Menu Close

Dubai những đêm Ả Rập (Kỳ 3)

Dubai là một thành phố đối nghịch theo nhiều nghĩa.  Giữa giàu và nghèo, giữa cái cũ và tân thời, giữa văn minh và truyền thống. Tiếp nhận người nhập cư từ nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, Dubai cũng có những đền thờ Shiva Ấn Độ hay nhà thờ Ky-Tô Giáo, nhưng vẫn là một xứ sở Hồi Giáo chính thống với những luật lệ chung cho những người Hồi Giáo Ả Rập. Nên dù được xem là một quốc gia cấp tiến và phóng khoáng tại Trung Đông, theo phép xã giao và ứng xử thông thường, du khách đến với Dubai ít nhiều cũng được kỳ vọng sẽ có sự tôn trọng và những  hành xử phù hợp với tôn giáo, văn hóa và truyền thống của xứ sở này.

 

Sheikh Zayed Mosque, một trong những ngôi đền Hồi Giáo đẹp nhất thế giới

Kỳ 3
Dubai, văn hóa và tôn giáo

Suốt một tuần ở Dubai, ngày nào cũng dạo quanh thành phố và về đến khách sạn tối khuya, tôi chẳng có dịp vào lounge phục vụ bia rượu và thức ăn nhẹ  của khách sạn. Chỉ đến ngày về, bay chuyến bay khuya nên chúng tôi mới có dịp thảnh thơi ngồi uống dăm chai bia và tình cờ trò chuyện cùng hai nữ du khách từ Anh sang. Cởi mở, vui vẻ, thậm chí có phần nói nhiều, họ cho biết đã sang Dubai vài lần và mỗi lần đều ở chơi hai hay ba tuần.  Chỉ tán gẫu nhưng câu chuyện thú vị, giá như tôi gặp họ ngay những ngày đầu tiên có thể đã biết thêm dăm điều hữu ích khác. Họ hỏi tôi lý do nào chọn Dubai để sang chơi. Tôi cười, trả lời đại loại rằng, ừ thì nghe danh tiếng Dubai lâu nay nên nó nằm trong danh sách của những thành phố tôi sẽ lần lượt ghé thăm.

Bên trong Thánh Đường Grand Mosque tại Abu Dhabi

Nhưng tôi không nói thêm rằng, tôi chẳng đến Dubai với lý do duy nhất là để chiêm ngưỡng sự lộng lẫy cùng những thứ “nhất thế giới” của nó, mà còn muốn biết thêm về đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của một quốc gia Hồi Giáo Ả Rập tại Trung Đông ra sao. Muốn vậy, Dubai là nơi lý tưởng vì UAE là một trong số quốc gia Trung Đông ít ỏi có mối giao hảo khá tốt đẹp với Mỹ, cũng như ít nhiều Tây phương hóa, dễ chịu với du khách phương Tây hơn. Còn không, dù là đồng minh của Mỹ như Ả-Rập Saudi hay có quan hệ ngoại giao với Mỹ như vài nước khác thì đa số người dân các nước Ả-Rập chẳng mấy gì thiện cảm với nước Mỹ. Đặc biệt với Do Thái. Nếu thông hành có đóng mộc đã từng sang Do Thái thì bạn cũng nên dè dặt khi sang Dubai hay các nước Ả Rập nói chung. Dubai mở cửa đón chào du khách nhưng nó cũng có những luật lệ Hồi Giáo riêng về ăn mặc, hành xử nơi công cộng, có thể làm cho một số người cảm thấy gò bó, thiếu thoải mái. Vậy tóm lại, bạn có nên sang Dubai một lần cho biết không?

Nam nữ có lối đi riêng

Du khách viếng Thánh Đường

Dubai được mệnh danh là “trung tâm mua sắm của Trung Đông” vì hàng hóa phương Tây dồi dào, nên phần lớn du khách đến đây là từ các nước Trung Đông quanh vùng để du ngoạn và mua sắm. Các mall to lớn và sang trọng nhưng hàng hóa rất đắt đỏ, khách phương Tây ắt chẳng ai sang để mua sắm. Số du khách đông đúc và ngang ngửa kế tiếp là từ Châu Âu và Châu Á vì đường bay ngắn. Suốt cả chuyến đi, tôi gặp khá nhiều đoàn du khách từ Hoa Lục sang. Cũng ồn ào, nhốn nháo như tôi đã gặp họ đông đảo tại bất cứ thành phố du lịch lớn nào tại Mỹ. Còn du khách từ Bắc Mỹ nói chung chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Có thể giới trung niên cho đến giới về hưu Mỹ thì mang nỗi ám ảnh “Trung Đông Hồi Giáo”, còn giới trẻ thích tiệc tùng, ăn chơi thì không tìm thấy sự hấp dẫn ở Dubai khi bia rượu chỉ được bán ở khách sạn, không có bên ngoài hay chợ búa. Nhưng một khi đã muốn sang Dubai thì bạn đừng chọn mùa Hè khi nhiệt độ sa mạc có thể lên đến 120-130 độ, cũng như tránh mùa lễ trọng Ramadan của người Hồi Giáo. Mùa lễ này, nhiều nhà hàng đóng cửa ban ngày, việc ăn, uống, hút thuốc, nhai kẹo cao su nơi công cộng cũng có thể mang lại rắc rối lớn cho du khách, kể cả trẻ em, cũng có thể làm bạn gò bó, mất vui. Người Hồi Giáo không ăn thịt heo, không được uống bia rượu và cầu nguyện năm lần mỗi ngày, lại thêm việc các nữ du khách phải ăn mặc kín đáo, che vai xuống tận mắt cá trong mùa lễ này, có thể làm nhiều người cảm thấy mất tự do và không còn hào hứng nếu không có sự dung nạp về sự khác biệt trong tôn giáo, tập tục hay văn hóa.

Du khách phải tuân theo nội quy về trang phục khi vào đền (Dress Code)

Phụ nữ Ả Rập ở bờ biển

Tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và thường nhật của người dân ở đây nên du khách bắt gặp đầy các Thánh đường Hồi Giáo, cũng như các phòng hay người cầu nguyện tại mọi nơi. Các phụ nữ cũng áo choàng đen, phủ kín người, nhiều người còn bịt kín mặt chỉ chừa đôi mắt. Dù đã mở rộng nhiều cơ hội cho phụ nữ như việc Quốc Vương Dubai đã bổ nhiệm một số phụ nữ vào nội các của mình, phụ nữ Dubai nói riêng cũng còn bị ràng buộc những Hồi Giáo luật nói chung. Shamrez, người hướng dẫn du lịch chở chúng tôi đi thăm thủ phủ Abu Dhabi cho tôi biết thêm dăm chi tiết về luật Sharia chung cho người Hồi Giáo Ả Rập. Anh bảo rằng nếu người Dubai lấy nhau, họ sẽ được chính phủ cấp đất, cấp nhà nhưng nếu lấy người nước ngoài, không phải Hồi Giáo thì mất hết những quyền lợi này. Người con gái nào lấy chồng nước ngoài chỉ còn cách bỏ xứ theo chồng vì bị gia đình từ bỏ và chính phủ tước bỏ quốc tịch. Con cái sinh ra chỉ có quốc tịch theo cha và người nhập cư thì đừng mơ đến việc nhập tịch. Nhiều nơi chúng tôi ghé qua, cổng vào cho nam và nữ giới khác nhau, thậm chí có nơi, phòng vệ sinh nam nữ cũng cách một khoảng xa. Ngày đầu đến Dubai, đi ra biển nhưng chúng tôi đành phải đổi chương trình vì đó là ngày dành riêng cho… nữ giới, một tuần hai ngày, cánh mày râu không được bén mảng. Bằng không, biết đâu được chiêm ngưỡng những nàng công chúa Ả-Rập mang bikini (nếu có), ắt cũng… mãn nhãn. Phụ nữ Trung Đông nghe bảo cũng rất xinh, chẳng phải Aladdin từng bị ngay “tiếng sét ái tình” khi gặp nàng công chúa thành Bát-đa.  Đùa với bạn thôi, ra biển ngày cuối tuần, tôi cũng thấy những phụ nữ Ả-Rập vận áo choàng đen kín mít.

Trẻ em Hồi Giáo với fastfood phương Tây

Cả Dubai và thủ đô Abu Dhabi có dăm Thánh Đường Hồi Giáo mở cửa cho người ngoại đạo vào thăm viếng, trong mục đích cổ vũ sự hiểu biết về Hồi giáo. Thánh Đường Jumeirah Mosque tại Dubai tuy nhỏ nhưng là nơi thu hút du khách vì đó là Thánh đường duy nhất mở cửa cho du khách vào viếng tại Dubai. Muốn thăm ngôi Thánh đường lớn nhất UAE và mở cửa cho du khách, là một trong những kiến trúc to lớn và lộng lẫy của xứ sở này, bạn phải đến Thánh Đường Sheikh Zayed Grand Mosque tại thủ đô Abu Dhabi – cách Dubai khoảng hơn trăm cây số. Có sức chứa khoảng 40 ngàn tín đồ cùng cầu nguyện một lúc, đây là một trong những Thánh đường Hồi Giáo nằm trong danh sách những Thánh đường đẹp nhất thế giới, cả bên ngoài và trong khuôn viên cùng nội thất của nó. Những tấm thảm Ba-tư tuyệt đẹp, những chùm đèn pha lê lộng lẫy, những cột đá trắng cẩn ngọc thạch…, Thánh đường xứng đáng là nơi chiêm ngưỡng và ít nhiều biết thêm về tôn giáo và kiến trúc Hồi Giáo. Chỉ nơi đây thì việc trang phục mới cần tuân thủ theo điều luật của nó, khi những du khách phải ăn vận tươm tất và nữ du khách muốn vào phải khoác khăn và áo choàng đen phủ dài xuống gót. Thánh đường có sẵn đồ cho du khách mượn, nhưng các công ty du lịch thường cũng chuẩn bị sẵn cho khách của mình vì không muốn họ xếp hàng mượn đồ khá lâu. Đã từng có vài nữ ca sĩ nổi tiếng của Mỹ ghé Thánh đường này chụp và đưa lên internet những tấm hình có tư thế bỡn cợt hay hở mắt cá chân, sau đó phải lấy hình xuống và xin lỗi sau khi bị người Hồi Giáo chỉ trích mạnh mẽ. Những người hướng dẫn viên bảo với du khách chúng tôi rằng, những gì bị cấm có nghĩa là… không được làm, nếu không muốn phá hủy chuyến nghỉ mát của mình hay thậm chí phải đối diện những vấn đề pháp luật lớn hơn. Họ kể ra dăm điều cấm như không được chụp hình khu vực dinh thự chính quyền quân đội, không chụp hình tai nạn, không buông lời báng bổ tôn giáo hay hoàng gia, không uống bia rượu, gây rối trật tự hay có những hành vi khiếm nhã nơi công cộng… Quả thật, tôi cũng đã đọc tin tức, thấy có những du khách bị câu lưu  khi đưa lên Facebook hình chụp selfie cười giỡn trước đám cháy tại một cao ốc Dubai trong đêm giao thừa vừa qua. Hay đã có người bị tù và trục xuất khi chụp hình các khu vực treo biển cấm.

Một nhà hàng buffet Ả Rập

Nếu bạn cho rằng những luật lệ hay xử phạt kể trên là quá đáng hay làm mất tự do của bạn, tốt hơn bạn nên suy nghĩ lại trước khi sang Dubai. Với riêng tôi thì thú thật lại chẳng gặp hay thấy bất cứ sự phiền toái gì. “Nhập gia tùy tục”, một khi bạn biết tự điều chỉnh và tôn trọng những văn hóa, tập tục và luật lệ khác biệt, thì bạn đem lại sự dễ dàng và thoải mái cho chính mình trước tiên.  Vì cũng chính nhờ những luật lệ nghiêm ngặt này cộng thêm ý thức người dân, Dubai có tỉ lệ tội phạm rất thấp, phố xá sạch đẹp và trật tự dù hiếm thấy cảnh sát xuất hiện. Taxi phóng nhanh nhưng chẳng vượt ẩu. Người dân hòa nhã, niềm nở. Hàng quán mời chào nhưng chẳng chèo kéo, khách vào mua hay chỉ chụp hình cũng chẳng sao. Chúng cho du khách những cảm giác an toàn và dễ chịu. Đó là lý do Dubai đã thu hút những du khách quay lại lần thứ nhì, thứ ba, như những du khách Anh tôi đã gặp. Cứ nghĩ hàng chục triệu du khách đến Dubai mỗi năm, ắt cũng có lý do của nó.

Chà là, đặc sản vùng Trung Đông

ĐYT