Hôm thứ ba 22 tháng 3, bà Ketevan Kardava, 36 tuổi, đặc phái viên của đài Georgian Public Broadcaster, đang có mặt tại phòng đợi phi cảng Brussels chờ bay qua Geneva công tác, khi quả bom đầu tiên nổ chỉ cách bà một mét rưỡi.
Theo USA Today, phản ứng đầu tiên của bà Kardava là lấy máy hình ra, trong khi mảnh kính, vôi gạch và khói phủ khắp cả không gian.
Bà nói: “Tôi vô cùng sửng sốt, đó là phản ứng do bản năng.”
Bức ảnh đầu tiên bà chụp đó là hình hai phụ nữ, người phủ đầy máu me và bụi bẩn, mà không lâu sau đó được lan truyền khắp năm châu và trở thành hình ảnh tiêu biểu của vụ tấn công khủng bố kinh hoàng hôm Thứ Ba.
Tấm ảnh trở thành tiêu biểu của vụ nổ bom khủng bố tại phi trường Zaventem ở Brussels, Bỉ. HÌNH: AP/KETEVAN KARDAVA
Giờ đây, tuy được yên ổn tại nhà, nhưng giọng vẫn còn run, bà Kardava lặp lại: “Tôi rất tiếc là không thể giúp các nạn nhân được.”
Bà nói: “Mọi người phủ toàn máu. Họ mất hai cẳng chân. Tất cả họ. Tôi cứ nhìn đi nhìn lại cẳng chân tôi. Tôi đưa tay sờ. Tôi muốn biết mình vẫn còn cảm giác với chúng.”
Đến khi nhận thức mình vẫn còn sống, bà bắt đầu kêu cứu: “Bác sĩ! Có ai là bác sĩ đó không!”
Lúc thấy chẳng có ai đến, bà lại lấy máy ảnh ra và chụp “người phụ nữ mặc áo khoác vàng.”
Bà Kardava nói: “Quý vị sẽ làm gì trong tình huống như vậy nếu quý vị là một phóng viên? Giúp đỡ người ta? Đi tìm bác sĩ? Hay lấy máy ra chụp? Ngay vào giây phút đó, tôi thấy rằng phải làm sao để cho cả thế giới thấy được chuyện đang xảy ra ở giây phút kinh hoàng này, một tấm hình cũng quan trọng không kém.”
Người nữ phóng viên tiếp tục vừa chụp hình vừa kêu cứu cho đến khi một người lính có mang súng đi lại, và bảo mọi người, ai còn di chuyển được thì hãy chạy đến chỗ an toàn càng sớm càng tốt.
Bà Kardava tiếp: “Những người tôi chụp không chạy được mà tôi cũng không thể giúp họ. Tôi thấy hết sức khó có thể bỏ mặc họ để chạy đi nơi khác. Tôi là người duy nhất ở đây còn đứng được trên cả đôi chân. Tôi muốn giúp đỡ mọi người nhưng tôi không thể. Tôi phải rời bỏ họ. Ai cũng đang sợ có thể có thêm một vụ nổ thứ ba.”
Ketevan Kardava – NGUỒN GEORGIANEWSDAY.COM
Nói về tấm ảnh chụp hai người đàn bà ở phi trường, bà Kardava cho biết: “Tôi không nhớ tôi chụp tấm ảnh ấy như thế nào. Theo tôi, nó xuất phát từ cảm tính của một người phóng viên. Tôi bắn ngay lên Facebook với hàng chữ ‘Bom nổ… Cứu chúng tôi với.’”
Giờ đây, quan niệm của bà Kardava về thế giới hoàn toàn thay đổi.
Bà nói: “Tôi sống ở đây suốt tám năm và từng làm tường thuật nhiều thứ, kể cả vụ tấn công khủng bố ở Paris. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu. Khủng bố có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Bây giờ thì tôi hiểu được ý nghĩa của câu nói ‘khủng bố không có biên giới.’”
Bà Kardava cho biết, bà không rõ rồi đây bà sẽ tiếp tục với nghề phóng viên ảnh như thế nào.
Bà nói: “Lần sau làm sao tôi trở lại với phi trường này? Chúng ta là phóng viên. Chúng ta không biết sợ là gì, phải vậy không? Rồi có lúc cần tôi phải quay lại ngay đúng phi trường này và bước ra khỏi cùng trạm tàu điện nơi xảy ra vụ nổ thứ hai.”
Bà tiếp: “Làm sao tôi có thể lấy lại chuyến tàu điện đi đến cùng trạm đó và phi trường đó? Làm thế nào tôi có thể quay lại ngồi chờ máy bay ở đúng cùng chỗ tôi từng cảm nhận được nỗi kinh hoàng trước đây. Tôi không biết. Tôi không trả lời được.”
DH Tin Internet