Menu Close

Giá trị của workshop (Kỳ 187)

Một trường hợp điển hình
Bạn mua một bộ máy ảnh và ống kính (on sale ở Costco hoặc Best Buy với giá $1,599). Bạn về nhà mở hộp ra ngay lập tức và háo hức để mở máy lên chụp thử. Trước mắt bạn thấy cái gì, bạn chụp cái đó. Bạn không mở sách chỉ dẫn Manual để đọc (có thể vì bạn lười hoặc không giỏi  thuật ngữ Anh Văn?). Và sau một thời gian trôi qua, bạn vẫn chưa cảm nhận hình của mình là… đẹp.
Có thể trường hợp trên đã xảy ra trong quá khứ của bạn, hoặc một người bạn biết. Nhưng chưa hết chuyện đâu. Còn có một số người đi càng xa hơn.

 
Trong đời họ có một sự kiện vui mừng đến trước mắt: sinh nhật, lễ cưới, vacation… Họ vác máy ra, tự nguyện làm “nhiếp ảnh gia chính thức” của sự kiện đó (vì những người còn lại chỉ dùng cell phone xoàng thôi).  Sau khi xét cả trăm tấm ảnh họ chụp, họ vẫn không hài lòng vì những tấm ảnh “còn thiếu gì đó”.
Đối với một buổi tiệc sinh nhật, có thể đây là một sự kiện ít quan trọng nhất, vì nếu bạn làm hư ảnh lần này thì vẫn còn năm sau để chụp lại. Nhưng thật ra, sinh nhật của năm nào cũng đáng ghi nhớ. Vì một khi đã trôi qua, sẽ không thể nào quay ngược lại thời gian.
Đối với một ngày cưới, đây là một sự kiện “chỉ có một lần” trong đời. Thường thường, công việc ghi lại những kỷ niệm trong hình ảnh được giao cho một nhiếp ảnh gia professional. Nhưng dù bạn chỉ chụp phụ “cho vui”, những tấm ảnh nếu bị hư bạn sẽ không có dịp để chụp lại lần thứ nhì.

 

Một học viên trong khóa nhiếp ảnh do Andy Nguyễn hướng dẫn đang thực hành những gì đã học.

Đối với những chuyến đi vacation ở xa, thường thì bạn phải trả một chi phí khá cao. (Tiền vé máy bay, vé đi cruise, khách sạn, những chuyến tour, excursions, chuyên chở, tiền ăn nhà hàng…) cho cả gia đình! Thật ra, có một vài người sau khi đi về, họ nói tất cả hình họ chụp trong chuyến đi “đều bị hư hết”, hoặc không hình nào có ấn tượng cả. Nếu vậy thì bạn đã phí đi mấy ngàn đô (chuyện nhỏ), nhưng vấn đề lớn là bạn đã mất cơ hội giữ lại những kỷ niệm đẹp đó. (Thí dụ như  tuần trăng mật…)
Và đây là mục đích chính của bài viết kỳ này. Bạn nên chú trọng hơn vào chuyện học workshop.
Workshop là gì?
Một workshop là một khóa học tu nghiệp đào tạo chuyên môn, thường thì bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Trong lãnh vực nhiếp ảnh, có những workshop chuyên dạy về một thể loại chụp nào đó: chân dung, studio, macro, phong cảnh; hoặc cách chỉnh hình hậu kỳ bằng photoshop hay những software thông dụng khác. Chi phí của mỗi workshop có nhiều giá khác nhau, tùy theo cấp bậc, chương trình học vấn, và mức độ chuyên môn.
Giá trị của workshop
Dĩ nhiên giá trị của bất cứ sự chỉ dẫn nào cũng bắt đầu với trình độ của bạn bây giờ. Hãy nghĩ theo cách này. Biết cách xài dàn đèn studio là một chuyện, và sành lão luyện về dàn đèn đó là hai chuyện khác nhau hẳn.
Những khóa workshop được chia ra ba trình độ:
– Sơ cấp (như học ABC, như một người không biết gì về nhiếp ảnh), thường được giới thiệu bởi những tiệm bán máy ảnh hoặc những hãng sản xuất máy ảnh như Nikon, Canon khi bạn mua máy ảnh mới.
– Trung cấp, dành cho những người đã biết xài dụng cụ nhiếp ảnh và đã có chút ít kinh nghiệm; thường dạy về những kỹ năng mà người bắt đầu không biết.
– Cao cấp, đi vào những thể loại chuyên môn hơn. Thường được ghi danh học bởi những tay ảnh đã có trình độ khá và muốn đi sâu vào một lãnh vực nào đó. Họ phải sẵn sàng đóng một số tiền xứng đáng. Học xong những khóa này, bạn có thể tự tin mình có khả năng chụp ảnh không bị… hư nữa. Thật sự, bạn sẽ tiết kiệm nhiều nếu bạn đã học những khóa workshop từ đầu, để khỏi phải tốn kém thời gian mò mẫm bực tức, và còn bị mất đi nhiều kỷ niệm đáng quý.

Khung cảnh của một khóa đào tạo chụp ảnh đám cưới chuyên nghiệp.-

Trình độ cao nhất
Ba trình độ sơ cấp, trung cấp, và cao cấp nói trên có thể đưa bạn lên trình độ “cao thủ”, nhưng vẫn chưa đủ làm cho bạn lên bậc “sư phụ”. Ví như trong những môn võ, đai đen chưa phải là bậc cao nhất, ngoài ra bạn còn có thể lên “đệ nhất đẳng”, “đệ nhị”, “đệ tam”…. cho tới bậc chín gạch mới thật sự là đại sư phụ.
Những khóa workshop cực kỳ chuyên môn và cao cấp – như những workshops do chính Andy Nguyễn phụ trách – thường mang lại giá trị cao nhất cho những tay professional đã trong nghề hơn10 năm. Chỉ như vậy họ mới có thể tối đa tiếp thu kiến thức và những kỹ xảo đặc biệt. Khi tốt nghiệp khóa học, họ sẽ có thể làm “tiểu sư phụ” để dẫn dắt những người khác trong kỹ thuật nhiếp ảnh.

Lớp chuyên dạy về cách chụp chân dung trong studio và cách chỉnh đèn.

AN