Theo Tự Điển Việt Nam thì “đàn” là “nhạc cụ có dây hoặc các nốt phím dùng để tạo ra các loại âm thanh trong nhạc”. Khi nói đến “âm nhạc” thì chúng ta vẫn nghĩ tới những âm thanh réo rắt của những cây đàn dương cầm, vĩ cầm, tây ban cầm, hoặc những nhạc cụ dân tộc của chúng ta như đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn cò v.v… Đã là đàn thì phải phát ra những tiếng mà đại đa số thích nghe vì hay, còn như nếu không hay thì chiếc đàn đó cần phải đem đi sửa hoặc đem đi… vứt thùng rác.
Thật ra, khi dây dợ hẳn hoi thì đàn nào cũng là đàn hay cả, khác nhau chỉ là “thợ đàn” có lành nghề không thôi. Dương cầm sang trọng, vĩ cầm thanh cao. Đàn bầu cô độc, đàn tranh giao hoà?… thế còn “đàn bà thì sao? À, đây là câu hỏi không đơn giản, vì trong tất cả các loại đàn, thì “đàn” này hình như là loại đàn khó “chơi” nhất đấy bạn ạ. Khó là đúng rồi, vì nếu không thì ông nhạc sĩ Song Ngọc đâu có thốt lên câu: “Tôi ước mơ trong cuộc đời không có đàn bà. Đấy, bạn thấy chưa, nhạc sĩ là người rành rõi cung đàn nốt nhạc, mà còn thốt lên như thế thì anh em chúng ta, những kẻ nhìn nốt nhạc cũng như nốt ruồi thì làm sao mà có thể “chế ngự” được thứ “đàn” khó khăn ấy?Đàn

Tranh Đinh Cường
Đàn có phát ra được những tiếng thanh thoát hay không, réo rắt hay không thì ta phải nói tới người đánh đàn. Người thợ mộc thì phải biết sử dụng nhuần nhuyễn và thành thạo cái búa cái đinh. Người sửa xe thì phải biết phân biệt dầu nhớt, và người nhạc công thì phải biết thành thạo về nhạc cụ của mình. Không những chỉ đơn thuần biết đánh, mà còn phải đánh cho đúng thì nghe mới được. Nhưng làm “thợ đàn” thì khó hơn thợ mộc hay thợ may rất nhiều, bởi vì “thợ đàn” không những phải đánh cho đúng mà còn phải đánh cho “có hồn”. Có hồn là sao? Đơn giản là phải bỏ cả hồn của mình vào bản nhạc, có thế thì người nghe mới cảm được, mới feelings được nỗi xót xa, niềm hạnh phúc, nỗi buồn chứa chan hay niềm vui bất chợt của bài hát. Nói thì đơn giản nhưng thực tế thì không đơn giản chút nào đâu đó.
Có ông tâm sự rằng: “Đàn nhà người ta lạc dây thì chỉ việc thay dây là ngon lành trở lại, còn “đàn” nhà tôi thay bao nhiêu thứ rồi mà nó vẫn… lạc cung. Khổ thật!”.
Tội nghiệp, có lẽ vì ông bạn này thuở thiếu thời rất lười học, chỉ giỏi đòi mẹ sắm cho bằng được cây đàn, nhưng ôm về rồi thì lại không biết gảy?! Hay nói đúng hơn là gảy mà không gảy đúng nốt nên âm thanh phát ra chát chúa, nghe không lọt lỗ tai. Vậy thì chắc bạn phải đồng ý với tôi là đàn tự nó không hay ho gì cả, nó chỉ hay khi có người biết chơi nó đúng cách mà thôi. Còn như nếu bạn có cây đàn nào đó mà bạn không biết chơi, hoặc bị đứt dây hay lạc cung, thì bạn cứ để yên đấy, đừng đụng tới. Cứ treo nó lên trên vách để trưng, hay để làm kiểu cũng được.
Nghe tôi nói thế thì ông bạn tôi phá lên cười và bảo: “nhưng…cây “đàn” nhà tôi lại không có đẹp đẽ gì, nên để trưng cũng không ai thèm dòm”. Ối giời ơi, thế thì có chết không cơ chứ! Vậy thì tôi chỉ còn cách khuyên bạn là: “Hãy để dành thời gian học “đàn”, không được thoái lui hay lười biếng nữa, vì chỉ có thế thì mới “khắc phục” được cây “ĐÀN” mà bạn đã khó công hay… lỡ một lần khờ dại… tậu về mà thôi.
TH