Menu Close

Người ngàn dặm xa, hoa thiên lý gần…

Mấy năm nay, về định cư Bưng Kè, Bà Rịa-Vũng Tầu, nơi chục năm trước voi từ Tánh Linh – Bình Thuận còn tự nhiên qua lại kiếm ăn, tôi vẫn còn nguyên cảm giác lạ lẫm. Mặc dù Bưng Kè đã điện, đường, trường, trạm đàng hoàng, người tứ xứ đã quần tụ thành 14 ấp lương- giáo đề huề sau khi diệt voi, phá rừng hoàn hảo (!) nhưng dưới mắt tôi, đất và người nơi đây có nhiều điều thấy vậy mà không phải vậy. Ban đầu, tôi còn ngạc nhiên, phân tích, xếp loại. Sau ngộ ra, chỉ ghi nhận, bỏ ngỏ mọi kết luận. Nhờ vậy, huyết áp đỡ nhẩy lung tung, cười được, ngủ được.

alt

Trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt năm nay, cách năm ấy nửa thế kỷ

Mấy em gái Sài Gòn xuống chỗ tôi chơi mấy ngày. Buổi tối, trong ánh sáng mát êm như lụa bạch của trăng rằm vằng vặc, tôi rủ cả nhóm trải chiếu ngắm trăng. Chiếu trải làm hai, bên nam bên nữ, Ngọc Minh tức cảnh sinh tình ngâm luôn hai câu ca dao, điệu sa mạc: Sáng trăng trải chiếu hai hàng. Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ, bị Định Hoa cải biên thành: Sáng trăng trải chiếu đầu hè, gặp thằng phải gió nó đè…. Tiếng đấm thùm thụp vào lưng ngâm sĩ, tiếng cười vui vẻ của cả bọn, trong chớp mắt bị tiếng karaoke khủng khiếp từ nhà hàng xóm vọng sang, lấn át. Nói khủng khiếp là vì chủ nhân tuy không biết hát nhưng sắm đủ bộ máy móc phục vụ việc hò hát tại gia. Cứ rượu vào, hứng chí, anh ta lại lôi mấy chục bài hát đọc oang oang hàng giờ. Dù là Trống Cơm, Thiên Thai hay Đò Chiều, Diễm Xưa… bài nào cũng một giọng khê nồng, ngang phè, L, N nẫn nộn. Đám khách nhà tôi lăn đùng ra chiếu, bịt tai. Thấy tôi thản nhiên lễ Phật, đọc kinh, Ngọc Minh rên rỉ: Bên kia đọc nhạc, bên này đọc kinh, ở giữa thất kinh. Đến khuya đi ngủ, Minh vẫn ấm ức vì hàng xóm gì kỳ cục. Hát dở mà bắc loa tra tấn lỗ tai người khác. Qua nói chuyện với họ, bắt họ sửa đổi đi chớ, sao hiền vậy. Tôi trả lời vắn tắt: Nói không ăn thua. Thưa kiện càng không ăn thua, còn nay chết con mèo, mai mất buồng chuối, mốt xe để trong sân tự nhiên mất… bánh trước.

Chỉ hai ngày lưu lại Bưng Kè, khách Sài Gòn đã chán. Họ nói muốn đi Ô Cấp (Vũng Tầu) tắm biển. Bưng Kè cũng có biển vậy! Chạy xe chừng hai chục cây số, ra Hồ Cốc, Hồ Tràm rồi. Đi Vũng Tầu chi cho xa. Họ trề môi, Chị cứ một mình ở Bưng Kè be cho cứng. Còn tụi này, kệch đến già….

Chưa nói dứt câu, một mùi hương ngọt ngào, từ phía vườn trước đã theo gió đưa vào. Cả bọn hỉnh mũi, hít sâu, khoan khoái. Một cô đoán dạ lý. Cô khác lắc đầu, coi bộ nguyệt quế hay hoa sứ, hoa lài. Tôi dắt họ ra hàng rào, chỉ cho coi những chùm hoa leo mầu xanh xanh vàng vàng trong đám lá hình tim. Đó, thủ phạm thơm đó. Không tin, ngửi thử! Ừ, thơm cha chả là thơm! Hoa gì vậy ta? Thiên Lý! Trời đất, thiên lý đây ha? Trong tiếng kêu thảng thốt của mấy bạn trẻ, tôi gặp lại vẻ thất vọng chính mình mấy chục năm trước, lần đầu cầm tập truyện ngắn Hoa Thiên Lý của Duyên Anh, ngắm chùm hoa vẽ ngoài bìa. Lúc đó, trong lòng tôi cũng thầm kêu Trời đất! thiên lý đây ha. Giữ cả bọn bên giàn hoa, tôi thuyết trình một bài ngắn, những là thiên lý trồng bằng cành, không kén đất, cho leo hàng rào hay bắc giàn đều được. Mùa hoa nở, khắp kẽ lá chỗ nào cũng chĩu chịt những chùm hoa cánh hẹp, tỏe hình ngôi sao, đồng mầu với lá. Không ai trồng thiên lý làm đẹp, mà chỉ vì cuối Đông bắc cái giàn, qua Hè đã có cái để nấu canh giải nhiệt. Cứ cua đồng, thịt nạc heo hay thịt nạc bò, băm ra nấu chung với hoa thiên lý để nguyên chùm. Sôi kỹ bắc xuống. Ngọt và thơm lừng, ăn mát tận củ tỉ âm ty… Ai bảo chị vậy? Chị Hương! Là chị nào? Ôi chao! Cái giống đàn bà con gái, hình như trời sinh ra chỉ để hỏi! Bắt ngậm câu hỏi trong đầu, trong mồm một phút cũng bằng ngậm con nhái, con rắn! Đành phải kể: Chị Hương là mẹ một cậu học trò nhỏ của tôi. Con mười ba tuổi. Mẹ bốn mươi tuổi. Con gầy nhỏ, trắng trẻo. Mẹ to đen, nói cười ầm ầm, đi đứng, lái xe, cuốc cào, sửa đồ điện trong nhà… thảy đều hùng hục như đàn ông. Cảm cái tình tôi kiên nhẫn dạy thằng con chị học được ba chữ tiếng Anh, về tới nhà rơi mất bốn chữ, chị đã khủng bố tôi đủ lúc, bằng đủ thứ quà cáp cây nhà lá vườn. Có khi tinh mơ, đã nghe chị réo ơi ới. Có khi chín mười giờ đêm, thấy chị lù lù mặc áo mưa, dắt xe vào. Có khi giữa trưa, nghe nhẩy rào đánh thịch. Lần tôi nhớ nhất là lần chị Hương cầm theo một chục đoạn thân cây suôn đuột, mềm dẻo, dài chừng một gang, tự tay bới đất dọc hàng rào lưới mắt cáo B40 của tôi, vùi xuống, cách quãng. Quen với tính chị, tôi chỉ đứng xem, không phản đối. Chừng xong việc, rửa tay, chị Hương dặn, nhớ tưới nước đều, che nắng ít lâu. Cái giống thiên lý rất dễ sống. Không thích cua đồng thì nấu chung với đậu hủ, hay luộc chấm tương chao… Chúa ơi! Té ra nó là cố nhân, là cái sự thiên lý.

alt

Những cô trò năm ấy, năm nay, người còn kẻ mất…

Bọn trẻ Sài Gòn, nghe tôi kể chuyện lấy làm thú vị. Họ thi nhau đi dọc hàng rào, vít những chùm thiên lý xanh, vặt lấy vặt để. Tôi mường tượng tiếng hoa kêu đau đớn, vội can, Hoa thiên lý bán ngoài chợ cách đây năm sáu cây số, một đô la một trăm gram, thích thì lái xe mua. Hoa nhà mới ra đợt đầu, ăn bằng mắt bằng mũi thôi, đừng ăn bằng miệng, phải tội! Tuệ Nhi cụt hứng, nói nửa đùa nửa thật, một nắm hoa cũng tiếc, không cho, hiếu khách thế là cùng! Tôi chỉ cười, không muốn thanh minh, để tránh phải khai báo với bọn trẻ hời hợt chút tình riêng dành cho cố nhân thiên lý, vốn là kỷ niệm riêng tư, không phải bạ đâu, bạ ai cũng kể văng tí mẹt. Số là…

Dạo ấy, vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, lũ con gái chúng tôi còn là những con bé lóc nhóc, chưa biết làm dáng, học lớp đệ lục trường nữ trung học Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Tà áo dài, đối với chúng tôi, chưa hề là hai tà thơ, tà mây như bố Nguyên Sa từng miêu tả mê ly. Giờ ra chơi, hai tà áo được giắt vào cạp quần để chơi u, chơi banh tù, chơi đá kiện cho khỏi vướng. Trong giờ học, hai tà, một phía trước, một phía sau, thường làm mồi cho trò tinh nghịch cột vạt áo vào nhau, hồi hộp chờ một tiếng rẹt đầy kịch tính khi chủ nhân của vạt áo bị thầy cô kêu đứng dậy lên bảng. Những tưởng bọn lóc nhóc như con trai, tinh nghịch như ma ranh chúng tôi, chẳng có gì làm chảy nước mắt được. Không ngờ, vào giờ Việt Văn, nghe cô H. đọc truyện ngắn Con Sáo Của Em Tôi trích trong tập truyện ngắn Hoa Thiên Lý của Duyên Anh. Câu chuyện kể về hai anh em nhà nghèo, bố chết, mẹ một mình vất vả chạy chợ nuôi con. Họ mạc, hàng xóm chẳng ai đỡ đần, thương xót. Tuổi thơ lớn lên trong sự lủi thủi, thiếu đói. Chúng nuôi được con sáo, dạy cho sáo nói, chơi với sáo… Đối với đứa em gái nhỏ, sáo là bạn chí thiết. Ngày Tết, mẹ ốm, nhìn bàn thờ khói lạnh hương tàn, thằng anh, nhân khi em đi vắng, bắt sáo làm thịt, nấu bát canh su hào. Thấy có cỗ cúng to đứa em ngây thơ reo mừng sung sướng. Nhưng vắng sáo, sinh nghi, em đi tìm, thấy nắm lông… Ban đầu, chỉ vài đứa thổn thức. Sau sụt sịt to dần, rồi nức nở. Hội chứng đại hồng thủy lan nhanh. Lớp chúng tôi nhanh chóng chìm trong bể nước… muối. Chuông ra chơi, mắt đứa đa cảm nhất, là tôi, đứa ngổ ngáo nhất, là con Ph, đều đỏ như mắt cá chầy. Còn cô H, ngưng giọng đọc nhẹ êm như giòng chảy Hương Giang quê cô, gấp cuốn truyện, đứng dậy, cũng ướt nhòe con mắt lành.

alt

Những thầy trò năm ấy, năm nay…

Sau buổi đất thảm trời sầu nọ, chúng tôi rủ nhau mua cuốn Hoa Thiên Lý để thưởng thức lại thật kỹ, thật chậm câu chuyện con sáo được viết bởi Duyên Anh, nhà văn của hàng loạt truyện hấp dẫn về tuổi thơ. Riêng tôi, ấn tượng về cuốn sách, không chỉ từ truyện ngắn Con Sáo Của Em Tôi mà còn từ truyện ngắn Hoa Thiên Lý. Trong truyện ngắn này, sau câu mở đầu: Mẹ tôi yêu hoa thiên lý như yêu chồng con thì hình tượng thiên lý vươn dài suốt truyện với một giàn dây leo khum khum, một mầu xanh của lá, một vị ngọt thơm của hoa nấu với cua đồng. Và trên hết là hình ảnh người mẹ đau ốm, dịu hiền, nhẫn nhịn, chập làm một với hình ảnh quê ngoại sáo diều vi vu, ruộng lúa rì rào, áo nâu lam lũ, điển hình cho làng quê thuần nông Bắc Bộ trước năm 1954. Truyện ngắn Hoa Thiên Lý không lấy nước mắt người đọc dễ dàng như truyện con sáo, nhưng rất có không khí, có tâm trạng, khiến tôi, đứa học trò lớp đệ lục, trạc tuổi nhân vật xưng tôi trong truyện, phải ngơ ngẩn bồng bềnh trong xứ sở êm êm, dìu dịu của người mẹ đa sầu, đa cảm, gắn đời mình với hoa thiên lý: gặp tình yêu dưới hoa, mang hoa theo mỗi khi chuyển nhà, dạy con học dưới hoa, chờ chồng dưới hoa, khóc dưới hoa… có nét hao hao cô giáo H dạy giỏi, dịu hiền, thua thiệt. Tôi yêu tài cô, quý tình cô, nên cũng yêu nhân vật người mẹ trong truyện ngắn Hoa Thiên Lý. Tôi còn muốn yêu luôn hoa thiên lý nhưng bông hoa ấy mặt mũi cụ thể ra sao, tôi mù tịt. Có lẽ tại ở Đà Lạt chả ai trồng, hoặc giả có trồng mà tôi không biết. Đành bám vào hình vẽ đám hoa nở thành chùm trên bìa tập truyện để mà tưởng tượng. Khốn nỗi, so với hoa lan, hoa hồng, thậm chí hoa dã quỳ, hoa bươm bướm, hoa forget me not đầy núi đồi Đà Lạt thì cái sự xanh xanh vàng vàng của hoa thiên lý tỏ ra rất chi là vô cùng nhà quê, vô cùng xoàng xĩnh, chả trách suốt đời phải đánh bạn với cua đồng!

Sau tập truyện Hoa Thiên Lý, hàng loạt truyện thiếu nhi, truyện du đãng của nhà văn Duyên Anh được tiêu thụ mạnh. Duyên Anh trở nên nổi tiếng. Ông viết đều và khỏe. Xấp xỉ 30 tập truyện ngắn, truyện dài, chưa kể tuần báo Tuổi Ngọc, của ông, nói không ngoa, đã ‘thường trú’ trong lòng học sinh, sinh viên có tí máu văn nghệ văn gừng, thích yêu đương lãng mạn, ngứa chân giang hồ… bếp. Trong khi đó, tình hình chính trị Miền Nam ngày càng phức tạp, chiến sự ngày càng ác liệt. Đỉnh điểm là vụ tết Mậu Thân 1968, rồi Đường 9 Nam Lào 1972. Hàng loạt thanh niên ưu tú tốt nghiệp Đại học Chiến Tranh Chính Trị, Đại học Võ Bị, là anh trai, là người yêu của bạn tôi, lần lượt ngã xuống ở những địa danh xa lạ. Một chiều mùa Thu, nắng vàng xanh lạnh lẽo, tôi ngồi nhìn qua đồi, nghe Thanh Lan hát trong veo một bản nhạc nước ngoài, bản Scarborough Fair, Phạm Duy đặt lời Việt Ôi giàn thiên lý đã xa. Bài hát có giai điệu mượt mà. Lời cũng tình tứ (dù đôi chỗ tối nghĩa) khiến tôi cảm động, bồi hồi. Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà. Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa. Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi. Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi. Này nàng hỡi nhớ may áo cho người. Giàn thiên lý đã xa tít mù khơi. Tấm áo đã cắt ngay, cắt ngay trên khăn mượt mà. Là chiếc chăn đắp chung những ngày qua. Tìm một miếng đất cho gã si tình…Lấp đất hố tôi, lấp với đôi tay cô nàng. Thì hãy chôn trái tim non buồn thương…

Chao ôi! nhân vật trong bài hát, rõ là một cu cậu giang hồ. Lời bài hát (lời tự đặt, không phải lời gốc) có giàn thiên lý quê nhà, có trăn trối, khóc thương, xem chừng thơ mộng không kém giàn thiên lý trong truyện ngắn Duyên Anh độ nào. Lứa học trò đệ lục 2 trường Bùi Thị Xuân năm 1966, nhiều đứa đã chống lầy, bán hàng ngoài chợ hay tốt nghiệp đại học, khi bật cát- sét nghe Ôi giàn thiên lý đã xa, đều chúi vào nhau, cười rúc rích, liên tưởng kỷ niệm khóc như cha chết, mắt đỏ như mắt cá chầy hồi áo dài cột túm, chơi đá kiện ở trường Bùi Thị Xuân. Còn tôi, ngoài kỷ niệm chung với các bạn, vẫn giữ riêng cho mình ấn tượng về cô giáo H, người giáo viên có gương mặt bất toàn vì một cơn bạo bệnh hồi nhỏ, đã vào đời, vào nghề với nhiều thua thiệt, người đã vẽ trong ký ức tôi vẻ đẹp dịu hiền của một giọt nước mưa trong veo, rơi trên hoa thiên lý, ngát thơm, thầm lặng. Tôi đã ôm gương mặt này, cùng hình ảnh hoa thiên lý nên thơ, đi cùng trời cuối đất. Đi một mạch mấy mươi năm, đi tới dốc quên cuộc đời. Ngồi xuống, và…chiều nay!

Năm 1963,  trong truyện ngắn Hoa Thiên Lý, Duyên Anh đã mở đầu bằng câu Mẹ tôi yêu hoa thiên lý như yêu chồng con. Năm nay, năm 2013, đúng nửa thế kỷ sau khi truyện ngắn này ra đời, tôi – con bé tóc ngắn, mắt to của trường Bùi ngày nào, cũng muốn bắt chước nhà văn, viết một câu tương tự, để nói lên tình yêu hoa của mình. Khốn nỗi, tôi không có chồng con, chỉ có cô giáo H ngàn dặm xa và hoa ngàn dặm gần, nên đành kết thúc tản văn của mình bằng câu ‘Dù sao, bông hoa kia đã nở trên xứ điêu tàn. Tôi yêu hoa, không thể, mà cũng không cần, so sánh’.

XH