Khi bạn thấy một tấm ảnh và thích nó, bạn có tự hỏi “Người đó dùng những thông số gì để chụp?” Đây là một câu hỏi thông thường; nhưng còn những yếu tố quan trọng khác được dùng trong quá trình tạo ảnh, chẳng hạn như tình trạng ánh sáng, và những kỹ xảo trong nghề để lấy được khoảnh khắc hay. Khi bạn có kinh nghiệm hơn, và tiến lên trên cuộc hành trình nhiếp ảnh, bạn có thể sẽ bắt đầu nhận thức rằng những gì trước đây bạn mê đắm, không quan trọng như bạn đã từng nghĩ.
Tại một phi trường gần nhà VÀO ĐÊM, khi chiếc Airbus A380 của hãng Qantas cất cánh bay về Sydney, Úc, tôi muốn diễn tả hết “phong độ” của chiếc máy bay hành khách lớn nhất thế giới, và cùng lúc làm cho những vệt đèn màu nhìn giống bắn pháo bông, bằng cách dùng tốc độ 1/5, khẩu độ f/5.6, và ISO 12800.
Một đề tài mà nhiều tay ảnh hay đề cập, là phải biết những settings của máy ảnh; hay cụ thể hơn, khẩu độ, tốc độ cửa chập, và độ nhạy ISO. Bất cứ nhiếp ảnh gia nào cũng sẽ nói rằng ba yếu tố này rất quan trọng trong việc lấy ánh sáng đúng cho một tấm ảnh. Nếu bạn dùng sự phối hợp của những thông số này không đúng, rất có thể bạn sẽ có những kết quả không ưng ý. Do đó chúng ta có thể hiểu tại sao những tay ảnh mới lại mê mệt về chuyện biết chính xác những thông số được dùng.
Trên lý thuyết, điều này giúp bạn tạo một tấm ảnh nào đó, đúng không? Rất tiếc, không đơn giản như vậy. Ảnh được tạo bởi nhiều yếu tố khác ngoài sự phối hợp đúng giữa khẩu độ, tốc độ cửa chập, và ISO.
Nhưng trước khi đi sâu thêm vào đề tài này, chúng ta hãy thăm dò hai khía cạnh khác nhau của câu hỏi này; trước tiên từ phương diện của một người mới bắt đầu vào nhiếp ảnh. Họ nghĩ rằng bằng cách biết chính xác những thông số, và chỉnh những con số đó vào máy ảnh của họ, thì một cách mầu nhiệm nào đó, họ sẽ đạt được kết quả giống vậy. Nhìn từ phương diện của một tay ảnh đã có kinh nghiệm, với đề tài này nhưng lại có một tầm nhìn khác. Có thể khi họ khó hiểu về một kỹ thuật nào đó, hoặc liên hệ đến một thể loại cụ thể trong nhiếp ảnh, chẳng hạn như chụp bầu trời vũ trụ.
Vậy tại sao câu hỏi này không giúp gì được?
Nếu bạn chỉ chú tâm vào những thông số của máy ảnh, bạn sẽ thiếu sót rất nhiều tài liệu khác liên quan đến tại sao những thông số đó được dùng. Đây cũng tương tự với trường hợp biết những thành phần để làm bánh cake, nhưng không biết cách thức làm nó, hoặc những lý do đưa đến cách thức đó. Lệ thuộc hoàn toàn vào thông số máy ảnh sẽ không cho bạn biết gì về môi trường khi tấm ảnh đó được chụp, hoặc tình trạng ánh sáng lúc đó.
Nhìn vào tấm ảnh bên trên, nếu tôi nói với bạn là tôi dùng tốc độ 1/5 giây, f/5.6, và ISO 12800, và bạn đi ra phi trường và để những settings đó, hóa ra tôi đã hại bạn, vì tất cả hình của bạn sẽ bị mờ đến nỗi không nhận dạng được. Tại sao? Vì đây là một kỹ thuật cực cao mà tôi đã rèn luyện trong mấy mươi năm, không dễ để làm được qua một ngày một đêm.
Lý do tôi chọn những thông số này cũng đơn giản thôi; tôi cần độ ISO cao để lấy đủ ánh sáng trong bóng đêm, và dùng tốc độ cực chậm (1/5 giây) để cho thấy chiếc máy bay đang bay chứ không phải đứng yên và những vệt đèn màu kéo dài phía sau trông như pháo bông.
Ngay cả nếu bạn đứng kế bên tôi, và tôi cho bạn biết thông số nào để dùng, vậy bạn sẽ làm gì khi không có tôi ở đó? Bạn cần hiểu tại sao tôi dùng những thông số đó để áp dụng trong trường hợp riêng của bạn.
“Đọc” một tấm ảnh
Khi nhìn một tấm ảnh, hiểu biết tại sao bạn thích nó và thích cái gì về nó, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bạn. Đây là một khả năng mà bạn sẽ càng ngày càng phát triển, khi bạn tiến bộ trong nhiếp ảnh. Để nhắc lại với bạn, những thông số của máy ảnh không làm cho một tấm ảnh xuất sắc. Những yếu tố khác như địa điểm, ánh sáng, bố cục, góc nhìn, tiêu cự… tất cả đều phối hợp nhau để tạo nên một tác phẩm cuối cùng. Mỗi cái đều không hơn hoặc kém quan trọng so với cái khác, và tất cả cần phải được đắn đo.
Nhìn vào tấm ảnh trượt nước này, và nếu tôi chưa biết những thông số của nó, tôi sẽ đoán một tốc độ khá nhanh (trên 1/1000), một khẩu độ vừa phải (khoảng f/5.6), và độ ISO trung bình (từ 400 đến 800) để cân bằng với tốc độ nhanh kia. Thử xem bạn nhìn một tấm ảnh lạ, bạn có thể làm được như vậy chưa?
Nhưng trước khi bạn có thể “đọc” một tấm ảnh, trước tiên bạn phải rất thoải mái với không chỉ ba yếu tố phơi sáng (khẩu độ, tốc độ, và ISO), nhưng luôn cả ảnh hưởng của chúng về thị giác. Một khi bạn hiểu rõ từng yếu tố, bạn sẽ có thể nhìn tấm ảnh và nói, “Họ dùng tốc độ nhanh cho tấm này” hoặc, “Khẩu độ trong hình này rất rộng”.
Có thể bạn sẽ không xác định được những thông số chính xác, nhưng bạn sẽ có thể có một điểm mốc tốt hơn nhiều so với trước đây!
AN