Như đã dự kiến, kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học (gọi tắt là thi tốt nghiệp, thi tú tài) được tổ chức vào đầu Tháng 6 qua tại Việt Nam đạt hiệu quả rất cao, gần 100% học sinh dự thi đều ‘bị’ trúng tuyển. Cả nước có độ một triệu thí sinh tú tài, vị chi độ một triệu người đủ tư cách dự kỳ thi tuyển sinh đại học vào đầu Tháng 7 tới.
Trong tình hình loạn trường, loạn bằng, loạn thất nghiệp như hiện nay, vẫn nhiều thí sinh coi việc mở được cánh cổng đại học là có ý nghĩa sống còn, quyết định vận mạng bản thân, gia đình, dòng họ. Từ ngày 18/6, chính thức có kết quả đậu tú tài tới ngày dự thi vào đại học, thời gian chỉ gấp gẫy hai tuần. Hai tuần để nhét toàn bộ chương trình giáo khoa, các bài tập, bài giải, bài mẫu, bài tham khảo, bài đọc thêm các loại (nặng chừng 2 ký lô) trừ phi đốt thành tro rồi …uống, may ra mới kịp! Một sinh viên, hiện đang học năm 3 Đại học Bách khoa, hồi tưởng lại quá trình học thi hãi hùng của mình ba năm trước: ‘Sau khi thi tú tài xong, làm bài được hay không, đậu hay rớt, có thể đoán biết 80, 90%. Dựa vào đó, lên Sài Gòn tìm ‘lò’ luyện thi liền chứ không đợi kết quả chính thức. Một tháng xa nhà, không có họ hàng để dựa cậy, nhóm bạn cùng quê phải cơm niêu nước lọ, share phòng trọ với nhau. Thành phố Sài Gòn to đẹp ra sao, con gái Sài Gòn dễ thương cỡ nào, chợ búa, phim ảnh, thời trang… tất cả đều ‘đui huyền mù’ hết. Mọi chuyện đều tiết kiệm tối đa. Tiết kiệm ngủ nghỉ, chơi bời, chuyện phiếm, tiết kiệm tắm giặt, nấu nướng, quét dọn… Mỗi thằng xí một góc. Thằng thì mắc võng nằm học, thằng thì leo lên yên xe ngồi học, thằng nhắm mắt, đi đi lại lại ‘tụng’ rì rầm, thằng vừa ăn mì tôm vừa lật sách, thằng vào toa lét ê a hàng giờ. Một tháng học thi, về sau nhớ lại mới thấy buồn cười, chứ hồi còn ‘hạ thủ công phu’, nếu không vì cơm cha áo mẹ công thầy thì đã bỏ cuộc’
Cấp tốc chọn lò luyện thi đại học
Có lẽ để tránh những mệt mỏi không đáng có như trên, năm nay, khuynh hướng nộp đơn dự tuyển vào các trường Sài Gòn đã giảm. Không hẹn mà nên, thí sinh các tỉnh miền Tây Nam phần, Đông Nam phần và Cao nguyên đều chọn cách ‘về tắm ao ta’. Một vị phụ huynh ở Bình Dương có con thi đại học tỏ ra rất thực tế. Chị nhận xét Bình Dương, Đồng Nai đủ loại trường đại học, công lập có, dân lập có, quốc tế có. Không phải như hồi xưa, muốn học luật phải về ‘con đường Duy Tân cây dài bóng mát’ ở Sài Gòn, muốn học chính trị kinh doanh phải lên Đà Lạt ‘đồi thông hai mộ’ (mới có chuyện trước năm 75, nhiều cậu ấm cô chiêu muốn lên Đà Lạt bay nhảy đã khăng khăng đòi gia đình cho học chính trị kinh doanh). Thời nay, chả cần đi Sài Gòn – Đà Lạt, cứ ngồi nhà, bỏ số tiền bằng giá một ký thịt heo ướp hàn the, hoặc một con gà… chết từ năm ngoái, là tha hồ lên internet ‘đao’ về một mớ bí kíp luyện thi đại học. Đồng Nai, Bình Dương có thế mạnh gốm sứ, cây công nghiệp, khu công nghiệp nên cho ‘sắp nhỏ’ học các ngành thiết kế mỹ thuật, nông lâm, trang trí nội thất, ngoại ngữ… là hợp nhất. Một vị phụ huynh khác, đang sở hữu hai ‘héc’ (hecta) tiêu ở Gia Lai, cũng đồng quan điểm ‘về tắm ao ta’ khi bắt con thi đại học Tây Nguyên thay vì đại học Sài Gòn xa lắc. Nhờ những cách nghĩ ‘liệu cơm gắp mắm’ như vậy, năm nay đại học Đồng Nai, Bình Dương, Tây Nguyên, Tây Ninh, Cần Thơ đều hỉ hả thông báo lượng hồ sơ dự thi của thí sinh tỉnh nhà và vùng phụ cận chiếm ưu thế.
Ngoài chuyện giảm lượng thí sinh các tỉnh ghi danh dự thi Sài Gòn, chung quanh kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay kẻ viết bài ghi nhận thêm một hiện tượng. Đó là hai ngành ‘hot’ các năm trước là Kinh tế, Ngân hàng, năm nay ế độ ‘thảm thiết’.
Nhận xét về sự tăng giảm của các ngành học, ngoài lý do kinh tế khó khăn, đầu vào đầu ra, tâm lý đám đông, còn phải kể đến ‘tâm tư’ người học, người nuôi học. Ông Nguyễn Thuần, một ông bố bán đồ điện tử chợ Dân Sinh nuôi con gái rượu đang học khoa Sử trường Đại học Khoa học- Xã hội & Nhân văn Sài Gòn bảo, ‘đẻ con, nuôi ăn học từ cấp 1 cấp 2, hết cấp 3 thì làm luôn một lèo cái cấp 4 cho nó tròn nhiệm vụ người cha’. Ông không hề tin vào kiến thức con ông sẽ có từ danh hiệu Cử nhân sắp tới, càng không hy vọng công ăn việc làm của con từ tấm bằng ‘không hơn giấy lộn’. Kẻ viết bài trách ông Thuần không có tầm nhìn xa, không cho con học Luật, Ngữ văn- Báo chí hoặc Hướng dẫn viên du lịch, những ngành hợp với nữ giới xinh đẹp, tháo vát, khỏe mạnh như con ông. Ông trợn mắt thúc cho một hồi, rằng học Luật, biết luật thì ngứa mồm hay cãi, hay cãi thì dễ ăn cơm tù, gương ông A, cô B, anh C sờ sờ, khiến ông không khỏi sờ sợ (!). Còn Báo chí, đã vào là phải viết, viết thẳng khó, viết cong càng khó. Cái mác nhà báo dễ ăn đường, và cả ăn đạn. Tù không biết giờ nào, chết không biết ngày nào. Không dám cho con học.
Giữa tháng 6, các sinh viên tình nguyện đã chực ở bến xe Miền Đông- chờ hướng dẫn đường sá, nhà trọ, trường thi… cho các thí sinh và người nhà lần đầu lên Sài Gòn
Một nhóm ‘Tú sĩ’, đang ở trọ luyện thi tại Thủ Đức, mặc dù phần lớn thời gian trong ngày phải vất vả thồ chữ, nhưng đôi lúc rảnh rang, cũng ‘lăn tăn’ tâm sự với kẻ viết bài, rằng học thì học, thi thì thi, chứ không hào hứng, tin tưởng tương lai. Thầy dạy họ, một cụ giáo về hưu quê Long An, là tác nhân truyền virus ‘không tin tưởng’, ‘không hào hứng’ đó. Ông cụ, có vẻ ỷ mình ‘ngoại càn khôn’ nên đã dám mạnh miệng chê bai mô hình chóp ngược của giáo dục Việt Nam là ‘mười ba con giáp không giống con giáp nào’. Cụ lý giải, ‘Thế giới người ta đi từ dễ tới khó. Mình ngược lại, đi từ khó tới dễ. Cấp 1, 2, 3 học cực kỳ khó, cực kỳ khổ. Nhưng tới cấp 4 đại học, là ‘bung vành’ hết. Sinh viên tha hồ tự do, học lè phè, thi ẩu tả. Trường đại học mọc ‘lền khên’ như cỏ dại. Năm 2000, cả nước mới có 153 trường Cao đẳng- Đại học, năm nay vọt lên 440 trường (77 trường dân lập), trung bình mỗi năm mọc thêm 10 trường đại học, cao điểm như năm 2006-2007 mọc tới 40 trường. Người ‘ngoài luồng’ không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi làm cách nào ‘mọc’ nhanh và nhiều như vậy, kiếm đâu giấy phép lập trường, mở ngành, tìm đâu nhân sự, lo đâu mặt bằng xây dựng, trang bị? Người ‘trong luồng’ trả lời huỵch toẹt, đầu tiên vẫn là tiền đâu. Thời giá bây giờ, phải giắt túi chục tỷ, mới nói chuyện mở trường.
Quan trọng nhất là khâu ‘chạy giấy ngoài kia’. Có giấy, mới có trường, bằng cách ‘đôn’- đôn trường trung cấp lên cao đẳng, đôn cao đẳng lên đại học, được ngay một mớ kha khá. Chuyện xây mới, đối đế lắm mới xây, mà cũng xây túc tắc, xây để quảng cáo là chính. Còn thì chỉ thuê mặt bằng, cải tạo, cơi nới, vá víu cơ sở cũ. Người dạy, thì vẫn các đào kép cũ, ‘tận vét’ các Tiến, các Thạc hưu, (thậm chí Tiến, Thạc ‘ma’). Vẫn chưa đủ, thì mở lớp ‘nặn thầy’ cấp tốc. Kết quả của phong trào ‘phủ sóng’ đại học toàn quốc là -chỉ tính sơ sơ từ năm 2006 tới nay- nhiều trường đã ‘sập ngành’ như Đại học Phạm văn Đồng, Đà Nẵng, đại học An Giang, Đồng Tháp, Văn Hiến, Hùng Vương (Sài Gòn), Chu Văn An (Hưng Yên)…. Tấm bằng đại học, nhất là đại học dân lập, bị từ chối thẳng thừng ở nhiều cuộc phỏng vấn xin việc. Cụ thể tỉnh Nam Định, năm 2011 đã tuyên bố không tuyển công chức tốt nghiệp đại học tại chức, đại học dân lập. Dĩ nhiên hành động ‘phân biệt đối xử’ này làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội của các đối tượng có liên quan, nhưng từ chuyện Nam Định dám chơi ‘bứt gân’, không thể phủ nhận đó là tiếng chuông báo tử cho mô hình đào tạo chóp ngược độc đáo của ngành ‘dục cái giáo’ Việt Nam. Nhưng thôi, trước mắt, năm nay, nói gì thì nói, cái chóp ngược kia vẫn cứ… không xuôi. Và thế là gần một triệu ‘Tú sĩ’ cả nước vẫn phải vui vẻ một cách đau khổ cùng nhau chơi trò dô ta, trèo tháp, dô ta…
Con đi thi, mẹ đi ‘hối lộ’ thánh thần. Hình chụp tại phủ Tây Hồ, Hà Nội
XH