Trong suốt Tháng 2 vừa qua, những hành động của Trung Quốc trong vùng Biển Đông cho thấy dã tâm của họ là từng bước một lấn chiếm và dành chủ quyền sai trái trên những đảo và bãi đá ngầm đang có tranh chấp.
nguồn scmp.com
Trước hết là đặt hệ thống phi đạn địa-đối-không tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Kế đến là những không ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy họ vừa hoàn thành một hệ thống radar hiện đại tại khu vực phía Nam của quần đảo Trường Sa.
Những hành động leo thang này của Trung Quốc đã buộc các giới chức quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ đã phải lên tiếng cảnh cáo nhiều lần rằng nếu cứ để yên như thế thì một ngày không xa Bắc Kinh sẽ mặc nhiên kiểm soát hết vùng biển đang có tranh chấp và làm tăng thêm nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự khó tránh khỏi.
Tuần qua, mức độ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lại có phần gia tăng sau khi cả hai phía tái khẳng định rằng họ sẽ không lùi bước trong những hoạt động tại khu vực Biển Đông.
Trung Quốc xây dựng các cơ sở radar ở vùng tranh chấp trên Biển Đông – nguồn yellowbullet.com
Tướng Lori Robinson, tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương, cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các phi vụ tuần tra mỗi ngày tại Biển Đông cho dù Trung Quốc có đặt các giàn phóng phi đạn hay không. Bà còn kêu gọi những quốc gia khác hãy thực hiện quyền tự do lưu hành trong không phận và hải phận được quốc tế công nhận mà Trung Quốc đã ngang nhiên tự nhận chủ quyền, nếu không làm vậy nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia trong vùng, có thể có “nguy cơ bị mất quyền lợi trong khu vực.”
Khu vực Biển Đông được cho là nơi có nhiều tiềm năng chứa những nguồn năng lượng thiên nhiên như dầu khí có thể khai thác trong tương lai và là con đường hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới với tổng số hàng hoá trị giá lên tới $5 ngàn tỉ được chuyên chở qua đây mỗi năm.
Tình trạng căng thẳng gia tăng đều đặn kể từ năm 2014 khi phía Trung Quốc bắt đầu cho xây những đảo nhân tạo trên một số bãi đá ngầm và san hô trong khu vực Biển Đông. Ngoài việc đặt giàn phóng phi đạn địa-đối-không và hệ thống radar, những hòn đảo nhân tạo này trong tương lai sẽ trở thành bãi đáp cho chiến đấu cơ của Trung Quốc. Mặc dù vậy, theo giới quan sát, những hành động gia tăng quân sự này chưa đáng gọi là nguy cơ đối với lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trong vùng và có thể rất dễ phá hủy một khi có xung đột xảy ra.
Và mới đây nhất, hôm Thứ Sáu 11/3, theo truyền thông nhà nước loan tin, trong khoảng một năm nữa Trung Quốc sẽ bắt đầu có những chuyến bay dân sự đến một trong những hòn đảo nằm trong khu vực biển đông trong khi chính phủ nước này tiếp tục mở mang xây dựng hạ tầng cơ sở trên các đảo và bãi san hô hiện đang trong vòng tranh chấp với những quốc gia trong vùng.
Trung Quốc đưa 3 tàu đổ bộ mới ra Biển Đông – nguồn baomoi.com
Ngay lập tức, phía Hoa Kỳ đã lên tiếng quan ngại rằng hành động này của Trung Quốc chỉ làm cho tình hình thêm phức tạp giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trong những tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc còn nói rõ những chuyến bay dân sự này sẽ được bay đến đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa mà từ năm 2012 Trung Quốc đã cho thiết lập một cơ quan hành chánh trên đảo và gọi nơi này là thành phố Tam Sa.
Khi truyền thông nhà nước nói là những chuyến bay dân sự thì ta nên hiểu rằng đây là những chuyến bay chở hành khách, thường là khách du lịch, mà trước đây Trung Quốc đã từng đưa loại du khách này đến bằng tàu và trong thời gian gần đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn hay rêu rao rằng những du khách Trung Quốc rất “yêu thích” cảnh thiên nhiên của đảo. Đảo Phú Lâm có diện tích 2 cây số vuông và với một hòn đảo bé tí như thế thì chắc hẳn không có nhiều thắng cảnh thiên nhiên để du khách “yêu thích” như Bộ Ngoại giao Trung Quốc khoe khoang. Rõ ràng đây chỉ là thêm một bước tiến trong toàn bộ mưu đồ hợp thức hoá của Trung Quốc trên các đảo và bãi đá ngầm trong vùng Biển Đông.
Kể từ khi nổ ra những vụ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, có thể nói chỉ riêng có Phi Luật Tân là quốc gia duy nhất trong vùng đã có những phản ứng quyết liệt và khôn khéo nhất để đối lại với âm mưu xâm lấn từ phía Trung Quốc. Những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, thường chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ mà không có những hành động cụ thể nào.
Dạo gần đây, giới quan sát nhận thấy vai trò và ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực Biển Đông càng ngày càng gia tăng. Lẽ đương nhiên, những hoạt động của Nhật có liên quan tới tình hình khu vực cũng không lọt qua khỏi con mắt theo dõi của Trung Quốc và tuần qua, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Hồng Lỗi đã lên tiếng phản đối nói rằng Nhật Bản không có liên hệ gì đối với vấn đề ở Biển Đông và đòi hỏi phía Nhật Bản “phải hành động thận trọng và không nên làm bất cứ điều gì phương hại đến hòa bình và ổn định trong vùng.”
Đầu tháng này, Nhật Bản và Phi Luật Tân đã ký kết một thỏa thuận quốc phòng trong đó Manila mướn năm chiếc máy bay loại TC-90 và Nhật Bản cung cấp thêm 10 tàu tuần duyên để giúp tuần tra trên vùng biển mà Phi Luật Tân xem như là một phần lãnh thổ của họ. Hôm Thứ Năm 10/3, Bắc Kinh đã tỏ vẻ tức giận về thỏa thuận trên và nói thẳng với Nhật Bản là hãy đứng ngoài những tranh chấp trong khu vực.
Ngoài một thỏa thuận đã ký với Phi Luật Tân, Nhật Bản còn cung cấp cho Việt Nam một số tàu tuần duyên và gia tăng những phi vụ tuần tra trên không của họ. Nhật Bản được xem như là đối thủ kinh tế mạnh nhất của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và những hành động của họ gần đây là dấu chỉ cho thấy Nhật Bản không ngần ngại gia tăng vai trò và ảnh hưởng của họ trong những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng thêm căng thẳng.
Hiện nay, giữa Nhật Bản và Trung Quốc còn đang mắc kẹt trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài) mà vẫn chưa giải quyết xong.
Cũng trong tuần qua, một chuyên gia nghiên cứu quốc phòng hàng đầu của Nhật Bản là Tetsuo Kotani, thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản về Tình hình Quốc tế, trong một cuộc họp báo nói rằng Nhật Bản và những quốc gia khác nên hợp tác với Hoa Kỳ và thực hiện quyền tự do tuần tra trên biển trong khu vực Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (CVN 71) tàu khu trục Akizuki JS Fuyuzuki (DD-118) của Nhật Bản, cùng với hạm đội tàu chở dầu của Ấn Độ trong cuộc tập trận Malabar 2015. nguồn imgur.com
Theo nhận định của Kotani, nếu có được sự hợp tác quốc tế thì việc này sẽ tạo thêm tính chính đáng hơn cho những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong vùng. Càng có thêm sự hợp tác từ nhiều quốc gia thì việc ngăn chặn sự xâm lấn của Trung Quốc càng có tác dụng hơn.
Lời kêu gọi này của Kotani đã phần nào phản ảnh và làm rõ thêm ý kiến của Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Joseph P. Aucoin, tư lệnh Hạm đội 7 tại Thái Bình Dương, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Úc vào tháng trước rằng nếu Úc và những quốc gia khác đưa chiến hạm vào trong phạm vi 12 hải lý của vùng biển đang có tranh chấp thì đây là hành động chính đáng để thể hiện quyền lợi của họ trong khu vực.
Tetsuo Kotani còn nói thêm rằng thực hiện luật quốc tế về quyền tự do lưu hành trên biển sẽ tạo áp lực lên Trung Quốc để buộc họ phải chấp nhận Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà trước đây họ đã ký vào văn bản và phải theo đúng luật trong việc giải quyết những tranh chấp về chủ quyền Biển Đông.
Phi Luật Tân, dựa vào bản công ước UNCLOS về luật biển, đã không công nhận những hoạt động xây cất trái phép của Trung Quốc trên một số bãi san hô và đá ngầm trong khu vực Biển Đông và vụ việc đang được một tòa án quốc tế tại The Hague (Hòa Lan) xem xét.
Gần đây, để phản ứng lại với sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc, chính phủ và quốc hội Nhật Bản đã cho sửa lại một số đạo luật về quốc phòng của họ để cho phép quân đội của họ được thêm quyền hạn trong hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và những quốc gia đồng minh khác. Chính sách quốc phòng mới sẽ củng cố thêm sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, và mở rộng thêm sự hợp tác với những đồng minh quan trọng khác của Nhật Bản như Úc và Ấn Độ.
Nhìn từ bên ngoài, những hành động xâm lấn của Trung Quốc tại Biển Đông trong mấy năm qua có vẻ như chiến thắng đang nghiêng về phía Trung Quốc nếu ta xét đến những phản ứng từ phía Hoa Kỳ vẫn chỉ là trong một giới hạn không đi ra ngoài phạm vi quyền tự do lưu hành trên biển. Cái vỏ thành công bề ngoài này chắc hẳn đã làm thỏa mãn những nhóm người có tinh thần quốc gia cực đoan ở quốc nội Trung Quốc, và là điều mà chế độ hiện hành tại Bắc Kinh đang rất cẩn thận vun bồi. Nhưng việc làm này cho thấy đây rất có thể là một chính sách sai lầm trong một tương lai dài hạn.
Nguy cơ chiến tranh bùng nổ giữa Hoa Kỳ và những quốc gia trong vùng với Trung Quốc tại Biển Đông có thể coi như rất nhỏ vì cả hai phía đều nhìn thấy sự thiệt hại rất to lớn. Nhưng với những áp lực càng ngày càng lớn mà Trung Quốc cố tình áp đặt lên những quốc gia láng giềng của họ đã buộc những quốc gia này nghiêng về phía Hoa Kỳ và Nhật Bản để tìm sự ủng hộ, và điều này càng biện minh thêm về tính chính đáng cho những hành động quân sự của Hoa Kỳ và Nhật Bản tại Biển Đông.
Trong khi Bắc Kinh vẫn cứ lớn tiếng đòi Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia khác đừng tham dự vào những cuộc tranh chấp biển đảo trong khu vực, thì hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông trên thực tế cho phép Hoa Kỳ và Nhật Bản có thêm nhiều lý do để có sự hiện diện của họ tại đó.
VH