Kinh nghiệm không cần phải lo ăn sáng thật sớm để xếp hàng rời tàu đến Jamaica ngày hôm qua dẹp qua một bên. Tôi tà tà thưởng thức bữa điểm tâm, nhấm nháp ly cà phê, lên boong nhìn vùng đảo lãnh thổ thuộc nước Anh Cayman Islands nổi tiếng là trung tâm tài chánh lớn thứ 5 trên thế giới, chỉ sau London, New York, Tokyo, Hong Kong. Bên cạnh là Norwegian bỏ neo từ hồi nào, hành khách đang xuống tàu nhỏ taxi chuyển tiếp vào cảng.
Một góc bãi tắm Seven Miles Beach có bãi cát khá hẹp
Kỳ 5
Thăm “thiên đường thuế” Cayman Islands
Con tàu nhỏ vận chuyển có thể đến hơn ba trăm người một chuyến, cho nên chỉ cần một tiếng đồng hồ mấy chiếc tàu taxi con thoi giải quyết nhanh chuyện hành khách rời tàu. Tuy vậy, nhóm nhỏ chúng tôi quyết định dành thời gian trở về tàu sớm hơn chừng hai ba tiếng cho chắc ăn. Nhóm Moonflower chúng tôi từng đợt bước ra cảng, ai ra trước cứ đứng chờ người ra sau để tập hợp cùng nhau góp ý nên đi đâu trên vùng biển được xem là đẹp nhất Caribbean. So với các tour du lịch biển ở Jamaica, đảo Cayman Islands có nhiều điểm vui chơi thú vị hơn. Đi tàu ngầm xem san hô, đi ca nô đến Stingray City đùa với cá đuối, là hai tour đáng để xem nhưng chẳng thấy ai đề xướng. Chúng tôi chia thành hai nhóm, người muốn đi chợ, kẻ thích đi tắm biển, rốt cuộc cả đám cùng đi bãi biển Seven Miles Beach. Đi du lịch biển đương nhiên phải đi tắm biển.
Ugland House – một công ty luật – Ảnh: Wiki
Gia đình người bạn tôi chẳng dám đặt tour đi Stingray City vì sợ không an toàn, cho dù cá đuối có hiền lành như cá heo đi nữa vẫn lo lỡ chạm phải gai đuôi cá thì kêu trời không thấu. Thực sự tôi muốn đến Stingray City nhưng tour này khá tốn thời gian. Đi ca nô đến vùng biển cạn chừng thắt lưng, lội xuống nước, người hướng dẫn tour cho cá ăn để dụ chúng đến đùa giỡn với du khách. Tôi từng bị gai đuôi cá đuối đâm vào mắt cá chân khi bơi ở biển Đại Lãnh (Nha Trang). Cái đau nhức thật khó chịu kéo dài nhưng chẳng hiểu sao, ở đây con người và cá đuối có thể đùa giỡn nhau một cách dễ dàng. Việc thuần hóa cá đuối chỉ là sự tình cờ khi trước đây những người ngư dân trên đảo đánh cá trở về, trên thuyền còn thức ăn thừa, bỏ xuống biển cho cá. Bầy cá đuối ăn quen, cứ mỗi lần nghe tiếng máy tàu ngư dân về bến, là chúng gọi nhau bơi vào bãi cạn chờ đợi đánh chén. Phải chi loài cá mập cũng được thuần hóa như thế thì chắc sẽ có tour vui đùa cùng hàm cá mập, bảo đảm hấp dẫn cho các đoàn làm phim.
Xe chạy chừng mười lăm phút là đến Seven Miles Beach. Khỏi cần nói nhiều, đây là khu tắm biển resort giống ở Cancun. Người ta bảo nơi đây là cảnh biển đẹp nhất nhưng cũng không thể bằng Cancun vì bãi sâu sát bờ nên tôi cảm thấy không gian chật hẹp giữa một bên là bãi cát đông người, một bên chỉ cách mươi bước là nước. Đến đây, tôi mới biết thêm một trò chơi biển khá thú vị không biết gọi tên là gì. Người ta dùng chiếc Jet ski nổ máy để bơm nước vào một ống nhựa, nước đẩy người chơi đứng trên một tấm ván lên cao, bên dưới tấm ván có hai ống xả nước. Sức mạnh của nước trong ống nhựa tống ra nâng trọng lượng của một con người bảy tám chục ký lơ lửng trên không trung như thả diều người. Nhưng tôi nghĩ không dễ dàng gì cho người lần đầu tham gia trò chơi vì khó có thể giữ được thăng bằng, cắm đầu xuống nước là chuyện đoán trước được.
Thú chơi trên biển giống như thả diều người
Trò chơi ở biển thì nhiều thứ, riêng tôi chẳng hứng thú tắm biển chút nào. Tôi dành thì giờ cố gắng nhớ lại một tòa nhà 5 tầng thật ấn tượng từng lưu giữ trong “bộ nhớ” mà tên gọi của nó tôi đã đọc đâu đó trong tờ Huffington Post nhiều tháng trước đây khi xe chúng tôi lướt qua các con đường trong thành phố George Town. Cayman Islands diện tích chỉ bằng hai phần năm đảo Phú Quốc, có gần 50,000 cư dân sinh sống, lại có thu nhập GDP không thua thu nhập tính theo đầu người ở Mỹ. Một hòn đảo nhỏ giàu có nhất vùng Caribbean, không đánh thuế thu nhập cá nhân, không thuế lợi tức của doanh nghiệp, không thuế nhà, không thuế bán hàng, thừa hưởng gia sản, thụ hưởng miễn phí bảo hiểm y tế cho người về hưu, người lớn tuổi và trẻ con. Trẻ em đi học không mất tiền. Một thiên đường thuế dành cho nhiều đối tượng mà phần lớn là công dân và công ty làm ăn trên đảo.
Hồi nãy, trong khi chờ nhóm Moonflower đi hợp đồng thuê xe ra biển, chúng tôi đi lòng vòng nhìn ngắm các cửa hàng bán đồ lưu niệm trên bến cảng. Ông già bán dừa gặp phen đắt hàng với những người châu Á thích uống nước dừa tươi. 3 đô một trái so với chai nước lạnh 1 đô, trái dừa vẫn hấp dẫn hơn, có đủ chất khoáng dành cho mấy tiếng đồng hồ tiêu hao năng lượng vui đùa trên đảo biển tràn ngập nắng ấm. Tôi hỏi ông già mỗi ngày bán được bao nhiêu trái. Ông bảo không đếm, bán từ khi tàu cập bến cho đến khi các con tàu nhổ neo. Ông đã 60 tuổi, về hưu hồi tháng rồi, ở nhà chẳng làm gì, đóng chiếc xe bán dừa dạo cho du khách kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy. Cái chuyện kiếm thêm của ông khiến tôi ao ước. Tôi nhìn thùng xác vỏ dừa, sơ sơ hơn năm sáu chục trái, mỗi ngày kiếm chừng hai trăm đô thôi, kiếm đồng nào hay đồng nấy của ông còn hơn người đi làm cả năm mới kiếm được. Lại không đóng một đồng thuế nào, hỏi tại sao người ta không bảo Cayman Islands là thiên đường của thuế.
Bán dừa kiếm đồng ra đồng vào thôi cũng bộn
Cayman Islands đúng là thiên đường dành cho giới làm ăn với thuế suất bằng không. Tôi sực nhớ lại cái tòa nhà năm tầng không có kiểu dáng kiến trúc đặc biệt gì nhưng lại là tâm điểm chú ý của Tổng thống Obama và ông ra lệnh cho cơ quan FBI điều tra danh tánh những khách hàng công dân Mỹ mở công ty tại đây. Mục đích cũng là việc truy thu thuế và tìm hiểu nguồn tiền từ đâu mà những doanh nhân không thích làm ăn trong nội địa lại phải lặn lội sang Cayman Islands. Không chỉ có những nhà tài chính đầu tư Hoa Kỳ mà nơi đây tập trung gần 19,000 công ty có cầu chứng tên công ty mẹ cùng một địa chỉ duy nhất tại tòa nhà Ugland House Maples and Calder. Thực tế đây là một Công ty luật có khoảng hơn ba trăm luật sư và nhà tư vấn tài chính trên khắp thế giới làm việc trong tòa nhà này. Họ đại diện cho thân chủ và các ông chủ khắp nơi mang tiền vào Caymans Island làm ăn để tránh việc thọ thuế ở đất nước của mình.
Ở Cayman Islands còn nhiều “tổng hành dinh” như thế cho nên con số các công ty còn nhiều hơn số dân nước sở tại. Chính việc dễ dàng không cần biết xuất xứ của nguồn tiền, cứ chuyển khoản, mang theo vali, ba lô hay cất giấu trong hầm các con tàu vận chuyển sang đảo quốc, người ta có thể trở thành “ông chủ” ngay sau khi mở tài khoản được bảo mật danh tính tương tự như các ngân hàng bên Thụy Sĩ. Do vậy, hòn đảo “thiên đường thuế” này cũng là nơi dành cho những tay tổ rửa tiền bằng hình thức đầu tư có công ty mẹ ở đây làm bình phong hợp pháp. Tiền trong túi có đầy, mở các công ty con ở những nước khác, đặc biệt ở những nước luật pháp còn kẽ hở và đầy quan tham. Người ta không ngạc nhiên khi thấy danh sách các quỹ đầu tư tài chánh tại Cayman Islands chảy theo dòng thác vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp – FDI từ vài tỉ cho tới vài trăm tỉ đô đổ vào Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan hay Campuchia… Một năm trung tâm tài chánh Cayman Islands luân chuyển số tiền lên đến 2,000 tỉ đô thông qua 290 ngân hàng bản doanh tại Cayman Islands mà hầu hết là ngân hàng nước ngoài.
Dép du khách tắm biển bỏ quên được nhặt đóng thân cây như một cách decor
Vậy thì có ích lợi gì cho chính quyền đảo quốc, lấy ngân sách đâu để lo vấn đề an sinh xã hội, và đầu tư cơ sở hạ tầng, lương bổng cho công chức nhà nước. Không có gì phải tính toán nhiều. Ngành nào tự ngành ấy lo. Điện, nước, sân bay bến cảng, sân vận động, nhà hát đều do tư nhân lo trang bị hạ tầng. Nhà nước chỉ lo giáo dục, an sinh xã hội, cảnh sát bảo an. Không có ngân sách công cho quốc phòng, không có guồng máy công chức nặng nề. Với số thu trực tiếp ngân sách từ thuế du lịch từ hơn 500 du thuyền cruise ghé thăm đảo, thuế xuất cảnh hành khách đi máy bay, thuế nhập cảng xe hơi và các sản phẩm khác, lệ phí cấp phép làm việc và cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp nước ngoài, số tiền thu được từ các khoản này đủ chi trả cho ngân sách công hàng năm.
Thôi mình không có vốn đầu tư nên tốt nhất trở lại thực tế từ thiên đường thuế dành cho những ai có tiền. Bây giờ tôi mới chú ý tới một decor lạ mắt “cây dép” ngay lối vào hàng quán dẫn ra bãi biển. Người ta nhặt dép của những du khách tắm biển bỏ quên đóng đinh dính vào các thân cây coi cũng lạ mắt. Anh bán xì gà Cuba ngồi gần đó cho biết đó là dép người ta bỏ quên, nhân viên làm việc nhặt được đính vào cây để người quên tài sản dưới chân mình có thể đến đây nhận lại. Câu chuyện dép giày này làm tôi liên tưởng đến dòng chữ quảng cáo bắt gặp khi trở về bến tàu cruise, “shop for all your treasures at Karl’s Korner” hàm đầy ý nghĩa tại đảo Cayman Islands.
Quảng cáo bán nữ trang tại cảng tàu cruise với hình ảnh và dòng chữ đầy ý nghĩa
TN