Menu Close

Chùa Hương năm ấy

Chuyến xe khởi hành từ Hà Nội vào buổi sáng, hàng phố còn đóng kín cửa nhưng trên đường, xe cộ đã di chuyển rầm rầm. Hà Nội cũng kẹt xe khủng khiếp, số người sinh sống ở đấy đã vượt xa số đường xá lưu thông. Ì ạch mãi mới thoát ra đến ngoại thành. Dế Mèn đi thăm chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp năm xưa.

 

web_dl_685.jpg

 

Trần Lý Lê

Thủa ấy tên tuổi của ngôi chùa gắn liền với hình ảnh thơ mộng của cô bé mới lớn theo mẹ lễ bái, cơ hội để trang điểm là lượt, vấn đầu soi gương, mặc áo tứ thân với giải yếm đào… Năm 2000 của thế kỷ 21, đi tìm áo tứ thân coi bộ hơi khó, biết như thế nhưng Dế Mèn vẫn tò mò. Ngày nay những hình ảnh kia đã tan biến vào quá khứ biền biệt. Chẳng còn ai ăn mặc như thế nữa. Họa chăng chỉ để chụp hình làm kiểu và cũng chỉ mặc yếm đào để khoe lưng trần chứ không dính dáng chi đến thời trang ngày cũ.

Đường đi không xa, khoảng 60 cây số về phía Tây Nam của Hà Nội nhưng gần 2 tiếng mới đến bến đò Yến Vĩ. Bến đò Yến Vĩ hình như còn có tên dân gian là bến Đục (?), đến bến thì mặt trời đã lên cao, nắng chói chang. Dế Mèn đáp thuyền trên sông Đáy để đến chùa Hương. Dòng sông nước đục lờ đờ chảy, không hiểu khúc sông nào thì mới thấy… sông Đáy cuộn mình… như thơ Quang Dũng trong Đôi Mắt Người Sơn Tây? Những dãy núi mờ trong hơi sương, ẩn hiện, núi Mâm Xôi giống in như mâm xôi, cái tên gợi hình và dễ nhận. Núi Voi Phục thì chẳng giống con voi nào cả, đứng hay ngồi, Dế Mèn ngắm nghía mãi mà không nhận ra hình thể con voi nên chịu thua. Thuyền chèo bằng sức người nên thủng thẳng trôi, ta tha hồ nhìn cảnh hai bên bờ sông nước đục.

 

web_dl_685b.jpg
Bến Đục

 

 

Thuyền ngưng ở Đền Trình, từ bến sông ngôi đền ẩn trong sương nên trông có vẻ là lạ. Thuyền vừa cặp bến, đã nghe tiếng cồng tiếng chuông mời chào, người lái đò biểu rằng cụ Từ gióng trống đánh cồng đón khách. Chao ôi là đền chùa ngày nay, phải khua chuông gõ trống như các đám khách Sơn Đông? Lên bờ vào xem thì chẳng có gì để ngó, cũng hương khói mù mịt ngạt thở như những ngôi chùa đông người thăm viếng. Lượng carbon dioxide chắc chắn là ở mức độ nhiễm độc nếu phe ta cứ lanh quanh lần lữa đi tìm tượng cổ. Ra cửa, ông Từ đứng xin khéo du khách các món tiền cúng dường.
Con thuyền trôi gần 2 tiếng mới đến chân núi và từ chân núi ta leo những bậc thang đá để lên núi vãn cảnh chùa.

Con đường lên núi khá đẹp, lẫn trong rừng cây uốn lượn. Nếu không bị mấy đứa trẻ cặp kè đi theo thì đây là một hành trình đi bộ lý tưởng. Những đứa trẻ trong tuổi đến trường nhưng không được đi học xách bình nước đá chứa các lon nước ngọt để bán cho du khách, cũng leo núi bám sát du khách. Dế Mèn theo chân đoàn người ngừng ở chùa Giải Oan, ngôi chùa chẳng có chi, chùa Thiên Trù thì đông đúc hơn, cũng khói hương mù mịt.

 

web_dl_685c.jpg
Nhếch nhác lối lên chùa

 

 

Ngoài ngôi chùa chính là chùa Hương, nằm trong động Hương Tích, trên núi còn có nhiều ngôi chùa khác, cả chục ngôi chùa, miếu lớn nhỏ. Dế Mèn chỉ ngừng ở vài nơi, nơi nào cũng có người hỏi tiền cúng dường. Một du khách nói nhỏ bằng tiếng Anh, sao họ không bán vé một lần cho xong… Người du khách đi bên cạnh cười nụ, đôi môi mím lại, phe ta thấy mặt mình nóng bừng. Quái đản. Gọi là “xin” cho có vẻ lịch sự chứ không “cho” là không xong, bà Từ chạy theo một du khách không bỏ tiền vào thùng phước sương và xoè tay. Người phụ nữ tóc vàng bực bội nói lớn, tui không có tiền lẻ. Dế Mèn vừa xấu hổ vừa ái ngại, dúi vào tay bà Từ ít tiền và dịch nghĩa câu trả lời.  Bán vé thì bán vé quách, nói rõ giá cả chứ cứ xin xỏ kiểu này? Kiểu làm ăn lặt vặt kia quả là khó chịu!

Leo núi khoảng 1 tiếng thì đoàn người dừng chân nghỉ ngơi. Đôi nam nữ người Đức níu áo Dế Mèn hỏi chỗ tháo nước. Phe ta dáo dác nhìn quanh, không có dấu hiệu của nhà vệ sinh, túng quá đành hỏi hai đứa trẻ bán nước ngọt lẽo đẽo theo sau từ chân núi. Chúng chỉ tay về phía lùm cây xa, thế là phe ta xông pha dắt đôi nam nữ kia đi tìm nhà vệ sinh.

 

web_dl_685d.jpg
Một quán thịt rừng

 

 

Thế kỷ thứ XXI, nhà vệ sinh trên núi là những viên gạch đặt trên mặt đất, xa hơn nữa có mấy cái phòng nhỏ không có cửa. Mặt đất đầy những đống phân còn mới bốc mùi xú uế. Dế Mèn tặng luôn cho cô gái gói giấy vệ sinh mang theo trong túi đeo lưng và chỉ vào hai viên gạch, biểu cô ta là đặt hai bàn chân lên đó mà … giải quyết! Chưa hết, vừa ra khỏi lùm cây, không biết từ đâu một người đàn bà xuất hiện xoè tay hỏi tiền làm vệ sinh, dọn dẹp. Dế Mèn biểu rằng chỉ chỉ chỗ chớ không hề dùng khoảng đất kia, bà ta nhất định không nghe; chẳng lẽ lại kỳ kèo, co kéo, phe ta đành móc túi. Sự bực bội không phải vì mấy chục xu mà vì bị làm tiền trắng trợn cứ đeo đuổi nặng nề; cảm giác bị gạt gẫm khiến ta uất ức khó chịu. Chưa đến nơi, chùa Hương đã bốc mùi hôi hám của những đồng tiền lẻ!

Leo núi 1 tiếng nữa thì đến nơi, động Hương Tích nằm dưới 120 bực thang đá. Lên núi xong bây giờ ta xuống hang động. Từ trên nóc, tảng thạch nhũ treo ngược có hình cái túi nên có tên là Đụn Gạo. Đây là chùa Hương. Cờ quạt xanh đỏ treo đầy. Trên vách động có khắc hàng chữ Hán “Thiên Hạ Nam Sơn Đệ Nhất Động”, do chúa Trịnh Sâm ban tặng, đại khái là sơn động đẹp nhất trời Nam.

 

web_dl_685e.jpg
Bầy hầy đường xuống núi

 

Chùa Hương mùa này vắng khách thập phương, chỉ có du khách nhưng hương khói vẫn mù mịt. Dế Mèn đứng ngó quanh rồi lại leo lên núi. So với các hang động khác, từ hang Đầu Gỗ đến Tam Cốc, động Hương Tích chưa hẳn là đẹp hơn.

Trên đường xuống núi, đoàn người nghỉ chân ăn trưa. Dế Mèn mang theo bánh mì mua từ khách sạn vì được dặn dò kỹ lưỡng là đừng ăn uống dọc đường, không được sạch sẽ cho lắm. Đến nơi khi thấy “nhà” vệ sinh lộ thiên thì hiểu lý do tại sao. Hang núi leo cả mấy tiếng lên xuống không có nước uống, lấy chi ra nước rửa, nước nấu ăn, nhất là chén dĩa dùng chung đụng cả trăm con người, không có mức vệ sinh tối thiểu. Ngó hàng quán buôn bán mà thắc mắc trong lòng chứ không dám nói ra lời.

Dế Mèn ngồi nghỉ chân, gặm bánh mì uống nước trong chai mang theo. Hai đứa nhỏ đi theo từ lúc bắt đầu leo núi kỳ kèo níu áo đòi mua giùm một lon nước ngọt. Dế Mèn biểu không uống nước ngọt, nhưng muốn tặng nó ít tiền. Đứa bé trai lắc đầu cháu không lấy tiền chỉ muốn bán nước ngọt và đòi 30 ngàn (hai mỹ kim) một lon coca khi Dế Mèn gật đầu. Đứa bé gái phụng phịu đi theo cả ngày mà cô không mua giùm cái chi, Dế Mèn đưa cho nó 2 mỹ kim và tặng lại lon nước. Ai dạy chúng bài học lẽo đẽo cù cưa thì sẽ kiếm được tiền? Ở số tuổi ấy, bài học kia quả là quá sớm!

 

web_dl_685f.jpg
Những du khách này mấy người (dám) trở lại?

 

 

Câu chuyện về hai đứa nhỏ cứ theo  tâm trí Dế Mèn mấy ngày trời. Không mua, không cho tiền thì ái ngại, trao tiền là một hình thức khuyến khích các gia đình kia tiếp tục, cái vòng lẩn quẩn của xứ nghèo đói, con nít đàn bà bị sử dụng đến mức cạn kiệt. Có khi nào cha mẹ chúng nghĩ đến chuyện ngưng sinh đẻ khi không thể nuôi nấng đứa trẻ đầy đủ?

Chuyến trở về cũng leo thuyền về bến đò. Xuống đò, Dế Mèn biếu người chèo đò ít tiền khoảng 5 mỹ kim. Chưa đi bao xa đã có du khách hỏi thăm có phải trả tiền đò không, vì hãng du lịch bán vé đã tính tiền từ A đến Z, 25 mỹ kim cho chuyến đi. Dế Mèn nói rằng chỉ cho thêm người lái đò ít tiền huê hồng. Vừa quay lưng được vài bước thì bị chính người lái đò lúc nãy Dế Mèn tặng huê hồng níu áo, bà ta phân bì, cô chỉ cho có bấy nhiêu, thuyền bên cạnh được …thêm 1 đô la nữa!

Chuyến đi Chùa Hương có mùi thiu như câu nói của một du khách trên chuyến xe về thành phố, the trip filled with hackling, it smells!
Con đường đi chùa Hương là con đường khá dài và không phải vì khoảng cách đường xá mà vì cảm tưởng và ý nghĩ về miền đất ấy. Sông đẹp, núi đẹp nhưng các cám cảnh từ con người khiến hành trình kia nặng nề những khó chịu, buồn nản.

Chuyện “Đi Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp là bài thơ trong quá khứ, kinh nghiệm đi chùa Hương của Dế Mèn là một tiếng thở dài rất lâu. Mười năm rồi, ngồi xem lại hình ảnh và tập nhật ký, lòng vẫn nặng nề buồn rầu như hôm ấy.

TLL