Menu Close

TO BE hay không TO BE?

Câu hỏi “to be or not to be” của nhân vật Hamlet trong một vở kịch của văn hào Shakespeare đã trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người trên thế giới. Hai chữ TO BE trong câu này thường được dịch sang tiếng Việt là TỒN TẠI. Cũng hai chữ TO BE ấy mà có thêm một động từ ở thể quá khứ phân tự theo sau thì nhiều khi không biết dịch sao! Đây là thể bị động cách được dùng để diễn tả một hành động gây ra bởi người hoặc vật thể khác đối với chủ ngữ. Chẳng hạn, to be raped là bị hãm hiếp; nhưng trường hợp bà Phó Đoan trong tiểu thuyết Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng mà nói là BỊ thì chưa chắc đã chính xác. Trong tiếng Việt, BỊ hay ĐƯỢC là hai trạng thái tâm sinh lý trái ngược nhau phải nói rõ, không thể ỡm ờ như trong tiếng Anh. Mới đây ở Toronto bên Canada, một thanh niên vừa được 19 tuổi đã ỡm ờ như thế khi khai với cảnh sát (bằng tiếng Anh) một chuyện xảy ra ngoài mong đợi đối với anh khuya Thứ Bảy đầu tháng này.

alt

Bảo Huân

Hôm ấy, anh đến một hộp đêm chơi rồi về thì được bốn phụ nữ mời đi quá giang trên xe của họ. Sau đó, những phụ nữ này lái đến một bãi đậu xe vắng vẻ và hãm hiếp anh. Tất cả họ đều là dân da trắng, khoảng 30 tuổi; đặc biệt người làm tài xế nói giọng Ăng Lê chính cống và tóc vàng. Không rõ giữa anh với họ có ân oán gì trầm trọng mà phải làm như thế? Chứ thường thì người ta đi khai, đúng hơn là đi khoe, với bạn bè để cho chúng ghen tị mới phải! Nhiều khi cảnh sát nghe khai như thế cũng thấy tức lây chứ phải không? Có một chi tiết đáng lý ra anh không nên khai, nếu muốn truy tố họ. Anh nói rằng cả bốn người ai cũng nặng khoảng 200 cân Anh, tức là gần một… tạ! Có phải vì lúc ấy thấy nét mặt mấy ông cảnh sát hơi có gì đấy nên anh vội nói thêm như thế để khỏi bị nghi ngờ là ĐƯỢC hiếp, chứ không phải BỊ hiếp chăng?

Tuy nhiên, cảnh sát bao giờ cũng nhìn vấn đề từ mọi khía cạnh, chứ không chỉ tâm lý. Về vật lý, muốn nâng (hoặc đỡ) một tạ thịt thì chân tay phải rắn chắc. Chứ mềm yếu như không có… xương thì chịu! Nếu kết hợp với yếu tố tâm lý (sợ hãi?) thì lại càng mâu thuẫn với lời khai. Dĩ nhiên ở lứa tuổi của anh, cách đây hai năm có thể bẻ gãy dễ dàng vài cái sừng trâu, thì vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” (TO BE hay không TO BE) nhiều khi (bất chợt) rất khó giải thích. Khi ra tòa, luật sư biện hộ có thể xoáy vào cái “tình ngay, lý gian” ấy để gỡ tội cho bốn cô kia. Cho dù lúc đấy anh đang nhìn ngang hay nhìn… trời thì người ta vẫn cần anh hợp tác một phần (nào đó). Nếu không thì những thân hình gần một tạ ấy khó có thể làm gì được… với anh. Nếu không thì Ủy ban Nobel đã chẳng trao giải thưởng về y học cho những nhà nghiên cứu có công tìm ra thuốc… Viagra. Có lẽ trong phần mở đầu (opening statement), luật sư biện hộ sẽ dùng lý luận ấy để lái các vị trong đoàn bồi thẩm. Ông Gerry Spence, một luật sư Mỹ nổi tiếng là “bất khả chiến bại” trong các vụ xử hình sự, cho rằng trong phần kết luận (closing argument), không nên lý lẽ mà chỉ dùng tình cảm để thuyết phục bồi thẩm đoàn. Ông  thường kể câu chuyện về cậu bé muốn lừa một nhà thông thái. Cậu bắt một con chim nhỏ và nắm chặt trong tay rồi hỏi nhà thông thái là con chim còn sống hay đã chết. Nhà thông thái trả lời rằng con chim đang ở trong tay cậu; cậu muốn để nó sống thì sống mà muốn bóp chết thì nó chết. Rồi ông (Spence) nói với bồi thẩm đoàn: “Thân chủ của tôi cũng đang nằm trong tay quý vị, hoàn toàn tùy thuộc vào tấm lòng của quý vị”.

Không ít luật sư hành nghề ở Mỹ, trong đó có gốc… Việt Nam, hồi trước hay bắt chước ông Spence dùng lại y chang câu chuyện ấy trong phần kết thúc phiên xử. Bây giờ nếu dùng nữa chắc sẽ gây phản cảm cho bồi thẩm đoàn vì đã quá nhiều người biết về ông Spence và câu chuyện ông hay kể. Tốt hơn nên dùng một câu chuyện khác mà không ít người… Việt từng nghe nhiều lần. Cũng trong một vụ xử án hiếp dâm, nguyên cáo là một phụ nữ khai rằng bà đã bị ông bị cáo ép vào tường rồi hãm hiếp. Quan tòa nhìn kỹ lại ông bị cáo rồi hỏi: “Bà thì thấp mà ông ta cao như thế thì làm sao ông (đứng) hiếp bà được?” Không chút ngần ngừ, bà trả lời: “Thưa quý tòa, bởi vì lúc ấy em đang… nhón chân lên ạ!”

Nhón chân nào cũng là nhón; TO BE hay không TO BE cũng đều  có thể nhón! BỊ hay ĐƯỢC, mãi mãi vẫn là một câu hỏi như Hamlet đã băn khoăn…