Khi chúng ta mua một máy ảnh có khả năng thay ống kính, đó có thể là một kinh nghiệm thích thú, nhưng chúng ta cũng có thể bị “tẩu hỏa nhập ma”. Dù là DSLR hoặc mirrorless, những máy ảnh này có sensor thượng hạng, và một loạt đặc điểm khác. Ngay cả những mẫu máy hạng thấp vẫn có nhiều nút bấm mà bạn “mù tịt”. Ðiều kiện chọn một máy ảnh kiểu “tối tân” này không phải chỉ dựa vào độ phân giải, cường độ ánh sáng, hoặc những đo lường của phẩm chất ảnh, nhưng cũng dựa vào khả năng thực hiện được những ý tưởng sáng tạo của bạn.
Ðể giúp bạn tìm hiểu thêm về máy ảnh mới của bạn và những công dụng của nó, tôi đã soạn ra phần chỉ dẫn để giải thích về phận sự của mỗi nút bấm trên một máy DSLR và ống kính tiêu biểu. Ðiểm đặt những nút này tùy thuộc theo mẫu máy, nhãn hiệu, và hạng máy, nhưng thường thường chúng được đặt ở một vị trí tuận tiện và mang sự hữu dụng tương tự như nhau. Học hỏi cách sắp xếp của một máy ảnh – trong trường hợp này, máy Nikon D5600 (một trong những máy mới nhất trên thị trường 2017) – sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những mẫu máy khác luôn.
Máy ảnh nhìn từ trên
Mặt trên của máy ảnh thường thường là nơi có chứa những nút điều khiển được dùng thường xuyên nhất. Có một vài máy ảnh chứa “cả đống” nút bấm và vặn ở trên, nhưng máy D5600 chỉ giản dị với một vài nút chỉnh chính yếu.
– Video start-stop button (Nút quay video) – Ðừng bấm nút đỏ! Trừ khi bạn muốn quay video, dĩ nhiên.
– Power switch (Công tắc mở máy) – Nút này bật máy lên và tắt máy. Nikon đặt công tắc này ở ngay nút bấm cửa chập. Những hãng khác đặt công tắc này ở nơi khác trên thân máy.
– Shutter release button (Nút bấm cửa chập) – Bấm nút này để chụp hình! Nút này được đặt ở cùng vị trí trên gần như tất cả máy ảnh thay ống kính được.
– Exposure compensation button (Nút bù sáng) – Khi bạn không chụp bằng mode Manual (Auto, P, S, A), nút này được dùng để ra lệnh cho máy lấy nhiều hoặc ít sáng hơn. Tuy nhiên, khi bạn chụp Manual, nhấn nút này xuống sẽ cho phép bạn chỉnh khẩu độ (aperture).
– Mode dial (Vòng xoay chọn mode chụp) – Bạn có thể chọn từ những mode chụp tự động (Auto, Program, Shutter Priority, Aperture Priority – được biểu hiện bởi những mẫu tự P, S, A) hoặc chụp tay (Manual – M). Ðối với hiệu máy Canon thì những mẫu tự này là P, Tv, Av, M.
– Live view switch (Công tắc xem Live view) – Nếu bạn muốn quay video thì bạn phải tác động Live View. Một số máy ảnh có công tắc, những máy khác thì có nút bấm. Máy ảnh loại mirrorless sẽ không có nút này, vì luôn luôn dùng Live view. Tuy nhiên, nếu bạn có một máy ảnh mirrorless với ống nhìn điện tử, bạn sẽ có một nút để chuyển từ ống nhìn qua màn ảnh phía sau máy.
– Command dial (vòng xoay chính) – Dùng để chỉnh tốc độ cửa chập và, khi nút Exposure Compensation (+/-) được nhấn xuống, chỉnh khẩu độ. Hầu hết các máy ảnh cũng dùng vòng xoay này để điều chỉnh những chức năng khác như ISO hoặc cân bằng trắng (White balance) khi máy D5600 và những máy “hạ tầng” khác có một vòng xoay duy nhất, những máy mắc tiền hơn thường có hai hoặc ba vòng, cho phép người chụp khả năng chỉnh những thông số chính như tốc độ cửa chập, khẩu độ, và ISO với vòng xoay riêng biệt.
Máy ảnh nhìn từ bên trái
Nói chung, những nút đặt bên trái của máy ảnh sẽ chỉnh những chức năng ít dùng. Tuy nhiên, trên máy D5600 có một vài nút chỉnh thú vị, đáng để tìm hiểu.
– Flash button (Nút bật đèn flash) – Vị trí của nút này có thể thay đổi từ máy này qua máy nọ, nhưng dấu hiệu “sét đánh” thì phổ thông, cho nên bạn sẽ luôn luôn tìm được nó. Phận sự của nút này là bật cho đèn trên máy mở lên.
– Function button (Nút chức năng) – Một số máy ảnh có hàng loạt nút này. Những nút chức năng rất tiện dụng vì chúng có thể được dùng để làm bất cứ phận sự nào bạn muốn.
AN