Menu Close

Đến trại rắn – Nói chuyện rắn

Trên đường gần đến San Antonio có một trại rắn nằm sát xa lộ I-35 tên Animal World and Snake Farm. Thực tế, trại rắn này gần như một sở thú mini, khách vào xem phải mua vé. Theo quảng cáo, nơi đây có khoảng 500 các loài thú quý hiếm và người ta đồn có bán rắn sống đem về nuôi chơi. Nghe được chuyện này, chúng tôi không bỏ lỡ dịp ghé vào kiếm một con rắn làm… mồi cho nồi cháo đậu xanh tưởng tượng.

alt
Snake Fram ngoại ô San Antonio

Niềm hăm hở bỗng yểu xìu như con rắn nằm trong chuồng lưới. Trang trại không có bán rắn sống, chỉ nuôi các loại rắn cho du khách xem. Nhưng lỡ mua vé rồi đành gỡ vốn vài ba tấm hình minh họa cho vui bài viết. May mà tôi còn lưu giữ hình ảnh món rắn chiên giòn của những năm trước khi đi chơi Lễ hội rắn chuông ở Sweetwater gần Abilene, Texas, nên còn chút gì để nhớ, chứ không khơi khơi nhìn những con rắn lừ đừ cuộn tròn trong “tủ kính” thì chẳng biết nói gì. Chuyện là vào tuần thứ nhì tháng Ba hàng năm, tại Sweetwater, lại diễn ra lễ hội giết rắn chuông. Đây là một lễ hội mùa xuân độc nhất vô nhị trên nước Mỹ. Tuy nhiên, lễ hội độc đáo này cũng bị nhiều người phản đối bởi mỗi năm rắn chuông bị sát hại rất lớn. Các nhà bảo tồn động vật miêu tả cảnh tượng bắt và giết rắn rất “đẫm máu” và rùng rợn. Con người đã không bảo vệ, lại đối xử dã man với loài vật.

alt

Rắn chiên giòn bán ở lễ hội rắn chuông Sweetwater, Texas

Khổ một nỗi, bảo vệ không có nghĩa là không giết bớt để cân bằng môi trường sống cho chính chúng và môi trường cuộc sống của con người. Lý do có lễ hội này là do rắn chuông giết hại gia súc của các nông trại quá nhiều khiến các nhà chăn nuôi kiến nghị chính quyền cho phép giết bớt chúng. Nọc độc một cú đớp của con rắn chuông (rattlesnake) vào chân con bò đủ khiến con vật to đùng lăn quay. Năm 1959, các thợ săn đã lùng bắt một trăm ngàn con rắn chuông trên vùng Sweetwater. Từ đó vật nuôi không còn chết nhiều nữa và người ta tổ chức một lễ hội vui chơi ăn mừng khởi đầu cho mùa chăn nuôi thả súc vật rong trên đồng cỏ từ đó cho đến ngày nay. Tôi nhớ một bộ phim tài liệu được xem lâu lắm rồi về nạn chim sẻ hàng triệu con hoành hành trong thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Ban ngày, chúng bay kín bầu trời, phân chim rải trắng đường. Ban đêm chúng bay về ngụ đen kịt ở một rừng cây ngoại thành. Và người ta phải dùng… đại bác để bắn, hòng tiêu diệt và xua đuổi nạn chim sẻ làm xáo trộn đời sống người dân.

Việc móc đầu con rắn, xẻ bụng “giải quyết” con vật dẫu sao vẫn là hình ảnh dễ chịu hơn khi dùng đại bác bắn tan tành xác con chim sẻ về mặt vệ sinh môi trường. Trước khi con rắn trở thành món chiên giòn thì nó đã được xét nghiệm lấy nọc phục vụ cho ngành dược phẩm. Giá một ký nọc trên thị trường đến vài ngàn đô la, còn da rắn thuộc đắt hơn da cá sấu. Cánh phụ nữ vẫn mê tít các loại túi xách, giày dép làm từ da rắn vừa mềm mại lại vừa sang trọng. Chỉ tiếc một điều ở lễ hội rắn chuông Sweetwater, người ta có mỗi món rắn chiên giòn chứ không có món nào khác. Mua rắn tươi người ta không bán. Ở Bangkok người ta cũng không bán thịt rắn, du khách đến trại rắn được xem một số loại rắn và trăn quý; xem biểu diễn tài nghệ bắt rắn của nhân viên tại đây; nghe giới thiệu về sự sinh sản và chu kỳ phát triển của loài bò sát này; sự nguy hiểm và công dụng của nọc v.v… Người ta nuôi rắn chủ yếu để lấy nọc chữa bệnh cứu người. Cuối cùng là phần giới thiệu công dụng một số chế phẩm từ rắn của Viện nghiên cứu, đã qua các khâu nghiên cứu, bào chế, thực nghiệm lâm sàng và đã được cấp phép lưu hành. Nhưng tôi đoan chắc rằng quý ông người Việt nào đến thăm trại rắn, hẳn thích mang thịt rắn về hơn là mua lọ thuốc hay sắm cho vợ một đôi giày da xà vương.

alt

Rắn da lươn tuyệt đẹp nhưng rất độc

Tôi không phải người phàm ăn, nhưng nói đến rắn ở Việt Nam, tôi được thưởng thức khá nhiều, chắc do tuổi Tý họp với con rắn (Tỵ): Mai Gầm, Ri Voi, Hổ Ngựa, Bông Súng, Rắn nước. Lâu lâu ở quê, bà con bắt được Hổ Mang bự chảng, email chọc quê, bảo tôi mua vé bay về đánh chén. Quê tôi không xa Sài Gòn, chỉ cách quốc lộ bốn cây số, nhưng do gần vùng nước phèn từ Đồng Tháp Mười đổ ra, nên sau vài trận mưa lớn đầu mùa nào là cá, rắn đủ loại lền khên kéo về cái mương trâu đầy cỏ lau bên hông đất nhà sinh sống. Những khi lười giăng lưới bén hoặc câu cắm, chúng tôi vẫn dặn mấy anh soi cá ban đêm, kiếm được gì ngon để lại, khỏi mất công mang ra chợ xã. Đám soi cá rất sành sỏi về rắn. Do vậy thường bắt được rắn hổ mang trong các vườn thơm (dứa) trồng bạt ngàn trên vùng đất quê tôi. Hổ mang chỉ ăn thịt đồng loại. Rắn lớn ăn một con rắn bé, sau đó 3 tháng trời không ăn vẫn khỏe mạnh. Mỗi năm rắn hổ mang chỉ giao hợp một lần, chúng quấn nhau cả ngày không chán. Có lẽ từ sự cường tráng của con rắn hổ mang khiến cánh mày râu khoái món rượu mãng xà tăng thêm sinh lực. Có lần, các anh soi cá kiếm được con hổ chúa ban trưa, không thèm bán lấy tiền, đem chiêu đãi gặp dịp tôi về quê đuổi gà bắt vịt. Bắt đầu bằng màn cắt tiết pha rượu đế, sau đó dùng dao bén rạch từ cổ xuống bụng lấy ra trái tim nhỏ còn thoi thóp bằng đầu ngón tay út và cái mật xanh lè đặt lên cái đĩa. Nhìn món vật “tế thần” phát ớn. Nhưng sợ làm buồn lòng bà con làng xóm “tiên chủ hậu khách”, tôi đành nuốt trọn mà trong lòng cảm thấy bất an, chẳng sảng khoái tí nào như lời quảng cáo. Có điều rắn xé phay ngon không thể quên, đến bây giờ vẫn nhớ. Sau này, đọc tài liệu y học mới biết trong máu, gan và mật rắn chứa ấu trùng nhiều nhất, kẻ thù của bệnh viêm gan B. Loại bệnh mà hiện nay trên thế giới có 2% người mắc phải. Từ đó, tôi cạch cái món đặc biệt này, xin nhường phần ngon cho “tiên khách hậu chủ”.

alt

Rắn Hổ Mang chúa

Trong Snake Farm tại San Antonio trưng bày chừng vài chục loại rắn độc. Chúng bị nhốt trong chuồng nhỏ lâu ngày nên mất khả năng phản kháng, chẳng thèm hù dọa khách ngoáy tay trêu chọc bên ngoài cửa kính an toàn. Vài con trăn bông da vàng trắng hiếm thấy to như bắp đùi người lớn nằm bất động khiến chúng tôi tưởng lầm con trăn bằng nhựa. Con Hổ Mang mắt kiếng ngoài đời phùng mang trợn má kinh khiếp bao nhiêu thì trong lồng kính hiền như con Bông Súng. Chúng bị “cầm tù” cho người ta xem màu sắc, hình dạng để có thêm kiến thức về loại rắn lâu ngày bị lãng quên. Tôi nhớ cách đây hơn mười năm, hình như trại rắn này chỉ trưng bày toàn rắn. Có lẽ để thu hút du khách nhất là khách nhí, nên Snake Farm sau này xây thêm chuồng trại nuôi nhiều loài thú khác quý hiếm hoặc bình dân như bầy heo mọi, con gà, con công, con ngỗng thả rong trên sân đất. Tôi thấy nhiều cha mẹ mang con nhỏ đến đây cho chúng xem, có thể để giáo dục chúng tình yêu loài vật chăng? Nhiều đứa trẻ xứ này, thấy cha mẹ làm thịt con cá sống câu ngoài hồ, chúng không dám động đũa.

alt

Trăn trắng bông vàng quí hiếm

Chúng tôi đi một vòng sân sau xem các loài thú. Trong đám loài vật và gia súc tại Snake Farm, chúng tôi thấy chỉ có con gà tre ngóng cổ gáy trưa hè là sinh động nhất. Con công cụp đuôi, lim dim đôi mắt dưới tán cây gì đó tỏa hương thơm. Người ta nói con công hay múa, còn con công này gà rù, đáng bỏ vào lò quay, khiến tôi chẳng có tấm hình nào ra hồn ra vía. Nói không phải khoe, tôi đã được thưởng thức món “nem công chả phượng” (thịt công và thịt chim trĩ). Chẳng ngon như lời đồn. Thịt công chẳng khác gà tây, chim trĩ y chang bồ câu Pháp nuôi chuồng. Ở chợ trời Fort Worth trên đường Manfield thi thoảng vẫn gặp nông dân mang công và trĩ ra chợ bán. Gặp những lúc này nên mua, chứ đừng đặt hàng chim trĩ đông lạnh ở các nông trại, thịt không ngon tí nào. Lạ! đang nói về rắn mà tự dưng chuyện nọ xọ chuyện kia, dừng lại thôi. Chờ mùa xuân năm sau có dịp đi lễ hội rắn chuông Sweetwater viết tiếp.

NL