Menu Close

Gả cho anh

Bạn hiền,

Hôm bữa BTL tôi kể cho bạn hiền nghe câu chuyện chú rể 93 tuổi và cô dâu 89 tuổi. Hai cụ yêu thầm nhớ trộm suốt 20 năm dài, và đợi cho đến khi những người bạn đời của các cụ đi bán muối xong thì hai cụ mới mang nhau ra tòa thề thốt cho đến ngày tóc bạc răng long, mặc dù hai thứ này đã mất hết từ lâu rồi.

Tranh: Bảo Huân

Hôm nay BTL tôi xin kể cho bạn hiền nghe một chuyện tình già nữa. Chuyện tình này cũng đẹp và lãng mạn không kém, và mối tình này cũng kết thúc trong hoa đăng ngày cưới. Cô dâu tên là Lorraine Beatty, 92 tuổi, và chú rể tên là Roland McKitrick, 93 tuổi. Nhưng mối tình này đẹp hơn các mối tình khác là hai cụ đã thề non hẹn biển hồi 85 về trước, khi cả hai còn đang học lớp 3 tiểu học, năm 1921 ở vùng nhà quê Wisconsin. Nhưng rồi những lời thề thốt của hai trẻ đã không thành, khi định mệnh đã xui khiến mỗi người mỗi ngã. Roland theo học ở đại học Wisconsin, ngành âm nhạc. Lorraine dọn về Georgia theo gia đình, chọn học ngành thương mại. Cả hai lập gia đình, có con, và sau đó trở thành góa bụa.

Tám thập niên trôi qua. Cho đến một hôm, cách đây 3 năm, họ nối lại được sợi dây liên lạc, với sự giúp đỡ của các người thân trong gia đình, và đã giữ liên lạc từ đó. Rồi chuyện gì phải đến, đã đến. Ngày 22 tháng 7, năm 2009, cụ ông Roland nói có chuyện cần phải nói với cụ bà Lorraine. Nét long trọng của cụ ông đã làm cụ bà lo lắng vô cùng. Cụ bà tự hỏi mình đã làm gì sai, thì cụ ông vô đề ngay:
“Gả cho anh đi em!”

Một lời cầu hôn quá đơn giản, vào thẳng vấn đề, chả có lãng mạn, tình tứ tí nào hết! Bạn hiền biết cụ bà Lorraine trả lời ra sao không? Cụ bà “giả nhời” là:
“Go ahead!”

Cái câu trả lời này làm BTL tôi nhớ đến câu nói bất hủ của tài tử cao bồi Clint Eastwood: “Go ahead! Make my day.” BTL tôi có linh cảm là cụ bà Lorraine này không có đơn giản đâu. Thay vì đáp gọn là “Yes” hay “OK”, sao cụ lại dùng cái chữ “Go ahead” làm chi cho nó thêm phần phức tạp? “Cái chữ “Go ahead” nghe như một mệnh lệnh hay một lời thách thức, có ngon nhào vô hay muốn chết cứ vào. Phân tích cho kỹ chắc cụ ông Roland sẽ lạnh cẳng, rút lại lời cầu hôn. Tuy nhiên cụ ông chỉ cần cụ bà đồng ý là được, không cần biết trả lời thế nào đi nữa. Lý do đơn giản là hình bóng cô bé lớp 3 đã bám theo ông suốt hơn 8 thập niên qua. Bạn hiền hãy nghe cụ ông kể:

“Tôi vẫn hình dung ra người yêu lớp 3 của tôi. Tôi đã cưu mang hình bóng đó trong tâm trí từ bấy lâu nay. Hình hài đó đã in sâu trong tâm khảm của tôi.”
Cũng như các dữ liệu được lưu lại trong các bộ nhớ hoặc thẻ USB, nó sẽ tồn tại mãi mãi cho đến khi bị chúng ta tẩy xóa đi. Hình ảnh của cô bé năm xưa đã được lưu lại trong bộ nhớ của Roland một cách kỳ diệu. Sau tám mươi lăm năm dài, vật đổi sao dời, có biết bao nhiêu “người đi qua đời tôi”, nhưng hình bóng đó vẫn còn in đậm trong tâm trí của một ông cụ ở tuổi gần một thế kỷ. Điều kỳ diệu hơn nữa là khi gặp lại người xưa, sau hơn 8 thập niên, hình bóng của cô bé lớp 3 bây giờ được thay vào bởi một cụ bà 92 tuổi, chắc hẳn dung nhan đã bị thời gian tàn phá không thương tiếc, thế mà cụ ông vẫn không tỏ ra thất vọng, và nhất định giữ y lời thề năm xưa.

Bạn hiền, tuy nhiên mối tình 8 thập niên này đâu phải hoàn hảo. Lúc đầu khi mới đoàn tụ, cụ ông ghé tai cụ bà, nói nhỏ:
“Em có biết em chính là người yêu năm lớp 3 của anh không?”
Cụ bà trả lời trớt quớt: “Không!”

Sau đó hối hận, cụ bà gửi cho cụ ông tấm hình 2 người chụp chung hồi thập niên 20, và đằng sau ghi vỏn vẹn vài chữ: “Em nói dối!”
Bạn hiền, cũng rất may là cụ ông Roland không hiểu tiếng Việt và chưa nghe qua bài “Trái Tim Không Ngủ Yên” của nhạc sĩ Thanh Tùng. Nếu không thì cụ chả biết đường nào đâu mà lần….

Nếu em nói em vẫn chưa yêu
Là thật ra em đang dối mình
Còn em nói đã trót yêu anh rồi
Là hình như em đang dối anh…

BTL
Houston, TX
29 tháng 7, 2009