Ở xứ sở này lạ lắm, từ con cá, con chim cho dĩ chí đến bụi cây, ngọn cỏ đều được con người trân quí lắm. Người ta tôn trọng và quí mến cái nét kỳ diệu của thiên nhiên như quí mến chính đời sống của mình. Cỏ cây,
chim muông ở đây được sống hài hòa theo cái đạo tự nhiên của mình, biến hóa không ngừng mà vẫn không ra ngoài sự vận hành của trời đất.
Ngồi trên vồ đá nhỏ cạnh mé nước, người đàn ông gầy vói tay chỉ mấy nhánh rong non mềm mại và nói với cậu con trai:
– Con còn nhớ vạt rong đuôi chồn ở cánh đồng Rạch Trầu hồi mình còn bên nhà không?
Cậu bé trả lời:
– Dạ nhớ, Ba.
Rồi cậu lại nói tiếp:
– Ở đây đất lạ mà sao có nhiều rong đuôi chồn và bông súng quá Ba?
Người đàn ông gầy buột miệng:
– Đất thì ở đâu cũng là đất cũ con à, chỉ có mình là mới, là lạ vì mình từ xứ xa mới tới đây mấy năm. Còn rong đuôi chồn và bông súng có lẽ đã sinh sôi nơi này từ lâu lắm rồi, tại mình không biết đó thôi.
Rồi nhân nhắc đến chuyện cũ mới, lạ quen, người đàn ông gầy mới kể tiếp cho đứa con trai của mình nghe câu chuyện của cô giáo cũ của nó hơn mười năm về trước. Đại khái, chúng tôi nghe lõm bõm được rằng cô giáo ấy có ba là người Hà Nội hay Thái Bình gì đó, di cư vô Nam từ hồi 54, rồi trôi giạt về miệt Đơn Dương, một thị trấn miền núi nghèo, nằm cheo leo trên vùng đồi núi đầy thông reo cùng những cánh đồng dã quỳ màu vàng rực. Về sau, trên bước đường lưu lạc, tình cờ chàng trai di cư năm nào ấy lại gặp một cô gái vùng Bình Khê, kế bên bờ sông Côn, thuộc đất Qui Nhơn. Đôi bên như có tiền duyên chồng vợ từ kiếp trước, nên người gốc biển kẻ chân trời lại hoà hợp sắt cầm giữa một thị trấn buồn. Cô giáo của con, thuở ấu thơ lại chào đời giữa thị trấn thông reo đó. Lớn lên cô lại đi học trên Đà Lạt, rồi vô Sài Gòn, lại về Đà Lạt học nghề “đưa đò”.
Nghe tới đây, đứa con trai thắc mắc, bèn hỏi ba mình:
– Bộ có trường dạy “đưa đò” nữa sao Ba?
Người đàn ông gầy đáp:
– Thì Cô con bảo thế. Vì nghề dạy học chẳng khác gì người chèo đò. Đưa qua sông hết lớp học trò này tới lớp học trò khác, nhưng khách sang sông còn mấy ai lại nhớ ông lái đò đâu con!
Cậu con trai ra chiều chú ý câu chuyện của người cha đang kể, và nhắc chừng: Rồi sao nữa ba?
Ông già lai rai kể tiếp:
Sau đó, cô giáo của con ra trường và được bổ xuống dạy ở quận Đức Trọng năm năm. Sau năm năm đi đi, về về giữa Đức Trọng – Đơn Dương, dù sao cũng còn là quê nhà gần đó, cách nhau khoảng ba chục cây số vẫn còn gần, cô chưa thấy hết cái dòng đời cơ khổ đến mức nào. Lúc bấy giờ tuổi cô giáo con còn rất trẻ, mà tuổi trẻ nào lại không mơ ước đi xa cái nôi mình khôn lớn để học khôn như ông bà xưa đã dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Lúc đó, con khoảng chừng vài ba tuổi thôi. Con còn bú vú mẹ và theo bà nội nhõng nhẽo chứ không như sau này con biết đi giăng lưới với ba trên cánh đồng phèn đầy rong đuôi chồn. Dĩ nhiên, con làm sao đi học được. Phải đợi đến khi con lớn, học hết lớp nhỏ mới lên lớp lớn, rồi mới bắt đầu học tiếng Anh. Lúc bấy giờ cô con lại đổi từ Đức Trọng xuống Lấp Vò mình và hai chị em con mới được cô dạy cho biết tiếng Anh, tiếng Mỹ đó. Đến năm mình đi rồi, Cô lại lội ngược lên Sài Gòn, tiếp tục cái nghề “chèo đò” thêm mười năm nữa, và cho tới bây giờ cô giáo của con vẫn còn lội ngược dòng nước để tìm về nguồn.
Uống thêm một chút nước từ chai nước lạnh để bên cạnh, người cha mới kể tiếp:
– Như vậy đó mà khi cô giáo con trở về Đơn Dương, thì người ở đó nói cô con đi hồi nhỏ, nên giờ hết ai biết gốc gác, tông tích của cô. Khi cô về Lấp Vò, thì đồng nghiệp cùng “chèo đò” ở Lấp Vò nói rằng cô là người ở tỉnh khác tới, không phải dân cố cựu vùng quê mình. Đến lúc trở lên Sài Gòn có đến mười năm rồi, Cô giáo của con vẫn bị coi là người ở tỉnh mới nhập cư, nên xin vô “hộ khẩu” Sài Gòn hoài mà không được. Rồi đến khi cô về quê nội ngoài Bắc, không còn ai biết cô là bà con dòng họ ra sao mà nhận, mà nhìn. Nhưng nói gì ngoài Bắc cho xa, ngay như khi cô giáo của con về Bình Khê, nơi mà lúc còn nhỏ mỗi lần về thăm ngoại, cô giáo của con được uống nước sông Côn đầy bụng, được ăn những trái khế chua trồng bên bờ cái giếng cạn, được bà ngoại cưng ơi là cưng mà giờ cũng đâu còn ai nhớ mình. Thành ra, qua đời sống trôi giạt của cô giáo con, ba mới nghiệm ra rằng đất vẫn cũ mà người thì không mới, nhưng đâu phải ai ai cũng nhìn nhận mình là căn cội từ đó mà phát xuất. Thế mới khổ! Sống giữa ruột thịt mà không có ruột thịt là vậy.
Đứa con trai nghe cha mình nhắc đến quê ngoại của cô giáo ở Bình Khê và uống nước sông Côn, mới nhớ trực lại câu chuyện vợ chồng ông giáo Hiến những ngày mới rời Thuận Hóa trở về làng An Thái, cặp bờ sông Côn, thuộc đất Bình Định, trong Sông Côn Mùa Lũ. Vốn vợ của ông giáo Hiến có người anh cùng cha khác mẹ tên là Hai Nhiều, nhưng khi gia đình ông giáo lưu lạc trở về quê vợ tìm được nhà Hai Nhiều thì chính người anh ruột của vợ mình vì xa lâu ngày này, mà cũng vì lòng tham lam sợ em gái mình về chia phần đất hương hoả, lại chối bai bải về mối liên hệ ruột rà:
“Dạ dạ phải. Đúng tôi là Hai nhiều. Bà nằm đây là em gái tôi? Trời đất ơi! Từ lúc ông tôi còn sống, tôi có nghe ai nói đến người em gái này đâu! Sao ông bà không chọn ai khác mà lại chọn chúng tôi. Chúng tôi đâu có tội tình gì!”(*)
Nghe xong câu chuyện người con kể, ông già ngồi yên ra chiều suy nghĩ về cái gốc gác nhiều lúc không biết đâu mà mò. Rồi ông già như chợt nhận ra một điều gì vừa mới bắt gặp vui lắm. Và ông lại nói với đứa con:
– Những nhánh rong trôi giạt về cánh đồng cỏ phía sau chùa Linh Thứu, bên con lộ Lấp Vò ngày ấy, vậy mà bây giờ đã trổ bông ráo trọi. Bông trắng, nhụy vàng như rong nơi hồ Avon này, đẹp lắm.
Nghe nói vậy, chúng tôi hay vậy. Chứ thật sự không biết ai mang mình về đây, và mang về từ hồi nào, hay là tự mình sinh ra từ trong nước, trong bùn mà có cho tới bây giờ, nhưng có điều, dù lạ hay quen, dù cũ hay mới, giữa các loài rong rêu, bông súng nơi này mà gặp lại những bàn chân quê còn thích bước xuống hồ nước phèn đã là mừng lắm rồi.
Nắng buổi chiều mùa hè chiếu những tia nắng yếu ớt xuống mặt hồ nhưng vẫn còn sáng rực. Chúng tôi nghe mặt nước lại động đậy, chờn vờn như có bước chân ai bước nhẹ lên mặt bùn non. Thì ra, đứa con trai ông già lại bước xuống nước trở lại. Và bàn chân trần của nó đang rà từng bước lên mặt bùn như đang đi tìm một chút cảm giác quen quen của ngày cũ. Những nhánh rong lại được chạm nhẹ vào bàn tay của nó và đứa con trai nâng niu từng chiếc rễ non mềm như tơ với nụ cười hiền.
Đứng bên mé nước, người đàn ông gầy cũng háo hức trong ánh mắt vui nhìn những nhánh rong trong xô nước mát như ông vừa tìm ra được cái gốc gác của chính mình. Rồi ông lại kể cho đứa con trai của ông nghe câu chuyện đứa con vừa tìm lại được cha nó sau gần hai mươi sáu năm xa cách ngàn trùng, mà ông có ra tận phi trường Logan, nằm ngoài bán đảo vùng East Boston, để đón nó.
Đứa con trai đang nhổ thêm vài nhánh rong, lại hỏi ba:
– Có phải vợ chồng anh Tâm, con của bác Bảy ở cù lao trên sông Cửu Long không Ba?
Ông già trả lời “phải”, rồi ông kể tiếp:
– Ba cùng với bác Bảy, chú Tám, và nhiều người đang đứng lố nhố chờ chuyến bay tới. Trên màn hình, hệ thống không lưu thông báo chuyến bay “164” từ Los Angeles vừa đáp xuống phi đạo. Mọi người hồi hộp và chờ. Bác Bảy lại càng ra vẻ làm tỉnh, nhưng ba thấy bác lại càng hồi hộp hơn. Hành khách từng đoàn, từng đoàn lũ lượt từ trong lối đi dành cho khách đến đang bước tới, nhưng sao mọi người cứ đưa mắt tìm hoài không thấy con trai và con dâu của bác Bảy đâu. Một thoáng thất vọng hiện lên trên khuôn mặt mọi người. Bác Bảy Cù Lao lại hồi hộp dữ. Rồi một lúc lâu sau, cách năm ba phút mà như thời gian ngừng lại lâu lắm trong lòng mọi người thân đang đứng đón, ai cũng lo lắng giùm cho bác Bảy. Mọi người xúm nhau hỏi bác Bảy còn nhớ ra khuôn mặt thằng Tâm không? Bác Bảy Cù Lao trả lời là “nhớ mài mại, vì lâu rồi cha con không gặp. Hồi “sập tiệm” nó mới một tuổi, tui thì đi tù ngoài Vĩnh Phú mút mùa”. Rồi mọi người cứ hy vọng khách đi ra chưa hết.
Từ thật xa, bên trong lối đi, một đoàn hành khách khác lại lũ lượt bước ra. Mọi người lại bắt đầu háo hức chờ, lòng như vui trở lại. Bác Bảy Cù Lao chỉ đứa con từ xa và nói một mình:
– Nó đó! Nó đó! Đứa con gái đi bên cạnh chắc là vợ nó. Tui chưa gặp con dâu tui lần nào vì tụi nó mới cưới nhau bên Gò Công hồi nửa năm trước.
Mọi người trố mắt nhìn hai đứa trẻ Việt Nam trong đoàn hành khách người ngoại quốc mà nghe thương yêu lắm. Bác Bảy Cù Lao ôm choàng lấy đứa con trai và con dâu mà chảy nước mắt:
– Hai mươi mấy năm rồi, cha con mình mới gặp lại được, ba mừng lắm!
Mọi người nhìn cha con mừng mừng, tủi tủi mà không khỏi bồi hồi xúc động.
Uống thêm một hớp nước lạnh, ông già kể tiếp:
– Khi về đến căn nhà trọ rồi, bác Bảy lui cui thắp ba nén nhang van vái trước bàn thờ ông bà. Rồi bác Bảy lạy bàn thờ bốn lạy. Vợ chồng anh Tâm làm theo cha, thắp nhang và lạy bốn lạy. Chờ cho con lạy xong rồi, bác Bảy nói: “Ba còn sống ngày nào là ba lo hết cho các con ngày nấy. Đời của Ba đã khổ nhiều rồi, lo âu nhiều rồi và nay Trời Phật, Ông Bà đã cho cha con mình sum họp, Ba biết ba hết khổ.” Vợ chồng anh Tâm nghe cha mình nói vậy, hai đứa trẻ cũng chảy nước mắt. Giữa đêm tối mịt, gió se se lạnh bên ngoài, làn khói nhang nghi ngút, tỏa một mùi hương thật nhẹ nhàng, quấn quýt bên hai ngọn đèn cầy cháy sáng tỏ tường, gợi nhớ về cái cội nguồn thiêng liêng biết chừng nào và căn phòng khách nhà bác Bảy đêm hôm ấy bỗng dưng ấm áp lạ! Mọi người có mặt vô cùng xúc động và vui lây với gia đình bác Bảy.
Kể đến đây, người đàn ông gầy vẫn còn nghe như mình đang nằm chiêm bao về một đời rong chìm nổi. Và rồi ông lại nói với đứa con trai:
– Rong thì trở về với đồng ruộng, với hồ ao con à. Trời đất đặt định như vậy. Dù có trôi giạt nơi nào đi chăng nữa rồi cũng sẽ trở về cánh đồng cũ thôi! Chỉ có ở những nơi ấy, một đời rong mới mong tươi tốt trổ bông được. Những nụ bông của rong đuôi chồn rồi sẽ nở những cánh trắng, nhụy sẽ vàng, đẹp lắm, dù đó chỉ là những hương đồng cỏ nội quê mùa.
Như hiểu được ý cha mình, cậu con trai chớp chớp đôi mắt như có vài giọt nước mát từ mặt nước văng lên…
Một lúc lâu, không nghe tiếng hai cha con người nhà quê chuyện trò nữa, chúng tôi nghĩ chắc họ đã trở về bến trọ chốn nào rồi! Mặt nước hồ im phăng phắc như mọi buổi chiều khi ánh nắng hoàng hôn vừa núp bên kia rừng phong sầm uất. Và rồi, những vạt rong đuôi chồn nơi hồ Avon này, vừa cảm nhận ra thêm một điều là kể từ buổi chiều hôm ấy, trong dòng đời trôi giạt phiêu bồng của mình, chúng tôi có thêm được một niềm vui…
Phụ chú:
(*) Trích Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác, chương 2, trang 69.