Menu Close

Mùa nước lụt

Kinh Xáng Bốn Tổng ngày…tháng.năm….

Chú Ba bầy trẻ,

Dường như đã lâu lắm rồi, tôi mới lại ngồi viết thơ này cho chú vì lo ba cái vụ nước nôi ngập lụt, tràn bờ tràn đập. Hầm cá bị nước ngập lé đé mấy bữa rày, nhất là con nước rằm tháng Tám. Bồ lúa cũng sình sụp vì cái sàn nhà bị nước ngập làm cho nó lún xuống, nghiêng một bên. Nhìn tới ngó lui, mọi vật chung quanh vườn tược như lúc nào cũng đang nằm khơi khơi trên mặt nước vào mùa lụt lội này… Loi ngoi lóp ngóp lắm chú Ba à!

Rồi sáng nay, thằng Tấn con của chú hai Tâm trên Chắc Cà Đao bơi xuồng vô tui, mời đám giỗ ông ngoại nó vào ngày mùng mười tháng Chín. Con cháu mà nó có lòng nghĩ tưởng đến mình, không ngại nước nôi lênh láng mà mời mình, nếu mình phụ lòng nó là mình không còn biết thế nào là lễ nghĩa nữa phải hông chú?

pic

Ở nhà quê mình, coi vậy mà nhất nhất việc gì cũng có cái lễ nghĩa trong đó nghe chú Ba. Gặp nhau chào hỏi là giữ lễ. Kính nhường là giữ lễ. Trên thuận dưới hòa là giữ lễ. Biết giữ tôn ti trật tự từ trong nhà ra tới ngoài đường là giữ lễ… Người già có cái lễ nghĩa riêng của người già, người trẻ giữ cái lễ nghĩa riêng của người trẻ… Xem vậy, việc lễ nghĩa là việc trọng.

Mình ở quê có cái dở là chậm chạp, quê mùa nhiều lúc như ngu, như dốt so với ba cái văn minh khắp hoàn cầu, nhưng bù lại, ở đây cái nền nếp lễ nghĩa vậy mà nó vững vàng cũng đỡ đỡ…

Cha mẹ thì việc con cái thờ kính là đạo đương nhiên rồi! Còn cô bác ra  cô bác, chú ra chú, anh ra anh, chị ra chị, em cháu ra em cháu là cái giềng mối rạch ròi rồi, không ai dám đi ra ngoài cái đạo ấy được. Người nào làm trái lại, người ta chê cười có nước độn thổ mà đi… Đó là cái lễ nghĩa trong gia đình.

Còn chòm xóm, bạn bè, bằng hữu việc giữ lễ nghĩa nó cũng quan trọng dữ lắm chú ba. Mình mà vô tình để thất lễ với người trong xóm một lần là người ta cứ nhắc hoài nhắc hủy, có khi suốt đời, không làm sao lấy lại cái tiếng tốt được. Ở nhà quê, có lần tui nói với chú coi vậy mà cư xử, ăn ở với nhau nó khó lắm!

Chú Ba bầy trẻ,

Nước lên rồi mưa dầm, lầy lội quá mạng. Vậy mà rồi tui cũng biểu mấy đứa nhỏ bơi xuồng ra Chắc Cà Đao dự đám giỗ ông ngoại thằng Tấn hôm mùng mười tháng Chín. Ông ngoại thằng Tấn là cậu ruột của mình. Bà con mà không lui tới nhau, càng ngày càng xa là vậy. Cho nên hồi Tía Má còn sống, lúc ngồi uống trà hay ăn trầu, tui nghe cha mẹ hay nhắc: “Bà con ngày một xa, sui gia ngày một gần” để chỉ cái tình ruột thịt nó lợt lạt khi mình ít tới lui thăm nom nhau, rồi mất gốc, mất nguồn mấy hồi.

Chú Ba bầy trẻ à, có đến đó mình mới thấy cái lễ nghĩa của em cháu nó thờ phượng ông bà nó, nó đối với chòm xóm, nó đối với cô bác, nó đối đãi với mình, mình đâm ra phục lớp hậu sinh nghe chú.

Việc cúng kiến, dù nó còn nhỏ nhưng nó làm cũng tươm tất lắm chú Ba à. Một mâm cúng cửu huyền thất tổ, một mâm cúng ông bà, một mâm cúng đất đai viên trạch, một mâm cúng cô bác khuất mặt và một mâm hậu thường để dành cúng vào buổi chiều.
Rồi nhang đèn, cúng ba tuần rượu, anh em con cháu, lớn trước nhỏ sau, cứ thế mà tuần tự van vái cúng lạy ông bà cho đến khi con cháu cúng xong, không còn thiếu đứa nào là đến phần cúng bánh, nước trà, giống y như hồi ông bà còn sống ăn cơm xong là trà nước vậy.

Chú Ba à, dù cúng kiếng mâm này, cỗ kia như vậy chỉ là việc hình thức mà ông bà không bao giờ đòi hỏi con cháu phải lo lắng tốn kém, nhưng cái hình thức nhỏ mà không làm được thì cái lòng hiếu để làm sao mà giữ được!

Tui dìa nhà cứ nói đi nói lại với mấy đứa cháu trong nhà để cho tụi nhỏ nó học cái gương lễ nghĩa đó, mà từng tuổi này tui còn phải phục và mừng.

Người đời thường cho rằng: “Cồng cộc bắt cá dưới sông, mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ.” Nhưng đâu phải lúc nào cũng đúng một trăm phần, phải hông chú? Nội ngoại “tương tề” mà!

Không có gì vô phước cho bằng con cháu trong nhà mà không biết lễ nghĩa, không biết thưa trình trên trước, không biết kính nhường trên dưới, không biết tưởng nhớ tổ tông, rồi để đời cái tiếng vô lễ, bất nhân, bất nghĩa trên miệng thiên hạ trong xóm, trong làng khó mà gột rửa cho sạch được!

Thời buổi này, mình nói chuyện lễ nghĩa, nó xưa như cái tuổi già cũ mèm của mình chú Ba. Nhưng nước ngập tràn đồng như cái biển, ở nhà quê mình mà không nói chuyện lễ nghĩa cho sắp nhỏ thì còn nói về cái gì lý thú hơn bây giờ phải không chú?

Nền văn minh vật chất như nước tràn bờ, còn cái “nếp nhà” ở nhà quê như căn nhà sàn trên vùng nước ngập, không biết nó trôi theo nước lúc nào! Phải vậy hông chú Ba? Mấy hàng thăm chú thím và sắp nhỏ.

Cuối thơ,

Hai Trầu

LTT