Ở nhà quê, dân cư chuyên việc đồng áng, ít ham học như dân chợ búa thành thị. Nên dân quê phần đông ít học. Thế hệ già lại càng ít người biết chữ quốc ngữ. Họa hoằn lắm mới có người học tới lớp nhất lớp nhì, nhưng đa phần lại chịu khó học chữ Hán. Chữ Hiếu nơi thôn quê được hiểu biết qua các ông đồ dạy chữ Nho mà quyển Minh Tâm Bửu Giám là một cuốn sách lúc nào cũng được lật tới lật lui tối ngày, nên ngày xưa người nhà quê phải chẻ hai miếng tre mỏng kẹp cái gáy cho sách đừng bị rách. Do vậy, đạo Hiếu ở nhà quê một phần được hấp thụ qua sách vở minh tâm. Tuy nhiên, cái đạo Hiếu ấy càng suy nghĩ cho kỹ đó chính là cái đạo tự nhiên, ông bà tổ tiên để gương lại cho cha mẹ, cha mẹ để gương lại cho con cháu rồi cứ thế từ đời này qua đời khác mà truyền tử lưu tôn làm thành cái đạo sống ở đời rất độc đáo của làng mạc, một đạo sống làm nền tảng văn hóa Việt Nam nơi làng quê luôn mang lại cho gia đình niềm an vui hòa thuận mà không phải hao tốn công sức tu luyện.
Do có trải qua những năm tháng được sanh ra và lớn lên từ nhà quê, phần đông ai cũng nhận ra chữ Hiếu được thể hiện qua lòng kính trọng thương mến của con cái đối với cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ, biết phụng dưỡng cha mẹ bằng chính cái tình máu thịt mà cha mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh dưỡng ra mình. Nhận ra điều ấy để thấy đạo Hiếu ở nhà quê không lệ thuộc nhiều vào kinh điển sách vở xưa mà văn hoá Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa qua tứ thư ngũ kinh, đặc biệt chịu ảnh hưởng về đạo làm người của Khổng Tử. Những tấm gương hiếu đạo và những lời dạy về đạo làm con trong kinh sách phần nhiều nghiêng về luân lý hơn là dựa vào cái tình máu thịt ruột rà giữa cha mẹ và con cái. Nên sách vở khuyên dạy về cách báo hiếu cha mẹ đó và đồng thời cũng bó buộc phải làm theo như vậy đó, không cần biết có hợp hay không hợp với hoàn cảnh của con cái và gia đình.
Cái tình trong đạo Hiếu là cái tình thâm mà chắc chắn không sách vở nào ghi chép lột tả ra cho hết được. Thương cha mẹ không gì bằng thấy cha mẹ cực nhọc thì mình không nên ăn chơi phung phí là hiếu. Thấy cha mẹ không vui, mình chẳng dám đùa giỡn vui đùa. Thấy cha mẹ đau yếu già nua, con cái lo miếng cháo miếng cơm thuốc thang chữa trị là hiếu. Đầu mùa lúa có hạt gạo thơm dâng cho cha mẹ nồi cơm lúa mới. Đầu mùa mưa, bắt được con cá mới lên đồng còn mập thè lè cặp trứng dâng cha mẹ miếng cá ngon. Cha mẹ nào cũng muốn con cái hòa thuận thảo ngay, mình không dám nghịch lẫn nhau là hiếu. Trong gia đạo anh em hòa hiếu, ngoài xã hội không ai dám chê cười. Bằng ngược lại anh em tranh giành nhau từng tấc đất bờ ao, từng bụi tre ngọn gáo làm cha mẹ phải rầu buồn vì con cái bất hòa, cả thôn làng chòm xóm ai cũng chê cười, đời đời bị bia miệng mai mỉa chế nhạo những đứa con bất hiếu ngay lúc cha mẹ còn sanh tiền.
Đạo Hiếu ở nhà quê chú đến cái lòng thành hơn là cái nghi tiết nhỏ nhặt, rườm rà. Chữ hiếu càng nặng lại càng được giữ chặt trong lòng hơn là phô bày ra chiều trình diễn. Cái tình máu mủ ruột thịt là cái tình muôn đời như dòng nước ngọt không cắt rời ra được. Nó bền mà ngọt. Nó mạnh mẽ mà không khô. Nó thực tế mà không ra chiều chú trọng về mặt vật chất. Cái đạo Hiếu nó hiển hiện đó mà cũng thâm thâm diều diệu đó. Ai có lòng hiếu thảo sẽ nhận ra ngay, không cần phải giải nghĩa cầu kỳ, không cần phải trích dẫn ra hai mươi bốn tấm gương hiếu để ngày xưa trong Nhị Thập Tứ Hiếu bên Trung Hoa để mà noi theo.
Ở mỗi hoàn cảnh, ở mỗi không khí gia đình riêng, mỗi người dân quê có cách riêng để đạt đạo Hiếu mà không phải bắt chước gương hiếu này hạnh thảo kia cho mình. Chính vì vậy mà chữ Hiếu ở nhà quê mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác, mỗi hoàn cảnh mỗi khác nhưng có chung nhau tình máu thịt ruột rà giữa con cái đối với cha mẹ rất thắm thiết không có luật lệ nào can dự vào đạo lý gia đình nơi thôn quê được.
Xem như điều này cũng không trái với đạo Khổng bàn về chữ Hiếu. Chẳng hạn cũng cùng chữ Hiếu, khi được các đệ tử hỏi về cái nghĩa lý của nó, mỗi người được Khổng Tử trả lời khác nhau. Với Mạnh Ý Tử, Khổng Tử đáp: “Vô vi”; với Mạnh Vũ Bá, Khổng Tử đáp: “Phụ mẫu duy kỳ bệnh chi ưu”; với Tử Du, Khổng Tử đáp: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã dai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ?”; với Tử Hạ, Khổng Tử đáp: “Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kì lao, hữu tửu tự, tiên sinh soạn: tằng thị dĩ vi hiếu hồ?”(1)
Trong giới thức giả tiền bối, dường như người nào thành nhân chi mỹ cũng coi chữ Hiếu là trọng. Một Vương Hồng Sển, khi tuổi trời đã chín mươi, mà mỗi lần nhắc lại mẹ cha ông đều nghiêng mình nhỏ lệ để tỏ lòng hiếu đạo với bậc sanh đẻ ra mình. Một Nhất Hạnh với Bông Hồng Cài Áo, một Võ Hồng với Một Bông Hồng Cho Cha. Đặc biệt, với học giả Nguyễn Hiến Lê với Làm Con Nên Nhớ đã có lời sám hối: “Tình thương của cha mẹ tự nhiên như nước chảy xuôi, mà lòng hiếu của con phải nhờ giáo dục, nhờ kinh nghiệm rồi mới có.(…) Nước chảy xuôi hoài cho tới khi cạn. Cha mẹ cứ muốn giúp con hoài cho tới khi chết.(…) Trong cái trào lưu sinh hoạt vĩnh viễn bất tuyệt của loài người, nước đã chảy đi thì không bao giờ trở lại về nguồn. Hỡi các bạn trẻ sắp lập gia đình, như dòng nước sắp bắt đầu rời suối, các bạn nên ngừng bước lại một chút, quay lại nhìn về nguồn để hiểu nguồn thì trên đường đời các bạn đỡ phải ân hận, đỡ phải sám hối như hôm nay tôi sám hối trên bàn viết, trước mặt bàn thờ ba má tôi mà lư trầm đương lặng lẽ toả hương”. (2)
Người nhà quê mấy ai được đọc những sách vở viết về lòng hiếu thảo ấy trong Luận Ngữ của Khổng Tử, của Nhất Hạnh, Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê. Thành ra, đạo Hiếu nơi người nhà quê là cái đạo tự nhiên như trời có gió, nước có nguồn, cây có bóng mát làm cho phong phú thêm tâm hồn của họ vốn đã chất phác giản dị hiền hoà càng ngày càng làm cho đạo làm con từ đời này truyền qua đời khác càng phong phú thêm nữa. Nghèo mà sạch. Ít học mà thơm lâu là vậy. Lòng hiếu thảo ấy là cội nguồn của một nền văn hoá rất ư gần gũi, ai cũng biết, ai cũng thấy, thời nào cũng cần giữ gìn. Trở về nguồn không gì bằng trở về nhìn lại những tình tự rất tha thiết, rất thực thà của dân quê trong đạo Hiếu đối với cha mẹ.
Trong trời đất con người là chánh. Trong gia đình đạo Hiếu là trọng. Không làm tròn đạo Hiếu là một thiệt thòi lớn của kiếp làm người. Không ai bắt tội mình kể cả cha mẹ. Mà chính mình sẽ tự trách mình suốt đời nếu để lỡ một dịp may không làm được những gì một người con cần làm để cha mẹ vui lòng!
LTT
Chú thích:
(1) Mạnh Ý Tử hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử đáp: “Không trái”; Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử đáp: “Cha mẹ chỉ lo cho con bị bệnh tật”; Tử Du hỏi về đạo hiếu, Khổng tử đáp: “Ngày nay người ta cho hiếu là có thể nuôi cha mẹ. Nhưng đến chó, ngựa kia, người ta cũng nuôi, nếu không kính cha mẹ thì có khác gì?”; Tử Hạ hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử đáp: “Khó ở chỗ giữ được nét mặt vui vẻ. Khi cha có việc, con phải khó nhọc (để giúp cha mẹ), hoặc khi có cơm rượu, mời cha ăn uống, như vậy đủ gọi là hiếu chăng?”
(Theo Luận Ngữ, Nguyễn Hiến Lê, nhà Văn Nghệ xuất bản, Hoa Kỳ , 1994.)
(2) Bách Khoa số 207 ngày 15-8-1965. Phật lịch 2509)