại thì UAE cũng chỉ là một quốc gia Hồi Giáo Trung Đông bé nhỏ không tới 10 triệu dân và diện tích chỉ khoảng một phần tư diện tích Việt Nam hay cỡ phân nửa tiểu bang Florida. Nằm tại bán đảo Ả Rập và dọc theo vịnh Ba Tư thuộc khu vực Tây Nam Châu Á, nó giáp giới với Ả Rập Saudi và Oman. Nếu đi phà sang Iran thì chỉ mất vài tiếng đồng hồ và bay thêm bảy tiếng là về đến Việt Nam. Một số người Việt tại Mỹ đã bắt đầu bay theo đường bay này để về Việt Nam, thời gian cũng chẳng khác hơn bao nhiêu so với đường bay quá cảnh tại Nhật hay Đại Hàn. Thêm vào đó, hãng Emirates cũng có chương trình cho ở lại Dubai ba đêm để du ngoạn.
Một ngôi đền Hồi Giáo giữa các cao ốc
Như hàng chục quốc gia Trung Đông khác, UAE cũng là thành viên của khối xuất cảng dầu lửa OPEC. UAE phát triển được như ngày ngày cũng nhờ thứ “vàng đen” này, nhưng điều đáng nói không phải nguồn tài nguyên có giới hạn này mà chính ở tầm nhìn và chiến lược phát triển hữu hiệu và lâu dài của giới lãnh đạo UAE hay Dubai nói riêng. Từ một vùng đất sa mạc khô cằn và nghèo nàn, sau khi khám phá ra các mỏ dầu vào thập niên 60 rồi giành độc lập từ tay người Anh vào năm 1971, UAE mới chập chững từng bước kiến thiết quốc gia trong vòng hơn 40 năm qua. Cho đến gần cuối năm 70 thì Dubai mới chỉ bắt đầu xây đôi ba khách sạn, trong khi những khách sạn Continental, Majestic hay Rex sang trọng và bề thế đã nằm giữa Sài Gòn năm bảy chục năm trước. Nghe bảo có cả hàng chục ngàn người Việt sang làm việc bên này nhưng suốt cả chuyến đi, dù có ý để mắt, tôi cũng không có dịp gặp được một người nào. Ngoại trừ lần gặp một đoàn du khách từ Việt Nam sang Dubai vào ăn trưa tại khách sạn “bảy sao” Burj Al Arab . Phần ăn trưa chỉ khoảng một trăm đô la, nghe họ bảo các hãng du lịch tính tiền đến ba trăm để được vào khách sạn danh tiếng thế giới này chụp ảnh và ăn trưa, cách duy nhất để vào đây nếu không phải trú trong khách sạn. Giới nào có đủ tiền để ở những phòng khách sạn từ hai ngàn đến hai chục ngàn đô la một đêm và một bữa ăn tối lãng mạn cho hai người có trực thăng và tàu ngầm đưa rước có thể đến hơn năm ngàn đô la? Daniel, người nhân viên gốc Hoa tại nhà hàng Junsui bên trong khách sạn này giới thiệu cho tôi tủ rượu vang mà có chai trên hai chục ngàn đô la. Lần đầu tiên tôi uống chai bia đắt giá nhất trong đời tại đây, đến 80 Dirham tiền Dubai- tức khoảng 22 đô la, có hơi … “đắng” hơn chai bia vẫn thường uống. Nhưng liệu Dubai có phải chỉ những dịch vụ cực mắc cùng các hình ảnh xa hoa tráng lệ với những chiếc xe Ferrari hay Lamborghini sang trọng đậu ở Dubai Mall, khu shopping lớn nhất thế giới như vậy?
Vườn hoa Dubai
Không đủ nguồn nhân công, UAE cho người nước ngoài nhập cư ồ ạt vào nước mình làm việc. Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới mà chỉ có khoảng hơn 10 % dân số là người bản địa, còn lại là dân nhập cư. Nên đời sống Dubai chia làm hai thái cực: cực giàu và cực nghèo. Phân nửa nguồn nhân công nhập cư là sắc dân Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, còn lại là những sắc dân Ả Rập nghèo cùng nhiều quốc gia khác, trong đó Phi Luật Tân chiếm cũng một phần rất đông. UAE cũng có thuê mướn nhân công Việt Nam sang làm công việc tạp dịch, bảo vệ hay xây dựng. Dù vậy, theo tin tức từ báo chí trong nước thì hồi cuối năm qua, UAE đã chấm dứt những giao kèo trước hạn định và trả vài ngàn nhân công Việt về lại nước. Lý do cũng chẳng có gì khác hơn những gì đã xảy ra với nhân công Việt được đưa sang các nước khác làm việc: vô kỷ luật, đánh lộn, bài bạc, ăn cắp. Dăm người hay bảo tôi đừng quơ đũa cả nắm khi nhắc những việc như vậy. Không phải tôi. Các quốc gia sở tại đã “quơ đũa”. Chỉ cần vài con sâu làm rầu nồi canh, họ đuổi hết cả nhóm về. Chỉ tội nghiệp cho những người khác đã phải vay mượn, lo lót tiền bạc để được sang Dubai làm việc, nay bị trả về trước thời hạn.
Tác giả tại phố ăn đêm khu Bur Dubai
Người nhập cư làm đủ việc, nhưng cũng ít nhiều phân chia theo ngành nghề, dịch vụ. Người Ấn Độ làm nhân viên tiếp tân, nấu bếp, người Phi Luật Tân phục vụ nhà hàng, khách sạn… Suốt cả chuyến đi, hầu hết những tài xế taxi tôi gặp đều là người Pakistan, chỉ một đôi chuyến là gặp người Bangladesh hay Ấn Độ. Họ có cùng chuyện kể khá giống nhau. Chạy taxi 12 tiếng mỗi ngày, làm việc suốt bảy ngày và kiếm được khoảng bảy, tám trăm đô la. Nhưng đó đã là thu nhập khá cao so với những người khác chỉ ở mức trên dưới năm trăm đô. Không kể đến dặm vuông đắt tiền nhất thế giới tại trung tâm tài chính và downtown Dubai cùng các khu nổi tiếng như Marina Dubai, Mall of Emirates, đảo cọ nhân tạo…, người dân bản địa giàu có hay nước ngoài vào Dubai đầu tư hay làm việc ở những khu riêng, còn dân nhập cư tập trung ở những khu Deira, Bur Dubai nhếch nhác, cũ xưa cùng các phố nghèo nàn khác. Đừng nghĩ xứ sở Hồi Giáo luật lệ nghiêm minh, các tờ rơi quảng cáo mại dâm cũng gắn đầy trên kính xe những khu phố nghèo này, chẳng khác gì Las Vegas. Nhưng tất nhiên là do dân nhập cư làm và phục vụ cho nhau, khi những tấm hình tôi bắt gặp là in hình những cô gái Châu Á.
Chung cư nghèo
Dù vậy Dubai cho tôi cảm giác an toàn và những kỷ niệm đáng nhớ khi dạo qua những phố nghèo Dubai. Đêm trước ngày về, tôi bắt chuyện hai anh bạn Ấn Độ vừa xong một ngày làm bên ngoài khu chợ địa phương, hỏi cho biết giá tiền lon nước họ vừa mua. Bập bẹ tiếng Anh trả lời rồi mời tôi lon nước, họ uống chung lon nước còn lại nhưng nhất quyết không nhận tờ tiền tôi đưa cho họ. Cũng giống như tại khách sạn tôi ngụ, những người phục vụ tỏ ý vui mừng và biết ơn mỗi khi tôi bày tỏ sự cảm ơn của mình bằng dăm đồng tiền tip, vậy mà khi anh bạn tôi móc trả tiền taxi và đánh rơi tờ tiền 500 dirham, tức trăm mấy đô la, họ nhặt và trả lại. Chơn chất, đáng mến, đôi khi lẫn cả dăm câu chuyện xúc động trong những mảnh đời tha phương cầu thực. Như câu chuyện của cô bé người Phi Luật Tân chạy bàn tại một nhà hàng bình dân khu Bur Dubai mà chúng tôi ghé ăn đêm. 23 tuổi, đã tốt nghiệp đại học ngành quản trị khách sạn, cô sang Dubai bằng visa du lịch rồi tìm nhà hàng bảo trợ để ở lại làm việc. Cô kể còn cha mẹ và hai em nhỏ đang đi học nên ráng sang làm việc giúp gia đình, hy vọng một ngày nào đó sẽ vào làm được trong một khách sạn. Chúng tôi hỏi đùa, “Em có người yêu chưa?”. “Rồi”. “Có nhớ người yêu không?”. “Dăm lúc”. Đang trò chuyện vui vẻ, em nhỏ giọng và tôi nhận ra một thoáng nghẹn ngào trong câu trả lời. “Mối tình đầu hả?”. Lại một thoáng xúc động khác, em trả lời như đang nói với chính mình, “Không! Nhưng nó là mối tình cuối của em”. Tôi bâng quơ bắt qua chuyện khác, áy náy vì chúng tôi có thể đã gợi nên nỗi buồn cho cô bé. Những câu chuyện như vậy cho tôi nhiều kỷ niệm hơn là những tòa nhà chọc trời, những khu shopping sáng bóng, những thứ “nhất thế giới” mà Dubai đã và đang nhắm đến, dù không thể không ngưỡng mộ và thán ngạc trước những kỳ tích của xứ sở này. Đêm Ả Rập, không phải ai đến đây cũng với mộng ước tìm được hang động đầy vàng bạc châu báu mà chàng Ali Baba đã tìm được trong cổ tích. Với cô bé người Phi này, tìm được một công việc trong khách sạn theo ước nguyện nhỏ nhoi của mình cũng đã đủ để đánh đổi việc xa gia đình và người yêu. Xin chúc em may mắn.
ĐYT – Dubai, Tháng Ba 2016