Menu Close

Chuyện về một loài rong – Kỳ 1

Bạn ơi, có bao giờ bạn nghe người ta kể về loài rong đuôi chồn sống giữa hồ nước ngọt Avon?

Một góc hồ Avon

Từ Boston, bạn theo con đường xa lộ xuyên bang 93 về hướng Nam, đến exit 5A, bạn cho xe vào tay mặt và theo con đường 28 dẫn về hướng Nam, mà ở thành phố nhỏ này, con đường 28 được mang thêm tên phụ là Main street. Cứ thế bạn đi một đỗi thật xa, mất chừng mười, mười lăm phút là bạn gặp một ngôi giáo đường lớn thật là lớn nằm bên tay mặt bạn, mà thỉnh thoảng vào một sáng Chủ Nhật tốt trời, nơi đây cũng có phiên chợ trời họp chợ rất đông người. Ngôi nhà thờ nằm ngay ngã ba đường. Bạn đừng theo con đường 28 xuôi về phía trái nữa, mà hãy giữ tay mặt để rẽ sang hướng đến hồ Avon. Từ ngã ba đèn đỏ đèn xanh này, bạn đi chưa đầy năm phút là bạn sẽ thấy một bảng chỉ đường với chữ “H” màu trắng trên nền sơn màu xanh dương, dấu hiệu của con đường đi đến một bệnh viện trong vùng, và bạn quẹo mặt theo con đường này là bạn đang đi vào vùng hồ Avon xinh đẹp. Hồ Avon cách chỗ ngã rẽ này không xa lắm. Và rồi bạn sẽ gặp một hồ đầy bông súng và rong đuôi chồn trùng trùng trong vùng nước mát gió nhẹ này.

pic

Rong đuôi chồn

Là một loài rong rêu, nên dáng dấp chúng tôi mong manh lắm. Có lẽ bạn muốn biết duyên căn nào mà loài rong đuôi chồn lại có mặt nơi hồ lạ giữa khu rừng nguyên sơ này chứ gì? Được rồi, cảm ơn bạn, tôi sẽ dông dài cùng bạn về những trôi dạt của đời mình cho qua những lúc cô quạnh giữa hồ vắng vẻ.

Hồ Avon là một hồ thiên nhiên, rộng lắm. Con đường vòng quanh hồ là một rừng cây đủ loại bao phủ những tàn lá xanh vào mùa hè, càng làm cho hồ nước thiên nhiên thêm thơ mộng và đẹp vô cùng. Thật tình, chúng tôi không biết nói làm sao cho thật chính xác về địa hình, địa vật nơi hồ nước ngọt này. Nhưng chắc bạn cũng không cần thiết lắm về thế đất, về cỏ cây, về vạn vật chung quanh? Bởi lẽ đời sống của mọi loài chung quanh là đời sống ở trên khô, đứng gần nước mà không đắm chìm trong nước, nên loài rong chúng tôi không rành lắm về sự có mặt của chòm xóm quanh mình.

Chúng tôi chỉ biết có điều là khu rừng bao phủ chung quanh hồ Avon phần nhiều là những loại phong vùng Đông Bắc Mỹ. Vào mùa Thu, những lá phong đỏ rực một màu đỏ thắm, rồi dần dần chuyển hoá ra vàng rực một màu vàng. Vào mùa Hè, như bây giờ, rừng cây xanh ngắt che kín mặt trời. Lá theo gió vi vu tiếng hát nhẹ đưa lan toả khắp vùng. Có lúc tiếng hát của lá rừng lại chảy tràn lên trên mặt nước hồ, làm lao xao những mảnh đời đang sống ngầm trong đáy hồ như rong rêu chúng tôi nữa. Vào mùa Đông, rừng cây trụi lá trơ cành. Dù lớn nhỏ khác nhau nhưng cây rừng nơi đây đều chung số phận là đầu đội tuyết, chân dang rộng với những chiếc rễ bám sâu trong lòng đất để đương đầu với thời tiết khắc nghiệt phủ chụp. Vào mùa Xuân, cùng với vạn vật, cây cối chung quanh đây như tràn ứa nhựa sống lên mọi cành nhánh để bừng khai những nụ hoa tươi đẹp, làm đẹp thêm cánh rừng nguyên thủy, mà cũng tô vẽ thêm cái nét duyên dáng trầm mặc của toàn cảnh rừng phong bên hồ nước mát. Còn chúng tôi, loại rong đuôi chồn lại sống trầm mình trong nước, vậy mà rồi cũng trải qua bốn mùa thầm lặng dưới đáy hồ lạnh tanh, nào ai biết được ở dưới đáy nước sâu kia có mặt chúng tôi đang bườn qua một đời sống. Nhưng không sao, để rồi tôi sẽ kể cho bạn nghe về những tháng ngày gian khó của một kiếp sống nhiều thú vị ấy.

Bắt đầu một đời sống như muôn loài cỏ cây, chúng tôi là những hạt mầm nhỏ li ti bám trên những chiếc lá mục chìm sâu dưới đáy nước hoặc trên mặt bùn non tráng đều một lớp thật đều. Đời rong rêu là cuộc đời chùm gởi mà! Sống trong đất hay trong nước, mỗi chúng ta đều là những hạt mầm chùm gởi ! Loài này phải dựa lưng vào loài khác để sinh tồn! Có ai dám tự nhận rằng mình sống một mình một cõi? Có ai một mình mà tự lo cho mình hết thảy mọi việc của đời sống? Thành ra, mọi sinh vật bám lấy nhau để sống. Nếu không phải thế, sao tôi lại nghe bạn thường nói với những người chung quanh bạn là “sống gởi”. Sống gởi là sống tạm hay sống nhờ vào nhau của nhiều loài trên mặt đất này với một vòng thời gian được hạn định sẵn mà con người, sinh vật, cỏ cây, rong rêu không làm sao biết trước ngày chấm hết một hạn kỳ…

Thế rồi, hạt mầm ấy ngo ngoe động đậy khi nơi đáy nước có sự chuyển mình của một mùa mới. Vào một buổi sáng tinh mơ, ánh nắng mặt trời tỏa đều lên mặt nước hồ, chúng tôi nghe trong nước có sự chuyển biến lạ, ấm áp hơn mọi khi và biết được tạo hóa đang cho mình sự sống. Và rồi, những hạt mầm chúng tôi nhè nhẹ châm cái kim nhỏ xíu vào lá mục, vào bùn non. Nước trong hồ là nước đọng nên không chảy cuồn cuộn như các dòng  sông, nhờ vậy mà những mầm non của rong đuôi chồn lại vọt lên không mấy hồi.

Trong đời sống ở mọi cõi đều có sự chạy đua, nhưng dường như, với rong đuôi chồn, chúng tôi có mặt với vạn vật là chỉ có măt vậy thôi; sống là sống vậy thôi, chứ không biết tranh hơn tranh thua gì với mọi loài cỏ cây chung quanh mình. Lại nữa các loài rong rêu nói chung, đều mềm yếu lắm, nên ngoi lên tới mặt nước đã là khó rồi, nói gì đến bon chen cho thêm phiền lòng.

Bạn thấy đó, trong lãnh vực thể thao, đội này thắng đội kia đã khó, lực sĩ này thắng lực sĩ kia cũng trần ai khoai củ rồi nói gì đến loài rong rêu trong nước. Nói thế có thể làm bạn nhạy cảm cho rằng chúng tôi chỉ biết cầu toàn, chủ bại cũng là điều hợp lẽ của tạo vật. Vì không ai lấy rong mà chống đỡ lại sức nước dâng cao cuồn cuộn chảy bao giờ. Nhưng có điều chắc chắn rằng nước bò tới đâu, rong đuôi chồn bò theo tới đó. Lấy cái yếu của rong nương theo cái mềm của nước mà sống lây lất trong dòng sống bất tận này cho vui. Nước lúc nào cũng hướng dòng chảy của mình về chỗ trũng, chỗ thấp và rong thì theo nước sống ở tận dưới đáy hồ sâu. Thành ra, mỗi ngày nước nơi đáy hồ vẫn thế và rong thì cứ mọc dài ra, vươn lên mặt nước, nơi có ánh sáng mặt trời bò qua mỗi ngày. Như lúc vào đề tôi có nói sơ qua cùng bạn, thân rong đuôi chồn rỗng, hình ống tròn tròn bằng cọng tăm tre nhưng thướt tha lắm nghe bạn. Điều đó chắc bạn đã nhận ra là chúng tôi không cố chấp, không câu nệ và không muốn giữ lại cái gì trong bụng suôn đuột của mình ngoại trừ những giọt nhựa non như nước lạnh. Ở cõi đời này có gì vĩnh hằng đâu mà cố giữ lấy cho mình một chút tư riêng để làm của cải.

pic

Một nhánh rong đuôi chồn

Trên tấm thân nhỏ ấy, những nhánh lá mềm thật là mềm mọc ngang nhau, đối xứng từng cặp từng cặp, rồi chia đều những chùm lá kép tua tủa. Nói thế cho vui, chứ rong đuôi chồn làm gì có lá đâu bạn, mà thực ra, đó chỉ là những sợi nhỏ li ti tựa như những sợi tơ mềm mại. Nhánh lá này cách nhánh lá kia những khoảng cách đều nhau, dài chừng vài phân, chạy mút từ gốc lên tới ngọn rong. Tất cả những cành lá ấy xoắn xuýt nhau tạo thành một nhánh rong mướt rượt như cái đuôi con chồn. Có lẽ vì thế mà loài người, đặc biệt dân quê vùng đồng ruộng Cửu Long, thường đặt cho chúng tôi cái tên quen thân là rong đuôi chồn.
Bạn ơi, khi có thân rồi là bắt đầu những ngày mới mẻ khác. Từ trong lá mục, trong bùn non vươn ra, và bây giờ chúng tôi lại bám rễ vào bùn non, lá mục mà ngoi dần lên trong biển nước bao la.

Vào mùa nắng, nước hồ xuống thấp, rong đuôi chồn vươn lên tới mặt nước. Nhưng vào mùa mưa, nước hồ tuy không dâng cao hơn bao nhiêu sau những trận mưa rừng, nhưng chúng tôi cũng năm lần bảy lượt chìm sâu trong hồ nước lộp độp tiếng mưa rừng rơi dai dẳng không kịp hoàn hồn.

Đến mùa Thu, khi tiết trời nơi này trở mình, gió bấc mang hơi lạnh từ phương Bắc tràn về, rong đuôi chồn bắt đầu rầu héo. Dù chưa phải gặp những cực hình hành hạ mình đến đỗi, nhưng sao chúng tôi nghe như cái lạnh đến hơi nhanh hơn thường ngày. Nắng vẫn lướt qua mặt nước nhưng hơi ấm không bền, chỉ thoáng chốc rồi lại tan nhanh. Thế là những ngày cuối thu lá phong rụng ào ào lên mặt nước hồ trong và chúng tôi biết mình lại phải giã từ những ngày nắng ấm rồi!

Cái lạnh càng lúc càng lấn sân và các loài nằm sâu dưới đáy hồ đang tìm nơi núp mình trong những bụi rậm hầu mong tìm một chút ấm áp. Và rong đuôi chồn cùng nhiều loài rong khác nơi hồ Avon này là chỗ dựa cho nhiều loài cá nước ngọt. Ở đây cá nhiều lắm. Những loài cá dễ ăn mồi như cá rô phi, cá trê vàng, cá lòng tong đá, cá lòng tong bay lội đặc nước đang dựa lưng vào những đám rong đuôi chồn dày đặc. Ở đó còn có cả những chị ốc bươu với lớp vỏ bên ngoài rong rêu phủ phục, mà mới nhìn, bạn sẽ dễ lầm đó là những cục đá mọc rong xanh.

Tháng Chạp, mùa Đông đến rồi! Những trận tuyết đầu mùa bắt đầu rơi. Gió lất phất thổi qua càng làm nước hồ lạnh thêm. Vạn vật không sợ cái lạnh từ những vạt nắng nhạt mà lại sợ cái lạnh của gió lùa qua da thịt. Vào những ngày tiết đông hàn, gió thổi từ hướng nào cũng lạnh cắt da xé thịt chứ chẳng chơi. Nhưng khổ một nỗi là những ngày tháng mùa đông thường kéo dài hơn những ngày nắng ấm nơi này. Và vì vậy mà chúng tôi phải chìm dưới đáy hồ băng giá sáu tháng dài. Những cọng rong sượng mình, rũ ra rồi thành đá, và ngủ vùi trong cái lạnh căm căm như vậy triền miên… Cái lạnh mùa đông dai dẳng lắm. Có khi thân phận rong đuôi chồn phải thành thân đá lạnh trong băng giá không biết ngày nào hồi sinh.

(Còn tiếp)