Đông Y, nếu chỉ hiểu đơn giản như là Y Học Trung Hoa thì không dùng Súng, mà chỉ dùng Sen để làm thuốc chữa bệnh tuy Súng và Sen là hai cây thủy sinh rất tương cận. Với người bình thường, Súng và Sen có vẻ chỉ là một loài, không cần phân biệt. Có những cây, thật ra là thuộc gia đình nhà Súng nhưng vẫn được gọi là Sen như Sen Hoàng Hậu. Y Học Nhật và Ấn Độ đều dùng Súng để chữa bệnh.
Súng hay Nymphaca, Mỹ gọi dưới tên Water Lily, thuộc họ thực vật Nymphacaceae, là loài thực vật Thủy Sinh với lá thật lớn tròn, có đốt một bên nơi cọng.
VÀI LOẠI SÚNG ĐÁNG CHÚ Ý:
Súng mọc hầu như khắp nơi trên thế giới. Riêng tại Việt Nam có những loại như:
1. Sen Hoàng Hậu:
Còn gọi là Sen Amazon, Victoria Regia với tên Mỹ Giant Water Lily, Royal Water Lily. Cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, trong vùng Guyana, do nhà thám hiểm Bonpland tìm ra năm 1820, lấy củ và hạt đưa về trồng tại Anh, đặt tên là Victoria để tặng Hoàng Hậu nước Anh. Sen Amazon sau đó được trồng làm cảnh tại khắp nơi trên thế giới. Sen Hoàng Hậu cũng có mặt tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Cây có thân rễ khá lớn, sống trong bùn. Lá rất to với phiến lá có thể có đường kính đến 1m. Một em bé 3 tuổi có thể ngồi trên lá mà không bị chìm!. Lá có màu xanh bóng ở mặt trên với gân lá tỏa tròn đều. Mặt dưới lá màu đỏ với gân lồi. Cuống lá cứng và mập. Hoa mọc đơn độc, lớn, trên cuống dài, vươn khỏi mặt nước. Hoa màu đỏ xậm, nở về đêm, đường kính từ 20 – 40cm với 4 cánh dài gần như tròn và cánh tràng xếp nhiều vòng. Hoa rất nhiều nhị. Quả nhiều hạt.
2. Súng Trắng (Nymphaca Lotus)
White Lotus of Egypt – Lotus Blanc d’Egypte. Súng trắng có nguồn gốc từ Trung Đông; mọc khá nhiều tại các ao hồ, ruộng nước bùn tại Việt Nam. Cây có thân rễ mọc bò trong bùn. Lá to gần như tròn mọc nổi trên mặt nước, gốc lá hình tim với mép có răng, màu xanh đậm. Hoa lớn màu trắng hoặc hồng tía, rất chóng tàn.
Súng trong Dược Học Đông Phương:
1. Dược Học Nhật: Trong sách thuốc của Nhật có ghi chép vị thuốc Senkotu là Ngó phơi khô của các cây Súng Nuphar Japonicum hoặc Nuphar Pumilum. Mỹ gọi dưới tên Yellow Pond Lily (Nupharis Rhizoma). Trung Hoa nhập vị thuốc này để gọi là Xuyên Cốt (có lẽ vì phần Ngó, sau khi lột vỏ có màu trắng đục như xương?). Senkotu không hề được ghi trong các sách Trung Hoa. Với Nhật Dược, Senkotu có vị ngọt và tính hàn với các tác dụng lợi tiểu, di chuyển nước trong cơ thể, giảm phù thũng, chữa được ngoại thương. Senkotu được dùng để trị các bệnh xuất huyết sau khi sinh, an thần cho phụ nữ và trị cảm cùng kiện vị.
2. Thành phần Hóa Học: Súng Nhật hay Senkotu chứa:
– Các Alkaloid như Nupharidine, Dexoxy-nupharidine, Nupharamine, Nuphamine và Anhydronuphamine.
– Các chất Beta-Sitosterol.
– Các acid hữu cơ như Oleic, Palmitic, Nicotinic.
. Tác Dụng Dược Lực:
– Khả năng gây tê liệt thần kinh trung ương: Dexoxynupharidine khi thử trên Tim Ếch cho thấy tác dụng làm tê liệt thần kinh trung ương đưa đến co thắt mạch máu ngoại biên. Nhưng nếu dùng liều nhỏ thì làm áp huyết tăng lên và với liều cao lại làm hạ huyết áp. Khi dùng liều nhỏ nơi Thỏ thì có phản ứng an thần nhưng liều cao sẽ gây ngừng thở. Liều nhỏ của Dexoxynupharidine cũng gây gia tăng nhu động của Ruột.
– Khả năng Sát trùng: Nước Trích Senkotu ngăn chặn sự phát triển của vi trùng lao.
3. Dược Học Ấn Độ: Ấn Độ hay Thiên Trúc vốn là nơi phát sinh ra Phật Giáo nên Sen và Súng rất phổ biến. Những loại Súng thường gặp nhất:
– Nympha Alba hay European White Water Lily: Rễ dùng dưới dạng Trích bằng Rượu làm thuốc an thần, dịu đau. Nước sắc rễ để trị tiêu chảy. Lá và Hoa trị mụn nhọt. Quả giúp tiêu thực.
– Nympha Nouchalu hay Indian red Water Lily: Rễ dùng chữa kiết lỵ, cầm tiêu chảy. Hoa dùng trợ tim.
– Nympha Rubra, tên Phạn là Arunakamala: Rễ phơi khô, tán thành Bột để trợ tiêu hóa, cầm tiêu chảy. Hoa sắc lấy nước để trị Tim hồi hộp.
– Nympha Stellata, tên Phạn là Nilopala với hoa màu xanh: Rễ cũng trị tiêu chảy nhưng nếu sắc lấy nước lại trị khó tiểu tiện. Lá trị ghẻ lác. Hoa có thể gây say.
GHI CHÚ: trong các sách Đông y có ghi vị thuốc “Khiếm Thực” với phiên âm Qian-Shi (Euryalis Semen). Vị thuốc này là Hạt phơi khô của một loại Súng Trung Hoa. Khiếm Thực được chép trong Thần Nông Bản Thảo Kinh, và còn gọi là “Kê Đầu”, Nhật Dược ghi là Ma-Liên hay Onilen. Khiếm Thực được xem là một vị thuốc tác dụng trên Tỳ và Thận, dùng để bồi bổ Tỳ, gia cố Thận giúp kiểm soát và giữ sự xuất tinh. Khiết Thực được dùng trong các toa thuốc “Kiên Tinh – Bổ Thận” giúp trị các trường hợp xuất tinh sớm, không kìm chế được.
DS Trần Việt Hưng