Menu Close

Tên đường thành phố

Tên đường phố là hình ảnh lịch sử, truyền thống và văn hóa, là mỹ quan bộ mặt của thành phố – góp phần giáo dục sâu rộng nếp sống và tinh thần của cư dân đô thị. Thế nhưng, đối với một số nước, cụ thể tại xứ Mỹ này, tên đường phố lại hoàn toàn là một chuyện khác. Đó cũng là văn hóa – một văn hóa không câu nệ, gò bó, tự do thoải mái theo kiểu ngẫu hứng hay “thấy mặt đặt tên”. Nghe điều này, có thể làm bạn ngạc nhiên. Vậy thì, mời bạn lên xe cùng chúng tôi đi thăm các thành phố để thấy những tên đường thật sự có ý nghĩa như thế nào.

 

alt

Phố Boca Ratan ở Fort Worth gốc tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Miệng con chuột cống”


Đầu tiên chúng ta khởi hành từ trên xa lộ 30 về hướng Tây Fort Worth. Nhiều người biết đến xa lộ này với cái tên Tom Landry highway, được đặt theo tên cựu cầu thủ, huấn luyện viên nổi tiếng dẫn dắt đội Dallas Cowboys. Rẽ vào đường Bridgewood nhưng các bạn chẳng thấy chiếc “Cầu Gỗ” nào đâu. Xin các bạn đừng vội thắc mắc vì sao đi suốt cả con đường, không thấy có một con sông hay con lạch, dấu tích của chiếc cầu gỗ bắc qua mà chỉ thấy cái cầu bê tông băng qua xa lộ. Tôi không thể trả lời vì có lần về Việt Nam, đi Hà Nội chơi, hỏi anh tài xế taxi địa phương tại sao lại có tên quảng trường Ba Đình thì anh ta trả lời như thế này, hồi xửa hồi xưa nơi đây có ba cái đình. Đúng là có ba cái đình thuộc làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê nhưng ở tận huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Vào mùa mưa, ba cái làng này ngập trông như một hòn đảo nổi giữa cánh đồng nước mênh mông, nên Đinh Công Tráng đã chọn làm tuyến phòng ngự Ba Đình trong thời Cần Vương chống Pháp.

 

alt

Với văn hóa Mỹ việc đặt tên đường phố hoàn toàn không gò ép, câu nệ mà thoải mái tự do

Tên đường đặt theo tên danh nhân trong lịch sử, văn hóa xã hội hay một đặc điểm nào đó do người dân sống chung quanh gọi riết mà thành. Hoặc đơn giản hơn theo một hệ thống theo số đếm, phương hướng, bảng chữ cái, tên các thành phố, thị trấn láng giềng trong một đô thị có hàng ngàn con đường mà việc chọn đặt tên phố không thể đáp ứng được. Xe chúng ta vừa rời khỏi Bridgewood ghé vào đường Boca Ratan. Đối với người Texas thấy cái tên này thật lạ nhưng với người Florida lại rất thân quen bởi Boca Ratan là một thành phố du lịch biển nổi tiếng ở miền Nam Florida. Người sống ở khu vực đường Belt Line và Division thành phố Grand Prairie, Texas hẳn cảm thấy mình được sống gần như trên toàn nước Mỹ. Hàng chục con phố ở khu vực này được đặt theo tên thành phố khắp nơi như Dallas, Austin, San Antonio,… Chicago, Los Angeles,… Những cái tên đẹp. Thế nhưng Boca Ratan lại có nguồn gốc từ tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là “Miệng con chuột cống”. Cái tên xấu xí này chẳng thể hiện ý nghĩa gì cả, cũng như người Việt mình có phố Bolsa ở Little Saigon và “Bolsa” nguyên nghĩa là “Cái túi”. Một cái tên đọc lên nghe hay nhưng ý của nó chẳng đẹp chút nào! Và còn rất nhiều, rất nhiều tên đường gốc tiếng Tây Ban Nha ở các thành phố khác để từ từ bạn khám phá thêm nhiều điều thú vị. Nhưng thường là ý nghĩa chẳng đâu vào đâu, gần như kiểu gọi tên ngẫu hứng.

Nào, chúng ta tiếp tục cuộc du hành về hướng Tây Nam thành phố Fort Worth. Xe chúng ta chạy ngang qua đường Concho để về khu vực Stop Six. Mọi người nhao nhao lên vì cái tên “Con Chó” làm tôi phải cắt ngang chuyện Stop Six một chút để bà con thỏa mãn với việc phát hiện cách đọc tên đường theo kiểu phát âm Việt hóa. Đừng lo, đường Concho ở Fort Worth, Dallas hay Houston đều có mặt, ai có bà con bạn bè ở trên con đường này thật là dễ nhớ phải không? Nghe các bạn gọi đường “Con Chó” làm tôi nhớ hồi nhỏ, cạnh nhà có ông đạp xe ba gác thỉnh thoảng rảnh rỗi kể cho tụi nhỏ xóm chúng tôi nghe chuyện thành phố Sài Gòn thời Pháp. Ông kể tên các con đường “Năn Ci” (Nancy), Mặc Má Hồng (Mac Mahon)… bằng thứ tiếng Pháp Việt một cách lưu loát. Tôi khoái chí lắm, Mặc Má Hồng chắc là tên bà đầm nào thích trang điểm phấn son, té ra là Công tước Patrice de Mac Mahon sau làm Tổng thống Pháp.

Sẵn cái chuyện đọc tên theo lối phát âm tôi kể lại thêm một chuyện mà tôi có viết trong bài “Thành phố Ngọc Lân” nhân chuyến đi New Orleans hai năm trước. Cộng tác viên của báo Trẻ Louisiana, anh Phú Nguyễn đưa tôi đi xem chiếc cầu xe lửa Huey P. Long cao nhất thế giới. Cây cầu dài uốn lượn giống như con rồng thăng thiên thật ngoạn mục, anh đùa bảo, người Việt ở New Orleans gọi đó là cầu Huỳnh Phi Long. Ngẫm nghĩ, đúng quá đi chứ! Phù hợp với tâm ý người Việt mình sống ở xứ người có những con đường mang tên danh nhân sử Việt thật hay biết mấy. Ở Houston, khu Midtown giờ đã có mười mấy con phố tên Việt hẳn hoi như Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Sài Gòn… Tuy là những con phố “ăn theo” tên đường hiện hữu nhưng dẫu sau tên đường Việt sẽ làm các sắc dân khác lưu tâm như chúng ta hiện giờ chẳng hạn.

Như “Bong Drive”, tại Fort Worth. “What is Bong the hell?”. Tôi cũng chẳng biết “Bong” là cái quái gì khi xe đậu ngay góc đường Stalcup để hỏi một ông cụ sống trên đường Bong. “Bong” không phải tiếng Tây Ban Nha mà là tiếng Mỹ hẳn hoi. Nghĩa là gì? Tiếng gõ chuông đồng hồ, cái tẩu hút thuốc phiện, tên người hay còn nghĩa gì khác nữa? Tất nhiên không phải ca sĩ nổi tiếng Hàn quốc Choisung Bong hay càng không phải nhân vật Bác sĩ Bong trong series truyện tranh Howard the Duck của nhà văn Steven Gerber và họa sĩ Marie Severin. Những người danh giá này đâu có ai sống ở khu Stop Six cũ kỹ đang tàn lụi của cộng đồng người da đen sống quanh đây. Hỏi ông cụ về khu Stop Six ngay chính vùng đất ông cư ngụ, ông gật gù bảo, ba tôi kể hồi xưa ở đây có duy nhất tiệm tạp hóa Stop Six, nên người sống trong vùng gọi là Stop Six. Kỳ thật, theo lịch sử Fort Worth đầu thế kỷ hai mươi cho đến thập niên ba mươi Fort Worth có tuyến đường xe điện đi Dallas. Ngay chỗ tôi đứng gần đây là Trạm dừng thứ 6 (Sixth Stop), chẳng biết cái nào đúng sai!

 

alt

Đường Bong ở khu Stop Six Fort Worth, không ai hiểu có nghĩa là gì

Nói đẩy đưa, chẳng qua tránh nhàm chán để tôi đưa các bạn đi thành phố Allen. Chuyện đường Bong, ta tìm hiểu sau vì ở Allen có con đường Bossy Boots Dr. nghe kêu lắm. Các bạn cứ việc tranh luận chuyện đúng sai đi nhé trong khi xe chúng ta tiếp tục lăn bánh và ra xa lộ 35 South trực chỉ Austin đến khu gia cư Guns A Blazin. Không biết có phải chủ đầu tư dự án gia cư khu này có phải là tài tử của bộ phim miền Viễn Tây “6 Guns” trình chiếu cách đây mấy năm không mà đường phố nơi đây toàn là mùi thuốc súng của dân cao bồi. Nào là Gun Fight Ln., Gatling Gun Ln., 6 Gun Trail, Shotgun Ln. Shoot Out Ln… loạn xị. Có thể là khu gia cư có yếu tố tư nhân đầu tư nên Hội đồng thành phố không mấy quan tâm các con đường nội bộ miễn có tên là được.

Điều này đúng. Tôi nói là có cơ sở, tin không tùy bạn. Chúng ta đi xuống chút vùng Lake Jackson, Texas sẽ thấy một khu gia cư khác lớn hơn do công ty xây dựng Dow (công ty con của công ty hóa chất Dow) xây dựng khu gia cư dành cho nhân viên của mình mua dọn về sinh sống và làm việc cho thuận tiện đi lại. Khu gia cư này lại có tên đường hơi quái chiêu. This Way, That Way, Circle Way, Winding Way, West Way, Which Way, Run Way, His Way làm cho cư dân sống ở đây thích thú vì lạ đời nhưng những người khác vào khu gia cư tìm nhà thường hay nhầm lẫn. Chuyện tên đường trong khu dân cư là do chủ đầu tư quyết định.

 

alt

Bản đồ khu phố ở Lake Jackson, Texas với những tên được ngẫu hứng This Way, That Way…

Còn nữa, nhiều thành phố của các tiểu bang khác có tên đường càng khó hiểu hơn, có khi chẳng biết đặt tên ra sao, thì cứ “No Name Street” như ở thành phố Turnersville, New Jersey. Thế nhưng cái tên đường đó vẫn không phải là cái khiến đám phụ nữ đỏ mặt tía tai khi thấy cái bảng chình ình treo ngay góc phố ở Philadelphia. Nghiêm chỉnh mà nói, cánh đàn ông lại mừng ra mặt vì cái tên “Penis Road” của mình được “trân trọng” đặt tên lên phố không khác vật tế Linga và Yoni trong các đền thờ của cộng đồng người Chàm ở Đông Nam Á.

 

alt

Không biết đặt tên ra sao thì cứ “No Name” là xong tất.

Hàng trăm thành phố trên khắp các tiểu bang đều có những cái tên đường quái dị. Điều này mấy năm trước đã khiến Hãng Mitsubishi Motors tổ chức một cuộc bình chọn trong vòng một tuần với hàng ngàn người tham gia. Phố Tâm Thần (Psycho Path) của thành phố Traverse, Michigan vinh dự đạt danh hiệu “Tên đường kỳ cục nhất”, theo sau là Phố Ly Dị (Divorce Court) của cao nguyên Heather, Pennsylvania và hạng ba là con đường Còn lâu mới mở (Farfrompoopen) ở Tennessee, con đường duy nhất dẫn đến rặng núi “Táo bón” (Constipation Ridge)… Tất nhiên danh sách còn thêm bảy hạng, nhưng tôi chỉ chọn ba vừa thấy kỳ cục lại vừa thấy thú vị trong ý nghĩa của chúng để kết thúc chuyến đi xem “Tên đường thành phố”.

 

alt

Còn tên đường phố nào ngầu như thứ này không?

TN