Menu Close

Chuyện kể của làng chài Lý Sơn (Kỳ 2)

Trung Quốc nắm tên từng người trong làng chài Lý Sơn

Nhấp một ngụm trà, ngồi rít mấy hơi khói thuốc và nở nụ cười, một nụ cười rất quen thuộc của thuyền trưởng Lê Tân, cười như bất cần đời và thấy thứ gì cũng vốn dĩ là vậy, không ngạc nhiên mà cũng không trách cứ bất kỳ chuyện gì… Thuyền trưởng Lê Tân kể với chúng tôi là ông bị bắt tàu bốn lần, cũng gần với thời gian thuyền trưởng Mai Phụng Lưu bị bắt. Nhưng người ta gọi Mai Phụng Lưu là con sói biển, còn Lê Tân thì không có tên tuổi gì bởi ông rất ít tiếp xúc với báo chí, thậm chí ông tránh báo chí vì có những chuyện ông ngại kể.

lang chai ly son3

Lo lắng và tìm cách chạy tránh Trung Quốc trước lúc ra khơi

Biết tên từng người…

Hút thuốc với nhau xong, chúng tôi mời ông uống rượu, chai rượu Hennessy chúng tôi mang từ đất liền ra đảo để biếu ông có vẻ không hấp dẫn ông và ông yêu cầu để ông giữ chai rượu đó làm kỷ niệm, không khui. Ông lấy hũ rượu dầm hải sâm, hàu, rắn biển, bào ngư và cá ngựa ra mời chúng tôi. Vợ ông xào một dĩa mực tươi với lá tỏi non. Phải thú thực là chưa bao giờ uống rượu, nhấm nháp hải sản mà thấy thấm thía như lần uống ở nhà thuyền trưởng Lê Tân.

lang chai ly son5

Chiều trên bến Lý Sơn

Cung cách từ tốn nhưng rắn rỏi và quyết liệt của một thuyền trưởng vào sinh ra tử trên ngư trường truyền thống của cha ông để lại đã cuốn hút chúng tôi vào câu chuyện. Và dường như không đợi chúng tôi gợi chuyện, ông nói thẳng: “Tui chỉ uống rượu với những ai thấy hợp ‘cạ’. Và khi uống thì tôi không ngại nói chuyện!”.
“Tôi biết mấy anh muốn biết sự thật về thuyền nhân Việt Nam trên ngư trường Hoàng Sa. Thú thực là những câu chuyện mà báo chí đăng không phải là đầy đủ đâu. Có những chi tiết chúng tôi không muốn nêu. Nhưng bây giờ đã là thời điểm phải đưa nó ra công luận rồi. Mấy anh may mắn đó!”.
“Có một chuyện tôi lấy làm lạ là hai lần bắt tàu đầu tiên, chúng tôi chỉ bị tịch thu tài sản và bị đánh đập. Nói về đánh đập thì dã man vô cùng, nó dùng báng súng thọc vào hông mình, thiếu điều ói ra máu. Ai bị đánh rồi về cũng đau phổi, đau xương cả, nhiều người bị gãy ba sườn đó chứ!”.

lang chai ly son1

Rác du lịch làm bẩn đảo

“Thường là nó bắt mình xong thì dồn mình vào góc tàu đánh một trận rồi sau đó bắt mình phải tự bốc cá, hải sản bên tàu mình đưa qua tàu nó, sau đó nó tịch thu máy móc, bộ đàm và hút sạch xăng dầu, để cho mình một lượng nhỏ vừa đủ để chạy về đến khu vực biển Quảng Ngãi. Nói chung là mất trắng mọi thứ!”.
“Hai lần đầu là vậy, lần thứ ba thì nó bắt về đảo Hải Nam. Có một điều tôi lấy làm lạ là khi bị bắt lên đảo, đưa vào trại giam thì nó có đầy đủ hình ảnh từng người trong gia đình của tôi và của các thuyền viên. Nghĩa là nhà người nào có bao nhiêu người, làm gì và đang ở đâu nó có thông tin hết. Thông tin ghi bằng tiếng Việt dán bên dưới tấm hình chân dung của từng người”.
“Nó cho phiên dịch của nó nói với mình là nếu còn tiếp tục đi đánh bắt thì người nhà của mình sẽ gặp chuyện không hay và bắt mình viết cam kết không bao giờ đánh bắt nữa. Tôi thì không bao giờ tôi viết cam kết bởi tôi không thấy sợ chuyện này. Hay nói đúng hơn là tôi thấy vô lý, từ xưa đến giờ, cứ có người Trung Quốc nào vào đến đảo Lý Sơn thì được theo dõi rất chặt chẽ, nhất cử nhất động của họ mình đều theo dõi. Lẽ nào họ chụp được hình của mình?”.

lang chai ly son4

Hải đăng Lý Sơn

“Tôi nghĩ là chính người Việt Nam đã làm gián điệp, đã chụp hình đưa cho họ và cung cấp mọi thông tin. Mà một khi đã có gián điệp trên đảo thì bất kỳ chuyến đi biển nào của ngư dân Lý Sơn bên Trung Quốc đều biết trước. Chứ thử nghĩ tụi tôi đi đánh bắt canh me nó không tuần tra, tránh né đủ cách mà cứ ra đến nơi, đánh bắt vừa đầy tàu thì nó xông đến. Rõ ràng là có gián điệp!”.
“Thật là đáng sợ khi nghĩ đến những người dám làm gián điệp cho Trung Quốc để tàn hại đồng bào mình, kinh khủng thật. Tôi vẫn hy vọng là họ không phải là người dân Lý Sơn, họ ở tỉnh khác và đóng vai khách du lịch đến đây hoạt động. Nhưng có vẻ như niềm hy vọng của tôi hơi mong manh. Nhưng cũng ghê thật! Vì người Lý Sơn thì ai mà không sợ mộ gió, không sợ những lời thề đầu năm khi làm lễ cho mộ gió. Vậy mà họ dám bước qua cả lời thề!”.

Lời thề mộ gió

Nói về lời thề mộ gió ở Lý Sơn, có lẽ cũng nên nhắc qua về lễ cầu ngư và lễ an táng mộ gió. Thường thì lễ an táng mộ gió diễn ra sau buổi lễ cầu ngư. Lễ cầu ngư gồm hát hò khoan, hò bả trạo và dâng hương cá Ông, sau đó khai thuyền đầu năm, cầu mưa thuận gió hòa, cầu sóng yên bể lặng. Thời bây giờ ngư dân còn cầu thêm đừng bao giờ gặp tàu Trung Quốc.

lang chai ly son

Tượng đài tưởng niệm những người lính Hải đội Hoàng Sa

Sau lễ cầu ngư, người ta tiến hành chôn những hình nhân vào mộ gió. Hình nhân là một con người làm bằng đất sét. Bên trong ruột tượng là chỉ đỏ và tăm tre, tăm tre tượng trưng cho xương người, chỉ đỏ là mạch máu và đất sét là thịt da. Mỗi hình nhân bằng đất sét mang một cái tên của người mất tích trên biển do thiên tai, tai nạn nào đó không còn nguyên vẹn thân xác để đưa về đất liền.
Ngư dân tiến hành cầu siêu cho hình nhân mang tên của ngư dân xấu số và làm lễ truy điệu, sau đó làm lễ an táng vào những ngôi mộ giống hệt mộ thật của người đã khuất. Những ngôi mộ này được nhang khói và tụng niệm trong vòng ba năm thì có lễ bỏ mộ. Nhưng phần đông con cái, người thân bỏ luôn lễ bỏ mộ, họ tiếp tục vun vén ngôi mộ gió bằng cát, có người xây thành mộ ciment để nhang khói suốt đời.
Và hằng năm, cũng trong buổi lễ tưởng nhớ những người đã bỏ mình trên biển, trong đó có lễ tưởng niệm những người lính hải đội Hoàng Sa, người dân trên đảo sẽ tập trung lại khấn vái và thề nguyền. Lời thề này đứng trước mộ gió, đứng trước các vong hồn những người đã hy sinh cho sự nghiệp giữ nước, bảo vệ biển đảo nên người dân Lý Sơn rất coi trọng và tin vào những gì họ thề.

lang chai ly son2

Ngư dân Lê Văn Trận và vợ

Như lời của thuyền trưởng Lê Tân: “Những ai đã từng thề nguyền trước mộ gió rồi thì không bao giờ nuốt lời. Lời thề gồm có hứa với tổ tiên sẽ giữ biển đảo, giữ ngư trường mà cha ông đã hy sinh để có được và không bao giờ phản bội lại giống nòi”.
“Không hiểu sao thời gian gần đây, trong các lễ cầu ngư và lễ an táng cho mộ gió, người ta bỏ qua mất phần thề nguyền này. Người ta cho rằng đó là việc có tính mê tín dị đoan. Có lẽ chính vì vậy mà bổn phận, tâm linh của người dân Lý Sơn dành cho tổ quốc thiêng liêng bị mai một, phôi phai đi rất nhiều!”.

lang chai ly son6

Thẻ bài vị trong khu tưởng niệm của những người lính không trở về

“Bây giờ mọi thứ mang tính trình diễn để làm du lịch chứ không có chiều sâu như thời chúng tôi tự làm. Từ lễ cầu ngư cho đến mọi lễ hội trên đảo. Hầu như người ta làm để quay phim là chính. Ngay cả các vị chủ lễ, tâm lý người ta không có tôn nghiêm khi cúng bái, bởi người ta bị phân tâm do ống kính của khách du lịch. Buổi lễ cúng thay vì tâm sự, cầu nguyện và hướng đến những vong linh bề trên thì có vẻ như tâm lý người cúng lại hướng đến khách du lịch! Hình như mọi chuyện đã thay đổi!”.
Câu kết của thuyền trưởng Lê Tân khiến chúng tôi chạnh buồn khi nghĩ đến chính bản thân ông, một người tâm huyết với biển, với nghề nhưng cũng cảm thấy quá mệt mỏi, dự tính sẽ ra khơi vài chuyến nữa để đủ tiền trả nợ thì sẽ quay về đảo, bỏ nghề và làm một cái quán để sống qua ngày nhờ vào khách du lịch… Dường như mọi sự đã thay đổi, khi mà làng nghề Lý Sơn đang chết dần chết mòn và có thể là không còn gì nữa bởi ngư trường đã bị mất!

HL