Menu Close

Hậu cầu Ghềnh

Suốt từ ngày 20/3 đến nay, bên cạnh những tin chiến sự, khủng bố quốc tế thì sự kiện sập cầu Ghềnh vẫn là một trong các đề tài thời sự ‘very hot’, được dư luận trong nước quan tâm. Trong đó có chuyện một đoàn tầu hỏa chạy tuyến Biên Hòa- Bình Dương đang sầm sập lao tới, do khuất tầm nhìn, không trông thấy những đường ray đã bị đứt cùng chiếc cầu gẫy gục…Một người đàn ông tên Hoàng nhanh trí, chạy thục mạng về phía chốt gác tầu hỏa báo tin cầu sập. Nhận tin, ba nhân viên chắn tầu vội chia nhau, một người đi kiểm tra lại tin báo, hai người cầm cờ hiệu ra đường ray, phất cờ ra lệnh dừng tầu khẩn cấp. Đoàn tầu đang ngon trớn, thấy tín hiệu khẩn cấp, tài công vội kéo thắng. Con tầu rít lên, lết thêm một đoạn dài rồi mới dừng hẳn, vừa vặn tiếp cận cảnh tượng kinh hoàng trước mắt, cách bờ sông chỉ 200m. Tất cả mọi người, từ ba anh gác cầu, bác lái tầu, người chạy báo tin tới đám đông hiếu kỳ đều toát mồ hôi lạnh trước sự việc y như phim.

hau-cau-ghenh
Trước sức ép từ nhiều phía, Bộ Giao thông Vận tải đã phải điều người và phương tiện đến hiện trường, nhanh chóng, giải tỏa lòng sông, mở đường cho việc xây một chiếc cầu mới khác thay thế cho ‘cụ’ cầu già nua hơn trăm năm tuổi. Được biết kinh phí trục vớt khoảng 12 tỷ đồng, kinh phí xây cầu mới khoảng 300 tỷ đồng, thời gian xây dựng cầu độ ba tháng rưỡi, từ ngày ‘Cá Tháng Tư’ (1-4) tới giữa Tháng Bảy.

hau-cau-ghenh1Cầu Bình Lợi, có nhiều điểm giống cầu Ghềnh: Hơn trăm năm tuổi, do người Pháp xây dựng, là cầu độc đạo của tuyến đường sắt từ Sài Gòn ra Trung, ra Bắc, và ngược lại – photo Mạnh Hải

Cầu Ghềnh – người dân Biên Hòa quen gọi là cầu Gành, nối thành phố Biên Hòa với Cù Lao Phố. Cầu do nhà thầu Eiffel của Pháp xây dựng vào năm 1904. Từ đó đến nay, chiếc cầu vẫn được sử dụng tốt. Ngoài những chuyến tầu hỏa xuôi ngược, hàng ngày, dòng người dòng xe từ Cù Lao Phố vẫn theo cầu này đi – về thành phố Biên Hòa làm ăn mua bán, học hành. Hình dáng cầu Ghềnh không có gì độc đáo, cũng giống các cầu cùng loại, do người Pháp xây dựng vào thế kỷ XX nhưng với người Cù Lao Phố, buổi chiều, buổi sáng, ngồi ở vườn hoa đình thần Bình Kính (thờ Nguyễn Hữu Cảnh) dưới chân cầu, ngó ngay ra mặt sông, ngắm bốn nhịp cầu cong vắt mình qua sóng nước hiền hòa, in bóng ráng chiều, hứng gió sông mát rượi, là một sinh thú. Nay cây cầu không còn, thấy như ‘mất đi ông già bà cả trong làng. Buồn đứt ruột!’. Giới doanh nhân cũng than buồn như người dân Cù Lao Phố, nhưng không buồn hoài cổ, mà buồn vì ‘Cầu sập, xe lửa không về tới Sài Gòn mà lên xuống hàng tại ga Biên Hòa, ga Bình Thuận. Doanh nghiệp phải chầu chực lâu lắc xa xôi, phải trung chuyển bằng xe đò, giá thành do vậy đội lên cao’. Trách nhiệm phải là Bộ Giao thông Vận tải.  Hai năm trước, mới ầm ĩ vụ cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu) ‘đứt gánh giữa đường’. Năm nay lại ‘gập ghềnh cái sự cầu Ghềnh’. Bị dư luận bới móc, sỉ vả, hạch hỏi gay gắt ‘tại sao, tại sao…’ Bộ ta vội ‘bắt mạch’ lại tất cả các cầu đường sắt, đường bộ trong nước. Nhờ vậy lòi ra gần hai trăm cụ cầu ‘yếu sinh lý’, phần lớn xây dựng từ lâu, không được duy tu bảo dưỡng, không có phương tiện chống đâm va ở chung quanh trụ và mố cầu, nghĩa là có nguy cơ ‘đứt mạch’ lập tức nếu xảy ra sự việc tương tự cầu An Thái (Hải Dương), cầu Ghềnh (Biên Hòa- Đồng Nai). Trong cuộc tổng rà soát cầu đường của Bộ Giao thông Vận tải, cầu Bình Lợi nổi lên như một bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt. Cầu này ở Sài Gòn, vốn được người Pháp xây dựng năm 1902, trước cầu Ghềnh hai năm, là chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn. Danh tiếng cầu Bình Lợi, tuy thế, oái oăm thay, không phải ở chỗ đẹp về kiểu dáng, bền về công năng, mà ở chỗ ‘Thất tình, thua bạc, sầu đời, cứ ra cầu Bình Lợi nhảy xuống, bảo đảm chết trăm phần trăm’. Hiện nay, song song với cầu Bình Lợi đã có một cầu đường bộ mới do Hàn Quốc xây. Nhờ vậy xe cộ từ quận Bình Thạnh sang quận Tân Bình, qua sông Sài Gòn, không còn phải chen chúc trên cầu Bình Lợi già nua nhỏ hẹp. Chiếc cầu cũ, giờ chỉ làm mỗi nhiệm vụ đưa đón những đoàn tầu hỏa Sài Gòn – Hà Nội, Hà Nội- Sài Gòn. (Xe gắn máy và người đi bộ vẫn sử dụng được cầu này nhưng vừa ‘bò’ vừa run lẩy bẩy!). Khi cầu Ghềnh sập, ngành Đường Sắt đã hết sức lúng túng vì không dự trù sẵn cầu khác thay thế. Thấy cầu Bình Lợi, cũng độc đạo y như cầu Ghềnh… Nếu chẳng may cầu sụm ba chè gẫy cẳng, chắc chắn Tổng cục Đường Sắt nói riêng, Bộ Giao thông Vận tải nói chung, vốn có ‘tiếng tốt’ là ngu dốt, ăn tạp, ăn dầy… không thể tiếp tục Bình chân như vại, thủ lợi như…chum! Do đó, để phòng xa, Bộ ta lên phương án đưa ‘cụ’ Bình Lợi lên bờ nghỉ hưu, làm cầu mới khác thay thế. Thôi thì cũng mừng trong rủi có may, vì nhờ cầu Ghềnh sập mà cầu Bình Lợi và các cầu hom hem cả nước được ngó ngàng, sửa chữa, giúp những chuyến tầu đi qua tăng thêm độ an toàn.

XH