Bỗng tôi trở về với công việc đang làm. Phòng trà khiêu vũ. Tiếng nhạc. Và tiếng người khách hỏi tôi:
– Sao em ít nói thế ?
Tôi cười. Quá ngấy. Với thằng con nít này, lợi dụng ghê gớm. Trên da thịt tôi. Tôi cau mặt. Nhưng không hiểu sao là chẳng cần phản ứng thêm. Nhảy với nó hai bài, tôi sang bàn khác đang chờ. Một bạn quen từ xưa. Thế là tôi bỏ thằng bé ngồi một mình. Nó lại ngoắc cai gà. Cũng khen cho con nít nhiều bạc.
Chị N bảo tôi:
– Thủy không biết sao, đó là văn sĩ H. Nổi tiếng lắm. Tôi bèn hỏi lại văn sĩ sao ? Báo nào ? Chị N bảo Điện Ảnh. Tôi à một tiếng.
Khách mời tôi sang bàn trạc ngoài bốn mươi. Dáng người cao và nét sắc sảo của một người có học. Trắng trẻo ở màu da, loại người có tiền. Tư cách ở chỗ ít nói lạng quạng. Không lợi dụng da thịt. Kể ra là khá. Nhảy từng bài chọn lựa. Blue và Slow. Tôi không nhớ rõ chàng lắm, quen ở đâu, bao giờ, thì xin chịu. Hẳn là chàng biết rõ về tôi, với tôi thì có quen sơ sơ. Nhưng tôi quên chàng nhiều hơn. Khi nhảy xong, chàng dìu tôi về chỗ ngồi. Bây giờ, chàng gợi chuyện:
– Tôi là bạn của anh ấy (T6). Cùng trong tù với nhau, thời chính phủ Diệm, các anh đứng dậy hô hào chống chế độ cũ rồi bị bắt. Tôi biết cả luật sư X, thẩm phán L (là T4) và anh bạn văn sĩ R (là T3) và cả Thủy.
– Vâng, thưa anh có lẽ vậy.
– Tôi biết tiếng Thủy từ khi Thủy còn mở cà-phê Huyền ở Đà Lạt. Và gốc tích của Thủy là người miền Nam, nhưng nói giọng Bắc thật tài. Ngay với chính người sinh trưởng ở Hà Nội cũng khó mà phân biệt được. Bây giờ anh ấy (tức T6) ở đâu Thủy?
– Nhà tôi đi Đà Lạt ít hôm anh ạ.
Một cái ngoắc tay, gọi bồi. Gọi chị N cho khách. Qua câu nói chuyện với chị N, khách muốn mời tôi sang Moulin Rouge. Cho khách tính tiền luôn thể. Chị N bảo với khách, là tính sáu, nhưng với khách quen tính năm. Quay sang phía tôi, chàng xin lỗi trong ít phút, để chàng đi tìm người bạn. Tôi gật đầu.
Trước đó, anh bồi đưa lại cho tôi một gói Salem. Thầm nghĩ, anh chàng này hào hoa lắm, tại sao chàng biết tôi hút Salem. Tôi ngồi vào ghế cuối phòng. Gác lửng, ở tận cuối. Chẳng muốn thò mặt ra. Tôi bảo chị N rằng, không tiếp ai nữa, vì hôm đầu đi làm mệt. Nhân dịp này, tôi muốn nhắc lại với chính tôi, một vài truyện gần nhất. Sống với T6. Một dịp may hiếm có và cũng là một tai họa hiếm có. Nhờ chàng bốn mươi vô danh bặt thiệp, tự nhiên chị N thấy sự đi mời tôi làm lại là chị có con mắt tinh đời. Bây giờ tôi đã thấy mình thua sút xưa. Về sức khoẻ. Xưa kia, rong chơi suốt sáng không biết gì là mệt…
Trước hết tôi quen T1 trong nhóm. Sỡ dĩ tôi chỉ kể ra đây có T6 vì chính những người ấy, với tôi là những nhân vật chính. Ngoài ra, còn nhiều t nhỏ, như Tối Văn Sáng, cựu trung úy tình báo, rất giỏi về nghề điều tra tiểu sử đàn bà con gái Sài Gòn. Rồi có lẽ chỉ vì vậy, mà bị sa thải trong nghề chăng? Nhiều khi muốn tỏ ra là tay ăn chơi, hắn biết cả những tiểu sử không biết về mọi người con gái đẹp đi qua quán La Pagode. Thêm một tên t nhỏ nữa là Thùng, cử nhân hai. Một lần T3 bảo Thùng (tức t nhỏ) rằng:
– Thời đại nào thì mày cũng vẫn chỉ là thằng môi giới con gái. Nhưng mày hơn đời là trí thức, vì có kiến thức chứng chỉ hai cử nhân.
Sau khi quen t nhỏ Tối Văn Sáng rồi, tôi quen T4. Vì t Tối tối ngày ở La Pagode với tôi, rồi tán tụng T4 có nhiều tính nết giống tôi. Như T4 thích cảnh ngồi đây uống cà phê vào chiều, màu tím hoàng hôn buông thả thật thơ mộng trên cành lá ở vườn cây, công viên. Ít lâu sau, gặp T2 rồi T5. Và cuối cùng là T3. Anh này rất ít khi đi chơi với anh em và không đứng về phe nào, cũng chẳng góp ý kiến gì, về sự tranh chấp tôi, giữa T4 và T6, vì chàng có dáng của một đàn ông hơn T4. Và tôi phục T6 ở điểm dám chửi chính phủ Diệm thật bạo miệng. Tôi thú vì đó một phần: Còn về tiền T4 chắc chắn có số lương thẩm phán. Nhưng tôi không ưa dáng người tủn mủn và lối nói truyện của chàng, nếu cần phải lựa chọn một người chồng, có đủ yếu tố giữ thăng bằng cho gia đình thì tôi chọn chàng. Xong với tình yêu và hợp gout tôi không thích cái vẻ lễ phép của T4 mà chọn T6. Nhưng nếu không có T6, chắc chắn là tôi lấy T4. Đàn ông độc thân là một điều thua thiệt. Một lần, t Tối tới mời tôi đi chơi rồi nhân đó anh nói chuyện với tôi về T3 nhiếc T6:
– Mày đừng tưởng mày làm cách mạng là hay đâu. Thứ cách mạng của mày không có tao trong đó. Lúc nào cũng bô bô cái miệng. Tao cần dẫn giải câu ngạn ngữ này cho mày dễ hiểu. Con hoẵng không cắn chết ai vì nó to miệng. Con rắn nọc độc cắn chết người lại lầm lũi nằm bên vệ đường, rồi phun nọc vào mày, ít phút sau mày thấy hiệu nghiệm ngay.
Tôi hỏi t Tối tại sao lại có vụ lộn xộn kia. t Tối đáp:
– Một buổi tối, tôi gặp T6 và T3 ngồi uống cà-phê. Một trong hai chúng nó ngồi gác chân lên thành ghế.
Cái lối ngồi của T3 làm phiền mọi người và điệu bộ coi đời như cọng rác làm T6 nóng mặt. T6 bảo nó :
– Tao không hiểu sao anh em thằng T2 và T5 chịu khó đọc sách của mày. Và hết lời tán tụng.
T3 trả đũa:
– Tao cũng cần nói thêm cho mày nghe, mày còn là một thứ vô liêm sỉ, anh hùng vỏ của bao Salem. Mày có cần hiểu rằng tao không ưa lối phê phán về tao theo kiểu mày không? Vì mày làm gì có tư cách của mày mà mày phê phán tư cách tao. Khi mày không có một đồng, xin bè bạn được rồi, lại tiêu như con nhà trọc phú, thử hỏi mỗi đêm không có bao Salem tặng em thì mày có còn dọa làm cách mạng nữa không?
Khi tôi nghe t Tối kể đến đây tôi chợt hiểu rằng T6 yêu tôi chân tình và tha thiết. Chính điểm này khiến tôi cảm động, vì anh biết tôi thích hút Salem. Bao giờ anh cũng chờ tôi tới khuya, hồi ấy các vũ trường chỉ được dùng vũ nữ làm chiêu đãi viên thôi.
Không được phép khiêu vũ, theo lệnh của bà Ngô Đình Nhu, với T6 một kẻ không tiền bạc, không nghề nghiệp yêu mình, tôi thấy chân tình hơn hết. Nên tôi quyết định lấy T6 làm chồng. Hai chúng tôi vẫn sống với nhau trên căn gác thuê hiện tại. Anh chạy xoay sở tiền nong, có khi bí quá, bán cả chiếc Solex, đồ dùng, để có tiền chi tiêu trong gia đình. Nhưng từ ngày anh rể làm ăn thất bại, gia tài khánh tận, T6 bị rơi vào vực thẳm. Rồi hai ông bà thân sinh ra T6 tiếp nhau qua đời, T6 buồn và cô đơn hơn ai hết, anh là người theo đạo Thiên chúa, nhưng không bao giờ đi nhà thờ và tham gia phong trào chống chính phủ Diệm, tiếp tay cho Phật giáo. Như vậy tôi sung sướng rồi còn gì nữa! Còn tinh thần, cũng như sự lo lắng về đời sống vật chất cũng tàm tạm đầy đủ. Tôi sống cho tôi và tình yêu vừa hé rạng. Khi tôi mang thai con so, bây giờ là cháu trai tôi, một mình đơn lẻ. Anh ấy bị cầm tù. Tờ nhật báo xuất bản vào khoảng Tháng Tám năm đảo chính, đăng hình anh và những hoạt động. Sau cách mạng rồi, hẳn đời sống của chúng tôi sẽ khá lên. Có thể một trong băng của anh ấy sẽ là Tổng, Bộ trưởng và khi ấy như tôi đã đóng góp vào danh dự đường mây của anh đã đạt được khi người ta có lý tưởng để theo, thì chấp nhận mọi khổ ải.
Vào những đêm nằm một mình trên ghế xích đu, từ trên cao sân thượng nhìn xuống, tôi hút Bastos xanh, để giải nỗi buồn, thở khói vút lên không trung cao thẳm. Nhưng lòng tôi sung sướng, ít ra cái ngõ này đã nhìn tôi bằng con mắt khác xưa. Khi chồng tôi bị bắt và ít lâu sau báo chí đăng tải hình ảnh, bài vở, thì lúc ấy tôi thương và quý anh, như chưa từng dành cho một người đàn ông nào biết tới được hưởng. Anh bị hành hạ, tôi càng yêu mến anh nhiều vì anh tranh đấu cho chính nghĩa. Tôi hãnh diện có người chồng như vậy. T1 thì trốn chạy. T4 ở ngoài. Một lần t Tối lại báo tin cho tôi biết T6 mời T3 tham gia phong trào nhưng chàng văn sĩ từ chối. Tôi khinh T3 ra mặt, người mà xưa kia tôi cho là khá. Chỉ khi nào nguy hiểm, người ta mới rõ lòng người. Cổ nhân dạy không mấy sai lầm. Nhưng một hôm chàng văn sĩ tới nhà tôi. Qua câu truyện tôi biết anh không tham gia với băng của chồng tôi vì lẽ anh coi thường băng kia và không muốn thí thân vào lý do cách mạng. Anh ta vẫn bị chánh phủ theo dõi.
Tôi có một người bạn phụ trách về an ninh, một hôm anh kia hỏi thăm về T3, và cho biết anh ta đang bị ruồng bắt. Tôi định đi tìm T3, báo tin này cho anh hay, nhưng không biết là anh ở đâu. Tôi cứ thấp thỏm lo cho anh, có thể là anh đã bị tóm rồi. Sau này gặp lại anh, tôi biết anh lánh ở cao nguyên Đà Lạt.
Ngày đảo chính thành công, nhà tôi được trả tự do. T1 và t Tối trốn ở nhà T4. T3 bảo anh em:
– Thằng T4 cũng không đến nỗi gì như tao tưởng, nghĩa là nó không hèn đâu. Vì nó còn dám chứa hai thằng bạn tranh đấu…
Từ chồng tôi ở tù ra, tôi thấy anh có phần thay đổi ít nói bông lông và suy nghĩ chín chắn. Anh thú thật với tôi, ở giai đoạn về sau này, anh cũng chưa có thể làm gì cho gia đình khá được. Chúng tôi vẫn sống chật vật như ngày xưa và T1 cung cấp cho chúng tôi, nhưng chẳng là bao. Cho rằng bạn bè có giúp tiền, chỉ là qua cơn túng ngặt, chứ không thể dùng nó vào việc lâu dài hàng tháng được. Nhà tôi nói lại với tôi về câu T3 nói với anh, có lý:
– Tao mừng cho chúng mày, Thằng T3 nó nói với anh vậy, là không mục thân trong nhà đá. Sẽ vẫn chẳng có gì thay đổi đâu. Nhưng có lợi về kinh nghiệm cho mỗi bản thân. Khi thấy cần tranh đấu, dấn thân vào. Nhưng đừng mong rằng mọi việc có thể thay đổi dễ dàng và chóng vánh. Muôn năm bất công vẫn còn đấy. Chỉ có một điều là thay đổi, đó là cái bất công sẽ biến dạng nhiều hình thức. Chẳng hạn thằng t nhỏ Cử nhân hai vẫn đóng tuồng tích cũ của nó. Thằng t Tối vẫn lếu láo, nói dóc cả điều mà tự nó đổ cho, và thuộc tiểu sử tất cả cô gái Sài Gòn lượn qua La Pagode. Có nhiều tiểu sử mà nó huênh hoang là biết ấy chính là biết cả điều không biết. Nhưng với T6 tao khuyên mày một điều. Sức khoẻ. Mày đã chạy được tiền nằm nhà thương chưa? Những trận đòn của chánh phủ có hiệu lực làm cho mày hao mòn trong nhiều tháng dưỡng sức.
Gia đình chúng tôi, từ sáu tháng nay vẫn eo óc. Hai đứa thôi, có thể nhịn được, sự kham khổ có gì là câu nệ. Nhưng con của chúng tôi, thì không thể không có tiền nuôi nó. Nó cần sữa, cần thuốc tây khi ốm và cần quần áo thay đổi hàng ngày. Những thứ đó phải có tiền. Mà chồng tôi vẫn chưa có việc làm xứng đáng với công lao xưa mà anh tham gia chống chánh phủ Diệm. Nên tôi quyết đi làm vũ nữ lại. Tôi biết điều này sẽ làm chồng tôi đau đớn, nếu anh có ý thức làm chồng. Còn gì khổ hơn, mỗi lần anh thấy có người đàn ông khác đưa đón tôi về, tiếng em, tôi buộc phải xưng hô với họ. Dầu là sau mặt chồng tôi. Nhưng con tôi cần tôi có tiền nuôi nấng. Tôi trình bày sự khó khăn muôn mặt đó với một con bạn đồng nghiệp. Từ đó mới có sự móc nối với N. Và chị N đã buộc tôi phải đi làm.
Tôi nhìn đồng hồ tay. Sao lâu vậy, tôi đợi khách đã trả năm tích kê bảo tôi đi nhảy nơi khác. Vẫn chưa thấy chàng trở lại. Tôi chưa gặp loại khách như vậy bao giờ. Hơi là lạ, có phải vậy không? Tôi nhớ lại rồi, chàng ta quen gần hết cả băng T. Chàng thuộc vào loại khách biết điệu và sành giữa lúc này. Chị N đưa một đồng nghiệp của tôi vận com lê đen tới. Và nó khá xinh, nhưng theo tôi, hơi nhà quê. Chị N giới thiệu tôi với nó. Thì ra nó tên là Nguyệt. Tôi nói với Nguyệt:
– Tôi có nghe chị N nói về Nguyệt nhiều.
Chị N tiếp:
– Nguyệt nó vẫn nhắc đến Thủy luôn… Nguyệt kể rằng khách thường hỏi thăm về Thủy luôn.
Nguyệt nói với tôi:
– Hèn nào mà khách sang không hỏi thăm chị. Chị nhận em làm em của chị nghe, chị Hai ?
– Có gì đâu mà Nguyệt khen tôi. Chị em cả mà.
Nguyệt nhìn tôi từ đầu tới chân. Sau khi ngắm nghía chán rồi, Nguyệt kể chuyện về loại khách tới đây. Trong số đó có một văn sĩ, thường đi với khách ngồi bàn với tôi lúc nãy. Nguyệt không biết tên văn sĩ ấy.
Nhưng Nguyệt bảo chàng ta lạ kỳ lắm. Tôi đoán chàng là T3, nhưng T3 vốn ghét không khí trà đình tửu quán, sao anh có mặt ở đây được. Nguyệt tả lại cho tôi nghe vóc dáng chàng văn sĩ ấy. Đúng là T3 và Nguyệt có cảm tình với con người ấy rồi đây, tôi nghĩ vậy.
Khách của tôi đợi đã trở lại. Chàng xin lỗi tôi, vì đi tìm bạn. Chàng ta ở quá xa, chàng lại không có nhà, nên trở lại trễ. Chàng mời tôi sang Moulin Rouge. Và nói nhỏ đủ nghe:
– Tôi muốn dành cho em một ngạc nhiên. Tôi đi tìm văn sĩ R (T3) nhưng chàng không có nhà.
Sau hai tiếng đồng hồ ngồi bàn với chàng, những giờ vui gần chấm dứt. Chàng đưa tôi về nhà. Tôi không từ chối. Vì đợi tắc-xi còn lâu và lại không an toàn. Ít ra là như thế. Khi gần tới ngõ nhà tôi, chàng hỏi:
– Ngõ vào nhà em có sâu lắm không?
Tôi tinh ý hiểu ngay là chàng muốn biết nhà riêng của tôi. Tôi gật đầu và chàng dìu tôi đi. Trước khi giã từ, chàng đưa tôi một gói giấy, tôi đoán chắc là thuốc lá Salem. Rồi chàng nói câu giã từ:
– Tôi rất phục em. Vì hạnh phúc mà em hy sinh rất nhiều. Như xưa, em thường hút Salem, mà bây giờ đổi sang Bastos xanh. Người cho tôi biết điều này, chính là văn sĩ R.
Mà lúc nãy, để em ngồi chờ lâu, cũng chỉ vì tôi đi tìm R.
…….
Tôi cảm ơn chàng. Và đi lên gác. Chồng tôi nằm ở đó. Anh không nói với tôi một câu nào. Tôi không dò hỏi vì tôi biết lý do rồi. Người khách đưa tôi chắc ra tới ngoài lộ. Chồng tôi nhìn sang phía tôi. Và nhìn thấy trên tay tôi gói thuốc Salem. Anh hướng về bao thuốc đó. Từ lâu không có. Tôi đi lại võng nựng đứa con, dù nó đang ngủ. Chồng tôi trở dậy, tay cầm bao thuốc định xé, vò lại. Tôi xua tay và bảo:
– Để con ngủ. Anh hãy cho Thủy nói câu này. Thủy không muốn anh hút một điếu của bao thuốc đó. Vì gout của anh là Lucky Thủy đã mua cho anh đây này.
Tôi mở ví lấy bao Lucky. Chồng tôi im lặng cầm, không lời cám ơn tế nhị. Anh bóc ra ngay, châm một điếu lên giường nằm lại. Tôi vào nhà trong thay quần áo ngủ. Chúng tôi nhìn nhau như không cùng một hướng. Tôi vào giường nằm. Chồng tôi nằm trong, tôi nằm ngoài. Hai đứa xây lưng lại nhau. Tôi đang nghĩ đến màu xanh lá cây của bao Salem trên bàn ngủ, dưới ánh đèn ngủ lờ mờ. Cũng màu xanh, cũng vẫn là Salem. Nhưng bao Salem hôm nay không phải là bao Salem của đêm nào, chồng tôi đưa lại. Có thể bao Salem này tiễn đưa hạnh phúc chúng tôi?
Tôi ngủ thiếp đi và tin rằng chồng tôi không hiểu vậy.
……
ẢNH MINH HỌA NGUỒN TẠP CHÍ ELLE
THẾ PHONG – Sài Gòn, 1964