Nhắc đến mùa câu cá là nhắc cái tổng quát như vậy, nhưng từ xa xưa cho tới ngày nay việc câu cá là một công việc vừa giản dị mà cũng vừa phức tạp. Nó giản dị vì khi mình nói tới việc câu cá người ta
thường chỉ nghĩ đến lưỡi câu và mồi; nhưng nó phức tạp vì không phải loài cá nào cũng giống như loài cá nào. Do vậy, nói tới mùa câu cá là nói cái nét riêng của từng loại câu, từng thời điểm và từng loài cá mà dân quê ngày xưa đã từng áp dụng vào các cách câu cá qua mấy mươi năm dày dạn kiếm tìm và tạo thành những cách câu cá sao cho thích ứng với những mùa màng nơi các sông rạch ruộng nương của vùng đất đầy sông rạch thuộc miền Tây Nam Phần của mình.
(Tiếp theo)
Nhớ những năm 1945, tản cư về quê ngoại trên Mặc Cần Dưng, ngày nào vào mùa này má tôi cũng câu cá lòng tong, cá mại, cá thiểu theo cách câu vụt này. Những năm tháng ấy vừa loạn lạc, vừa đói khổ nhưng sông rạch nhiều cá cũng làm nguôi ngoai nỗi lo của người lớn khi phải chạy giặc, và trẻ con chúng tôi thì đâu biết gì vì còn nhỏ quá nên chỉ mê có cá. Nhớ lại những ngày xa xưa ấy mà thương cha mẹ biết dường nào vào những ngày bồng chống con cái tản cư chạy loạn… Thế mà thời gian cũng qua mau, có tới hơn sáu mươi mấy năm dài!
Hồi nhỏ, vào những năm tản cư về Mặc Cần Dưng, năm nào vào mùa nước lên, đường làng bị ngập, nước sông tràn vô đồng ào ào. Nhà ông ngoại tôi là nhà sàn cao cỡ một thước mà sàn nhà vẫn lé đé nước. Nước dưới sàn nhà trong leo lẻo nên cá trê trắng lội thành từng bầy, từng bầy núp theo mấy tảng đá làm nống nhà. Mấy ông anh con của cậu tôi thường ngồi trên nhà khoét cái lỗ câu cá trê trắng bằng mồi trùn ngay trong nhà mà không phải bơi xuồng đi đâu hết. Cá trê dính nhiều lắm vì chúng rất dạn ăn câu.
Giăng lưới mùa nước nổi (Nguồn vnphoto.net)
Những năm tháng đó má tôi cũng thích câu cá ba sa, cá sát, cá vồ bằng mồi con gián cánh. Chiều chiều gần chạng vạng tối, má tôi bơi chiếc xuồng xuống bến sông hoặc ngay trong sân chỗ góc nhà sau có một cái lẫm chứa lúa, một tay má tôi cầm cần câu, tay kia cầm cái mủng vùa (còn gọi “miểng vùa”) đầy nước và rót nước chảy xuống để nhử cá bu lại. Khi nghe mùi hôi của mồi con gián cánh, chúng xúm nhau giành mồi dính câu giựt hổng kịp.
Nhắc tới cá ba sa, cá vồ mê mồi gián cánh, tôi mới nhớ khoảng năm 1957, tôi mới biết thêm cách câu cá lăng bằng mồi thuốc dưới dạ cầu Nguyễn Trung Trực, cua Lò Thiêu, Long Xuyên, mà có lần tôi có nhắc qua cá nhớ đồng, nhớ chà, nhớ gốc trong mùa quậy đìa. Mồi thuốc câu cá lăng rất đơn giản mà tôi biết chắc là nếu dùng mồi này câu được con cá giựt lên xuồng, rồi chặt đuôi thả xuống sông trở lại, một hồi thế nào nó cũng dính câu một lần nữa vì chúng mê mồi. Nó gồm cá linh làm cho sạch, thái lấy hai miếng thịt hai bên lưng bỏ chung với thịt ba rọi xắt bằng ngón tay sao cho vừa miếng mồi. Tất cả thịt cá linh và thịt heo này đem ủ trong một cái hũ cải tù xoại với vài món thuốc bắc gồm đại hồi, tiểu hồi, cam thảo. Mồi ủ chừng năm, bảy ngày là đem ra câu cá lăng được rồi. Sau này, người ta đặt lọp tép, lọp cá chạch cũng dùng ba món thuốc bắc này trộn với xác mắm cá linh sau khi lược lấy nước mắm để làm mồi đặt lọp tép, cá chạch rất đắc ý.
Trẻ câu cá (Photo Larry Winters)
Nhơn nhắc cá lăng ưa mồi thuốc, hồi thời tản cư vừa trở về làng quê cũ sau hiệp định Genève 1954, những con rạch vùng quê làng Tân Bình thuộc Lấp Vò của tôi còn sầm uất lắm, nên cá lăng, cá kết, cá leo trên các vùng sông rạch này nhiều vô số kể. Vào thuở xa xưa ấy, dân quê ưa cắm câu trên các bè chuối dùng làm phao cho cần câu cắm không bị chìm tại các vàm mương, nơi cá lăng, cá kết, cá leo, cá trê trắng tìm đường lên ruộng, hoặc những chỗ vắng vẻ nước không chảy mạnh trên các con rạch này. Những giống cá loại này vào thời sau 1954, chúng rất ưa mồi cá sặt, cá rằm, cá rô nhỏ. Mỗi chiều cắm chừng vài chục cần câu trên những bè chuối như vậy, khuya đi thăm câu thế nào cũng có trên chục con cá dính câu, mà con nào con nấy nặng cả nửa ký trở lên chứ ít khi dính cá nhỏ. Thăm câu và móc mồi lại những cần câu nào bị sứt mồi rồi bỏ đó, sáng ra đi cuốn câu cũng kiếm thêm cá lăng, cá leo, cá kết khá bộn…
Về mùa câu cá, cũng còn tùy theo địa thế lung vũng mà dân quê chế thêm ra món thả câu bằng phao. Thả câu cách này rất đơn giản, không như phải bủa câu thành luồng và cũng không cần giường câu phải dài mà chỉ cần một cái phao câu làm bằng những ống sậy dài chừng bốn, năm tấc. Ngay giữa ống sậy này người ta tóm một nhợ câu dài chừng tám tấc với lưỡi câu đúc hoặc câu dấu ó ở cuối nhợ câu. Muốn thả câu, người ta móc mồi trùn, hoặc mồi cắt rồi mới căng nhợ câu gài vào hai đầu ống sậy này cho gọn để các lưỡi câu khỏi dính vào nhau và bị rối nùi. Xong đâu đấy, tất cả các ống sậy có câu, có mồi được đựng trong một cái túi mang trên vai hoặc sắp xếp sao cho gọn bỏ trong khoang xuồng và rồi cứ theo các lung vũng có cá mà vạch lỗ vẹt cỏ cho trống, rồi lấy từng ống sậy và gỡ lưỡi câu ra, cẩn thận đặt lưỡi câu xuống cái vùng mình vừa dọn trống đó. Thế là xong một nền câu, rồi tiếp tục đi tìm cái nền mới mà thả thêm các ống câu còn lại.
Cá ăn câu thả này ít khi bị sẩy vì khi nuốt mồi xong chúng biết mình dính câu là y như rằng bản năng sinh tồn buộc cá cắn câu thường quấn vô gốc cỏ mà tìm cách chạy thoát, nhưng càng quấn vô gốc cỏ chừng nào cá càng bị vướng, bị kẹt. Thả câu cách này vì giống như câu ngầm nên cá dính câu thả là cá trê vàng, cá trê trắng và cá lóc. Nhắc cách thả câu này, không khỏi nhớ lại những năm tháng xuống U Minh phá rừng trồng khóm, bứt dây choại, ngày nào anh em tụi tôi cũng vừa lọt vô rừng xong là lo kiếm mấy hố bom B52, mương vũng, thả vài chục ống câu thả này với mồi trùn móc sẵn. Vậy mà khi gom lại, sau một ngày ở trong rừng nghe chim kêu vượn hú, tụi tôi đứa nào cũng có vài ký cá rô, cá trê, cá lóc miệt U Minh đen thui đen thít, mập lắm…
Mùa câu cá, mùa giăng câu sau hơn sáu, bảy mươi năm qua mà hôm nay ngồi nhắc lại, không những đó là đời sống của các cư dân vùng lúa mùa một thời mà còn là những kỷ niệm khó phai nhòa trong tâm trí những người nhà quê già như các bạn và tôi có một thời sanh ra và lớn lên nơi các làng quê vùng lúa mùa. Chúng ta nhớ lại những mùa màng ngày cũ là nhớ lại tuổi ấu thơ của mình, nhớ về những năm tháng loạn ly nhưng còn chút thanh bình, nhớ về những buổi chiều thong dong trên chiếc xuồng với nhiều hy vọng được mùa cá, mùa câu, nhớ về những buổi sáng chống xuồng câu trở về mà lòng háo hức niềm vui nhìn cá lội đầy khoang xuồng, nhớ về những đêm trăng sáng vằng vặc hát hò nghêu ngao trên đồng nước, và cũng nhớ về những mùa gió chướng, nhổ sào cho xuồng câu trôi theo gió ào ào. Màu thời gian hiện diện trên đá, trên rêu, trên những nền nhà ngày cũ, như dấu tích những ngày qua của những đời người. Màu thời gian cũng nhuộm đậm trong tâm trí mỗi người già nhà quê chúng ta những ngày mùa giăng câu bắt cá thủa nào, khó phôi pha dữ lắm. Các thế hệ trẻ có hiểu và thông cảm cùng chăng cho những hồi ức của những người nhà quê già một thời như tôi và bạn, đang có mặt hôm nay…?
LTT