Tôi nghe nói bàn tay của mình có nhiều vi trùng lắm, có phải không bác sĩ. Vì thế cho nên nhiều người khuyên cần phải giữ bàn tay sạch sẽ khi ăn cũng như khi nấu nướng. Xin bác sĩ nói rõ thêm về chuyện này. Cảm ơn bác sĩ. Liên Bích.
Đáp
Đúng như bà nói: vi trùng có khắp mọi nơi, kể cả trên đôi bàn tay của ta cũng như trên các dụng cụ bàn ghế trong bếp, trong thực phẩm sống cũng như thực phẩm nấu chín, để ngoài tủ lạnh. Chúng chỉ chờ cơ hội để lan truyền từ chỗ này sang chỗ khác, đặc biệt là qua hai bàn tay.
Đang viên thịt bò cắt nhỏ thành từng viên mà thò ngón tay lên gãi ngứa trên đầu thì vi khuẩn từ tóc sẽ vào bàn tay mà dính xuống bò viên.
Trên cái thớt thái cá tươi mà để lẫn với miếng thịt heo vừa nấu chín ngay cạnh thì vi khuẩn từ cá sẽ nhào vào miếng thịt.
Sau khi vào nhà cầu, xả bầu tâm sự rồi ra cầm đũa bát ăn cơm ngay mà không rửa tay thì vi khuẩn từ phẩn dính vào tay sẽ được đưa trở lại miệng, vào thực quản, dạ dày…
Cho nên cần phải rửa tay sạch sẽ:
– Trước khi cầm thực phẩm để pha chế, nấu nướng;
– Trước khi ăn cơm;
– Sau khi đi vệ sinh;
– Sau khi cầm miếng thịt miếng cá còn tươi sống;
– Sau khi thay tã cho con;
– Sau khi che miệng hắt hơi, xì mũi, chơi với súc vật;
– Sau khi đụng chạm tới các hóa chất, như nước lau nhà, dầu nhớt, thuốc xịt muỗi gián, phân bón cây cảnh…hoặc sau khi hút thuốc lá.
– Không được chạm tay vào đĩa sắp đựng thức ăn;
– Luôn luôn dùng đũa, thìa hoặc lót tay bằng giấy để bày thức ăn đã nấu chín;
– Khi bỏ nước đá vào ly, phải dùng thìa hoặc cái gắp nước đá, chứ không dùng ngón tay;
– Không đụng ngón tay, nhất là ngón tay cái, vào đĩa đựng thức ăn. Cầm đĩa bằng cách để đĩa trên lòng bàn tay xòe ra.
– Luôn luôn cầm thìa, nĩa ở cán, đũa ở đầu to.
– Luôn luôn cầm ly ở chân ly chứ không cầm ở viền ly.
– Làm việc trong bếp phải vén cao hoặc che đầu để tóc khỏi rũ vào thức ăn;
– Không ăn, nhai kẹo cao su khi nấu hoặc phục vụ thức ăn để tránh giọt nước miếng bắn vào món ăn;
– Không hút thuốc khi nấu hoặc phục vụ thức ăn để tránh tàn thuốc rơi vào món ăn;
– Không ngoáy mũi trong khi làm bếp, dọn thức ăn;
– Không gãi đầu gãi tai trong khi nấu hoặc bày thức ăn;
– Khi cần hắt hơi, ra xa nơi có thức ăn, lấy giấy che mũi hoặc hắt hơi vào khuỷu tay để tránh nước mũi bắn vào thức ăn.
Căng thẳng tâm thần.
Người hay lo âu có gây ra bệnh tim mạch không, thưa bác sĩ? Nguyễn Mạnh Thản
Đáp
Rủi ro của stress trong bệnh tim mạch chưa được xác định vì mỗi người đối phó với căng thẳng theo cách khác nhau. Với người này thì stress là khó khăn nhưng với người khác cũng cùng stress đó lại là một thách thức mà nếu vượt qua được thì cảm thấy phấn khởi, vui vẻ.
Tuy nhiên nếu liên tục xảy ra, stress có thể nâng cao nhịp tim và huyết áp, tim sẽ cần nhiều dưỡng khí hơn. Người đã bị bệnh tim mà liên tục bị stress quấy rầy sẽ hay bị cơn đau thắt ngực (angina pectoris);
Trong khi bị stress, thần kinh tiết ra nhiều kích thích tố, đặc biệt chất adrenaline. Các hóa chất này làm tăng huyết áp, đưa tới tổn thương thành động mạch mà khi lành, sẽ cứng, cholesterol dễ dàng đóng vào đó.
Stress cũng làm tăng chất làm máu đóng cục, làm nghẹt mạch máu và đưa tới cơn đau tim.
Ngoài ra, đôi khi người ở trong tâm trạng căng thẳng cũng ăn nhiều (dễ béo phì), hút thuốc lá và uống rượu nhiều hơn thường lệ.
Mụn lẹo
Tôi đã đọc cách chữa mụn lẹo mắt của bác sĩ. Là lấy tay cùng bên có lẹo với ra sau lưng bên đối diện, rồi nhờ người nẻ máu ra. Tôi không biết nẻ ở chỗ nào và mấy chỗ. Xin bác sĩ cho biết. Tôi xin chân thành cám ơn bác sĩ. Thế Kiều
Đáp
Trước khi góp ý về cách chữa lẹo mắt “thần sầu” mà ông nêu ra, xin cùng nhau tìm hiểu về lẹo mắt. Đây là trường hợp trong đó mấy tuyến mỡ ở mi mắt, nhất là mi trên, bị sưng, đau, nặng nặng, nước mắt chảy nhiều. Các tuyến sưng này có thể bị nhiễm vi khuẩn. Điều trị ban đầu gồm có chườm khăn nóng ấm để lẹo mau chín, tra thuốc đau mắt có kháng sinh để diệt vi khuẩn. Nếu lẹo quá lớn, cần đi bác sĩ để mổ lẹo và giữ gìn mắt khỏi bị tái nhiễm trùng.
Còn cách chữa mà ông nêu ra là lấy tay cùng bên có lẹo với ra sau lưng bên đối diện thì là thói quen mà nhiều người tin tưởng là có thể hết lẹo thì thực ra không đúng cho lắm. Có người mài ngón tay xuống chiếu cho nóng rồi chạm ngay vào lẹo cũng tương tự như chườm nóng vậy.
Khản tiếng
Tôi bị khản tiếng từ hơn một tháng nay. Xin bác sĩ cho biết tại sao. Tôi có hút thuốc lá từ trên 10 năm, liệu có bị ung thư không? Xin cảm ơn bác sĩ. Ninh Vi
Đáp
Khản tiếng là sự thay đổi của giọng nói. Trong cuống họng có một bộ phận phát ra âm thanh, đó là thanh quản.
Bình thường, giọng nói có thể trầm ấm như giọng ca của Sĩ Phú hoặc cao vút như tiếng hát Thái Thanh. Sở dĩ có âm thanh là vì không khí từ phổi chạy qua thanh quản, làm rung động hai sợi dây cấu tạo ra thanh quản.
Khi thanh quản bị tổn thương, giọng nói thay đổi. Các nguyên nhân gây ra tổn thương cho thanh quản có thể là nhiễm trùng cảm cúm, viêm xoang, stress căng thẳng thần kinh, hít phải chất lạ, nói nhiều, nói to, la hét, có chất nhờn bám vào thanh quản, khô cuống họng, hút nhiều thuốc lá, cần sa, dịch vị từ bao tử dội ngược lên họng.
Nói chung, khản tiếng không phải là chuyện khẩn cấp mà nhiều khi chỉ bớt nói, xông hơi, uống nước nóng pha với chanh, mật ong là bớt. Khi khản tiếng vì hút thuốc lá, cần ngưng ngay vì thuốc lá vừa gây ra ung thư phổi vừa gây ra khản tiếng.
NYD