Một mất mát lớn cho ngành sử học Việt Nam: Sử gia Tạ Chí Đại Trường đã từ trần tại Sài Gòn ngày 24 tháng 3. 2016 sau một thời gian lâm trọng bệnh, thọ 78 tuổi. Ông là một nhân cách lớn trong giới trí thức, kẻ sĩ và là tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị to lớn, chẳng những của riêng Miền Nam mà còn của cả nước. Bản tin báo Thanh Niên ở trong nước viết: “Tin buồn đã được người nhà ông xác nhận và cho biết, việc ông trở lại Việt Nam từ tháng 10.2015 sau khi lâm trọng bệnh là đã xác định muốn ở lại quê hương lúc cuối đời.”
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường. Người viết những dòng này được gặp ông một hai lần ở nhà Nguyễn Mộng Giác. Ông thầm lặng và ít nói. Lần qua Cali hồi tháng 11 năm rồi nghe anh em nói Tạ Chí Đại Trường về Việt Nam sống những ngày cuối đời, lòng thoáng ngậm ngùi. Theo Việt Báo cho biết, 10 ngày trước, hai nhà văn Trúc Chi và Huy Văn đã tới thăm bệnh sử gia Tạ Chí Đại Trường ở Sài Gòn.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường – nguồn bbc.com
Lúc đó, Trúc Chi cũng có hỏi sử gia Tạ Chí Đại Trường về một chi tiết lịch sử về lai lịch “Miếu Hoàng Tử” ngoài Phú Quốc. Nhà văn Trúc Chi cho biết Tạ Chí Đại Trường là người khiêm tốn, không nhận mình là sử gia (historian) chỉ xem mình là người chuyên viết về sử học.
Nhà văn/nhà viết sử Nguyễn Thị Hậu là người đặc biệt quý mến Tạ Chí Đại Trường. Bà biết đến công trình của ông là vào khoảng năm 1994 khi từ Sài Gòn ra Hà Nội ghé thăm GS Trần Quốc Vượng. Tại đây bà bắt gặp cuốn “Thần, người và đất Việt”, tác phẩm đã khiến bà chú ý và xúc động. Đầu tiên là giọng văn của ông: nghiêm túc, khúc chiết, từ ngữ chính xác mà phong phú, có lúc như mỉa mai châm chọc, nhiều khi “cực đoan” thậm chí đầy vẻ định kiến khi chê/ phê một ai đó. Nhưng giọng văn ấy cũng rất hóm hỉnh, “có duyên”, lôi cuốn người đọc, cách đặt vấn đề, nhìn ra vấn đề luôn bất ngờ làm cho người đọc muốn tranh luận ngay với ông. Người đọc không chán, cứ xem đến cùng, xem đi xem lại, như trò chuyện, “tranh cãi” với ông nhiều lần vậy. Công trình của ông hấp dẫn người đọc vì đã cho thấy chính kiến khoa học của cá nhân tác giả. Những lần học giả Tạ Chí Đại Trường về Sài Gòn hầu như bà đều được gặp. Ông đã tặng bà mấy cuốn sách in lần đầu, cùng bà trò chuyện về nhiều vấn đề lịch sử. Qua đó, bà hiểu rõ hơn vì sao mình lại thích thú đến thế khi đọc các công trình của ông
Tạ Chí Đại Trường sinh ngày 21 tháng 6 năm 1938 tại Nha Trang, nhưng quê gốc ở Bình Định. Ông là con trai Cử nhân Hán học Tạ Chương Phùng, nhà hoạt động phong trào độc lập dân tộc thập niên 1940 – 1950 cùng với ông Ngô Đình Diệm, sau làm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định và thành viên nhóm Caravelle.
Năm 1964 Tạ Chí Đại Trường tốt nghiệp bằng Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử tại Viện Đại học Sài Gòn rồi nhập ngũ. Ông phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1964 cho tới năm 1974 với quân hàm đại úy. Trong thời gian chiến tranh, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu sưu tập tiền cổ và tập trung nghiên cứu về đề tài này. Những bài viết của ông về tiền cổ sau đó đã được giới nghiên cứu sử học quốc tế đánh giá cao.
Năm 1964 trong thời gian học cao học, Tạ Chí Đại Trường cho ra đời một cuốn Tiểu luận về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1771 đến 1802 trong đó ghi lại những sự kiện xoay quanh cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Tác phẩm này đã đoạt Giải thưởng văn chương toàn quốc, bộ môn Sử năm 1970 và được nhà xuất bản Văn Sử Địa in thành sách năm 1973 với tựa đề Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802. Sau năm 1975, cuốn sách với nội dung đặt lại vấn đề về nhà Tây Sơn đã khiến Tạ Chí Đại Trường gặp nhiều rắc rối. Lịch sử nội chiến bị cho là “hạ thấp Quang Trung, đề cao Gia Long” và bị cấm lưu hành tại Việt Nam trong một thời gian dài và chỉ được in lại trong nước từ cuối thập niên 2000.[5]
Gần đây, ông Đoàn Xuân Kiên gửi cho BBC Việt ngữ London bản danh sách các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường. Gồm:
1. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb. Văn Sử học, Sài Gòn 1973. (Tái bản: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771-1802), Nxb. An Tiêm, Hoa Kỳ 1991; Tái bản: Việt Nam thời Tây Sơn – Lịch sử nội chiến 1771-1802, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội 2006.)
2. Thần, Người và Đất Việt, Nxb. Văn Nghệ, Hoa Kỳ 1989; Văn Học xb., Hoa Kỳ 2000, bản mới; Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2006, bản mới.
3. Một khoảnh Việt Nam Cộng Hoà nối dài, Nxb. Thanh Văn, Hoa Kỳ 1993.
4. Việt Nam nhìn từ bên trong và bên ngoài, bài viết riêng được gộp chung với Nguyễn Xuân Nghĩa, Nxb. Văn Lang, Hoa Kỳ 1994.
5. Những bài dã sử Việt, Nxb. Thanh Văn, Hoa Kỳ 1996.
6. Những bài văn sử, Văn Học xb., Hoa Kỳ 1999.
7. Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt: Một lối nhìn khác. Bài viết cho Williams Joiner Center (UMASS/Boston) 2002.
8. Sử Việt đọc vài quyển, Văn Mới xb., Hoa Kỳ 2004.
9. Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam, bản thảo bắt đầu 2005. Văn Mới, USA 2009.
10. Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945).
Đại úy Tạ Chí Đại Trường, 1974 – ảnh indomemoires.hypotheses.org
Ông Đoàn Xuân Kiên ghi nhận: Biến cố 30/4 đã tác động nhiều đến đời sống riêng và con đường nghiên cứu của Tạ Chí Đại Trường. Sau sáu năm tù cải tạo, ông bắt đầu những ngày khốn khó về đời sống, nhưng ông đã vượt thoát những vây khốn đời thường, dùng hết những thời gian trống trải này để suy ngẫm và viết những gì ông có thể nắm bắt trong tầm tay. Dần dà, những công trình kế tiếp đã hình thành. Đọc và viết đối với ông bây giờ là một thứ ghi chép của một người quan sát từ bên lề cuộc sống mới. Đầu tiên phải kể đến tác phẩm Một khoảnh Việt Nam Cộng Hoà nối dài. Ông dí dỏm gọi đây là những trải nghiệm thực tế của một thứ “chuẩn công dân hạng nhì” trong lòng xã hội vừa đổi đời. Tập hồi ký “Một khoảnh Việt Nam Cộng Hoà nối dài” được các bạn hữu của tác giả xuất bản thành sách lần đầu tại Hoa Kỳ năm 1993, khi ông còn ở trong nước. Sau này, tác giả đã có thời gian chỉnh đốn bản thảo. Công việc hiệu chỉnh này hoàn tất năm 2005. Gần đây, toàn văn bản thảo do tác giả hiệu chỉnh cũng được lưu trữ trên mạng thông tin toàn cầu.
Tập hồi ký của Tạ Chí Đại Trường giàu tính cách văn học cũng như tài liệu xã hội tươi nguyên của một thời trong lịch sử đất nước đang chuyển động từng ngày trước mắt. Con mắt sử gia đã bén nhạy ghi nhận những nhịp đập vui buồn của một thời thể hiện qua số phận một cá nhân. Nhưng tập hồi ký còn cho người đọc đôi nét khắc hoạ về con người nhạy cảm tinh tế của một nhà văn. Chúng ta trân trọng tập hồi ký vì tính cách sống động và chân thực của nó. Tập hồi ký này sẽ thêm vào kho hồ sơ lưu trữ xác thực về một thời ký lịch sử mà thế hệ trẻ Việt Nam rất cần được biết và nhớ. Vì một tương lai khác cho đất nước chúng ta.
Trong khi đó, bản tin BBC ghi lời giáo sư Nguyễn Huệ Chi qua điện thoại từ Hà Nội hôm 24-3-2016:
“Tôi bàng hoàng khi hay tin ông Đại Trường qua đời. Với tôi, ông ấy là người luôn ngẩng cao đầu, không chịu nghe mệnh lệnh của ai ngoài trái tim và con mắt nhìn sự thật”.
“Ông Đại Trường là nhà sử học có tầm vóc và có nhiều khám phá về phương diện lịch sử Việt Nam trong giai đoạn trung đại, cận đại và hiện đại”.
“Tiếc là có một quá trình dài từ năm 1975, giới khoa học xã hội miền Bắc nắm giữ tư thế bên thắng cuộc nên không trao đổi học thuật với một nhà sử học chân chính của miền Nam như ông Đại Trường”.
“Theo tôi, đấy là một thiệt thòi cho giới khoa học miền Bắc. Lẽ ra, nếu tiếp cận ông sớm, người ta đã nhận ra phải nhận thức lịch sử cho đúng và những gì phải thay đổi trong cách viết sử lâu nay”, giáo sư nói thêm.
Ông Huệ Chi cũng cho hay: “Những người như ông Đại Trường cần phải được đặt ở vị thế xứng đáng để ông nghiên cứu và những phát hiện của ông được trân trọng. Nhưng có thể vì nhạy cảm chính trị mà người ta né tránh một tinh hoa của miền Nam như ông”…”
Tạ Chí Đại Trường là vóc dáng lớn của một thời đại. Chúng ta còn nhiều điều phải nói về ông và sẽ tiếp tục trong những kỳ tới.
NGUYỄN & BẠN HỮU –Tổng hợp