Đây là câu chuyện về việc sử dụng tay trái hay tay phải theo ý nghĩa cơ thể học, không dính dáng chi đến việc (làm) phải (đúng) hay trái (sai).
Ngay từ tên gọi, con người đã cho thấy sự “kỳ thị”, thiếu vô tư, thiếu công bằng của ngôn ngữ (văn hóa, tục lệ, nhân sinh quan…) về phần bên “trái” của cơ thể.
Tiếng Việt rất rõ ràng và các ngôn ngữ khác cũng thế: Tiếng La Tinh gọi phần bên “phải” của thân thể là “dexter”, nguồn gốc của chữ “dexterity” (tạm hiểu là sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều cử động hay sự khéo léo của bàn tay), phần bên trái là “sinistra”, còn được hiểu là “ma quỷ” hoặc “bất hạnh”.

Tiếng Hoa, tiếng Do Thái đều dùng chữ “trái” theo ý nghĩa tương tự. Trong tiếng Anh, chữ “right” còn có nghĩa là “đúng”, dù chữ “left” không hàm ý “sai”. Ðiều lạ lùng là theo phong tục người Tàu thì “nam tả nữ hữu”, dựa trên kinh mạch của thân thể, và “zuo” còn có nghĩa “sai trái”, “vô đạo”?!
Tóm lại là con người không xem trọng cho lắm phần thân thể bên trái dù ta cần đầy đủ hai bên thân thể để sử dụng hết sức lực.
“Thuận tay trái” được định nghĩa là việc dùng tay trái một cách thoải mái và viết tay trái, nói gọn là “tay trái” hay “left-handed”.
Theo thống kê, khoảng 10 – 15% dân số thế giới dùng tay trái, và các chuyên viên nghiên cứu còn đang tranh luận ráo riết về việc dùng tay trái có ý nghĩa gì, có khác chi với việc dùng tay phải hay không.
Hiện tượng não bộ thiên về một bên, brain lateralization, hay sự phân chia các hoạt động của não bộ về bán cầu phải hay trái đã được cộng đồng khoa học nhìn nhận và dùng làm căn bản để tìm hiểu về các tính năng như ngôn ngữ, trí nhớ và cả khả năng phát minh, chế biến một sự vật mới.
Người thuận tay phải, trung tâm ngôn ngữ thiên về bán não trái, nhưng những người thuận tay trái, trung tâm ngôn ngữ tương đương ở cả hai bán não hoặc thiên về bán não phải.
Nguyên nhân dẫn đến việc dùng tay trái bao gồm nhiều giả thuyết (chưa được chứng minh rõ ràng).
Giả thuyết “di tính” dựa trên việc tìm thấy di thể LRRTM1 trong những người thuận tay trái. Tiến Sĩ Clyde Francks, một chuyên gia về di tính và đồng sự tại Ðại Học Oxford, Anh cho rằng việc “thuận tay” liên quan đến sự bất cân đối của não bộ, dù tay phải hay trái. Họ ghi nhận sự kiện thuận tay trái liên quan đến “dyslexia”, hay đọc ngược từ phải qua trái (thay vì từ trái qua phải). Việc dùng tay trái thường xảy ra trong một số người cùng dòng tộc.
Giả thuyết “testosterone” cho rằng khi lượng tetosterone lên cao trong giai đoạn chót của thai kỳ dẫn đến việc dùng tay trái. Giả thuyết này do Bác Sĩ Thần Kinh Norman Geschwind, University of California, Los Angeles, chủ xướng nên còn được gọi là giả thuyết Geschwind. Ông ta cho rằng tetosterone “dẫn dắt” sự phát triển của não bộ thai nhi; nội tiết tố này khi lên cao trên mức bình thường sẽ ức chế sự tăng trưởng của bán cầu não bên trái, tế bào thần kinh trong bán cầu não bên phải do đó tăng trưởng mạnh mẽ hơn (bán cầu não phải điều khiển hoạt động của phần thân thể bên trái) và đứa trẻ dùng tay trái thuận hơn khi chào đời.
Có tác giả còn viết nguyên một cuốn sách về tay phải, tay trái như ông Chris McManus, người cho rằng kẻ thuận tay trái có bộ óc khác với người thuận tay phải, và họ là những người tài năng, giỏi giang hơn (?).
Hiện nay, các cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn, chưa ngã ngũ.
Trước đây, việc dùng tay trái bị xem như “tật”, một thói quen bất thường, nên trẻ em đi học đều bị thầy cô ép buộc phải dùng tay phải để tập viết, họ dùng cả roi vọt để trừng phạt đứa trẻ trong khi “huấn luyện”. Ngày nay, trẻ em đi học được tự do dùng tay trái hay phải tùy thích. Sở dĩ bá tánh đổi ý kiến như thế vì khái niệm ‘dùng tay trái là người vụng về’ không còn phổ thông khi các vật dụng được chế tạo riêng cho họ. Chẳng hạn như cái kéo, khẩu súng…, Khi có vật dụng thích hợp, vừa tay thì việc sử dụng dễ dàng là điều tất nhiên.
Theo truyền thống, vật dụng được chế tạo thích hợp cho số đông người dùng, và do đó, đều là những vật dụng vừa tay với người thuận tay phải.
Sau mấy thập niên bàn tán, chuyện tay trái, tay phải cũng vẫn chỉ dùng dằng ở mức bàn luận. Sách vở ghi chép đầy đủ về những thiên tài, nhân tài thuận tay trái, họ cũng tài giỏi lẫy lừng như những người dùng tay phải, như thế ta có thể tạm kết luận tay phải hay tay trái cũng chỉ là một thói quen, là một sự lựa chọn rất cá nhân những thứ thoải mái thích hợp với mình?
Thuận tay phải hay tay trái là việc lựa chọn (?) nhưng việc phát triển không đồng đều hai bên cơ thể là một hiện tượng bẩm sinh. Con người nhìn chung là một động vật không cân đối, thân thể bên to bên nhỏ, không đồng đều, và không phải bộ phận nào cũng có đôi, có cặp. Chân tay, lỗ tai, lá phổi, trái thận… là những thứ có đôi. Khi sự to nhỏ kia chỉ chênh lệch chút xíu, không mấy ai nhận rõ thì được xem là “cân đối”. Khi đôi chân cần dùng hai chiếc giày khác kích thước thì sự chênh lệch mới rõ ràng hơn. Bên trong cơ thể thì sự chênh lệch lại càng đậm nét: Không mấy ai có hai lá phổi bằng nhau, hai trái thận tương đương kích thước… Còn những bộ phận chỉ có một? Trái tim nằm ở bên trái trong lồng ngực, lá gan nằm ở bên phải, nhưng cái mũi, cái miệng hay tử cung thì lại nằm ở [gần] chính giữa thân thể. Thượng Ðế sinh ra ta như thế, người có trái tim nằm bên phải thì bị gọi là “tim lệch phải” hay chữ “lệch” được dùng để chỉ những thứ “trái” nơi, “trái” chỗ!
Tạm hiểu rằng con người không “hoàn hảo”, cân đối theo ý nghĩa cơ thể học hay “thẩm mỹ”, thì phân biệt “trái”, “phải” cũng chỉ là câu chuyện bàn tán cho vui, phải không bạn?
TLL