Menu Close

Mùa Giăng lưới – Kỳ 3

Lưới cá trắng, còn gọi là lưới thưa, là loại lưới nhằm giăng bắt các loại cá mè vinh, cá dảnh, cá thác lác trên những cánh đồng ngập lụt tháng 8, tháng 9, tháng 10 âm lịch. Mặt lưới có kích thước từ năm phân tới bảy,

tám phân tùy theo cá đầu mùa hay cá cuối mùa, nhưng không thưa quá như lưới thả dưới sông lúc tháng Tư, tháng Năm mưa già, nước đục.

Ảnh Hoangthithuvan (Nguồn Flickr.com)

Thường thường dân giăng lưới cá trắng vào mùa này là dân biết hưởng nhàn, bởi lưới cá trắng là loại lưới nằm chờ thời chứ không như lưới cá rô, cá linh là loại lưới bủa xong cá dính liền. Các đặc tính của cá mè vinh, cá dảnh là chúng sống trong rong cỏ, nơi nào có rong đuôi chồn, mã đề nhiều là chúng ưa ở trong mấy vạt đất đó, vì mấy thứ này cũng là thức ăn nuôi chúng mập mạp và mau lớn. Nhưng ở trong rong hoài cũng chán. Mấy loài cá này cũng thích lội nghêu ngao từ lung vũng này qua lung vũng khác chơi cho vui. Biết vài đặc tính như vậy, nên dân giăng lưới mới lựa những đám rong đuôi chồn và mã đề mà dọn các luồng lưới cá trắng dài hun hút băng qua nhiều vạt đất tùy theo lưới trên xuồng nhiều hay ít. Dọn luồng như vậy giống như dọn luồng câu mồi cua, miễn làm sao cho luồng lưới nước chảy êm êm, nhè nhẹ mà hấp dẫn cá bơi qua bơi lại từ những chỗ rong mọc dày bịt qua chỗ lúa lưa thưa như đi chơi, đi dạo vậy.

Ngày xưa, và mãi sau này giăng lưới cá trắng không cần bỏ mồi như lưới cá rô vì giăng cá trắng thật ra là mình đón đường cá đi chứ không phải mình dụ cá về với mình. Tuy vậy, đôi khi người ta cũng rải hột gòn, lúa ngâm theo luồng lưới, nhưng hiếm lắm. Và nếu có chút mồi lai rai như vậy thì cũng chỉ có tính kích thích tâm lý của niềm hy vọng nơi người chờ thời cá lội thôi, chứ chẳng hữu hiệu gì cho lắm.

Dọn luồng xong, có khi lưới nhiều phải dọn vài ngày mới xong, rồi bủa lưới. Dân không chuyên môn thì ngồi trước mũi xuồng bủa lưới; dân chuyên nghiệp thì vừa đứng chống xuồng, vừa bủa lưới, xuồng lướt tới thoăn thoắt mà lưới cứ xả ra đều đều, không bị rối, đúng là nhà nghề. Bủa lưới xong là tới màn dằn lưới như cách dằn lưới cá rô. Nghĩa là mình nằm sấp xuống mũi xuồng, một tay lần viền lưới đưa chiếc xuồng đi tới, một tay quạt quạt nước cho dạo lưới chạy theo sức nước cuốn do tay mình quạt mà căng dạo lưới thẳng gần sát mặt đất.

Xong đâu đấy, vài ba xuồng lưới tìm một gốc cây lớn giữa đồng hoặc đám điên điển, hay rặng trâm bầu bên bờ kinh hoặc thềm đìa mà đậu xuồng và căng cà rèm lên che nắng che mưa rồi lo nấu cơm, móc hầu mấy con cá mè vinh vừa dính lưới khi mình dằn lưới bỏ vô nồi cơm hấp cho cá chín và cùng nhau ăn cơm cho vui. Cá tươi mà hấp cơm thì ngọt thịt lắm. Giữa cánh đồng nước mênh mông, hai ba người cùng giăng lưới với nhau có đủ chuyện để kể cho nhau nghe về mùa màng, về mấy đêm trước giăng lưới vạt đất nào, chỗ nào bị ma đè, chỗ nào dính cá mè vinh cườm và chỗ nào bị cua kẹp… Tức là đủ thứ chuyện trên trời dưới nước mà chân tình chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề bắt cá tôm thời lúa mùa giăng mắc khắp các cánh đồng nước lụt.

Cơm nước xong, khoảng chừng 10 giờ đêm là mấy anh em rủ nhau thăm lưới giác nhứt. Thăm lưới bắt đầu như lúc dằn lưới. Người ta nằm sấp trước mũi xuồng, một tay nắm viền lưới phăng xuồng đi tới, tay mặt quạt quạt nước cho dạo lưới căng ra trở lại như lúc ban chiều. Trường hợp dính cá, cách xa chừng năm ba thước là dân giăng lưới nhà nghề biết liền với các dấu hiệu như viền lưới bị liệt xuống nước hoặc có sức cá vùng vẫy nên dạo lưới bị giựt giựt. Gặp những con cá vừa phải, người ta cầm chắc con cá và gỡ xuôi theo lỗ lưới; trường hợp con cá mè vinh cườm khá lớn, dân giăng lưới chuyên nghiệp thò tay lấy cái vợt múc con cá vô vợt và gỡ ngược con cá, tức là chỉ gỡ hai cái mang khỏi lỗ lưới thôi vì cái mình con cá không chui lọt qua lỗ lưới được. Nếu không có mang theo cái vợt, phải cầm con cá cho chắc ăn, nếu không cá lớn sẽ vùng mạnh và vuột khỏi tay như chơi. Cũng có nhiều trường hợp gặp cá lớn như vậy, khi mình lần viền lưới gần tới nó, chưa kịp cầm tới cái mình con cá thì nó lại giật mạnh một cái là không còn thấy tăm hơi con cá đâu nữa, vừa chắt lưỡi hít hà vừa tức mình sao bàn tay chậm chạp quá mạng, để cá sẩy. Do vậy, dân quê hay nói “cá sẩy là cá lớn”, nghe rất có lý.

Thăm lưới xong, chống xuồng về lại chỗ đậu xuồng cũ rồi chờ bạn mình về hỏi thăm nhau cá dính khá hông, uống thêm một tuần trà, rồi đi ngủ, chờ chùa công phu hiệp nhứt rủ nhau thức dậy cuốn lưới và chống xuồng về. Trên đồng nước mênh mông, họ ỳ hú nhau inh ỏi và hỏi thăm nhau đêm qua đứa nào dính cá nhiều, cá ít, nghe rất thân tình và chơn chất lắm.

Hồi xưa, thập niên 1940, 1950 cá nhiều nên ai cũng được cá đầy nhóc xuồng, toàn là cá lớn. Sau này, những năm nào nước ngập sâu, đường sá, vườn tược ngập lút hết, cá trên Cao Miên theo nước tràn xuống, giăng lưới cá trắng biết mê. Mấy năm 1960, 1963, là những mùa nước lụt lội rất lớn, dù lúa mùa còn ít so với trước kia hoặc mùa nước lụt vào năm 1978 dù làm lúa thần nông, nhưng cá trắng nhiều vô số kể. Nhứt là năm 1978, nhiều nhà thiếu gạo, nhưng nhờ lưới cá trắng dính nhiều nên nhiều nhà nấu cháo bỏ cá mè vinh, cá dảnh vô nồi cháo cho nhiều mà ăn cá cho đỡ đói. Ngày nay, vì các làng quê làm lúa ba mùa, nên chung quanh các cánh đồng vùng Mặc Cần Dưng, Chợ Mới, Mỹ Luông, Lấp Vò và nhiều vùng khác phải đắp bờ ven để chận không cho nước ngập lúa nên cá không lên đồng được. Mùa giăng lưới cá trắng giờ chỉ còn trong hoài niệm của những người nhà quê già…

pic

Những năm 1948, 1949 miệt Mặc Cần Dưng và các vùng phụ cận, dân quê còn có một loại lưới phất vào khoảng tháng chạp, tháng giêng lúc cá xuống sông hết rồi, nhằm bắt cá rô ụp móng theo mấy gốc cây gáo, cây bảy thưa, cây bần. Lưới đan bằng tơ rất bén cá, có kích thước ngang khoảng hơn một thước, dài chừng hai thước, không bắt viền như các loại lưới vừa kể, mà chiều ngang manh lưới được buộc vào một ngọn trúc dài chừng ba thước, ba bề kia thả ra như lá cờ, nên dân quê gọi là lưới phất hay lưới cờ.

Thường thường vào lúc nước chửng ròng, người ta bắt đầu đi phất lưới này. Ngồi trên xuồng buộc vào bụi sậy bên gốc gáo, một tay cầm cái cán lưới và trải mặt lưới cho xuôi theo chiều nước chảy. Cá rô trú ẩn trong gốc, trong chà lâu lâu vọt lên mặt nước ụp móng và chúng ụp móng ngay tay lưới đang trải dài trên mặt nước và hai cái mang của chúng có gai bén nên dính lưới không sao vùng vẫy cho sứt ra được. Người ta chỉ cần cầm cán lưới giơ cao lên xuồng và gỡ cá. Có khi dính hai ba con một lượt vì cá rô ở theo bầy và thường lên ngớp một lượt nên chúng dính mà các bạn ở dưới nước không hay biết gì. Hết gốc gáo này tới gốc gáo khác và cứ phất lưới như vậy suốt ngày cá rô mề dính nhiều lắm, ăn không hết. Thấy cá dính bắt ham nên mùa này bắt cá rô bằng lưới cờ cũng là một trong nhiều thú vui ở nhà quê vào những năm xa xưa ấy.

Có lần tôi kể về người bạn nghèo cùng giăng câu, giăng lưới với tôi những ngày xa xưa. Nay anh đã ra người thiên cổ, tôi xin ghi lại  vài câu thơ cũ lâu rồi như một chút lòng của người giăng lưới già nhớ bạn nghèo cùng giăng lưới ngày nào:

Văng vẳng xa đưa tiếng trích rừng,

Kìa bầy nhạn đất gọi tưng bừng

Chim ơi, đâu nữa mùa đẻ trứng,

Những luống cày sâu, nước ngập đồng.

Bạn ơi, bạn có còn giăng lưới,

Chiếc xuồng câu, cũ mục rong rêu

Cá ơi, cá có còn ụp móng,

Mang đến niềm vui một kiếp nghèo!

Điên điển vàng bông, trời cũng vàng

Bạn tôi áo rách lòng không than

Bông ơi, cho dẫu bông đồng nội,

Làm đẹp đất trời, bông điểm trang.

Xa quê giờ đã mấy mùa mưa

Lòng vẫn mang mang nhớ chốn xưa

Nhớ bạn lưới câu từ dạo ấy,

Chiếc xuồng, con cá, một bài thơ …”


Mùa giăng lưới, cũng như giăng câu, ngày xưa là những công việc phụ nhưng vui. Cá tôm lúc bấy giờ nhiều lắm, thấy dính cá ai cũng ham. Tuy vậy, nếu ai làm chơi thì có ăn, bằng chí thú làm nghề này hoài thì cực và không dư dả gì nhiều.  Do vậy mà người xưa mới nói “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” cũng có cái lý của nghề hạ bạc…